Tin tức Việt

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng vỡ hay không?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng đang vỡ.


china-bubble


CNBC- 31 tháng 8, 2014


Người dịch: Kevin Bùi


Với anh bạn người Bắc Kinh 31 tuổi Wang Yuanzhi, nói về bong bóng bất động sản Trung Quốc không phải là điều gì rất đáng lo ngại.


“ Nếu anh nhìn vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc, nó đã trải qua thập kỷ hoàng kim của sự phát triển vô cùng nhanh. Vẫn còn chỗ cho sự tăng trưởng trong thị trường này, ngay cả trong mười đến hai mươi năm tới”, theo Wang, người đã mua một căn nhà được khởi công cuối tháng 12 năm ngoái. “ Toàn bộ chuyện bong bóng nhà đất chỉ là một cơn sợ hãi, tập trung vào các rủi ro mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt”.


Niềm tin cơ bản thể hiện bởi những cư dân như Wang có thể là những gì mà cơ quan chức năng Trung Quốc hy vọng sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi ở một thị trường đã chứng kiến giá giảm trong ba tháng liên tiếp.


Đối với các nhà quan sát khác, sự suy thoái trên thị trường bất động sản đã từng nóng bỏng của Trung Quốc đặt ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới.


“ Những rủi ro và mức độ ảnh hưởng của bất động sản không giống như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ, nhưng những bong bóng mới không bao giờ giống hệt những bong bóng trước đó (nếu không thì chúng đã dễ nhận ra),” theo Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng của Silvercrest Asset Management (SAMG).


“Mức độ bị ảnh hưởng của các ngân hàng Trung Quốc [và giờ đây là các ngân hàng trong bóng tối (shadow banks)] bởi bất động sản nhìn có vẻ khác so với đã từng xảy ra ở Mỹ, nhưng nó rất thật. Mức độ ảnh hưởng chủ yếu là sự lệ thuộc vào bất động sản thế chấp để hỗ trợ hầu như tất cả các hình thức cho vay trong nền kinh tế, một tình huống rất giống với Nhật Bản trong những năm 1980,” ông nói thêm, đề cập đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản Nhật Bản sau giai đoạn phát triển bùng nổ.


Tầm quan trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc không thể bị đánh giá thấp – nó chiếm khoảng 15% GDP và trực tiếp ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác như ngân hàng và xây dựng.


Rủi ro hệ thống?


Để kiềm chế sự phát triển bùng nổ trong thị trường nhà đất ở Trung Quốc và giữ giá cả phải chăng, Bắc Kinh áp đặt các hạn chế trong vòng 5 năm qua. Các biện pháp đó, cùng với nền kinh tế đang chậm lại giờ đây dường như đã có tác động.


Trung bình giá nhà mới tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0.9% trong tháng 7, sau khi đã sụt giảm 0.5% hồi tháng 6, và câu hỏi lúc này chỉ còn là sự suy thoái sẽ kéo dài tới khi nào.


“Thị trường bất động sản đã từng là khởi nguồn suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trong quá khứ- như Mỹ và Nhật Bản”, Dariusz Kowalczyk, một nhà kinh tế cấp cao tại Credit Agricole (Euronext Paris: ACA-FR) cho biết. “ Vì vậy, trường hợp xấu nhất cho thị trường nhà đất Trung Quốc là một một cuộc khủng hoảng kinh tế”.


Trong trường hợp của Trung Quốc, mở rộng tín dụng thúc đẩy thị trường nhà ở và khi tín dụng chậm lại nó có tác động trực tiếp vào bất động sản, các nhà kinh tế nhận định.


Họ chỉ ra rằng từ năm 2008, cung tiền của Trung Quốc mở rộng hơn gấp ba lần và rất nhiều tiền mà đã đi vào bất động sản. Dữ liệu mới nhất cho thấy, số tiền chảy vào nền kinh tế của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm vào tháng Bảy.


Dưới đây là kịch bản có thể xảy ra, theo Chovanec của Silvercrest


“Khi các nhà phát triển bất động sản không thể nhận được thêm tín dụng, họ phải giảm giá hàng tồn kho (và trả lại các khoản nợ của họ), dẫn đến các nhà đầu tư suy nghĩ lại về việc liệu có nên tiếp tục đổ tiền của họ vào bất động sản”, ông nói.


“ Doanh số bán hàng cạn kiệt, giá rớt, các nhà mới không được xây nữa, xây dựng hết việc, doanh thu bán thiết bị xây dựng, bê tông, sắt thép cũng cạn theo, đất không bán được, nguồn thu của chính quyền địa phương cũng biến mất và họ không thể trả được nợ… nói cách khác, giá tài sản rớt xuống cũng cắt đi nền tảng cho vay của cả quá khứ lẫn tương lai, và khi đó thực sự trở thành vấn đề cho toàn hệ thống”, Chovanec nói thêm.


