Tin tức Việt

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Trận Mưa Trái Mùa

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Trận Mưa Trái Mùa

Alan Phan

mua-saigon

6 Sep 2014

Chiều nay, một cơn mưa lớn chợt đổ xuống Saigon. Mưa xối xả, trời đen nghịt như không còn thấy ngày mai. Tôi định bay đi Bangkok, nhưng nghĩ chắc sẽ có màn đợi chờ bất tận ở phi trường nên phải kêu hủy và đổi lại chuyến sáng hôm sau.

Đứng trên tầng 18 của một chung cư, nhìn cảnh đoàn xe máy và biển người dưới kia đang bì bõm lội nước, tôi thấy bâng khuâng …vì kiên nhẫn của tha nhân và vì cái may mắn của mình. Một mặt, tôi thản nhiên lạnh lùng đến vô cảm, mặt khác tôi hay quay đi che dấu những mặc cảm tội lỗi…dù không biết mình đã làm gì mà guilty?

Guilty chỉ vì đang làm một người bình thường không thể thành siêu nhân như vài mong muốn của người khác? Guilty vì vô cớ tạo ra những xúc cảm nhất thời, phi lý chỉ để xáo trộn bình an nội tại?

Rồi bài Tristesse của Chopin lại tình cờ thánh thót trong playlist. Cốc trà xanh trong tay tôi chỉ chực muốn vỡ tan để rơi theo những giọt mưa tràn ngập ngoài kia. Rơi theo dòng nước vô tình, theo dòng đời quằn quại của những ngày xưa đã vỡ vụn.

&&&&&

Thực ra, tôi gặp My trong một ngày nắng ấm. Bầu trời xanh rực rỡ của ngày xuân, nhưng thật nóng. Cũng như Saigon 1975. Tết đã xong, mọi người quay về với công việc nhưng khá lo lắng về những tin chiến sự từ Cao Nguyên, nhất là những giao tranh quanh Pleiku. Hai chị em My vừa sắp xong bữa trưa ở Thiên Nam, ngôi nhà hàng Pháp hơi xập xệ đường Công Lý gần Chợ Cũ, nhưng chủ bếp thật tuyệt với những món nghề của mình.

Em My, Mai là nhân viên cũ của tôi trước khi chạy qua Esso vì “tiền bạc”, tôi vẫn đùa. Mai thô kệch, hơi mập, nhưng là một nhân viên tôi rất thích vì hiệu năng cao và tính độc lập. Nàng giới thiệu chị nàng, ca sĩ TL, và dù chưa gặp, tôi có nghe qua tiếng tăm. Vào đầu 70’s, Saigon rộn rập với những ca sĩ diễn viên mới được “lăng xê” cùng khắp, như hiện nay. TL nổi danh không vì giọng ca mà vì một chuyện tình gay cấn với một ông tướng trẻ đang đóng dưới Quân Đoàn 4. Dĩ nhiên, liên quan đến vài chuyện đánh ghen và những hầm bà nhằng khác của các cuộc tình tay ba, tay bốn. Tôi chỉ gặp ông tướng có 2 lần trước đây và cũng không theo dõi chuyện đàm tiếu sau hậu trường của thiên hạ.

TL không đẹp, nhưng có thân hình quyến rũ mà thanh nhã. Mái tóc mơ màng trên đôi vai hơi gầy, mắt to và buồn, dù mang vẻ tự tin nhưng cũng cho thấy những sợ sệt, phòng thủ. Tôi đùa với Mai vài câu rồi chia tay. Không suy nghĩ gì thêm về buổi gặp.

Sau đó, tôi quay lại với những bận rộn của tháng ngày đang tệ hại trên đất nước, nhất là khi Ban Mê Thuột thất thủ. Chuyện gia đình, chuyện tài sản, chuyện làm ăn, chuyện nhân viên, chuyện cứu trợ chiến tranh, chuyện dự đoán tương lai, các giải pháp ngắn trước mặt… cho thân nhân, bạn bè…

Cho đến khi Mai dẫn TL đến xin gặp tôi tại văn phòng đường Tự Do. TL nói dù gia đình là Bắc di cư, đạo Công giáo, từ Hố Nai…nhưng lý do nàng muốn tìm cách ra khỏi nước, không phải vì sợ mà nàng đã chán Việt Nam đến tận óc. Nàng nói trình độ Anh ngữ của nàng khá tốt, dù chỉ mới tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc. Nàng lại tháo vát và năng động, kiểu Hà Nội, nàng khoe. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng tối đó, ông tướng trẻ gọi phone. Ông nói,”anh quen biết nhiều người Mỹ, anh lo cho TL dùm tôi. Dù có gia đình, không thể sống chung với TL nhưng tôi yêu nàng vô cùng. Anh cứu được TL là anh cứu tôi. Ơn nơi anh đó”.

Huế rồi Đà nẵng lần lượt mất. Tình thế vỡ trận càng ngày càng đến gần, Nhưng cũng may, tôi lo được cho vợ con lên một chuyến máy bay di tản của hải quân Mỹ, nên cũng tạm yên. Bây giờ chỉ còn nhà máy, nhân viên và sự yêu cầu thường xuyên của các tổ chức từ thiện cũng như của các bạn Mỹ cần người giúp một tay trong việc tổ chức di tản. Mai và TL kêu điện thoại xin gặp mỗi ngày. Mai thì đã có Esso lo tổ chức tháo tán, còn TL thì rất cần tôi giúp đỡ, họ cầu cứu.

Cuối cùng, tôi nghĩ ra một giải pháp cũng tạm ổn. Peter là một đại úy quân lực Mỹ tôi quen cả năm nay qua câu lạc bộ USO gần Tân Sân Nhất. Câu lạc bộ có tổ chức một nhóm gọi là “Sunday Boys”, khoảng 50 người, phần lớn là sĩ quan và công chức dân sự của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Chỉ có mình tôi là Việt và 1 anh sĩ quan Mỹ khác gốc Tàu. Mỗi chiều Chúa Nhật chúng tôi tụ tập uống bia, nói chuyện khào và coi các trận bóng football và baseball truyền qua TV của quân đội Mỹ. Peter tốt nghiệp West Point, mẫu người nghiêm túc, làm cho DAO (cơ quan hành chánh và tiếp liệu của US Armed Forces in Vietnam). Gia đình từ Kansas hay Oklahoma gì đó, ngoan đạo, chưa vợ và không như các bạn trẻ khác, thích đọc sách, mê tìm tòi về các vấn đề chính trị, xã hội…thay vì xuống các khu bán bar trong giờ nghỉ ngơi.

Tôi phone Peter giới thiệu TL vào làm cho DAO. Thường thì thủ tục an ninh lâu lắc nhưng Peter nhận lời ngay vì DAO đang cần thêm nhân viên tin cậy phụ giúp trong việc tiêu hủy các hồ sơ trước khi di tản. Hắn đồng ý trả gấp ba lương, vì công việc chắc cũng kết thúc trong vài tuần. Tôi nói với TL là em làm trong đó may ra kết nối được vào đường giây “di tản” và lợi dụng mọi cơ hội em tìm được. Trong thâm tâm, tôi nghĩ khi Peter gặp TL, hắn sẽ mê ngay, vì vẻ đẹp quyến rũ Đông Phương và vì sự thông minh cùng học thức của nàng. Nếu Peter giúp, chắc chắn TL sẽ có chỗ trên những chuyến bay hàng ngày của DAO ra khỏi Việt Nam.

Tinh-Yeu-Trong-Mua-10-300x181

&&&&&

Tôi hẹn TL vào chiều hôm 20/4 gì đó. Tôi ghé đầu hẽm của đường Yên Đỗ sau bữa ăn trưa; đợi để đưa nàng đến DAO Tân Sân Nhất. Một trận mưa trái mùa, như hôm nay, chợt đổ xuống Saigon như thác nước. Không có điện thoại di động như ngày nay, và hẽm nhỏ xe hơi vào không được, tôi chỉ biết ngồi trên xe chờ. Nhưng đúng giờ, nàng đội mưa chạy ra, hẽm sâu nên áo quần ướt đẫm. Tôi nghĩ đây không phải là thời trang để đi xin việc, nên nói tài xế chạy quanh thành phố, hy vọng chiếc máy lạnh trong xe sẽ làm khô bớt áo quần.

Rồi tôi nhìn lại TL. Chiếc áo dài mầu trắng mỏng, ướt nước cho thấy một thân hình rạo rực căng phồng theo từng nhịp thở. Mái tóc rối tự nhiên tạo một khuôn mặt mới thời sơ khai. Vẻ đẹp thần thoại của một vệ nữ bên bờ suối, cộng hưởng với mùi nước hoa lài, làm da thịt tôi cũng muốn vỡ tung theo ham muốn. Nàng nhìn tôi âu yếm, đôi môi đợi chờ. Không biết chúng tôi đã hôn nhau bao lâu, bao lần…nhưng mỗi khi buông ra để kịp thở, trận mưa ngoài kia và trong này đã xóa mờ mọi ký ức.

Tôi nói tài xế ngừng ở một quán vỉa hè, bỏ ông ta xuống, rồi tôi tự lái xe vào khu rừng cao su phía sau nhà máy nước Thủ Đức. Tôi chạy tuốt vào phía trong, thật sâu, thật xa…đậu xe dưới hai tàn cây lớn và quên đi mọi thứ. Quên suy nghĩ về cơn mưa xối xả vẫn nặng hột trắng xóa khu rừng, quên cả lo lắng về hiểm nguy rình rập chung quanh (ngày đó thường không sợ ăn cướp mà chỉ sợ các nhóm Việt Cộng lẻ tẻ). Quên cả tình hình quân sự chính trị xã hội, quên cả anh hùng và nạn nhân, quên cả cuộc đời sau lưng và toan tính trước mặt.  Gần tối chúng tôi mới buông nhau ra và tìm đường ra khỏi khu rừng, quay lại tìm ông tài xế và Saigon. Cơn mưa đã tạnh.

“Tên thật của em là Hoài My, đừng gọi em bằng TL. Em muốn bắt đầu sống thật với mình”. Đêm đó. tôi và My ôm nhau ngủ trong căn phòng riêng của tôi ở khách sạn Continental. Và cả tuần sau đó. Chúng tôi cứ khất chuyện gặp Peter vì cả trăm lý do không rõ ràng. Và tôi cũng chẳng suy nghĩ ra được “giải pháp” khác nào cho My. Cả hai đứa cùng chặc lưỡi,” đến đâu hay đó”. Đâu và đó lại rất mù mờ. Nhưng chúng tôi sẽ có nhau trong những tháng ngày hỗn loạn oi bức. Và chúng tôi đã tìm ra một thanh bình nội tại cho tâm hồn, a separate peace kiểu Hemingway, dù tôi vẫn lăng xăng suốt ngày lo “chữa những đám cháy” chung quanh.

Một tuần sau, ngày 27/4, tôi “dọn” hẳn vào Tòa Đại Sứ Mỹ vì các bạn trong đó cần người phụ toàn thời gian. Tôi dặn ông tài xế, bất cứ biến cố gì xẩy ra, ông chạy đến nhà cô My và chở cô vào Tòa Đại Sứ. Tôi nói với My anh sẽ lo mọi chuyện về giấy tờ. Cũng ổn thôi.

&&&&&

Ngày 30/4, khi không còn gì để chờ đợi, trực thăng đưa tôi ra hạm đội Mỹ ngoài khơi. Trước đó, tôi không thể ra khỏi cổng của Tòa Đại Sứ để tìm My vì đám đông dân xin di tản đang vây quanh trong tuyệt vọng và bắt đầu bạo động. Tôi guilty nghĩ về My, bâng quơ nhìn bóng tối mịt mùng quanh boong tàu và cầu xin một cơn mưa thật lớn xóa nhòa đi cơn ác mộng.

Giữa tháng 5, khi đã định cư ở California, tôi liên hệ với Esso và gọi được Mai đang tị nạn tại Singapore và đang được Esso bảo trợ giấy tờ qua Mỹ. Mai cho biết cả 2 ngày 29 và 30/4, ông tài xế có đưa chị My đến gần Tòa Đại Sứ, nhưng không cách gì lọt qua biển người đang vây quanh. Chị đành về và khóc sướt mướt cả vài tuần sau đó. Tôi thấy lạnh buốt tận đáy lòng, dù California đang chuẩn bị vào hè. Mùa đông của My thì mới bắt đầu.

Vài tháng sau, Mai viết thư báo một tin vui. My vừa lấy “chồng”. Ông xã (?) cũng là một sĩ quan cấp tướng, bên thắng cuộc, làm chức vụ cao ở miền Nam. Nàng đã dọn vào ở một biệt thự ông tướng mới chiếm được trên đường Tú Xương, người hầu kẻ hạ, xe hơi tài xế…tóm lại, một cuộc sống triệu lần “ngon” hơn thời trước 1975. Lòng tôi ấm lại. Tôi biết My sẽ đủ khôn khéo để vượt qua mọi trở ngại và nàng xứng đáng với cuộc đời nhung lụa mới. Tôi không còn bị ám ảnh bởi cảm giác guilty. Cơn mưa lớn ngày xưa đã hoàn toàn tạnh ráo.

&&&&&

Thơi gian lại tiếp tục trôi. Tôi loay hoay với cơm áo gạo tiền cho vợ con, thao thức với tham vọng ngất trời của tuổi trẻ và sự đam mê kinh doanh thường trực. California lại ít mưa. Câu chuyện về My chỉ còn là một âm vang rất nhỏ trong tiềm thức.

Tôi cũng không liên hệ gì nhiều với Mai, dù nàng định cư sau đó ở Texas. Cho đến cuối 1979, Mai lại thư cho tôi về My. Nàng không nói lý do, và tôi không hỏi; nhưng My đã ly dị với ông tướng và đã vượt biên trên một con tàu đánh cá phát xuất từ Hà Tiên. Gia đình đang lo lắng vì cả 2 tháng sau khi vượt biên, không ai nhận được tin tức gì từ nàng hay từ những người cùng đi trên tàu.

Lòng tôi lại chùng xuống vì guilty và bất lực. Tôi tiếp tục hỏi thăm Mai cũng như những thuyền nhân vừa đến các trại tỵ nạn bên Mã Lai, Indonesia…Không ai biết gì, cả năm sau đó.

Một lần đi trên một du thuyền từ Kota Kinabalu về Singapore, tôi mua một bó hoa thật lớn, rồi thả từng cánh dọc theo sóng nước trên eo biển mà tôi nghĩ là ngôi mộ lớn của My. Có lẽ nàng cũng biết. Tôi vừa thả xong nhánh hoa chót, thì trời chợt mưa tầm tã. Cơn mưa ngày nào trên vườn cao su, cơn mưa ngày nào trên số phận đất nước, cơn mưa ngày nào trên nỗi đau của từng con người.

Guilty as charged.

Alan Phan

 

The post Trận Mưa Trái Mùa appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

NHỮNG LỜI CUỐI CHO 30/4/2015

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

NHỮNG LỜI CUỐI CHO 30/4/2015

(Trước Khi Khép Lại)

chienDichHCM300409

MỘT:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên án các tội ác của Mỹ trong chiến tranh VN

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã phát biểu như vậy hôm nay tại buổi lễ đánh dấu ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam ở Sài Gòn.