Dong Tao, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á phi Nhật Bản của Credit Suisse ( Swiss Exchange: CSGN-CH) tại Hồng Kông, mô tả các nhà phát triển bất động sản là “mắt xích yếu nhất”.


“Nếu một nhà phát triển bất động sản gặp rắc rối, điều đó có thể có hiệu ứng domino lên toàn bộ phần còn lại của thị trường”, ông nói. “ Nếu không có hành động của chính quyền trung ương, sẽ có một sự suy giảm nghiêm trọng. Phải làm điều gì đó và thanh khoản có thể phải được nới lỏng để giúp các nhà phát triển bất động sản”.


Trong những tuần gần đây, các nhà phát triển bất động sản tầm trung như Greentown China Holdings ( Hongkong Stock Exchange: 3900-HK) và Shui On Land ( Hong Kong Stock Exchange:272-HK) đã ban hành cảnh báo lợi nhuận trong bối cảnh suy thoái thị trường nhà ở.


Một sự sụt giảm mạnh nhá già làm tổn thương niềm tin của người tiêu dùng là có thể thấy được khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm xuống dưới 5%, theo Kowalczyk của Credit Agricole. Để đặt con số đó vào bối cảnh, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 7.5%.


Hỗ trợ trong tầm tay?


Trong một nỗ lực để vực dậy thị trường bất động sản, một số chính quyền địa phương đã nới lỏng các hạn chế về mua nhà trong vài tuần qua và các ngân hàng nhà nước đã tăng mức cho vay đối với lĩnh vực này.


“Tôi quyết định sở hữu một chỗ ở bởi vì trong văn hóa Trung Quốc và truyền thống của chúng tôi, đó là điều quan trọng. Tôi muốn có nhà vì tôi sắp lập gia đình và tại sao phải trả tiền thuê khi có thể mua được nhà?, theo Wang, người trông đợi việc xây dựng căn nhà mới sẽ hoàn thành vào năm tới.


Các nhà phân tích thêm rằng, thực tế là các hộ gia đình Trung Quốc có mức nợ thấp là lý do tại sao không nên quá bi quan về thị trường nhà ở. Một báo cáo của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng Tư đã xếp hạng Trung Quốc ở mức thấp thứ tư về mức nợ hộ gia đình trong số 11 nước châu Á, vào khoảng 12% GDP.


“ Chúng tôi tin rằng suy thoái [trong thị trường bất động sản Trung Quốc] không giống như tình hình ở Mỹ khi dẫn tới Đại khủng hoảng, và hầu như không có khả năng gây ra khủng hoảng trên thị trường tài chính Trung Quốc hoặc quốc tế”, theo Clem Miller, chiến lược gia đầu tư tại Wilmington Trust Investment Advisors.


“Thứ nhất là, với các qui định về phần trả trước lớn, nợ thế chấp của Trung Quốc có tỷ lệ phần trăm thấp so với giá trị nhà cửa. Thêm nữa, các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc thường nắm giữ các tài sản thế chấp trên bảng cân đối của họ chứ không bán ra thị trường như một nghĩa vụ thế chấp tài sản cầm cố.


Các nhà phân tích nói rằng, không dễ gì sửa chữa những tai họa của thị trường bất động sản Trung Quốc- ngành này cần phải trải qua một giai đoạn điều chỉnh để giúp đặt nền kinh tế lên một cơ sở lâu dài an toàn hơn.


“ Tin tốt đối với Trung Quốc là họ sản xuất nhiều hơn tiêu dùng trong nhiều năm. Kết quả là, nếu đầu ra sụt giảm, họ có thể đủ khả năng để tiêu thụ nhiều hơn sản xuất”, theo Chovanec của Silvercrest.


“Nếu nền kinh tế loạng choạng, mức tiêu thụ và mức sống không nhất định cũng chùn bước theo. Trung Quốc có thể chịu được thâm hụt thương mại ( giả định rằng nguồn dự trữ ngoại hối của họ không bị cạn kiệt bởi nguồn vốn tư bản đại chúng bay đi). Điều này cung cấp một tấm đệm giảm chấn cho quá trình hiệu chỉnh đau đớn mà họ phải trải qua.


The post Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng vỡ hay không? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Khi Lòng Đã Tắt

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Khi Lòng Đã Tắt


despair


Quách Dự Tây – Triết Học Đường Phố – 17/9/2014


Tôi đang thắc mắc những người tham những, những người hủy hoại thế hệ đi sau, những người đạp lên đầu người khác giành sự tồn tại liệu có giật mình thức dậy lúc nửa đêm để thở hồng hộc với mồ hôi toát đầm đìa?


Nghĩ cũng ngộ, đất nước này chịu quá nhiều tổn thương trong suốt chiều dài lịch sử rồi (trong số những “vết thương” đó có tuyến đường sắt mà tới giờ không có cái thứ 2 thay thế trong trường hợp xấu nhất xảy ra, có những cây cầu già cỗi nhưng chưa có dấu hiệu thấm nứt như hầm chìm dưới sông hay nham nhở như đường cao tốc nào đó v.v..), hà cớ gì lại tiếp tục đóng cửa ẩu đả nhau để tự làm đau chính mình và người khác?


Nếu không làm việc gì xấu, nếu mình minh bạch thì mọi thế lực dù mạnh đến cỡ nào cũng không thể quật ngã. Vậy tại sao thỉnh thoảng lại chặn blog này blog kia, web này web nọ?


Tôi được coi là “chủ”, nhưng có cảm giác như tôi đang là “vật chủ” để bọn ký sinh trùng sống bám và hút triệt để đến giọt máu cuối cùng. Tôi kêu gào, tôi dùng dao thẻo từng thớ thịt để moi cho bằng được đám sinh vật vô lại ấy ra, nhưng chính hành động cầm dao của tôi lại bị quy chụp là có âm mưu sát hại đồng loại. Tôi mong chờ ngày được sang cái làng bên chữa vết thương, và khi tôi trở về, đừng gọi tôi là thằng phản bội làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên, bởi vì nơi đây không có nổi một bác sĩ giỏi để cho tôi một liều thuốc an thần chứ đừng nói chi là trị dứt căn bệnh trầm kha mà bọn tôi – công dân có chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưỡng theo đánh giá vớ vẩn nào đó – đang dính hàng loạt. Liệu có nên cảm ơn “những người dẫn đường thông thái”?


Nên đọc truyện cổ tích Việt Nam nhiều hơn nữa, Mai An Tiêm từng nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Chẳng lẽ ai cho cái gì mình cũng hí hửng nhận sao? Ví dụ: dân làng bán máu, bán mồ hôi và nước mắt để góp tiền mua siêu xe Bugatti Veyron và tin tưởng giao cho bạn để bạn lèo lái họ đi khai phá một mảnh đất mới – nơi chất lượng giáo dục và đào tạo sánh ngang tầm với thành thị, nơi người lao động không phải chật vật mưu sinh, nơi trẻ em, phụ nữ, người già được bảo vệ an toàn, nơi động vật hoang dã không phải kêu gào cùng những cánh rừng đang dần ngã quỵ, nơi khoáng sản sâu trong lòng đất có được giấc ngủ yên lành, nơi dân làng cùng báo chí có thể trải lòng ra một cách vẹn nguyên mà không bị kết tội phản bội, v.v..


Dù cho nó có bị gọi là “Utopi” đi chăng nữa – nhưng bản thân bạn không biết lái xe thì bạn cũng nhận sao? Bạn từng ngồi trên xe không có nghĩa là bạn biết lái xe, mà giả sử bạn biết lái xe chưa chắc gì bạn đã biết lái đến đúng chỗ mà dân làng muốn đến, bởi vì bạn cứ nghĩ lợi ích cho bạn thôi, bạn nghĩ là chỗ đó mới hợp với gia đình của bạn, để dễ dàng thâu tóm những vị trí đẹp nhất, sang trọng và tiềm năng nhất, chứ không phải gia đình của họ, dù họ chỉ cần những chỗ để ngã lưng một cách vô tư lự mà không phải lo canh cánh bị cướp bóc, trộm cắp và hiếp dâm! Đây chẳng phải là một điều đáng hổ thẹn, cần xin lỗi và cần trả xe lại cho dân làng để họ giao cho người phù hợp hơn sao?


Tôi cảm thấy lòng mình đã tắt với nơi đây rồi!


Khi lòng đã tắt, người ta không muốn hồi âm bất cứ cái thư gì của bất kỳ ai dù đã đọc đi đọc lại hàng chục lần (do ngày nào cũng check mail 5,6 lượt)…


Khi lòng đã tắt, người ta chỉ biết mỉm cười ban ngày với gia đình, bạn bè để rồi đêm về lúc chỉ còn một mình thì lại mếu máo như vừa mất đi thứ gì rất quý giá (giống Lão Hạc bán đi con chó Vàng).