 

Trong bài phát biểu, ông Dũng nói rằng, 40 năm trước, “đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ” và “gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta”.

 

Ông cũng cũng ngỏ lời “chân thành cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa nhất là Liên Xô, Trung Quốc” đã giúp chính quyền Hà Nội trong Chiến tranh Việt Nam.

 

Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Việt Nam cũng nêu lên cuộc chiến “bảo vệ biên giới phía bắc”, và “biên giới phía tây nam”, nhưng tránh nhắc tới Trung Quốc.

(Theo BBC và RFA)

HAI:

Xem pháo hoa với bữa ăn tôm hùm 10 triệu

Để ngắm pháo hoa ở vị trí đắc địa nhất hồ Gươm tối 30/4, một gia đình đã lên tầng 5 Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) đặt bữa tối với tôm hùm Canada, giá niêm yết là 10 triệu đồng

Một nhà hàng tại tầng 5 Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) có bữa tối với tôm hùm Canada và xem pháo hoa tầm cao ngay cạnh Bưu điện Hà Nội. Tôm ở đây có giá 3 triệu đồng/kg. Tổng chi phí cho bữa ăn với 2,5 kg tôm hùm này là 10 triệu đồng (bao gồm cả phí phục vụ). cho một người.

(Theo BizLive)

BA:

GS Nguyễn Văn Tuấn: Hào Nhoáng Việt Nam

Hôm nay là ngày 30/4 rồi. Sáng nay, nhâm nhi cà phê và đọc được bài viết dưới đây (đăng trên bbc) tôi thấy đáng để chúng ta suy ngẫm trong ngày lịch sử này. Cái câu trong bài này làm ám ảnh tôi là:

“Đàng sau cái hào nhoáng bên ngoài của những thay đổi vừa nói là một sự thật còn đáng sợ hơn: Chủ nghĩa Tư bản Đỏ, một sự liên kết tuyệt hảo giữa nền độc tài chuyên chế của CNCS và sự bóc lột ghê sợ của CNTB sơ khai tạo nên một môi trường tuyệt vời cho tầng lớp cầm quyền.”

Ai cũng thấy điều này. Tôi cũng thấy. Những người giàu nhất ngày nay là con cháu của ai thì chúng ta đã thấy. Người dân bỏ ra 20 năm hi sinh xương máu để 40 năm sau đem lại giàu có cho một nhúm nhỏ hoàng tử công chúa Đỏ.

Câu đó làm tôi nhớ đến bài nói chuyện hôm qua của một ông giáo sư tên là MF Good (dân Queensland), rất nổi tiếng trong lĩnh vực vaccine. Ông được Viện mời đến khai mạc một hội nghị, và sẵn dịp nói về công việc nghiên cứu vaccine của ông. Vào bài giảng, ông hỏi diễn đàn là: các bạn nghĩ rằng Úc là nước thuộc thế giới “developed countries” hay là “developing countries”. Trước một câu hỏi lắt léo như thế, cử toạ ngần ngại trả lời, nhưng ông nói “Thôi, để tôi trả lời”. Và, ông trả lời bằng cách trưng bày một bức hình rất “ngon lành” trong một khách sạn sang trọng ở Sydney; sau đó, ông trình bày hàng loạt bức hình mà người thổ dân ở Queensland sống khổ cực ra sao, nhìn cái nhà bếp mà phát ghê, trẻ con thì ngơ ngác cứ như là bên … Việt Nam. Thật ra, những bức hình đó – nếu không biết chụp ở đâu – người ta sẽ thấy sao mà giống Việt Nam thế! Ông kết luận rằng đừng có nghĩ những cái hào nhoáng ở Sydney, Melbourne, Brisbane, v.v. mà nghĩ rằng mình là thuộc thế giới “developed countries”. Sau đó, ông mới vào nội dung chính của bài giảng (tức là vaccine).

Thành ra, khi đọc câu trên của tác giả Đoàn Xuân Tuấn, tôi liên tưởng ngay đến lời khuyên của ông MF Good ngày hôm qua. Đừng có nhìn cái hào nhoáng bề ngoài của Việt Nam mà nghĩ rằng nước mình đã thoát nghèo. Những cửa hàng LV, Herme, Rolex, Gucci, Chanel, v.v. ở trung tâm Quận 1 không thể nào che dấu được những cái ổ chuột chỉ cách đó vài trăm mét. Chỉ cần đi ra ngoài các quận thì sẽ thấy cuộc sống thật của người dân còn khốn khổ ra sao. Ngay tại khu Quận 7, chỉ cần đi ra vài km là thấy ngay một thế giới khác, thế giới của những người nghèo sống trong những căn chòi lụp xụp, với thu nập 2USD/ngày. Tôi không biết những quan chức, những người lái xe BMW, Mercedes, Audi, v.v. có chạnh lòng khi đi ngang qua những khu đó.

Mà, chẳng phải chỉ ở Sài Gòn mới có 2 thế giới như thế. Ở Nha Trang cũng thế. Tôi từng lang thang ở Nha Trang cả 2 tuần, và nghiệm ra một điều là có 2 Nha Trang trong Nha Trang: một bên mặt tiền là những khách sạn 4-5 sao sang trọng, hàng quán đắt tiền dành cho người Nga và Tây; và phía bên trong là nơi luộm thuộm, thiếu trật tự, hơi dơ dấy và chủ yếu là nơi sinh hoạt của người địa phương. Nhìn bề ngoài thì phồn vinh đấy, nhưng nhìn sâu hơn thì sẽ cho ra một bức tranh hoàn toàn khác. Nơi đây chính là phản chiếu của một Việt Nam thu nhỏ.Thật ra, bất cứ chỗ nào tôi đi qua, từ Nam chí Bắc, đều có 2 thế giới: một thế giới của hào nhoáng, và một thế giới của nghèo khổ. Cái hào nhoáng nó không đủ bóng để che lấp cái nghèo khổ.

Trước 1975 thì người ta còn có lí do để đổ thừa cho bọn Mĩ Nguỵ chúng nó tạo nên cái hào nhoáng bề ngoài. Trong thực tế, cái khái niệm (tôi nâng tầm) “hào nhoáng bề ngoài” là chiêu tuyên truyền được giới tuyên truyền ngoài Bắc ưa chuộng. Nó không sai, đúng là có hào nhoáng bên ngoài. Nhưng nó sai ở chỗ là thời đó, người dân sống tương đối ấm no hơn bây giờ. Nhưng cái hào nhoáng đó sau một thời gian nằm im thì nay đã sống lại và còn ghê gớm hơn xưa. Người giàu là các thái tử đỏ. Người nghèo đói thì muôn đời vẫn là dân đen. Đói đến nỗi phải đi làm thuê, thậm chí bán thân, ở nước ngoài và bỏ mạng. Làm thuê và bán thân ở những nước mà trước đây họ thấp kém hơn ta. Phải nói đó là một nỗi quốc nhục.

Câu hỏi đụng chạm là: Ai phải chịu trách nhiệm cho nỗi quốc nhục đó. Nói chuyện với các quan chức thì họ đổ thừa cho chiến tranh, cho việc Mĩ và thế giới cô lập, cho lí do “khách quan”, vân vân. Nhưng tất cả những lí do đó không thuyết phục. Mĩ Nguỵ không còn nữa. Chiến tranh đã chấm dứt 40 năm rồi. Đất nước đã thống nhất rồi. Tài nguyên đã và đang được khai thác tối đa, gần cạn kiệt rồi. Nước ngoài họ cho vay liên tục. Không thể đổ thừa cho Mĩ Nguỵ, chẳng thể đổ thừa cho chiến tranh, càng không thể nói vì chúng ta không có tài nguyên. Nhìn sang các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan, hay xa hơn chút là Nhật, người ta chỉ cần 20-30 năm để hoán chuyển đất nước từ nghèo thành giàu. Còn VN thì đã 40 năm, mà xu hướng nghèo vẫn chưa có dấu hiệu cải tiến.

Cụ Nguyễn Du có một câu cũng hay “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Tôi muốn hiểu theo “nghĩa hiện đại” là đã mang cái gông/nghiệp chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản vào thân, thì đừng trách ai làm cho mình nghèo. Chính mình làm cho mình nghèo. Nhà văn người Nga Fyodor Dostoievsky (thuộc hàng “favorite” của tôi) có một câu rất hay và tôi hay lấy ra làm châm ngôn là “We are all responsible for everyone else” (chúng ta chịu trách nhiệm cho mọi người khác). Tôi nghĩ câu đó rất đúng cho những người đang cầm quyền.

PS. Kể thêm chuyện vui ngày hôm qua về ông Good và câu chuyện với con ông. Ông kể rằng một hôm, đứa con trai 22 tuổi của ông mới xong cử nhân thương mại hỏi: Ba nghiên cứu vaccine bao lâu rồi. Ông trả lời là trên 20 năm rồi. Ba tìm ra vaccine nào chưa? Chưa. Vậy thì hoặc là ba kém quá, hoặc là ba nên tìm việc gì khác để làm đi, chứ trong doanh nghiệp không có ai đầu tư suốt 20 năm cho ba như vậy đâu. Ông nói lúc đầu mới nghe, ông cũng nóng lắm, nhưng nghĩ lại thì không nên đối thoại với bọn làm kinh tế này được. Nhưng ông nói từ đó ông làm việc nhiều hơn, và mãi đến 2 năm trước mới làm được một vaccine sốt rét, nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu. Câu chuyện của ông làm tôi tự hỏi không hiểu sao ở VN người ta nói là làm ra vaccine hoài. Chắc là các nhà khoa học vaccine ở VN tài giỏi hơn các nhà khoa học Úc?
====

BỐN:

Chờ nhìn quê hương Việt Nam sáng chói

Đoàn Xuân Tuấn (Theo BBC)

Không nhớ rõ năm nào của đầu thập niên 80 thế kỷ trước, với cây guitar, tôi hát bài này trước lớp trong môt giờ họp với thầy chủ nhiệm.

Thầy không biết tôi sẽ hát bài gì, đến khi tôi bắt đầu hát bài “Chờ nhìn quê hương sáng chói” của Trịnh Công Sơn thì đột nhiên thầy tỏ ra e ngại thấy rõ. Hát vừa xong cũng là lúc thầy nhẹ nhàng bảo: “lần sau em không được hát những bài nhạc phản động như thế nữa”.

Thật sự không giận thầy vì biết rằng nhạc miền Nam, dù là nhạc “phản chiến” của Trịnh Công Sơn mà khi chính quyền chưa cho phép thì cũng là nhạc phản động. Dù vậy chẳng hiểu sao mình vẫn mang cái cảm giác ấm ức sau chừng ấy năm mỗi khi nhớ lại.

Cái mong chờ của Trịnh Công Sơn, theo nhiều người, dường như đã đến và đã qua đi được 40 năm.

Cũng trong những ngày đó, chính Trịnh Công Sơn là người hân hoan lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” để chào mừng cái ngày ông hằng chờ mong. Và bây giờ, như một điệp khúc tồi tệ, 30/4 lại về.

Chỉ một tờ lịch mà có đủ khả năng khơi dậy bao loại cảm giác cho bao nhiêu triệu con người Việt Nam của cả hai phía thắng thua. Giữa bao cảm xúc, giữa bao câu chuyện của những người trong thế hệ trực tiếp ảnh hưởng bởi ngày này là những câu hỏi chen lẫn những tiếng kêu gọi Hòa hợp Hòa giải dân tộc. Nên chăng và đến bao giờ?

Tôi nhớ lại cái cảm giác xúc động và mừng vui khi được xem TV chiếu trực tiếp cảnh dân chúng đạp đổ bức tường Berlin tháng 11 năm 1989.

Là người vừa thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam chưa đầy một năm trước đó và đã từng được theo dõi cuộc tàn sát đẫm máu sinh viên Trung quốc bởi chính quân đội “nhân dân” Trung quốc trong sự kiện Thiên An Môn tháng Tư 1989, lẽ đương nhiên tôi cảm thấy phấn khích trước một điều dường như không tưởng vào thời điểm đó: ngày cáo chung của Chủ nghĩa CS đã bắt đầu.

Không ai có thể nghĩ rằng Liên xô và khối XHCN lại có thể sụp đổ, sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn với rất ít máu rơi như thế. Và lẽ đương nhiên, tôi liên tưởng và hy vọng cho một Việt Nam. Tôi chờ, lại chờ…!

Nước Đức và Việt Nam

25 năm sau, tôi được đặt chân tới Berlin. Tới phần còn lại của bức tường lịch sử, tới Checkpoint Charlie, đi ngang nơi lá cờ cuối cùng của Kremlin vẫn còn được treo và được thăm nhiều nơi khác trong thành phố nổi tiếng này. Và niềm xúc động của ngày xưa lại về dù lần này mùi vị có hơi khác trước. Tôi may mắn có dịp đi đến nhiều nơi trong nước Đức và tôi thực sự ngưỡng mộ và ganh tỵ với dân tộc này.

25 năm thống nhất Đông Tây, nước Đức đã trở thành một quốc gia với nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, một thiên nhiên tuyệt đẹp, một môi trường trong lành. Tôi chưa hề nghe ở nước Đức có sự phân biệt giữa Đông và Tây, giữa những người “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc”.

Bà Angela Merkel, xuất thân là một người Đông Đức và từng là thành viên của Đoàn Thanh Niên CS, thành viên của Đảng CS, bây giờ là vị Thủ tướng xuất sắc của nước Đức thống nhất.

Và tôi tự hỏi, nếu như đổi lại lịch sử, một nước Đức thống nhất nhưng “Bên Thắng Cuộc” là nước Đức Cộng sản thì sẽ thế nào. Sẽ có bao nhiêu ngàn người đi cải tạo? Bao nhiêu ngàn gia đình ly tán, bao nhiêu người trẻ sẽ phải lớn lên trong sự dối trá, thờ ơ, trong sự e sợ trấn áp, hù dọa của chính quyền, bao nhiêu cái đầu non nớt sẽ bị tẩy rửa… như Việt Nam của tôi sau ngày “Thống nhất”?

Không diễu binh, không tuần hành, không cờ quạt, không đổ tiền vào những “hội thảo cấp nhà nước” để “đào sâu thêm ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất”, vị Thủ Tướng Đức chỉ có một bài diễn văn ngắn gọn mà cảm động: “…It was a day that showed us the yearning for freedom cannot be forever suppressed – Đó là một ngày cho chúng ta thấy niềm khát vọng cho tự do không thể bị đè bẹp mãi mãi”.

Chính phủ Việt Nam, với bao nhiêu công văn, nghị định… về “chủ trương Hòa Hợp Hòa Giải” đã thực sự đi đến đâu sau 40 năm?

Sẽ chẳng đến đâu khi lời nói không đi đôi với việc làm, khi cứ tiếp tục mang cái vênh vang của kẻ chiến thắng gí vào mặt những người mà cuộc đời đã bị tù đày, ly tán, bị hoàn toàn đảo ngược sau cuộc chiến?

Và nếu như có những tiếng nói phản đối thì lại khoác cho họ cái áo choàng của lòng thù hận, của “thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam”, của “bọn chống cộng”…

Những người lính của 40 năm trước nay đã mất đi nhiều, trong số đó có ba tôi, dượng tôi. Phần lớn những ngưòi còn sống thì họ cũng đã già đi nhiều và cùng với tuổi già thì hầu như ai cũng sẽ khoan dung hơn.