Khi lòng đã tắt, người ta sẽ lắng nghe một cách quán tính những chia sẻ của người khác, lời nói đi vô lỗ tai này thì thoát ra lỗ tai bên kia, nếu cơn chán chường lên tới đỉnh điểm, người ta thậm chí còn hét toáng lên với người đang cố gắng kéo mình ra khỏi vũng lầy với bàn tay ấm áp và ánh mắt trìu mến nhất: “IM ĐI!”


Khi lòng đã tắt, người ta không còn chú trọng vào việc chăm chút cho bản thân nữa, người ta không còn sân si khi thấy người khác đang khoác những bộ cánh hàng hiệu, chạy con xe đắt tiền và xài điện thoại đời mới nhất nữa.


Khi lòng đã tắt, người ta coi chuyện tình cảm cũng chỉ là một liều thuốc an thần giống như một kẻ nghiện ngập đang tìm cách tái hiện cảm giác phê, đắm chìm trong thế giới màu sắc bay bổng bằng việc hút, hít, chích và cắn thuốc…


Khi lòng đã tắt, người ta lắc đầu trước những cơ hội việc làm, chỉ nằm bần thần ra đó hoặc đi ra đi vô như một bóng ma, lặng lẽ lướt trên đường phố và không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai.


Khi lòng đã tắt, người ta lao vào thế giới internet, ru ngủ mình bằng những lời khuyên sáo rỗng từ những fanpage hay status của bạn bè, nhanh chóng bấm like nhưng rồi cũng âm thầm bỏ đi.


Khi lòng đã tắt, người ta nghe nhạc với cường độ âm thanh lớn nhất nhưng giọng nói quá bé để có thể rên la như một con thú bị trúng bẫy, đang giẫy giụa từ ngày này sang ngày khác với luồng máu cạn dần.


Khi lòng đã tắt, người ta không còn tin nữa, không còn tin vào những phép màu nhiệm đã xảy đến trong quá khứ nữa. Người ta muốn tìm đến một tôn giáo để có thể trút bỏ những dối trá lọc lừa vô tình thu lượm được trong hành trình khổ đau kia.


Khi lòng đã tắt, người ta trở về đúng bản chất của mình, không còn đánh bóng vẻ hào nhoáng, không còn những xu nịnh, bon chen, không còn sự tự tin, năng động của một thời rực rỡ….


Và khi lòng đã tắt, nghĩa là người ta đã không còn mong chờ và đợi mong bất cứ điều gì nữa rồi…


Quách Dự Tây


The post Khi Lòng Đã Tắt appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

“Tê Tê Say Say” Cuối Tuần

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Dự báo… và… thực tiễn!


ng xuan kien2 2


Theo Blog Baron Trịnh – 18 Sep 2014


Báo Tuổi Trẻ … Cười


Tính đến nay đã hơn một thập niên trôi qua nhưng căn bệnh “tê tê say say” ấy vẫn còn là căn bệnh thuộc loại kỳ bí ở xứ ta. Căn bệnh kỳ bí ấy chỉ khu trú ở Hòa Bình không lây lan sang các nơi khác nên qua thời gian cũng trôi dần vào quên lãng chẳng còn nghe dư luận đề cập đến.


Thế nhưng gần đây khi một bệnh nhân tên Khoác ở Hà Nội được người nhà đưa tới danh y Bình Nhất Chỉ chẩn trị thì căn bệnh “tê tê say say” này – hoặc một căn bệnh tương tự như thế – mới được nhắc lại qua bài viết độc quyền của một tờ báo mạng đầy uy tín. Tờ báo này cho biết Khoác mắc phải căn bệnh “tê tê say say” từ năm 2009 nhưng người nhà giấu nhẹm, mãi đến năm 2013 bệnh tình phát tác trầm trọng mới phải đưa Khoác đến gặp Bình Nhất Chỉ.


Theo như người thân thuật lại thì bệnh nhân Khoác vốn là dân nghèo thành thị, là người tự ti mặc cảm ghê gớm. Ra phố cứ nhác thấy từ xa những người bảnh bao sang trọng là hắn đã mau chân vội vã lánh xa. Đặc biệt mỗi khi gặp người nước ngoài, nhất là khách Tây, bất kể đen hay trắng, Khoác luôn thể hiện sự hãi sợ sùng kính ra mặt.


Ấy vậy mà đùng một cái, từ năm 2009, Khoác cứ như người lột xác, mọi mặc cảm tự ti bỗng dưng biến mất. Thay vào đó là sự tự tin, thậm chí là sự tự tôn luôn xuất hiện qua vẻ mặt câng câng của Khoác. Giờ đây mỗi khi ra phố, Khoác chẳng còn hãi sợ bất cứ ông to bà lớn nào cả. Gặp khách Tây, Khoác còn chủ động tiến đến chìa tay ra bắt, miệng líu lo hế-lô, ô-kê um trời! Thế có lạ không chứ?