Nếu nói rằng họ mang niềm thù hận cho cái biến cố năm 1975 thì có lẽ rất ít trong số họ còn mang cái nỗi niềm đó trong đời lưu vong ở xứ người. Cứ cho rằng họ chống đối vì thù hận thua cuộc là một nhận định cũ rích cho ta thấy Chính quyền Việt Nam mới là kẻ sống trong quá khứ.

Vì sao? Vì họ quên hoặc cố tình lờ đi rằng cái vấn đề chính là sự khác biệt trong ý thức hệ. Họ không nhìn ra được những sự thay đổi của cả hai phía sau thời gian 40 năm.

Năm 1975, dưới chiêu bài “giải phóng thống nhất đất nước”, họ đã thắng và mục đích thật sự là đem CNCS bao trùm toàn cõi Việt Nam để xây dựng một “thiên đường XHCN”. 40 năm qua, họ xây dựng cái thiên đường này như thế nào?

Họ đem cả một dân tộc đi thí nghiệm ra làm sao? Nhìn vào Việt Nam bây giờ, ta không thể phủ nhận rằng nhiều thứ đã thay đổi: nhà cửa, đường sá, cầu cống, sức ăn sức nhậu… Không thay đổi sao được khi nguồn tài nguyên của một đất nước từng tự hào là“rừng vàng biển bạc” đang bên bờ cạn kiệt chỉ sau bấy nhiêu năm?

Không khá lên sao được khi nguồn viện trợ của “những kẻ chống phá đất nước” hàng năm lên đến 12 tỷ đô-la trong lúc chính quyền VNCH chỉ cần có 350 triệu đô trong những năm tháng cuối để giữ vững cuộc chiến mà bị Mỹ từ chối?

Đàng sau cái hào nhoáng bên ngoài của những thay đổi vừa nói là một sự thật còn đáng sợ hơn: Chủ nghĩa Tư bản Đỏ, một sự liên kết tuyệt hảo giữa nền độc tài chuyên chế của CNCS và sự bóc lột ghê sợ của CNTB sơ khai tạo nên một môi trường tuyệt vời cho tầng lớp cầm quyền.

Về mặt Tư bản, họ tha hồ làm giàu, bóc lột tài nguyên và con người một cách bất chính mà không phải e sợ luật pháp vì họ ở bên trên luật pháp, bao che bởi luât pháp.

Về mặt Đỏ: Chính thể chuyên chế thì bịt miệng, gieo rắc sợ hãi, cầm tù ngược đãi mọi tiếng nói phản đối. Việt Nam sau 40 năm đang hướng đến mô hình của nước Nga Putin.

Xã hội lý tưởng

Những người Việt ở Hải ngoại thì sao? Bao nhiêu năm trước họ dùng xương máu đấu tranh cho một nền công hòa non trẻ.

Thất trận, họ bỏ xứ ra đi bằng nhiều cách và phần lớn đến sống ở những nước Tư bản dân chủ. Nếu như xưa kia họ đấu tranh cho một lý tưởng còn khá mơ hồ thì bây giờ họ được sống ngay trong chính cái xã hội lý tưởng đó.

Một xã hội dù đương nhiên là không hoàn hảo nhưng vẫn đủ để họ ước mơ và muốn đấu tranh cho những người còn ở lại trên quê hương cũng được sống trong một xã hội tôn trọng quyền con người như vậy.

Trong những người tôi quen biết, không một ai mong về Việt Nam làm ông nọ bà kia.
Con cái, tương lai họ ở đây. Họ lên tiếng không phải thuần túy do thù hận mà vì họ là những người còn biết thao thức, lo lắng cho quê hương và lẽ ra Việt Nam phải cảm ơn họ vì chí ít họ còn biết quan tâm đến quê hương đất nước.

Hãy nên lo lắng về cái ngày không xa trong tương lai, khi mà thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại không biết gì về quê hương. Khi đó, có lẽ tiếng nói chống đối từ bên này sẽ tắt vì Việt Nam là một đất nước xa lạ với chúng.

Khi đó, cái “indifference”, cái sự thờ ơ sẽ thế chỗ và cùng với nó là sự cạn kiệt của món tiền 12 tỷ/năm cộng với khối chất xám khổng lồ.

Vì thế, bao giờ còn chưa có Dân chủ ở Việt Nam, chừng nào những tiếng nói phản biện ở Việt Nam còn bị đặt vào cảnh lưu vong ngay trên chính quê hương mình thì chừng đó chuyện Hòa Hợp Hòa Giải còn là điều viễn vông.

Viết đến đây chợt nghĩ lại: xưa thầy la mình hát bài hát “phản động” là đúng. Bức tường Berlin không tự đổ sụp nếu dân Đức cũng cứ ngồi chờ. Thay đổi không tự nó đến và cái giá của Tự do không hề là miễn phí.

Nếu cả một dân tộc đều chỉ biết ngồi chờ, từ tôi, anh, người mẹ, anh lính, ngưòi tù… đều ngồi chờ thì cái ngày được nhìn quê hương sáng chói sẽ còn bao nhiêu lần của 40 năm?

Không thể cứ mãi ngồi chờ, Việt Nam!

 

NĂM:

TS Phạm Thăng Long: Nhìn Lại Quãng Đường Dài

(Tác giả gởi GNA)

Đã 40 năm từ ngày này ghi đậm nỗi đau xa quê hương. Cố gắng ban đầu viết một bài nhìn lại đất nước cũ–một Việt Nam Cộng Hoà, và những hoài vọng tương lai, đã không thành vì những emotions chưa từng có trong đời. Đành chỉ chép lại những ý nghĩ rời về một quãng đời dài của mình, và hy vọng của thế hệ lớn lên ở miền Nam 1955-1975, và cũng nhằm ghi lại vài nét chấm phá cho những bức ảnh lịch sử, tuy không tránh khỏi chủ quan.

 

Thế hệ đó nay thuộc vào giới la~o  niên. Vì đã lớn lên trong chiến tranh ở miền Nam, thuở niên thiếu đã mang nặng hình ảnh và day dứt của cuộc chiến, không có được những bình yên trong ý nghĩ tuổi thơ hay cái hồn nhiên mê đá bóng đua xe như lớp thiếu niên cùng thành phố lớn lên sau này ở quê nhà. Những ám ảnh về cuộc chiến trở thành một hành trang nặng nề lúc ra đi sống ở nước ngoài trong một thời gian dài. Vì thế luôn ấp ủ chút kỷ niệm đẹp về tuổi thơ ở quê nhà, nâng niu từng hình ảnh với người thân trong gia đình và bạn bè bằng hữu lúc còn sống ở đó.

 

Ra đi và sống ở nhiều nước trên thế giới: Canada, Mỹ, Pháp.. Nhưng tâm tư vẫn luôn quay về chốn cũ, hoài niệm những tia nắng ấm quê hương trong cái giá buốt của tuyết lạnh Bắc Mỹ, nhớ lại những dòng sông nơi quê nhà mỗi lần đứng bên dòng Hudson ở New York hay dòng Potomac chảy qua  Washington, D.C, ngay cả lúc sang đến tận Phi châu làm việc, chịu cơn nóng thiêu đốt vì thiếu mưa, vẫn còn bâng khuâng nhớ đến những cơn mưa dài của Sài Gòn thuở nào.

 

Đã ghi lại nhiều hình ảnh xứ người trong thời gian này, nhưng lại chủ ý ghi dấu tâm tư so sánh với quê nhà, tựu chung cũng là để “tìm lại khoảng thời gian đã mất”.

 

Thế hệ 1955-1975 tương phản với các thanh niên bây giờ ở quê nhà, sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến tranh Quốc Cộng. Những lớp trẻ mới này phần lớn không còn mang chút dấu vết gì về cuộc chiến, sống thuở thơ ấu vô tư của một đất nước thanh bình và trưởng thành trong một xã hội tương đối bắt đầu no đủ,…

 

X.         X.        X.           X

Trừ những lúc có cơn mưa nặng hột   và dài thường xuyên đổ xuống xối xả, trời Saigon 1963 oi bức lạ thường hè năm   đó, do không khí chính trị ngột ngạt của miền Nam với biến cố Phật giáo và   những năm tháng cuối cùng của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Các trường trung và   đại học cùng tham gia vào không khí sôi nổi đó một cách bộc phát mà không suy   nghĩ sâu sa. Nhưng sau một đời người nhìn lại và đọc nhiều sách lịch sửmới   hiểu  lúc đó  mình  chỉ là những con chốt.

 

 

Những phố phường còn vắng, các ngôi nhà cao tầng xây cất giản dị, tuy Saigon đang mang danh “Hòn ngọc Viễn đông”, nơi các phố Nguyễn Huệ, Tự Do, Lê Lợi luôn tràn đầy khách du lịch hạng sang từ vài nước láng giềng, nhất là Singapore, khao khát ngắm cảnh lạ và tìm mua các mặt hàng xa xỉ.

 

Từ nhiều năm, thành phố đã hưởng sự yên bình đáng kể, đời sống kinh tế khá sung túc ổn định. Đã qua những cái Tết 1956-62 an vui tràn đầy, với những cành mai vàng khoe sắc, với tiếng pháo nổ ran từ giữa đêm giao thừa thiêng liêng và xác pháo đỏ ngập đường phố ba ngày Tết. Tuy đời sống vật chất hàng ngày còn tương đối đạm bạc.

 

Tuổi thanh thiếu niên lúc đó tràn đầy lý tưởng. Không khí học hành sôi nổi, các trường thi đua trong các kỳ thi tổ chức qui củ. Giấc mơ du học hình thành nơi một số nhỏ có khả năng hay điều kiện. Ý tưởng học xong trở về nước phục vụ còn ngút ngàn. Nền tảng tổ chức một xã hội công dân bắt đầu hình thành, cho thanh niên mới lớn giấc mơ giản dị là sẽ phục vụ đất nước bằng con đường học vấn, giống như bất cứ người trẻ nào trong các nước láng giềng. Mong ước xây dựng một Nam Việt Nam trù phú hùng cường, tương tự giấc mơ của Nam Hàn 3-4 thập niên sau, nung nấu tâm can những người trẻ, dù việc thực hiện giấc mơ đó được hay không sau này mới hiểu là do “thiên định”.

 

Vài đàn anh lớn đi trước, đã tốt nghiệp hoặc đã đi dậy trên bục giảng đường đại học ngoại quốc, nhưng đa số mới bắt đầu lên đường năm thứ nhất, tạo phong trào cho các thế hệ đàn em vài năm sau đó. Nền giáo dục vẫn bị chỉ trích thường xuyên do sự cầu tiến, nhưng công bằng mà nói, những sinh viên phát xuất từ những trường học miền Nam VN (1965-75) đã ghi lại các thành tích đáng kể bên các đại học Âu Mỹ sau này.

 

Những năm thay đổi sau 1975 đã cho Saigon một bộ mặt hào nhoáng hơn nhiều. Tiêu biểu là toà nhà có cà phê Givral ở góc Tự Do-Lê Lợi ngày nào đã được thay thế bằng một building sang trọng như ở Paris hay London.  Nhưng, người biết rõ xã hội miền Nam ngày trước có mặt hôm nay, không thể không nói đến cái giá đắt phải trả.

Đất nước hôm nay chứng kiến sự băng hoại của cả một xã hội cũ trong cái hào nhoáng mới hình thành. Con người đã thay đổi quá nhiều, đức tính thành thật trong giao tiếp hàng ngày gần như đã mất. Các giá trị tinh thần được thay dần bằng các thước đo vật chất.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy lý tưởng thanh niên đang bị lung lay không có chỗ dựa. Người ta có thể vội vàng nhận xét nhóm người tuổi trẻ hôm nay chỉ sống vội, ồn ào, theo đuổi vật chất, và gần như vô cảm. Nhưng thật sự họ là những người cô đơn nhất. Một đất nước có thống kê chỉ rõ tuổi trung bình là 24, và 65% dân số dưới tuổi 35, nhưng lại ít chú ý chăm sóc giới trẻ nhiều tiềm năng đó qua giáo dục và phát triển tinh thần.

Hiện trạng của đất nước không tạo được cảm hứng hay nuôi dưỡng các ý tưởng phục vụ cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương lai với họ như thiếu chắc chắn, vì các giá trị dân chủ, công bằng và nhân ái cần thiết cho một xã hội hiện đại đều thiếu vắng. Ngay cả sự tiến bộ kinh tế, điểm sáng của hai mươi năm qua, cũng đang trở thành mong manh tạm bợ.

Tăng trưởng kinh te đã chậm lại rõ rệt từ vài năm nay do sự bế tắc chính sách. Đồng thời phẩm chất cuộc sống đi xuống, nhiễm độc môi trường và thức ăn trở thành mối đe dọa trực tiếp hàng ngày cho đời sống của  mọi giai tầng xã hội. Trên tất cả, nền kinh tế bị đe dọa khi quả bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng có thể vỡ bất cứ lúc nào với mức nợ xấu quá mức chịu đựng, nếu không có các biện pháp, chính sách thích hợp cấp thời. Nợ xấu khổng lồ làm tê liệt hệ thống tín dụng ngân hàng và gánh nặng nợ công lớn không kém hình như đang được đẩy cho các thế hệ tương lai gánh chịu, với sự dồn món nợ công hiện tại thành những món nợ lớn tương lai qua giải pháp phát hành trái phiếu công dài hạn.

Nhiều người bàn đến các giải pháp kinh tế xã hội ngắn hạn. Nhưng trong con mắt chuyên viên, khó có thể có một ‘quick fix’ (sửa chữa nhanh) hay ‘a sugar high’ (một ảo tưởng), mà phải là những thay đổi thể chế và chính sách kinh tế cơ bản dài hạn, tái lập các giá trị nhân văn căn bản qua giáo dục và hướng dẫn cho tuổi trẻ.

Thế hệ trẻ không thể không biết và thờ ơ với viễn ảnh tương lai đó. Thiếu niềm tin, họ đang trả lời bằng sự chán chường những giá trị sống hiện tại, dồn đam mê đời sống vào các mác xe máy đắt tiền và những chiếc điện thoại smart thời trang, tỏ lộ hừng khí tuổi trẻ đơn giản bằng các cuộc đua xe tốc độ hay, khá hơn, diễn tả lòng yêu nước bằng cổ vũ chiến thắng đá bóng cuồng nhiệt…

Nhưng mùa hè Saigon 2015 chợt thành ngột ngạt thêm  vì những biến cố thời cuộc, và sự sôi sục của cả thế hệ thanh niên muốn nói lên tiếng nói yêu nước của mình. Cùng lúc các ức chế xã hội cộng thêm những khó khăn về đời sống hàng ngày hình như đã góp phần gây thêm những tội phạm xã hội ngày càng cao hơn, cho các dấu hiệu của một xã hội đang trên đà xuống dốc trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, người viết chỉ còn biết tìm đến một dòng sông nhỏ, hay một chiều Sài Gòn đi dạo trời mưa dưới những hàng me lá đổ, vẫn còn cố tìm về quê hương cu~ trong tâm tưởng, dù thời gian có trôi qua và các khuôn mặt cũ đã khuất bóng. Và chợt cảm thấy hạnh phúc muốn dừng ở đó, vì các thay đổi  lớn khác sẽ phải đến, những con người, những định chế cũng sẽ theo luật thời gian.