Dân cư trong khu phố Khoác ở càng lấy làm lạ hơn nữa khi thấy Khoác nói chuyện cứ như người sống trên mây. Khoác bảo: “Hôm qua ta vừa phóng phi thuyền lên hỏa tinh. Phi thuyền do chính ta chế tạo, phi hành gia toàn là người Việt mình cả. Lần phóng phi thuyền tới đây ta sẽ cho phi hành gia Mỹ, Nga, Trung Quốc đi ké. He… he…”. Tiếng cười của Khoác sặc mùi tự mãn.


vinashin


Khoác còn chỉ tay vào các ông Tây bà Đầm đang đi trên phố, nói với giọng mỉa mai: “Mấy người ngoại quốc này toàn đến đây làm thuê cho người Việt ta cả. Mụ Đầm này đang giữ trẻ và lão Tây kia đang làm đầu bếp nấu cơm tây cho một ông chủ người Việt đấy!”. Khoác chép miệng than vãn: “Mấy nước nghèo ở khắp nơi trên thế giới bây giờ xuất khẩu lao động qua nước ta ầm ầm. Quá nhiều người nước ngoài nhập cư lậu vào xứ ta kiếm sống. Các cô gái nước ngoài thì hè nhau kết hôn với đàn ông xứ ta để được làm cô dâu đất Việt, bất kể người đàn ông ấy già, trẻ, lành lặn hay thương tật. Thật là…”. Khoác thả lửng câu nói kèm theo một cái nheo mắt đầy ẩn ý tự hào!


Cả khu phố nơi Khoác cư ngụ đều cả quyết Khoác mắc bệnh nặng, bệnh “tê tê say say” gì đó mà người dân Hòa Bình đã mắc phải. Có người ngờ Khoác mắc bệnh tâm thần hoang tưởng bởi bất cứ lúc nào Khoác cũng cho rằng mình đang sống vào năm Bính Ngọ 2026. Khoác bảo: “Chúng ta đang sống vào năm con Ngựa, cả đất nước ta sẽ phi như ngựa, vượt lên tất cả các nước khác cho xem”.


Đưa Khoác vào bệnh viện tâm thần thì người nhà không nỡ, vả lại ngoài chuyện nói dóc với trạng thái “tê tê say say” ra, Khoác chẳng hề quậy phá, làm phiền bất cứ ai. Riết rồi người chung quanh xem Khoác như một chàng hề vô hại và đặt cho Khoác nghệ danh rất đặc trưng: Khoác Duy Lác!


Nhưng vợ của Khoác lại không muốn chồng mình là thằng hề dưới mắt mọi người nên thị kiên quyết đưa Khoác đến gặp danh y Bình Nhất Chỉ. Với chỉ một ngón tay trỏ chìa ra bắt mạch Khoác, Bình Nhất Chỉ đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bình đại phu nói với vợ Khoác: “Căn bệnh này tựa như bệnh “tê tê say say” nhưng không phải là căn bệnh mà bà con ở vùng cao tỉnh Hòa Bình mắc phải. Đây đích thị là căn bệnh “tự sướng” ở dưới vùng xuôi.


duong sat


Chị bảo căn bệnh của chồng chị phát ra từ năm 2009. Chính trong năm đó báo điện tử Bee.net có bài phỏng vấn ông Viện trưởng Viện chiến lược kinh tế-xã hội Việt Nam và Đông Nam Á. Ông Viện trưởng cho rằng: “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp ta hiện nay, chỉ cần 20-30 năm nữa Việt Nam sẽ là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 40 năm nữa Việt Nam sẽ đứng trong tốp 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.


Ông Viện trưởng này nhận định như thế lúc chưa xảy ra các vụ án Vinashin, Vinalines cũng như chưa xảy ra việc hàng vạn doanh nghiệp ở xứ ta phải ngưng hoạt động vì sản xuất khó khăn. Tuy nhiên nhận định của ông ta hồi đó đã khiến không ít người mắc phải căn bệnh “tự sướng” như chồng chị. Năm tới đây là năm Giáp Ngọ. Căn bệnh “tự sướng” này sẽ phi như ngựa với số người mắc bệnh tăng nhanh và bệnh của chồng chị sẽ trầm trọng hơn rất nhiều so với hiện nay”.


Vợ Khoác hốt hoảng hỏi: “Thế tiên sinh có thể chữa khỏi không?”. Bình Nhất Chỉ bảo: “Chắc chắn chữa khỏi nhưng chị cần phải suy tính kỹ càng, có nên để chồng chị tiếp tục “tự sướng” với căn bệnh này hay nên trả anh ta về lại với thực tế phũ phàng của cuộc sống hiện tại”. Bình Nhất Chỉ nói xong cầm bút kê toa đưa cho vợ Khoác, căn dặn: “Chị đem toa thuốc này về trao cho chồng chị đọc ắt sẽ hết bệnh. Muốn anh ấy hết bệnh hay không là tùy chị đấy!”.


Đúng vào sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, vợ Khoác trịnh trọng đưa toa thuốc của Bình Nhất Chỉ cho Khoác xem. Toa thuốc ghi rằng: “Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, tính đến năm 2009 Việt Nam đã bị tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore”.


Đọc xong toa thuốc, Khoác bỗng đùng đùng nổi giận đạp cho vợ Khoác một đạp mà rằng: “Tao đang “tê tê say say” vô cùng sung sướng sao mày lại chữa cho tao hết bệnh làm gì. Ngu thế không biết!”.

BÌNH NHẤT CHỈ


The post “Tê Tê Say Say” Cuối Tuần appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Hà Nội hay Sài Gòn?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu ‘dễ sống’ hơn?


saigon ha noi


BBC Tiếng Việt – Quốc Phương – 11 tháng 9, 2014


‘Tôi cho Sài Gòn 2 điểm và Hà Nội 1 điểm’, đó là phần cho điểm của một khách mời tham dự cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC với các khách mời hôm 11/9/2014 với chủ đề “Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu dễ sống hơn?”.


Từ Sài Gòn, hôm thứ Năm, khi được hỏi ở đâu dễ sống hơn, dễ làm ăn và dễ thở hơn giữa hai đô thị này, Tiến sỹ Alan Phan, blogger và nhà phân tích kinh tế, tài chính, nhận xét với BBC rằng cả hai thành phố với ông đều ‘xấu xí’ từ kiến trúc, đến cơ sở hạ tầng và ‘tệ hại’ về môi trường sống.


“Thực tình mà nói về văn hóa hay về bất cứ điều gì khác của hai thành phố này, tôi thấy nó rất là xấu xí, từ vấn đề kiến trúc, cho tới vấn đề con người, cho đến vấn đề hạ tầng cơ sở.


“Nghĩa là môi trường sống có thể nói rất là tệ hại,” người cho điểm khá thấp cả Hà Nội và Sài Gòn trên thang điểm từ một tới mười nói.


“Một trong những nơi tệ hại so sánh như những quốc gia mà tôi đã từng đi qua, mà tệ nhất là Nigeria hay là Bangladesh, còn tất cả những nơi khác đều có môi trường sống tốt hơn là Sài Gòn và Hà Nội.”


Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định chung và so sánh hai thành phố, mở đầu, Tiến sỹ Alan Phan nói:


“Hiện nay Sài Gòn tương đối cởi mở hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố rất năng động và đang cố gắng bắt kịp Sài Gòn, nhất là họ (Hà Nội) đang được dành cho những ưu đãi rất tốt.


“Xây dựng hạ tầng cơ sở, họ đã đầu tư rất nhiều. Tôi nghĩ trong vòng 10 năm nữa thì Hà Nội có thể bắt kịp Sài Gòn về môi trường sống.”


Bản sắc


“Theo tôi, Sài Gòn và Hà Nội, bản sắc gần giống nhau. Lý do tại sao? Là bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông”


Tiến sỹ Alan Phan


Khi nói về phương diện giữ gìn, phát huy ‘bản sắc’ cũng như về môi trường sống mà cả hai thành phố được cho là đang chịu sự cạnh tranh với một số thành phố, đô thị khác ở Việt Nam, blogger này nhận xét:


“Khi tôi nói về văn hóa, tôi vẫn thích thành phố Huế, hay là thành phố Hội An hơn là Sài Gòn với Hà Nội.


“Về môi trường sống, tôi nghĩ thành phố Đà Nẵng tương đối được hơn, đây là so giữa Việt Nam với nhau.


“Hay là về sống trong một cộng đồng, thì những nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long là những nơi khá là hấp dẫn. Và nói thêm nữa là những thành phố trên vùng Tây Nguyên, là những thành phố mà tôi rất thích.


“Bởi vì nó gần với thiên nhiên rất nhiều, dù rằng việc phá rừng gần như đã làm suy kiệt vấn đề này.”


So sánh về ‘bản sắc’ giữa Sài Gòn và Hà Nội, ông Alan Phan nói thêm:


“Vấn đề bản sắc, mỗi thành phố đều có một bản sắc riêng. Theo tôi, Sài Gòn và Hà Nội, bản sắc gần giống nhau.”


‘Đồng hóa’?