Nhưng quê hương vẫn còn đó, là dòng Cửu Long, là Hương giang, và ở đâu dòng nước đó vẫn lặng lờ trôi, lòng có thể tĩnh lặng nhận biết mình vẫn thuộc về nó: một quê hương VNCH không bao giờ mất, sẽ mãi trường tồn bên những biển Dâu…

 

 

 

 

 

The post NHỮNG LỜI CUỐI CHO 30/4/2015 appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Chuyện Dài “Sở Hữu Toàn Dân”

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Cái gốc của vấn nạn dân oan

Tác Giả: Kami  - Blog RFA – 20 April 2015

dan oan

Ngày 14/04/2015 tại Thạnh Hoá (Long An), gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương do không đồng ý giao đất để tiến hành công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa cho chính quyền, khi đoàn cưỡng chế tiến hành thực hiện thì đã có một số người trong gia đình đã chống đối, cho nổ bình hơi hàn và tạt axit đậm đặc làm nhiều công an trọng thương.

Nguyên nhân dẫn tới việc người dân dùng bạo lực để chống lại đoàn cưỡng chế cũng vì gia đình họ không được chính quyền đền bù khu đất vốn của họ đang định cư bị giải tỏa một cách thỏa đáng và công bằng. Theo gia đình nạn nhân cho biết, chính quyền chỉ đền bù 300 ngàn đồng/1m2, trong khi đó bán cho họ đất định cư ở ngay bên cạnh với giá 25 triệu đồng/1m2 tức là cao gấp gần 80 lần giá đền bù. Và cuối cùng một bi kịch đã xảy ra đối với cả những nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế, với hàng chục người bị thương do bị bỏng axit và 07 thành viên gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương đã bị bắt giữ và sẽ bị truy tố

Sự việc này làm người ta liên tưởng tới các vụ án Đoàn Văn Vương ở Hải phòng, người đã dùng vũ khí tự tạo và bình gaz để chống trả lực lượng cưỡng chế từng làm rúng động dư luận cách đây mấy năm. Hay trường hợp của ông Đặng Ngọc Viết, một người dân oan ở Thái Bình, trong lúc tuyệt vọng đã cầm súng đến trụ sở cơ quan quản lý đất đai nã súng vào 5 cán bộ rồi tự sát v.v…. Điều đó cho thấy vấn đề những người dân bị mất đất, mất nhà, mất nơi làm ăn sinh sống… và bị dồn vào đường cùng và cuối cùng họ đã buộc phải lựa chọn sử dụng vũ khí để đáp trả nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế đất đai của gia đình họ trong tâm trạng tuyệt vọng đang là một vấn đề nổi cộm trong xã hội cần phải được các cấp, các ngành xem xét và tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để.

Trước hết cần phải thừa nhận, vấn đề dân oan là sản phẩm đặc thù của xã hội Việt Nam, đây là một vấn nạn nhức nhối và dai dẳng của xã hội Việt Nam trong suốt gần 30 năm đổi mới và cho đến hôm nay vẫn chưa thấy lối thoát. Vấn nạn này xuất hiện kể từ khi nhà nước tiến hành việc đổi mới kinh tế, để chuyển nền kinh tế từ hình thái kế hoạch hóa kiểu XHCN theo mô hình cộng sản, sang nền kinh tế thị trường xuất hiện từ năm 1986. Kể từ đó, khi một bộ phận cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp đã cấu kết với các thương nhân, núp dưới danh nghĩa đầu tư các công trình phát triển kinh tế – xã hội để thu hồi và sử dụng một số lượng đất đai rất lớn của nhà nước vào mục đích kinh doanh của mình. Thông qua việc chạy chọt các thủ tục và các hợp đồng ăn chia giữa các cán bộ có thẩm quyền, đất do nhà nước được cấp cho tư nhân với giá đền bù rẻ như cho, kể cả đối với đất đai của người dân đang canh tác hoặc sử dụng thì bị thu hồi và đền bù cho chủ đất với giá rẻ như bèo, cụ thể là đền bù cho chủ đất một phần rồi phân lô bán nền với giá cao hơn gấp cả trăm lần.

Hậu quả của việc thu hồi đất này đã đẩy vô số những người dân hiền lành ra đường để nhập vào đội ngũ dân oan khiếu kiện, vì trong tay họ lúc đó chỉ có một chút tiền đền bù do nhà nước chi trả, trong lúc mọi tư liệu sản xuất để duy trì cuộc sống của họ đã không còn. Trong trường hợp người dân không đồng tình vì giá cả đền bù quá rẻ mạt, họ không có cơ hội để kiếm sống thì chính quyền lấy danh nghĩa các công trình quan trọng của nhà nước để dùng lực lượng công an, thậm chí kể cả quân đội dùng bạo lực để tham gia cưỡng chế. Như ở khu đô thị Ecopark – Hưng yên hay Giáo xứ Cồn Dầu  - Đà nẵng là những dẫn chứng điển hình. Và đối với những người không chấp nhận sự bất công đã cầm vũ khí đứng lên chống trả lực lượng cưỡng chế thì oan nghiệt lại ập lên gia đình họ. Lúc đó họ không chỉ mất nhà mất đất, mà bản thân họ và những người trong gia đình sẽ rơi vào vòng lao lý, tù tội.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao hầu hết các đại gia ở Việt Nam hiện nay đều giàu và phất lên từ kinh doanh đất đai và bất động sản. Điểm mặt các doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam bây giờ, sẽ thấy các doanh nghiệp này hầu hết liên quan rất ít đến các ngành công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu liên quan đến đất đai. Sự giàu lên một cách chóng mặt của các đại gia chủ yếu là nhờ vào xin cấp đất của nhà nước để kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân sâu xa và là cái gốc của vấn đề dân oan cũng bởi chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số ít người giàu lên nhanh chóng nhờ đất và trong khi đó thì có hàng nghìn, hàng vạn người đã bị đẩy ra đường để trở thành những người dân oan.

Vấn đề là ở chỗ, nếu mỗi người dân Việt Nam đều có quyền sở hữu chính danh trên mảnh đất của mình – sở hữu cá nhân, thì lúc đó nhà nước sẽ không thể áp dụng thủ tục thu hồi đất đai hay tổ chức cưỡng chế để thu hồi, mà phải tiến hành thủ tục trưng mua đối với chủ sở hữu. Song với thủ tục trưng mua, sẽ mang lại sự công bằng hơn cho người dân mất đất, nhưng lúc ấy sẽ khó khăn hơn cho người muốn có đất là các đại gia. Đây là lý do vì sao ở các quốc gia khác trên thế giới chúng ta không thấy hiện tượng có một lực lượng đông đảo những người dân bị mất đất, mất nhà, mất cửa… bị đẩy ra đường và tập trung khiếu nại trên đường phố các thành phố lớn như ở Việt Nam.

Điều bất hợp lý của chế độ sở hữu toàn dân mà ai cũng thấy là, người dân vinh hạnh được nhà nước coi là chủ nhân của đất đai, tài nguyên và vùng trời…, song trên thực tế cho thấy người dân hoàn toàn không có quyền định đoạt về những cái đó. Nghĩa là người dân thực sự chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Vậy câu hỏi đặt ra là “ai là chủ sở hữu toàn dân”? Theo tất cả các văn bản luật hiện hành thì “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân”. Nhưng một câu hỏi đặt ra tiếp theo là “vậy thì ai là Nhà nước”. Theo quy định thì Nhà nước là một bộ máy và hệ thống tổ chức bao gồm nhiều thiết chế và cơ quan khác nhau, từ ông Thủ tướng cho đến ông Chủ tịch xã. Thậm chí một ông các bộ quèn của ủy ban xã cũng có thể nhân danh là người nhà nước. Do không làm rõ quyền đại diện, nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng khá phổ biến, đó là các cán bộ cấp xã cấu kết với nhau cũng có quyền bán đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Trong khi những người dân, vốn được cho là chủ nhân của đất đai, vùng biển, vùng trời thì chẳng hề mảy may có chút quyền hành gì.

Chính vì thế, theo chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh đã nhận định rằng : “Toàn dân không phải là một pháp nhân, cho nên cần phải cụ thể hóa người chủ sở hữu thật có tư cách pháp nhân là ai, có trách nhiệm giải trình như thế nào, ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu ấy? Cần phải tiến tới xác định đa dạng hóa hình thức sở hữu về đất đai. Loại nào là sở hữu toàn dân? Loại đất mà người nông dân đã cày cấy bao nhiêu đời nay thì phải thừa nhận quyền sở hữu của họ chứ! Nếu không rõ ràng, dễ dẫn đến lạm dụng cái sở hữu toàn dân ấy để thu hồi đất, ăn chênh lệch giá, là điều hết sức nguy hiểm.”

Vấn đề sở hữu toàn dân thực sự là một rào cản, đồng thời là nguồn gốc của vấn đề dân oan. Những tồn tại và sự bất cập của loại hình sở hữu này thì ai ai cũng biết và chắc chắn những người lãnh đạo quốc gia đều biết. Song vì loại hình sở hữu mập mờ này vẫn có giá trị trong việc đánh lừa người dân, rằng sở hữu toàn dân là đặc trưng cho xã hội cộng sản, mọi tư liệu sản xuất đều thuộc về sở hữu toàn dân. Nhưng vấn đề cơ bản nhất là loại hình sở hữu này đã giúp cho các quan chức ở các cấp giàu lên nhanh chóng thông qua việc cấp đất cho các ông chủ tư nhân dưới chiêu bài các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tuy vậy. một vài người giàu lên vì những dự án liên quan đến đất thì cũng có hàng nghìn, hàng vạn người mất đất mất nhà, mất cửa. Với giá cả và các chính sách đền bù như hiện nay thì sẽ còn vô số những dân oan xuất hiện và trong số đó sẽ còn không ít người quá uất ức sẽ chống người thi hành công vụ, sẽ dẫn đến việc gây thương tích nghiêm trọng cho nhân viên nhà nước và bản thân họ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và có thể kết thúc trong vòng tù tội. Đã đến lúc, câu hỏi về giải pháp công bằng cho người dân trong các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội cần phải có câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà nước. Vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân cần phải được xem xét hủy bỏ, để thay bằng các chủ sở hữu thực sự và phải là một thực thể pháp lý cụ thể. Khi đó, việc nhà nước thu hồi đất của dân để tiến hành các dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ phải thông qua thủ tục trưng mua theo giá cả mà cả hai phía đều có thể chấp nhận được. Chỉ có như thế thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề dân oan khiếu kiện như hiện nay.

Ngày 19 tháng 04 năm 2015

© Kami

 

The post Chuyện Dài “Sở Hữu Toàn Dân” appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Loạt Bài Về Khởi Nghiệp

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Bài 7:  Những Lời Khuyên Cần Suy Ngẫm

dung-cao-hon-van-de-cua-ban-than-1373617062-650x0-large

Theo: Thúy Huỳnh – Tổng Hợp Từ Inc. -

Khởi nghiệp là một quyết định khó khăn. Và có rất nhiều ý tưởng đã không thể thành hiện thực, bởi chủ nhân của ý tưởng đó không đủ quyết tâm, tự tin.

16 lời khuyên – có thể xem là những bí quyết quyết khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt – sau đây sẽ tiếp thêm động lực để bạn bắt tay vào xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

1. Làm sao để bạn leo lên ngọn núi quan trọng hơn là việc lên đến đỉnh. (Yvon Chouinard, nhà sáng lập Patagonia)

2. Tôi không quan tâm bạn thành công hay thất bại, bạn là Bill Gates hay một doanh nhân chưa ai biết đến. Sự khác biệt của bạn chính là bạn đã dám mạo hiểm, chống lại bất cứ ai đang cố giữ bạn trong những suy nghĩ cũ kỹ, không để bạn tìm ra ý tưởng hay bắt tay làm một điều gì đó mới mẻ. (Chris Dixon, đồng sáng lập Hunch)

3. Hãy giữ vững lập trường để không bị cuốn theo bất cứ quy tắc hay hệ thống nào ngăn cản bạn khám phá ra những thế mạnh và sở trường của mình. (Ishita Gupta, người sáng lập tạp chí Fear.less)

4. Khi khởi nghiệp, người ta thường phân tích nhiều yếu tố, như thời cơ, tình hình tài chính… Những phân tích nhiều khi hơi thái quá. Đôi khi, bạn chỉ cần làm những gì bạn nghĩ, vì quá chần chừ sẽ đánh mất cơ hội. (Michelle Zatly, đồng sang lập CloudFlare)

5. Tôi ước gì tôi đã đọc sách nhiều hơn và cân nhắc những ưu và khuyết điểm của các triết lý khác nhau thay vì chỉ nhảy vào làm những gì tôi nghĩ là hợp lý về mặt đạo đức và tài chính. (Jason Cohen, nhà sáng lập phần mềm SmartBear)

6. Hãy trở nên thực sự tốt. Không một nỗ lực marketing hay truyền thông xã hội nào có thể thay thế được điều đó. (Anthony Volodkin, nhà sáng lập The Hype Machine)

7. Không có gì lãng mạn hơn cảm giác được trở thành một doanh nhân. Đó là một cuộc đấu tranh để “gìn giữ” sự sống cho công ty bạn, giống như bạn chăm sóc làn da của mình mỗi ngày. (Spencer Fry, nhà sáng lập CarbonMade)

8. Bạn chỉ cần chú ý quan sát nhu cầu của mọi người và những điều họ chưa làm được. (Russell Simmons, nhà sáng lập Def Jam)

9. Nhìn từ nhiều khía cạnh, tiền bạc không thể giúp bạn sáng tạo nhưng nó chắp cánh cho những ước mơ, ý tưởng và là phương tiện để giúp bạn đạt được những mục tiêu đã đề ra. (Travis Kalanick, nhà sáng lập Red Swoosh và đồng sáng lập Uber).

10. Tự hỏi xem khách hàng của bạn muốn gì. Hãy hỏi. Đừng nói. (Lisa Stone, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của BlogHer)

11. Hãy chia sẻ và trao đổi thật cởi mở với mọi người về ý tưởng của bạn. Nếu mọi người thờ ơ và hoài nghi bạn, hãy tận dụng điều đó như một động lực thúc đẩy bạn sớm thực hiện các ý tưởng của mình. (Todd Garland, nhà sáng lập BuySellAds)

12. Tránh xa những người khiến bạn nhụt chí. Chỉ có những người thiếu tầm nhìn mới làm điều đó, trong khi, những người giỏi sẽ luôn mang đến cho bạn niềm tin rằng bạn có thể trở nên vĩ đại như họ. (Erica Nicole, nhà sáng lập tạp chí YFS)

13. Nghĩ lớn thôi chưa đủ, mà còn phải táo bạo. Ngay cả khi những người xung quanh cho rằng những ý tưởng thật hoang đường, bạn cũng đừng bao giờ từ bỏ sự táo bạo và khác biệt. (Josh James, nhà sáng lập Domo and Omniture)

14. “Hãy Kiên nhẫn, nỗ lực cùng với một chút sợ hãi”, Jack Nickell – đồng sáng lập Threadless mô tả cảm giác khi bắt đầu thành lập một công ty.

15. Bạn phải sẵn sàng cho công việc khó khăn và chi tiêu tiết kiệm để biến những ý tưởng trở thành hiện thực. (Garrett Camp, đồng sáng lập Uber và là nhà sáng lập của Stumbleupon and Expa)

16. Bạn sẽ học được nhiều điều bằng việc đương đầu với những thứ không mong muốn trong công việc. Tôi đã biết nhờ đến sự giúp đỡ từ người khác khi công việc làm tôi quá mệt mỏi. Và điều duy nhất tôi có thể khuyên bạn là tiếp nhận sự giúp đỡ trên phương diện thực tế để tiếp tục khởi nghiệp. Bạn không thể làm mọi thứ một mình. (Catharina Bruns, nhà sáng lập WorkisNotaJob).

 

THUÝ HUỲNH

The post Loạt Bài Về Khởi Nghiệp appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Làm sao kinh doanh trên thương trường đầy phản trắc?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Làm sao kinh doanh trên thương trường đầy phản trắc?

(Bàn thêm về “thất bại Alan Phan”)

Tác Giả: Phan Châu Thành – DLB – 26 April 2015

(GNA: Ông già Alan thực sự không muốn đào sâu về đề tài này; nhưng anh Thành muốn lấy những sự kiện của Vinabull để tạo một case study về chuyện làm ăn tại VN. Nghĩ rằng quan điểm của anh Thành có thể giúp thêm cho phân tích của các doanh nhân VN khác, nên GNA post với lời lưu ý là mọi ý kiến và chuyện kể trong bài viết là của tác giả. Alan xin im lặng về mọi phản hồi. Cám ơn anh Thành).

…Bạn chỉ có thể kinh doanh thành công ở VN hôm nay trong phạm vi nhỏ và không toàn diện, khi kinh doanh của bạn phát triển lớn dần, bạn sẽ không thể kinh doanh thành công như một doanh nhân đích thực được nữa nếu không thỏa hiệp chính trị… Thỏa hiệp chính trị trong kinh doanh là chấp nhận luật bắt thành văn của môi trường là tham nhũng, hối lộ, gian dối, mua bán quan hệ để đổi lấy lợi thế hay được quyền kinh doanh…

image

*

Lý do bài viết “bàn thêm” này:

 

Trước tiên, tôi xin lỗi bác Alan Phan vì lại mang “thất bại kinh doanh” của bác Alan ở VN ra bàn, khi vẫn biết Alan không thích nói nhiều về mình, mà lại là nói nhiều về… “thất bại Alan”!

 

Nhưng gần đây, sau khi mạo muội viết bài “BCA giải mã thất bại của Alan Phan ở Việt Nam” gửi đăng trên vài báo lề dân và GNA – mà mãi gần hai tuần sau bác Alan mới cho đăng trên GNA, tôi nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc, học trò cũ về bài viết đó, và thấy việc trả lời công khai các câu hỏi đó có thể cũng có ích cho nhiều người hơn, nên tôi viết bài này xin phép bác Alan được mạo muội “bàn thêm” đề tài trên.

 

Tôi cũng muốn “nói thêm” xung quanh đề tài “thất bại của Alan” vì trong bài trước tôi chỉ tập trung nói hai ý, rằng bác Alan không thất bại mà đã/đang thành công lớn ở VN và thất bại của Vietbull là tất yếu, nhưng chưa nói rõ được các nguyên nhân của sự tất yếu thất bại của NVHN hay mọi doanh nhân đích thực ở VN nói chung.

 

Lý do thư ba là, hiện nay như nhiều người biết, tôi vẫn đang tư vấn, động viên, hỗ trợ, đào tạo… cho các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh (ở VN), mà tôi lại khẳng định trước rằng các doanh nhân chân chính không thể thành công ở VN hôm nay (chỉ bọn “chân không chính” thôi) thì tôi có tự mâu thuẫn quá không?

 

Trong bài này, tôi chỉ coi “thất bại của Alan” với công ty Vietbull của ông ở VN như một ví dụ điển hình, một “case study”, để phân tích và và tìm câu trả lời cho những câu hỏi chính như: 1) Có thật không thể kinh doanh ở VN thành công (cho bất kỳ ai) mà không cần biết đến và thỏa hiệp về chính trị? 2) Tại sao các doanh nhân, doanh nghiệp của NVHN về VN kinh doanh cho đến nay không thể thành công? 3) Các doanh nhân trẻ có cơ hội nào ở VN hôm nay?…

 

Có thật không thể kinh doanh ở VN thành công (cho bất kỳ ai) mà không cần biết đến và thỏa hiệp về chính trị ở VN? 

 

Câu hỏi trên tôi đã nêu ra và trả lời ở bài trước, rằng không thể. Còn bác Alan Phan thì vẫn nói rằng có thể chỉ cần khéo léo hơn một chút. Cả hai đều trả lời qua kinh nghiệm thực tế “đau thương” của mình, tức là đều có hơi chút cảm xúc.

 

Về phía mình, tôi muốn bớt phần cảm xúc đi để nói rõ hơn: bạn chỉ có thể kinh doanh thành công ở VN hôm nay trong phạm vi nhỏ và không toàn diện, khi kinh doanh của bạn phát triển lớn dần, bạn sẽ không thể kinh doanh thành công như một doanh nhân đích thực được nữa nếu không thỏa hiệp chính trị. Đó là câu trả lời “chính xác” của tôi, trong đó có ba khái niệm cần làm rõ: thế nào là phạm vi kinh doanh nhỏ, thế nào là doanh nhân đích thực, và thế nào là thỏa hiệp chính trị của doanh nhân?

 

Phạm vi kinh doanh được xác định bằng vốn đầu tư hoặc doanh thu. Phạm vi kinh doanh nhỏ là khi tổng vốn bỏ ra ban đầu (trong 2-3 năm) chỉ khoảng vài tỷ vnđ đổ lại hay dưới 300 hay 500 ngàn đôla. Công ty Vietbull của bác Alan Phan trong mấy năm đầu hút hết gần 2 triệu đô thì không phải là nhỏ. Phạm vi nhỏ là khi doanh thu hàng năm của doanh nghiệp chỉ khoảng đến vài chục tỷ vnđ trở lại (dưới 3 hay 5 triệu đôla).

 

Khi bạn khởi nghiệp kinh doanh từ số 0 đến khi bạn đạt doanh thu một vài triệu đôla/năm ở VN hay bất cứ ở đâu cũng đều cần khoảng thời gian một vài năm, cần một sự nỗ lực khổng lồ từ bạn và đội ngũ trong thời gian đó và cần môi trường hỗ trợ kinh doanh (thường là miễn giảm thuế) mà hầu như nước nào cũng phải có và thể hiện trong các chính sách, nhất là thuế má, để thu hút đầu tư. Công ty Vietbull của Alan Phan là dạng đầu tư nước ngoài càng được nhiều ưu đãi chính sách, tức là ít bị sách nhiễu. Tôi nói, các công ty nhỏ và mới ít bị sách nhiễu, nên vẫn có cơ hội phát triển lúc ban đầu ở VN, là vì vậy. Vậy tại sao Vietbull đã thất bại?

 

Nếu ở trong môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch (kinh tế thị trường và xã hội dân chủ – cả hai cái đó mới cho các doanh nghiệp, doanh nhân sự bình đẳng và minh bạch – mà VN không có – để mà thi tài kinh doanh theo luật và khai thác qui luật thị trường như những doanh nhân đích thực), thì 80% doanh nghiệp mới thành lập, được nhiều ưu đãi, vẫn phá sản trong vòng 5 năm đầu tiên, “nhường chỗ” cho các doanh nghiệp mới hơn nữa. 20% doanh nghiệp mới vượt qua giai đoạn 5 năm đầu tiên là vì họ hơn người, họ là chuyên gia giỏi hơn người khác trong lĩnh vực của họ.

 

Còn thỏa hiệp chính trị trong kinh doanh là chấp nhận luật bắt thành văn của môi trường là tham nhũng, hối lộ, gian dối, mua bán quan hệ để đổi lấy lợi thế hay được quyền kinh doanh (trong khi ai không thỏa hiệp sẽ không có quyền kinh doanh bình đẳng).

 

Tôi không nghĩ Vietbull đã phá sản thuộc dạng lý do do kinh doanh non nớt, do không hiểu chuyên môn kinh doanh (tài chính-chứng khoán-và IT). Alan Phan đã chứng minh mình là bậc thầy kinh doanh, Vietbull đã được kiểm chứng qua Sinobull là mô hình thành công, đội ngũ do Alan Phan tuyển chọn và xây dựng. Vậy tại sao? Vietbull cũng không phản đối môi trường kinh doanh kia mà, chỉ không làm theo thôi? Cái chưa được kiểm chứng ở đây là môi trường kinh doanh VN, gồm 3 yếu tố chính sau: các đối tác cạnh tranh có phải gần giống như Vietbull về đạo đức hay văn hóa kinh doanh (về lý thuyết là phải thế, chắc bác Alan chắc đã giả định thế), luật kinh doanh có được thực thi đúng như thế (hay nói vậy mà không phải vậy), và thông tin kinh tế tạo nên cơ sở kinh doanh có đúng như thế (tức tương đối đáng tin cậy như ở thị trướng nước khác).

 

Chúng ta biết, môi trường kinh doanh ở VN đã bị chính trị hóa từ lâu trước khi nó được sinh ra gần đây. Kết quả của chính trị hóa môi trường kinh doanh là gì? Là tạo ra các doanh nghiệp và doanh nhân có lợi thế hơn nhiều về tài chính, thông tin, chính sách, quan hệ nhân sự không chính thức (nhưng không bị cấm) với các thế lực “nhà nước quản lý” môi trường kinh doanh.

 

Lấy ví dụ FPT là đối thủ cạnh tranh chính của Vietbull, là gì? Đó là tập đoàn tham nhũng chỉ biết dùng tham nhũng và đi đêm để có “lợi thế cạnh tranh” trong kinh doanh – chứ không phải bằng tài năng kinh doanh. Xin lấy một ví dụ “kinh doanh thành công” của FPT năm xưa mà tôi biết rõ để minh chứng.

 

Khoảng năm 1990, khi FPT mới ra đời là công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm (Food Proccessing Technology-FPT), tôi lúc đó còn trẻ là kỹ sư dầu khí đã cùng các bạn cho ra đời 1 trong 5 công ty tư nhân về IT đầu tiên của VN dựa trên luật DN 1990 đầu tiên và còn tươi rói, với tình yêu hừng hực dành cho IT và kinh doanh – mặc dù tất cả đều chưa biết gì về kinh doanh. Lúc đó chúng tôi 17 người mới ra sức cùng nhau góp đủ 200 triệu tiền mặt vốn điều lệ để cho ra đời công ty IT đó, mà phần tôi là 14 triệu đồng từ tiền tiết kiệm mấy năm đi làm để mua chiếc xe máy mơ ước đầu tiên – đại loại là “kế hoạch xe máy” phải nhường chỗ cho giấc mơ IT và kinh doanh, nên tôi còn đi xe đạp đi làm thêm vài năm sau đó nữa. Cuối năm 91 công ty IT của chúng tôi đã khá có uy tín, chúng tôi tham gia đấu thầu dự án của EC (European Community) cung cấp 320 máy tính bàn PC 386 và thiết bị đồng bộ cho 32 trung tâm IT tại 32 tỉnh thành khắp cả nước để tạo công ăn việc làm cho những người Việt di tản (những thuyền nhân hay cả rừng nhân, không may mắn) bị các nước xung quanh trả về cho chính phủ VNCS. Chúng tôi rất trân trọng tính nhân đạo cao cả của Dự án nên đã chuẩn bị mọi phương án hết sức kỹ càng để thắng chỉ để được làm việc đầy ý nghĩa lớn lao đó (không còn chỉ là mục tiêu IT và kinh doanh nữa), và chúng tôi đã tin mình sẽ thắng thầu vì không thấy đổi thủ “đáng gờm” nào, còn mình thì đã hạ giá sát ván để được làm việc đó. Ở Hà Nội khi nộp thầu, chúng tôi gặp Trương Gia Bình (con rể Duẩn) và công ty FPT, họ thú nhận lần đầu tiên tham gia làm IT, chuyển từ công nghệ “măm măm” (thực phẩm) sang. Khi mở thầu, chúng tôi kinh ngạc vì FPT thắng, mà họ thắng sát nút chúng tôi – chỉ rẻ hơn mấy trăm đôla trên tổng khoảng 300 ngàn đô của chúng tôi! Nhưng chúng tôi phải tin vào các nhân viên Việt của Văn phòng Đại diện EC – người tổ chức “đấu thầu quốc tế” ở Hà Nội lúc đó. Đó là lần đầu tiên tôi “chạm trán” FPT, im lặng chấp nhận thua nhưng tâm không phục – chắc chúng nó đã mua đứt người (Việt) của EC rồi, và biết được giá của chúng tôi để thắng thầu chỉ mấy chục phút nộp sau.

 

Tôi không ngờ “bí quyết thắng thầu” của FPT lại lộ ra nhanh chóng ngay sau đó. Trở lại Sài Gòn, đi làm (tôi chỉ giúp công ty IT mà mình là cổ đông nhỏ việc đấu thầu EC ở Hà Nội vì khi đó tôi rành tiếng Anh và các điều khoản thương mại quốc tế hơn các bạn), khoảng tháng sau Công ty phân cho phòng tôi nhận 5 bộ máy tính mới toanh (trước đó tôi chỉ dám xin 2 bộ), và tôi trố mắt khi đọc các dòng chữ in to và rõ ràng trên từng hộp máy: “Computers for Vietnamese Returned Regugees – EC’s Project”. Tôi chạy thẳng lên phòng IT của công ty và căn vặn anh Trưởng phòng về lô máy tính mới, thì được biết Tập đoàn Dầu khí nơi tôi làm đã mua liền hơn 100 máy mới của FPT với giá khoảng gấp… 4 lần giá FPT đã đấu thầu thắng với EC (khoảng 3-4 ngàn đôla/bộ)! Vậy là FPT đã ăn cả hai đầu – nhận của EC với giá “thắng thầu” gần ngàn đô/bộ để rồi mua máy nhưng không lập 32 trung tâm IT ở 32 tỉnh thành như đã cam kết với EC mà đem máy bán cho các công ty lớn như DK với giá gấp 4 lần thế nữa! (Lúc đó, rất ít ai biết giá thực máy tính trên thị trường, và máy 386 là serie mới và hiện đại ở VN nên… giá nào cũng được!?)

 

Như vậy, FPT là ai thì đã rõ. Nhưng tôi cứ băn khoăn chả lẽ EC họ quan liêu đến nỗi không bao giờ kiểm tra các dự án nhân đạo cao cả của mình đã đến với “các nạn nhân được cứu giúp” thế nào ư? Tôi đem việc này hỏi một cậu em học Harvard về và có công ty chuyên làm (giải ngân) các dự án từ thiện của NGO ở VN, nó cười lớn: “Anh ngây thơ quá! Vụ nhỏ như thế – có 300 ngàn đôla năm 1991- thì FPT nó chỉ cần làm report thật ngon kèm vài bức ảnh bịa, và một lễ nghiệm thu giả của một trung tâm nào đó là EC Ok liền, chưa kể đi nhậu nhẹt chơi bời vui vẻ với nhân viên EC ở một vài nơi. Nếu là người Việt thì… EC nó còn viết Report về thành công của dự án hộ mình luôn!” Nó nói xong thì tôi lại trố mắt nhìn thằng em họ đã có 3-4 năm dùi mài sau đại học ở Havard: Cựu sinh Harvard là thế này ư? Tôi không tin nổi tai mình. Ngẫm lại, nó được học bổng Harvard là vì bố nó (cậu tôi) là cựu chiến binh và là quan to ở tỉnh mà thôi.