Và blogger này đưa ra lời giải thích:


“Bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông. Và sự đồng hóa, từ hồi di cư năm 1954, là đã có một sự thay đổi lớn về văn hóa, nhưng mà sau đó đến thời 1975, có thể nói văn hóa Sài Gòn bị biến đổi hàng ngày, hàng giờ.


“Và cho đến ngày hôm nay, như tôi nói chừng 10 năm nữa, có lẽ không phân biệt được giữa Sài Gòn với Hà Nội. Sài Gòn lúc nào cũng ảnh hưởng Âu – Mỹ nhiều. Hà Nội rất ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng hai cái đấy đang trở thành một hỗn hợp.”


Hôm thứ Năm, một khách mời khác của tọa đàm trực tuyến, nhà báo Phạm Tường Vân cho điểm Hà Nội 7/10 và Sài Gòn 8/10.


Bình luận với BBC về một bài báo gần đây trên tờ Bloomberg vốn gợi ý rằng Sài Gòn vượt xa Hà Nội trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, du lịch tới môi trường sống v.v…, nhà báo Tường Vân nói:


“Bài báo đó thích hợp với những người nước ngoài muốn dành thời gian khoảng 5 tới 10 phút để biết về một đất nước mà không phải trong mối quan tâm thường xuyên.


“Tôi nghĩ đó là concept (quan niệm) của tờ Bloomberg. Còn dưới góc độc của người trong cuộc thì tôi nghĩ có một cái nhìn rất là khác…”


‘Thiếu cân bằng’


“Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ”


Nhà báo Phạm Tường Vân


Về sự khác biệt của Hà Nội với Sài Gòn, cũng như căn nguyên của nó, nhà báo nữ nêu quan điểm:


“Ở một đất nước tưởng vậy mà không phải vậy thì sự khác biệt rất là dài về văn hóa. Một cuộc giao thoa văn hóa giữa đông và tây, một lộ trình lịch sử có nhiều biến động, chiến tranh, tác động của chính sách quản lý những cuộc di dân…


“Hà Nội sau năm 1954 và Sài Gòn sau năm 1975… có một sự khác biệt rất lớn, trước và sau giai đoạn lịch sử này.”


“Trong cái nhìn của tôi, tôi thấy Hà Nội có một cái gì đó giống nước Pháp, còn Sài Gòn giống với nước Mỹ. Nhưng Hà Nội sau năm 1954, có một sự thay đổi về xã hội, văn hóa.


“Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ.


“Và bản thân mỗi thành tố khi sinh ra nó đã chứa đựng một sự cực đoan nhất định. Và điều đó làm cho bản thân thành tố đó phải đối diện với một sự cực đoan mới, khởi sinh sau nó, giống như một phản ứng cân bằng.”


“Nhưng mà cái sinh sau nó cũng bị quá, nó cũng cực đoan, cho nên nó cũng cần có những mảng đối lập mới khác với nó, cho nên luôn tôi thấy Hà Nội là một sự thiếu cân bằng, nhưng nó cũng thú vị, sự thiếu cân bằng đó cũng thú vị.”


‘Tan biến theo thời gian’


Từ Bangkok, khách mời Phó Giáo sư, Tiến sỹ Montira Rato, giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt tại Đại học Chulalongkorn, nêu nhận xét về hai thành phố mà chị từng biết ở Việt Nam và so sánh với Bangkok.


Nhà nghiên cứu người Thái Lan chia sẻ với BBC sau cuộc tọa đàm trong một email viết bằng tiếng Việt:


“Nói thật lòng cả hai thành phố, kể cả Bangkok nữa, đều không phải là thành phố lý tưởng để làm ăn và sinh sống. Nhưng giữa hai thành phố này thì mình hơi nghiêng về Hà Nội dù nhiều người cho là không khí làm việc ở Sài Gòn thoáng hơn.


“Với tư cách là một người nước ngoài từ một thành phố nóng và nắng, tôi thấy Hà Nội thu hút và quyến rũ hơn, nhất là về mặt thời tiết, ẩm thực và văn hóa.


“Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian”


PGS. TS. Montira Rato, Bangkok


“Trong bài thơ “Nghe rét đến nhớ về Hà Nội”, nhà thơ Xuân Quỳnh kết thúc với câu thơ này “Em muốn mang một chút nắng về quê nhà”. Nhưng tôi lại ước Bangkok sẽ có những ngày mát lạnh như Hà Nội.


“Tôi cũng rất thích nét cổ kính bên cạnh những sắc màu hiện đại của thủ đô này. Hình ảnh của Hà Nội mà tôi nhìn thấy qua văn học, nhạc và họa là Hà Nội của trí tuệ và văn minh với phong cách riêng cả nếp sống và nếp nghĩ.


“Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian,” PGS. Rato nêu quan điểm.