 

Tôi đã hơi lạc đề để cố nói khách quan về FPT với các bạn (và ông Alan Phan) – họ là ai và họ “kinh doanh” thế nào, để nói về môi trường kinh doanh IT ở VN mà bác Alan đã không thể hiểu từ “trong chăn” như tôi.

 

Bây giờ, Trương Gia Bình với FPT như thế – có công nghệ và văn hóa “Ăn tất cả – foods processing” như thế, còn hơn bọn chuyên “cướp có business plan” của bác Alan nhiều, và bác Alan với Vietbull như thế, và môi trường kinh doanh “định hướng XHCN” của VN như thế, bác Alan có còn tin mình sẽ kinh doanh thành công về lâu về dài ở VN (với CSVN) được hay không?

 

Tôi biết hàng trăm, có khi hàng ngàn công ty như FPT, với hàng ngàn, có khi hàng vạn dự án như kiểu “EC’s Computers” cho người Hồi hương, đã rất ăn nên làm ra ở VN trên thân xác những kẻ hồi hương, kể cả “hồi hương” tự nguyện như NVHN về nước kinh doanh.

 

Khoảng dăm năm sau vụ EC đó, tôi đã có một công ty khác về cơ khí và đưa một Nhà sản xuất bơm lớn của Mỹ (Ingersoll) ra Hà Nội đấu thầu (dự án vốn vay ADB) cung cấp thiết bị bơm cho ba trạm bơm chống lụt ở 3 tỉnh Bắc miền Trung, và lại gặp FPT là đối thủ. Họ (mấy cậu bé non choẹt) cũng tự nhận là không biết gì về cơ khí và bơm cả, nhưng… lại thắng thầu, lần này là hàng mấy chục triệu đô la. Tôi cười quay sang xin lỗi ông bạn người Âu (dù hãng là Mỹ) vì đã không thể cùng ông thắng thầu, chỉ đứng thứ 2 về giá (đứng đầu về kỹ thuật, chất lượng), song tôi cũng cười đảm bảo “thêm” với ông ấy rằng ba tỉnh đó sẽ không bao giờ có các trạm bơm lớn chống lũ lụt được cả – vì FPT sẽ hoặc là cung cấp bơm dổm (rẻ, không chạy được, nhưng giải ngân được) hoặc không thèm cung cấp bơm luôn sau khi có tiền Ban quản lý Dự án vay ADB chuyển cho, rồi tịt luôn… và họ/ban quản lý dự án sẽ ước ao mãi là hôm nay giá mà họ chọn ông (Ingersoll) và tôi (“hãng cò mồi PCT”) thắng thầu. Tôi còn chốt lại cho vui: Tin tốt là, ít nhất họ cũng sẽ nhớ tên hãng bơm Ingersoll của ông suốt đời vì ân hận. Đến nay, năm nào mùa mưa chúng ta chúng ta cũng nghe đến các vụ lũ lụt lớn ở các tỉnh đó, vì tiền chống lụt ADB cho vay thì FPT đã tiêu hết từ hồi đó trước 2000 rồi.

 

Từ hình ảnh FPT và Vietbull, hãy hình dung trong IT của VN có hàng chục con bạch tuộc đỏ (kinh doanh bằng quyền lực chính trị) như FPT và hàng trăm, hàng ngàn con cá pirania đỏ lớn nhỏ xung quanh con “Trâu Vàng” Vietbull của ông già Alan (kinh doanh phi chính trị), thì… liệu con trâu đó dù có đúc bằng vàng cũng trụ được bao lâu?

 

Và trong tất cả mọi lĩnh vực kinh doanh khác ở VN, tình trạng đều như thế.

 

Tại sao các doanh nhân, doanh nghiệp của NVHN về VN kinh doanh cho đến nay đều không thể thành công? 

 

Ở phần trên, tôi đã khẳng định, nếu không gian dối, tham ác… như FPT hay hàng ngàn hàng vạn công ty (trực tiếp hay gián tiếp) của CSVN, mà chỉ kinh doanh theo đạo đức doanh nhân thì không có công ty nào về lâu về dài có thể thành công ở VN.

 

Nhưng còn một lý do chủ yếu và quan trọng khác – đó là sự kiểm soát ngầm của an ninh CSVN đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp ở VN, nhất là với các doanh nhân và công ty của NVHN. Theo quan sát của tôi, tình hình rất tệ – sự theo dõi và kiểm soát của an ninh CSVN với các doanh nghiệp rất ngặt nghèo và phi pháp.

 

Chúng ta biết, đến nay 2015, CSVN vẫn chưa cho phép tổ chức các nhóm xã hội dân sự, hay các nghiệp đoàn độc lập, dù họ rất cần được vào TPP để mong cứu vãn nền kinh tế đang sắp sập. Thậm chí, các tổ chức tôn giáo tổ chức các khóa tu, khóa thiền cho dân chúng cũng không được – CSVN cho côn đồ đến phá. Sau vụ Bát Nhã 2009, rất nhiều vụ đàn áp tôn giáo vì “tu tập đông người” khác nữa liên tục xảy ra, mà gần đây nhất là các khóa thiền Vipassana chỉ hơn trăm người tu (ngồi thiền) ở Lâm Đồng, Sài gòn bị phá. Cậu học trò tôi than: Chúng em chỉ đến để ngồi và thở thôi mà CS cũng không cho! Chỉ ngồi và thở thôi!

 

Thế mà tại sao từ 1990 CSVN cho phép lập công ty, doanh nghiệp tư nhân – cũng là những nơi “tập trung đông người”? Là vì CSVN phải cho lập DNTN thôi, nếu không thì chết đói hết. Nhưng chúng không bao giờ tin vào, và rất sợ các tổ chức không do chúng lập nên đó. Vì thế, chúng luôn cố gắng kiểm soát tối đa được các tổ chức đó – dù họ chỉ có mục tiêu rõ ràng là kinh doanh. CSVN bằng mọi cách hợp pháp và phi pháp tổ chức và duy trì kiểm soát bằng hai hướng: từ ngoài – bằng các tổ chức quản lý và chính sách của họ với sự kiểm tra thường xuyên và đột xuất dày đặc, và từ bên trong – bằng việc cài cắm “an ninh kinh tế” vào trong tất cả mọi doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, nước ngoài và cả nhà nước – trong đó doanh nghiệp của NVHN được “chăm sóc” kỹ nhất vì “nguy hiểm” nhất.

 

Chúng theo dõi cái gì trong một doanh nghiệp? Có bốn nội dung theo dõi chính: thân nhân, quan điểm và hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình tài chính và đóng thuế của DN, và các dự án cụ thể của DN mà họ quan tâm, các đối tác kinh doanh của DN mà họ cần theo dõi gián tiếp. Tùy vào loại hình công ty, độ lớn và vị thế công ty, tùy nội dung cần theo dõi mà CSVN đào tạo và cài cắm người của mình vào các DN đó, chủ yếu qua đường để các DN tuyển chọn công khai (ứng viên của chúng – số này đông nhất) hay mua chuộc dọa dẫm, ép buộc người lúc đầu không phải “đặc tình” của chúng, gọi là loại “cài cắm” và loại “ép buộc”, hoặc bố trí (nếu là doanh nghiệp nhà nước hay liên doanh).

 

Loại cài cắm, thường được chúng tuyển chọn trước hay ngay sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế và kế toán tài chính, sau đó được đào tạo nghiệp vụ “an ninh kinh tế” 1-2 năm, và sẽ được tung ra “xin việc” vào tất cả các loại doanh nghiệp mà chúng cần theo dõi, hầu như vào mọi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người ngoài gia đình (có từ khoảng chục nhân viên trở lên). Chức danh chủ yếu là kế toán viên, hay kế toán trưởng (để theo dõi tình hình chung của các công ty), hay thậm chí tạp vụ, gác cổng (để theo dõi hành tung ban giám đốc), hoặc kỹ sư ngoài công trường (để theo dõi một dự án cụ thể nào đó), hay chuyên viên thương mại kinh doanh (để theo dõi các đối tác của công ty).

 

Với đa số công ty, các nhân viên an ninh cài cắm trên sau một thời gian vài tháng đến 1-2 năm sẽ hoàn tất nhiệm vụ (được ăn hai lương) và tự động xin nghỉ vì các lý do nào đấy. CSVN thấy tuyệt đại đa số các DN đúng là chỉ kinh doanh, nên sẽ chuyển sang theo dõi công ty mới khác.

 

Các công ty của NVHN thường bị theo dõi cả bốn nội dung (thân nhân, tài chính, dự án và đối tác) nên an ninh kinh tế của CSVN có một đội ngũ được đào tạo riêng để làm việc theo dõi họ.

 

Nếu hiện nay CSVN có khoảng 300,000 dư luận viên (DLV) ăn lương và lên mạng quậy phá, thì từ 1990 đến nay CSVN cũng đã đào tạo, tuyển dụng và đang sử dụng tổng cộng đến khoảng trên 100,000 kẻ “an ninh kinh tế” để cài cắm vào theo dõi các doanh nghiệp từ bên trong, do mấy Vụ thuộc bộ Công an cùng làm (mấy cái “C3-mấy”, “C4-mấy”, “C5-mấy” gì đó…). Đây tất nhiên là vi phạm nhân quyền (quyền riềng tư) trắng trợn và có hệ thống của CSVN rồi, nhưng “who dám care?!”

 

(Người viết bài này đã làm ở vị trí quản lý của tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, nước ngoài, liên doanh – mà doanh nghiệp NVHN là loại DN nước ngoài “đặc biệt nguy hiểm”, và đã nhìn ra và phải âm thầm loại bỏ bọn “an ninh cài cắm” của CS ở khắp mọi nơi đó, đôi lần ngay khi đang còn phỏng vấn tuyển dụng đã rõ rồi, và chỉ có thể làm thế thôi).

 

Nói chung, trừ các lý do đặc biệt, như trường hợp Vietbull của bác Alan, NVHN thường có thể kinh doanh thành công mấy năm đầu tiên vì họ nhỏ và mới, nên được “ tạm tha” quấy rối, nhưng họ luôn biết rõ mọi chuyện nội tình “để phòng ngừa các thế lực thù địch”. Khi cần, họ sẽ khai thác, sử dụng (xào nấu) các thông tin có được từ đặc tình cho mục tiêu cụ thể như phạt công ty của Lê Quốc Quân “trốn thuế”, khép công ty của Trần Huỳnh Duy Thức vào tội “kinh doanh không phép” và “trốn thuế”.

 

Nhờ có vốn độc lập hơn các doanh nghiệp trong nước, thông tin kỹ thuật và chuyên ngành cập nhật hơn, quan hệ quốc tế rộng rãi hơn, các doanh nghiệp của NVHN lúc đầu có vẻ dễ phát triển hơn. Nhưng rất tiếc giai đoạn đó không đủ để họ thực sự hiểu môi trường kinh doanh trong nước và có các đối tác lớn tin cậy, càng không biết mình bị theo dõi từ bên trong, mà họ đã có nhu cầu và kế hoạch phát triển mở rộng rồi. Đây là lúc họ đa số đều sa vào bẫy của các đối tác cộng sản mà họ tưởng mình đã tạo được lòng tin với nhau.

 

Thực sự thì quan chức và các doanh nghiệp CSVN không có khái niệm lòng tin, không bao giờ tin và tôn trọng các doanh nghiệp nói chung và DN của NVHN càng không, họ chỉ lợi dụng vì cần đầu tư, hay thông tin, hay đơn giản cần ăn hối lộ. Họ luôn sẵn sàng “diệt” – thay thế đối tác Việt Kiều và các doanh nghiệp “của họ” bất cứ khi nào có thể và vì bất cứ điều gì, bất chấp pháp luật (vì pháp luật là họ). Nói chung, trong con mắt của CSVN, các doanh nghiệp NVHN chỉ để làm cảnh (mị dân) và không bao giờ được phép thành công!

 

Cái khó của NVHN khi làm ăn trong nước là, lúc đầu thì quá tin nhau mà không biết mình bị theo dõi và coi như kẻ thù (thậm chí NVHN hay nghĩ: ồ, CS cũng tốt đấy chứ!) nên không phòng bị, tự bảo vệ mình, đến khi cơm không lành canh không ngọt thì chả có gì để tự vệ, mà cả hệ thống pháp luật lại ở phía bên kia. Tự nhiên, từ “người mình với nhau cả” thành chiến tuyến hiện ra rõ ràng mà NVHN đơn độc trong vòng vây “người mình”, thường chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người. Tôi đã đau lòng chứng kiến những cảnh “tranh chấp” – thực ra là ăn cướp công khai như vậy của CSVN (cá nhân, doanh nghiệp hay cả chính quyền) với NVHN. Ngay cả những người NVHN đã từng hối lộ các quan chức và đối tác trong nước rất nhiều và cảm thấy mình đã mua chuộc được CS cũng bị (và càng hay bị) chính những kẻ nhận hối lộ đó làm hại, phản lại, tấn công dữ dội (thay vì công khai hay ngầm ủng hộ), vì “không có bằng chứng” chúng nhận hối lộ bao giờ, lại luôn có bằng chứng NVHN đi hối lộ.

 

Đã hơn ba chục năm quan sát NVHN về nước kinh doanh, tôi chưa thấy ai thực sự thành công – đến trên 90% là thất bại. Tại sao?

 

Ngoài lý do đạo đức kinh doanh (như kiểu FPT) thì còn sự đa nghi và theo dõi rất gian manh phi pháp của CSVN với các doanh nghiệp – nhất là của NVHN – để hãm hại và kiểm soát là lý do cơ bản khác khiến các DN nói chung không thể phát triển được. Đó là lý do tại sao tôi nói môi trường kinh doanh VN đầy phản trắc – nó phản trắc từ trong tâm địa của những kẻ “trọng tài” đang quản lý “sân chơi kinh doanh XHCN” này là CSVN rồi.

 

Đó là chưa kể, “về nước kinh doanh” nhưng NVHN nói chung đều chỉ cần làm được phần đầu: “về nước…”, rồi để lại tất cả, và lại ra đi (lần “ra đi” này là “di tản lần 2”: ai cũng biết mình sẽ không bao giờ về nước kinh doanh nữa… với cộng sản.)

 

Với những công ty của NVHN còn chưa phải và không muốn “di tản lần 2” (và mọi doanh nghiệp chân chính khác), tôi khuyên nên tỉnh táo nhìn lại mình ngay và loại khỏi đội ngũ mình những kẻ ăn hai lương (một của an ninh CS) trước khi quá muộn.

 

Các doanh nhân trẻ có cơ hội nào ở VN hôm nay?

 

Vâng, tôi vẫn luôn khuyến khích, động viên và thường xuyên tư vấn cho các bạn trẻ hãy khởi nghiệp kinh doanh. Tại sao mâu thuẫn vậy, khi tôi luôn khẳng định môi trường kinh doanh VN là rất không thuận lợi?

 

Trước hết, là vì giai đoạn khởi nghiệp của doanh nhân trẻ ít bị chính trị hóa, bạn còn nhỏ quá và mới quá, non quá – nhưng thực ra nó bị chính trị hóa từ trước đó rồi, từ trong nhà trường, trên sách vở và ngoài xã hội nó đã được “định hướng” rồi, định hướng làm nô lệ. Khởi nghiệp vì thế là bạn tái định hướng cho mình, là định hướng đến Tự do!

 

Không chỉ môi trường kinh doanh ở VN rất tệ hại và bị chính trị hóa, mà môi trường chuẩn bị cho các thế hệ sau kinh doanh (tức những gì người Việt trong nước nghĩ về, nói về, được dậy về, viết về, đọc về kinh doanh và doanh nhân trong gia đình, nhà trường, xã hội) cũng đều sai trái và tệ hại. Vì thế, cả xã hội VN dù nay rất thích tiền nhưng không biết và không thích kinh doanh, doanh nhân. Cả xã hội định nghĩa sai về doanh nhân và đem tôn thờ những kẻ ăn trộm làm thuê là doanh nhân. Cả xã hội nghĩ kinh doanh là phải có tiền và chỉ cần có tiền là có thể kinh doanh.

 

Chính những bất cập và sai lệch trên về kinh doanh và doanh nhân ở VN khiến việc kinh doanh (bản chất là sáng tạo) ở VN rất ít, và doanh nhân đích thực ở VN càng hiếm hoi hơn. Vì thế nhu cầu có danh nhân đích thực càng lớn và tôi càng cố khuyến khích và động viên các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh nhiều hơn. Vì ở VN quá thiếu doanh nhân và hoạt động kinh doanh, chỉ toàn ranh nhân và chụp giật, lừa lọc mánh mung – nên nếu bạn là doanh nhân và kinh doanh theo đúng nghĩa của nó thì bạn là của hiếm và bạn có cơ may thành công cao hơn, bền vững hơn! Ví dụ, khi chế độ CSVN đỏ thì sự nghiệp kinh doanh của bạn không đổ, mà càng phát triển hơn! Đó chính là cơ hội của các bạn trẻ.

 

Ở mọi nơi trên thế giới, các doanh nhân trẻ luôn có những lớp người doanh nhân đi trước dẫn dắt và truyền cảm hứng. Ở VN, rất tiếc, sau ba bốn thế hệ cai trị của cộng sản, xã hội không có doanh nhân, chỉ toàn ranh nhân “đỏ đít”, tìm đâu ra doanh nhân đích thực để nọi theo và học hỏi? Thế hệ tôi U60 rồi, thế hệ cha tôi trước đó – đều quả là những thảm họa của dân tộc: không có doanh nhân! Thế hệ con cháu tôi, các bạn trẻ tuổi 20s-30s, thật may là có Internet và các bạn một số có thể du học (phương Tây), cũng đã có một ít sách về kinh doanh và doanh nhân đích thực được dịch ra… nên chúng ta có thể hy vọng người Việt sẽ có lớp doanh nhân mới đích thực (tất nhiên, trừ đám trẻ COCC CS, chúng nó du học để tiêu tiền, không cần biết làm ra tiền – kinh doanh là gì).

 

Thế cho nên, khởi nghiệp kinh doanh vừa là cơ hội, vừa là sứ mệnh cao cả của thế hệ trẻ VN để cứu nước, cứu nhà. Các bạn hãy khởi nghiệp đi, thấy nhiều vào! Dăm ba năm nữa, khi cá bạn đã vững vàng thì cũng là khi môi trường kinh doanh phản trắc của CSVN này phải biến mất, thay bằng môi trường bình đẳng, tự do cho sáng sáng tạo của các bạn!

 

Cơ hội lớn vẻ vang đang ở ngay phía trước các bạn: trở thành những doanh nhân chân chính của nước Việt không cộng sản, từ hôm nay! Đã đến lúc rồi đó, các bạn!

 

28.4.2015

 

The post Làm sao kinh doanh trên thương trường đầy phản trắc? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Sếp Phải Tự Quản Lý Bản Thân Trước

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Muốn làm sếp, hãy học cách tự quản lý bản thân trước!

Nếu bạn quản lý bản thân tốt, sếp sẽ xem bạn như một người biết tận dụng tối đa cơ hội và phát huy các ưu điểm cá nhân.

whale

Theo Trí Thức Trẻ – 28 April 2015

Đối với bất kỳ ai muốn làm quản lý hay thăng tiến, điều cần làm là ghi điểm với cấp trên. Không có gì tạo được ấn tượng tốt với cấp trên hơn là khả năng quản lý bản thân. Nếu cấp trên thường phải tiêu tốn nguồn lực vào việc quản lý bạn, bạn sẽ bị xem là kẻ bòn rút thời gian và năng lượng của họ. Nhưng nếu bạn quản lý bản thân tốt, sếp sẽ xem bạn như một người biết tận dụng tối đa cơ hội và phát huy các ưu điểm cá nhân. Nhờ đó họ sẽ tìm đến bạn mỗi khi cần giúp đỡ hay lời khuyên khi gặp khó khăn.

Dưới đây là 7 điều bạn cần làm để tự quản lý bản thân được bậc thầy nghệ thuật lãnh đạo John C.Maxwell đề cập trong cuốn sách The 360o Leader (Tạm dịch: Nhà lãnh đạo 360o).

1. Quản lý cảm xúc

Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người có các vấn đề cảm xúc dễ bị tai nạn ô tô hơn những người bình thường tới 144% hay cứ 5 nạn nhân của các vụ tai nạn chết người, có 1 người đã cãi nhau với người khác trong 6 giờ trước vụ tai nạn. Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo bởi mọi hoạt động của họ đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người khác.

Những nhà lãnh đạo giỏi biết khi nào nên thể hiện và khi nào nên trì hoãn cảm xúc. Đôi khi họ bày tỏ cảm xúc để tìm sự thông cảm và làm lay động người khác. Liệu đây có phải “mị dân” không? John C.Maxwell cho rằng không phải vậy, miễn sao điều đó tốt cho tổ chức và không phải là vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên kiềm chế cảm xúc khác với phủ nhận và chôn vùi nó. Điểm mấu chốt là bạn nên đặt người khác chứ không phải bản thân lên đầu khi giải quyết và xử lý các cảm xúc.

2. Quản lý thời gian

Quản lý thời gian là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với những người ở vị trí giữa một tổ chức. Những nhà lãnh đạo cấp cao có thể ủy quyền, những công nhân được trả tiền theo giờ và làm bất cứ điều gì có thể trong khoảng thời gian đó còn những người ở giữa thường chịu áp lực từ 2 nhóm trên và thường được kỳ vọng làm thêm giờ để hoàn thành công việc.

Thời gian là tiền bạc, một chuyên gia tâm thần học từng nói Chừng nào chưa coi trọng bản thân, bạn còn chưa coi trọng thời gian.” Trong cuộc sống này mọi người không thanh toán mọi thứ bằng tiền mà bằng thời gian của họ. Vì vậy thay vì nghĩ đến việc bạn làm và thứ bạn mua dưới dạng tiền bạc, hãy nghĩ tới chúng dưới dạng thời gian. Hãy nghĩ xem điều gì đáng để bạn dành trọn cả cuộc đời? Từ đó bạn sẽ có cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.

3. Quản lý các ưu tiên

Quy luật chung thường cho thấy khi bạn không biết cách quản lý các ưu tiên, công việc của bạn sẽ luôn áp lực và giảm hiệu suất. Đặc biệt với vị trí ở giữa một tổ chức, bạn sẽ có một núi công việc cần xử lý. John C.Maxwell đề xuất cách quản lý các ưu tiên như sau:

80% thời gian- làm những việc bạn giỏi nhất

15% thời gian- làm những việc bạn đang học hỏi

5% thời gian-làm những việc cần thiết khác.

Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu thực hiện nhưng bạn cần học cách giao quyền, tính kỷ luật và phải “nhẫn tâm” khi quyết định đâu là những việc không nên làm. Thích làm một số công việc không có nghĩa phải đưa nó vào danh sách việc cần làm. Hãy chỉ làm những việc có thể giúp bạn phát triển khả năng hoặc những việc cấp trên yêu cầu đích thân bạn làm. Tất cả những công việc còn lại đều là ứng viên cho danh sách những việc không nên làm của bạn.

4. Quản lý năng lượng

Ngay cả những người giàu năng lượng nhất cũng có thể bị rút cạn năng lượng trong những tình huống khó khăn hoặc không biết cách phân bổ, sử dụng chúng. Có 3 nhóm hao mòn năng lượng mọi người thường mắc phải gồm: Làm những việc không quan trọng, Không có khả năng làm những việc thật sự quan trọng, Không có khả năng ứng phó với vấn đề.

Vì vậy để quản lý năng lượng bản thân tốt nhất, mỗi ngày bạn bên nhìn vào lịch làm việc của mình và tự hỏi “Việc nào là việc chính?” . Từ đó hãy đảm bạn mình có đủ năng lượng để thực hiện việc đó với sự tập trung và xuất sắc.

5. Quản lý suy nghĩ

Kẻ thù lớn nhất của suy nghĩ sâu sắc là sự bận rộn. Khi bạn muốn trở nên xuất sắc, hãy biết cách quản lý sự bận rộn quanh mình. Nếu bạn thấy nhịp độ cuộc sống quá gấp gáp và không có phút nào để suy nghĩ trong cả ngày làm việc, hãy tạo thói quen viết nhanh ra giấy 3 đến 4 điều cần đầu tư thời gian để tìm cách giải quyết. Sau đó tìm thời gian thích hợp để suy nghĩ về những điều đó.

Việc suy nghĩ chỉ mất khoảng 30 phút mỗi ngày, hoạc bạn có thể lưu lại những điều đó trong một tuần và dành thời gian xử lý trong ngày thứ 7, miễn sao đừng để quá lâu đến nỗi nó làm bạn nản lòng và sợ hãi.

Hãy nhớ một nguyên tắc: 1 phút> 1 giờ. Một phút suy nghĩ đáng giá hơn một giờ nói chuyện phiếm hay làm việc không có kế hoạch.

6. Quản lý lời nói

Các nhà lãnh đạo cấp cao thường không nghe lời bạn nói mà thường đánh giá cao hành động. Nếu họ ngừng việc đang làm lại để lắng nghe, những lời họ nghe sẽ có giá trị. Vì vậy hãy sử dụng ngôn từ hiệu quả nhất. Nếu bạn muốn lời nói của mình có sức nặng, hãy để tâm nhiều hơn đến chúng Nếu bạn quản lý tư duy và tận dụng hiệu quả khoảng thời gian tập trung suy nghĩ, kỹ năng quản lý lời nói của bạn sẽ tiến bộ trông thấy. Đối với cấp trên, nếu bạn có điều gì đáng nói, hãy nói ngắn gọn và súc tích. Nếu không có gì đáng nói, đôi khi việc tốt nhất nên làm là giữ yên lặng.

7. Quản lý cuộc sống riêng

Điều cuối cùng, dù bạn làm việc và quản lý bản thân rất tốt ở chỗ làm nhưng cuộc sống của bạn là một mớ bung bét, cuối cùng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Có ích gì khi leo lên đỉnh cao sự nghiệp nhưng hôn nhân lại tan vỡ, bạn trở thành người xa lạ với con cái?

Không có thành công nào trong sự nghiệp đáng để ta phải hy sinh gia đình của mình”, John C.Maxwell cho biết. Vì vậy, John C.Maxwell định nghĩa thành công là có những người thân thiết nhất luôn yêu thương và tôn trọng mình. Ông muốn có được tình yêu và sự tôn trọng của vợ, con trước khi có sự tôn trọng của bất cứ ai làm việc với mình. Và bạn cũng thế chứ?

Yên Nhiên

Theo Trí Thức Trẻ

 

The post Sếp Phải Tự Quản Lý Bản Thân Trước appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Doanh Nghiệp Việt Đầu Tư Vào Cuba

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Một doanh nghiệp Việt “rót” 23 triệu USD mở hai nhà máy tại Cuba

Huyền Trâm – Diễn Đàn Đầu Tư – 27 April 2015

thaibinh-whyg-1430120033012

Hai nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017, cung ứng sản phẩm cho thị trường Cuba và xuất khẩu sang các nước thuộc châu Mỹ.

Ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình cho biết thông tin trên tại Hội nghị nhà cung ứng với chủ đề “Hợp tác và phát triển bền vững cùng Thái Bình trong giai đoạn hội nhập mới” diễn ra chiều ngày 24/4.

Với kinh nghiệm phân phối 12 nhóm ngành hàng vào Cuba và có mặt ở 16 tỉnh thành đất nước này, công ty đã giới thiệu những cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam khi Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Cuba bằng hàng loạt biện pháp tháo dỡ những rào cản thương mại.

“Với những diễn biến kinh tế, chính trị đang thay đổi từng ngày tại đất nước Cuba, tôi cho rằng thời cơ để quốc đảo này chuyển mình đã đến, một vận hội mới đang mở ra đi cùng với nhiều cơ hội và thử thách”, ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Thái Bình, cho biết.

Ông Tú đã đưa ra các phương án hợp tác dành cho ba đối tượng nhà cung cấp khác nhau gồm nhà cung cấp truyền thống, nhà cung cấp tiềm năng và các đối tác quan tâm đến thị trường này.

Dịp này, công ty Thái Bình cũng chính thức giới thiệu dự án khởi công xây dựng hai nhà máy mới với tổng vốn 23 triệu USD tại Cuba, gồm nhà máy bột giặt và nhà máy tã lót – hai mặt hàng chiến lược mà người tiêu dùng Cuba rất tin dùng sản phẩm của Việt Nam.

Được biết, 2 nhà máy của Thái Bình sẽ được đặt tại Đặc khu kinh tế Mariel cách thủ đô Havana 43 km. Nhà máy bột giặt có công suất 50.000 tấn/năm với vốn đầu tư 5 triệu USD, do liên doanh giữa Thái Bình, Công ty TNHH Vico và Công ty Suchel (công ty Cuba). Sản phẩm sẽ cung cấp cho thị trường Cuba và xuất khẩu sang các nước thuộc châu Mỹ. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào quý II/2017.

Nhà máy tã lót, băng vệ sinh có vốn đầu tư 5 triệu USD, công suất 120 – 180 triệu sản phẩm/năm với chủ đầu tư là Thái Bình và CTCP Kywy, dự kiến đi vào hoạt động vào quý I/2017.

Tại hội nghị, ông Bernabe Garcia Valido, Tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM cho biết, các chính sách kinh tế hiện đang được áp dụng ở Cuba trong việc chấp thuận các loại hình kinh doanh theo phương thức đầu tư nước ngoài liên quan đến các dự án lợi ích quốc gia bao gồm các dòng vốn đầu tư cao chảy vào các mục tiêu phát triển quốc gia hoặc có tác động kinh tế xã hội mạnh mẽ trong nước. Các chính sách thương mại, lao động, tài chính, tín dụng, thuế… để đảm bảo mong đợi ngoại thương Cuba trong phát triển xuất khẩu, thay thế cho nhập khẩu trong thời gian ngắn nhất.

Đánh giá cao những nỗ lực khai phá và làm chủ thị trường mới cho sản phẩm Việt Nam, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch công ty GIBC cho biết: “Việc thành công của công ty Thái Bình là minh chứng cho sức mạnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các cơ hội đang mở ra trong quá trình hội nhập toàn cầu.”