‘Cái nhìn thoáng hơn’


Cho điểm Sài Gòn 8/10 và Hà Nội 6/10 là doanh nhân Nam Phạm, khách mời tham gia chương trình từ Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.


Khi được hỏi thành phố nào có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam sau hàng thập niên chấm dứt chiến tranh, kể từ diễn biến 30/4/1975, ông Nam nói:


“Con người Sài Gòn cởi mở, có những cái nhìn thoáng hơn con người Hà Nội. Vì vậy Sài Gòn từ xưa đến giờ vẫn là động cơ chính để thúc đẩy đất nước Việt Nam mình từ Bắc chí Nam đi lên.


“Hà Nội với những sự cực đoan như là nhà báo Tường Vân nói, với quyền lực chính trị nhiều hơn Sài Gòn rất là nhiều.


“Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi”


Doanh nhân Nam Phạm, Boston, Hoa Kỳ


“Nhưng nếu con người Hà Nội không có được một cái nhìn thoáng, không du nhập được những cái hay, cái lạ ở những vùng khác đến, thì tôi nghĩ rằng Sài Gòn lúc nào cũng đi trước Hà Nội, nhất là về vấn đề kinh tế.


“Và Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi.”


‘Cơ hội cho người trẻ’


Từ Sài Gòn, một nhà báo tự do đang làm cố vấn quảng cáo cho một công ty, người cho Hà Nội 6/10 điểm và Sài Gòn 9/10 điểm, so sánh hai thành phố từ góc độ cơ hội phát triển cho thanh niên.


Nhà báo Hoài Nam nói với BBC:


“Bản thân tôi, tôi thích sống ở Sài Gòn, bởi vì Sài Gòn đơn giản là chúng tôi rất thờ ơ với chính trị… Con người Sài Gòn đơn giản và khoáng đạt, con người Sài Gòn muôn mặt và đa dạng.


“Vì thế cơ hội đến với những người trẻ như chúng tôi ngay tại đất Sài Gòn rất là cao. Nếu như bạn giỏi, bạn có cơ hội để tồn tại và điều đó là lý do tôi thích ở Sài Gòn.”


Từ Hà Nội, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn trước hết bình luận về ý kiến của các vị khách mời khác.


Anh Tuấn nói với BBC:


“Trước hết tôi đồng ý với ý kiến của anh Nam Phạm đó là nếu như người Hà Nội cứ tiếp tục khư khư giữ chặt cái lối của mình mà cứ thế mà đi, thì quả thật chắc chắn là Hà Nội sẽ không bao giờ bắt kịp Sài Gòn…


“Chị Hoài Nam có nói ở Sài Gòn mọi người sống thoải mái hơn, vui vẻ hơn, cởi mở hơn, nhất là trong giới trẻ, thanh niên, bởi vì người Sài Gòn chỉ làm những gì mà họ muốn và họ ít quan tâm chính trị.”


‘Mùi của chính trị’


Theo kiến trúc sư trẻ này, có một sự khác biệt rõ rệt giữa Hà Nội và Sài Gòn, với một bên ‘thiên về ‘chính trị’ còn bên kia thiên về ‘thú vui, vô tư’ nhiều hơn.


Anh Tuấn nói với BBC: “Cũng phải nói luôn là ở Hà Nội, đấy chính là điều khác.


“Để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn. Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội”


Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, Hà Nội


“Đấy là cái mật độ và tỷ lệ những người quan tâm đến chính trị và có một thái độ giống như chị Tường Vân có nói, đó là sự cực đoan về chính trị theo mặt này hay mặt khác thì nhiều hơn ở Sài Gòn, theo quan sát của tôi.


“Sự khác biệt đó có thể nói lên là giữa một bên chúng ta để ý đến những cái diễn ra hàng ngày về mặt chính trị, và một bên là chúng ta để ý đến những cái chỉ thuần túy là cho niềm vui cho cuộc sống của mình, thì nó làm nên sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn.


“Nếu như chỉ để tìm một niềm vui hàng ngày trong cuộc sống, thì tôi, bản thân tôi là người sống ở Hà Nội, tôi cũng rất thích sống ở Sài Gòn, tôi cũng chọn Sài Gòn.


“Nhưng để phục vụ cho những mong muốn khác của bản thân, đúng như chị Tường Vân có nói, đó là về mục đích, hay như chị Nam có nói là trong cơ quan nhà nước, hay vị trí chính trị, thì không hẳn, nhưng để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn.


“Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội,” kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, người cho Sài Gòn 8 điểm và Hà Nội 6 điểm, nói với cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC từ Hà Nội.




The post Hà Nội hay Sài Gòn? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Nguồn Tin Mới