Tuy nhiên, ông Trai cũng cho rằng những kết quả bước đầu đạt được này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội tại Cuba và khu vực Châu Mỹ La tinh. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Cuba còn khá thấp, chỉ đạt 206 triệu USD năm 2014 và còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh.

Thị trường Cuba hiện tương tự thị trường Việt Nam cách đây hơn 30 năm và sau khi được mở cửa họ sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Các công ty Việt Nam nên tranh thủ chính sách ưu ái trong quan hệ hai nước dành cho nhau

 

The post Doanh Nghiệp Việt Đầu Tư Vào Cuba appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

40 Năm Vươn Lên Từ Nước Mắt

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

40 Năm Vươn Lên Từ Nước Mắt

Trần Nhật Phong – BBC – 29 April 2015

150427143811_tran_nhat_phong_640x360_trannhatphong_nocredit

BBC vừa phát sóng cuốn phim tài liệu “40 Năm Vươn Lên Từ Nước Mắt” do đạo diễn Trần Nhật Phong thực hiện. Phim mô tả trung thực và khách quan hành trình và cuộc sống của người gốc Việt tại Mỹ với những thử thách, thất vọng, kiên trì trong cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng, sau 40 năm, là những thành tựu đáng hãnh diện so với mọi sắc dân khác trong cái melting pot là America.

Anh Phong là một BCA và chúng ta hân hạnh được chia sẻ cùng anh một công trình nghệ thuật với nhiều tư liệu lịch sử.

Xem tại:

Góc Nhìn Alan

’40 năm vươn lên từ nước mắt’

Trần Nhật Phong Little Saigon, California

Năm nay đánh dấu đúng 40 năm từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Nhiều đài báo đã viết bài, làm những phóng sự ngắn ở nhiều mảng khác nhau, đề cập đến tâm tình, suy nghĩ của người Việt hải ngoại về ngày lịch sử này.

Trong một chừng mừng nào đó, tôi thấy các bài viết hoặc phóng sự chưa có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng.

Do đó, cách đây vài tuần tôi đã nảy ra ý định thực hiện một phim tài liệu, theo đó tìm hiểu quá trình tạo dựng cuộc sống của họ, sự phát triển của cộng đồng qua nhiều góc cạnh văn hóa, kinh tế chính trị và xã hội.

Trong quá trình liên hệ và tìm người phỏng vấn nhằm tìm hiểu những hệ lụy từ quá khứ của người Việt, tôi đã gặp những câu chuyện khiến tôi xúc động mạnh như một người cha đi tìm con bị hải tặc cướp trên tay 30 năm trước đây trên đường vượt biển, vẫn có niềm tin rằng con gái của ông vẫn còn sống.

Ngoài những người thành đạt trong các ngành luật và tài chính hay y khoa, và “cô bé lọ lem vượt biên tị nạn năm nào” nay trở thành Thượng Nghị sĩ tiểu bang có nên kinh tế lớn nhất Hoa Kỳ, tôi muốn tìm đến những mảng kinh doanh phổ biến trong giới người Việt tại Hoa Kỳ như ngành làm móng tay.

Từ ý niệm mở một cửa tiệm làm móng tay để “mưu sinh” hơn 30 năm trước, tôi đã gặp gia đình nay thành đạt và trở thành kỹ nghệ lớn hàng gần cả trăm cửa tiệm và cả ngàn thợ.

150427143911_tran_nhat_phong_640x360_trannhatphong_nocredit

Cuốn phim ‘ 40 năm vươn lên từ nước mắt‘ của tôi đề cập đến quá trình tạo dựng của cộng đồng người Việt nhiều hơn, từ những bãi đất trống, những bãi dâu, vườn cam hay bãi rác, sau 40 năm người Việt bỏ công xây dựng đã trở thành những đô thị phồn thịnh, buôn bán sầm uất, nếu thập niên 80, 90 người ta gọi là Tiểu Sài Gòn thì nay thì với cái nhìn của tôi phố Việt đã trở thành một Đại Sài Gòn.

Tất cả đều do người Việt tạo dựng từ hai bàn tay trắng khi họ đến Hoa kỳ 40 năm trước. Họ đã vượt lên bằng niềm khát vọng của chính họ.

Bản thân cuốn phim tuy chưa thể nói là thật đầy đủ do thời gian có hạn, nhưng tôi tin rằng đó là phần đóng góp nhỏ của cá nhân nhằm nói lên tổng thể sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ.

Tôi hy vọng qua cuốn phim này, mọi người khắp nơi trên thế giới sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, không chỉ đóng khung trong các môi trường chính trị mà bên cạnh đó là sự phát triển mãnh liệt về kinh tế, gìn giữ văn hóa và đóng góp lại cho xã hội.

 

The post 40 Năm Vươn Lên Từ Nước Mắt appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Lòng ta trăm con hạc gầy

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Lòng ta trăm con hạc gầy

Alan Phan

ngan canh hac

Tháng Tư  2015

Tháng Tư thường đem lại nhiều cảm xúc trong những tâm hồn Việt. Cuộc biến động lịch sử quá lớn, sự hòa giải hòa hợp giữa hai bên gần như không có; rồi những thay đổi ngôi vị về tài chính, về cơ hội và thế đứng trên phân khúc dân sinh toàn cầu…của kẻ thắng người thua, đã khiến hố sâu cách trong cộng đồng mỗi ngày thêm xa thẳm….Bất cứ điều gì, nói hay làm, từ mỗi bên đều gây nhiều tranh cãi, thậm chí sẵn sàng xô xát nhau: dù 40 năm đã qua mà mọi người vẫn còn đang sống lại kịch bản kinh hoàng như ngày hôm qua.

Tôi cũng có nhiều điều để chia sẻ, nhưng trong cái gay gắt đau xót của vết thương còn rỉ máu, mọi phát ngôn đều gây ngộ nhận trong giận dữ. Cho nên, có lẽ mọi người nên im lặng, để Tháng Tư chóng qua và chúng ta quay lại với hoài bão đam mê của mỗi cá nhân, ít nhất là chuyện cơm áo gạo tiền cho gia đình.

Định mệnh đã an bài. Những người thao thức muốn nhìn “con thiên nga đen”  xuất hiện vẫn tiếp tục nhìn lên bầu trời tối đen chờ ánh sáng. Những kẻ an phận với đời “nô lệ” vẫn ngày ngày chém gió ca hát trong các quán nhậu, cafe. Những con người tranh đấu cho lý tưởng không thỏa hiệp vẫn bỏ thì giờ tổ chức hội họp. Những quan chức lớn và nhỏ vẫn hả hê khi mọi quyền và lợi vẫn được ban phát đều đặn. Những thế hệ trẻ ở hải ngoại thì bận rộn với nhu cầu cuộc sống, nhìn về quê hương chỉ là một điểm du lịch rẻ tiền…

Thời gian sẽ trôi nhanh. Vài ba chục năm nữa, Tháng Tư của quá khứ sẽ không còn mang bất cứ một ý nghĩa gì. Lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ mọi dấu tích; và lịch sử sẽ đi theo con đường mà phần lớn chúng ta không đoán nổi.

Vậy chúng ta nên bắt đầu nói đến tương lai chăng?

Đây là điều tôi lại càng muốn im lặng. Phần lớn chúng ta không thể (và không muốn) thay đổi hiện tại thì không có phép lạ nào để tương lai chuyển hướng. Có thể có vài ngoại lực bắt buộc ta phải thay đổi để tiếp tục nhận “cứu trợ”, nhưng khi mình không chủ động trong cuộc chơi, thì cũng giống như một nhân công, nay được giao việc này, mai việc kia, lương bổng phúc lộc có tăng theo thời giá, nhưng trong chuỗi năm tháng dài dằng dặc của ngày mai, ta vẫn chỉ có một nếp sống “hand-to-mouth” (tay làm hàm nhai?)

Quá khứ sẽ mất, tương lai sẽ mù mịt. Có lẽ thế hệ này sẽ sống với hiện tại, như triết thuyết hiện sinh của thập niên 50’s?

Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
Còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
(nhạc Trịnh Công Sơn)

Chút an ủi là “em” vẫn ngọt ngào và vẫn đứng đợi bên ngày yêu dấu? Hay chỉ là ảo mộng của những tư duy học trò (mà ngay cả các ông già vẫn không thoát được, như cả trăm năm nay?)

Như các phim Trung Quốc về mưu đồ thủ đoạn ở triều đình vẫn cố gắng cải trang thành huyền thoại lịch sử.

Alan Phan

The post Lòng ta trăm con hạc gầy appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Mùa mưa và ngày 30.4

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Mùa mưa và ngày 30.4

Tác Giả: 5Xu – Blog 5xu -  24 April 2015

cung vu phu chua

Hôm rồi tôi rủ bạn bè: Ngày 30 tháng 4 phải đi uống bia chứ nhỉ, xét cho cùng thì không có ngày này thì hội mình không có ngồi đây.

Thực ra trong nhà, vợ tôi đã nói như vậy từ hồi mới cưới. Không có 30/4 của mấy chục năm trước thì ta không gặp được nhau thế này. Dù rằng mỗi sáng tháng Tư đi chợ Tân Định, về nhà vợ tôi vẫn bảo: ngoài chợ người ta vẫn nhắc hôm nay họ đánh đến đâu, đánh đến đâu. Ở Sài Gòn, ngoài chợ, có những người bình dân vẫn nhớ những ngày tháng tư ấy, thay vì chào nhau buổi sáng người ta nhắc lại những ngày cuối cùng của mấy mươi năm trước.

Nhóm bạn thì tếu táo: Không có ngày này, chắc tôi sẽ là một thằng con ông cháu cha nho nhỏ, đi du học Bắc Hàn. Không có ngày này chắc em đang ở Hà Nội và hô khẩu hiệu Lê Chủ Tịch muôn năm.

Không có ngày này, chắc chúng ta đang dùng ngôn ngữ mao-ít. Chủ tịch Kim Chính Ân, thay vì Kim Jong Un.

Bạn Chính Ân có mái tóc huyền thoại hóa ra hiểu biết về quyền lực và trị quốc hơn chúng ta. Với tư duy hoàn toàn ngây thơ bạn hiểu rằng một đứa trẻ con không thể nào ôm đống đồ chơi khổng lồ của mình được. Sớm muộn sẽ tuột tay và đồ chơi rơi đi hết. Cách tốt nhất là chia cho bạn bè cùng giữ. Chia cho cùng giữ chứ không phải ban phát cho các đứa bé khác trong gia tộc của mình. Nhiều đế chế lớn tan giã chỉ vì hoàng đế cắt đất phong vương cho các gia tộc lớn .

Gần đây nhất, Chính Ân đã đề xuất cách thức biến Triều Tiên thành thể chế Liên Bang. Kim Chủ Tịch không ngớ ngẩn như trong các tranh biếm họa mà ở Việt Nam chúng ta hay share trên FB để chế giễu, chủ tịch Ân có cái gì đó sâu sắc hơn nhiều.

Sinh ra ở khi đất nước đang chia cắt, lớn lên nước vẫn chia cắt, làm chủ tịch rồi vẫn cắt chia, Kim Chính Ân thừa hiểu rằng, một miền bắc lạc hậu hơn có thể xâm chiếm miền nam tân tiến hơn với thể chế cộng hòa chính danh, chứ Nam Hàn văn minh không thể chiếm được một Bắc Hàn có thể chế cộng hòa, nhiều lực lượng chính trị chia sẻ quyền lực một cách cân bằng mong manh (mà gia đình chủ tịch Kim làm miếng quyền to nhất). Cơ chế Liên Bang mà chủ tịch Kim đang nhắm tới đang là nền cộng hòa như thế. Và sẽ không có 30 tháng 4 ngược ở Triều Tiên. Cậu bé Kim sinh năm 1984 du học ở Thụy Sỹ về, hóa ra không phải là đứa con nít. Nếu phải lựa chọn lãnh đạo đất nước giữa hai: “hoặc là con ông cháu cha du học về, hoặc là một tay ở rừng ở núi ra, (chưa kể chả biết bố nó là ai hehe)”, các bạn sẽ chọn ai? Con nhà tông không giống lông thì giống tóc. Hãy nhìn vào Tập Cận Bình.

Từ ngày bạn Tập Béo lên ngôi, từ chối sống yên ả trong cái bóng của Giang chủ tịch với tuyên bố không làm “hoàng đế nhí”, không làm “vua không quyền”, ở Việt Nam hay nghe tới hội nghị Bắc Đới Hà. Nếu đọc sách về Mao Trạch Đông sẽ thấy Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo Trung Quốc choảng nhau (debate) tan nát thế nào. Cực kỳ quyết liệt. Thế mới khá được. Tiếng Tàu cũng như tiếng Tây, đại từ gọi nhau toàn mày tao. Cứ thử tưởng tượng, ở Việt Nam, đang quen kiểu bác bác chú chú, anh hai anh tư, giờ BCT và TW họp mà cứ mày-tao thẳng cánh trong tranh luận việc đại sự quốc gia, thì chất lượng debate sẽ tiến bộ còn hơn Bắc Đới Hà.

Nói đến Bắc Đới Hà, nhớ đến sách sử viết về xứ Bắc Hà.

Ngày xưa, tất tần tật các phái đoàn ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam, đều do Chúa Trịnh tiếp. Riêng đoàn ngoại giao của Trung Hoa tới Thăng Long thì vua Lê tiếp.

Ngạc nhiên chưa, lịch sử nhấp nháy những tia sáng le lói nhiều khi rất hay như thế về hiện tại.

Chế Lan Viên có một câu thơ nhấp nháy lịch sử bí hiểm vãi chưởng: “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê”. Rất có thể, quanh Hồ Gươm, cái khu Kẻ Chợ danh tiếng ấy, nằm sát Phủ Doãn, là nơi quyền lực của Chúa bao phủ. Nơi ấy nhắc nhau không bô bô bàn những chuyện vốn chỉ khẽ xôn xao trong Hoàng Thành của vua Lê.

Người Kẻ Chợ từ cái thủa Vua Lê Chúa Trịnh ấy đã bắt đầu quen thói buôn chuyện chính trị vỉa hè. Mọi xì xào trong cung Vua, mọi biến động trong phủ Chúa, dân buôn chuyện vỉa hè hóng hết rồi bình luận hết. Ngày nay vỉa hè ấy thượng lên cả internet.

Rất may trên cyberspace không có chỗ thắp nhang.

Việc nghiêm chỉnh thắp nhang và thành kính cầu xin, bỏ qua yếu tố mê tín, quả thực là một việc có ích. Những lúc thắp hương và thành kính xin một điều gì đó, chính là lúc chúng ta tự nhận thức mình thực sự đang mong muốn cái gì, tin tưởng cái gì sẽ đến với mình nếu mình làm hết tâm huyết. Biết mình thực sự muốn gì, mong mỏi nó đến với mình, chắc chắn lúc thực hiện công việc, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Vậy nên thắp nhang mỗi ngày, không phải chỉ là một thói quen quá ư là mê tín.

Ngày xưa vua quan cũng hay hương khói cúng trời cúng đất mong mỏi điều tốt lành đến với dân với nước. Không biết sau mấy chục năm thay việc thắp hương cho đất nước bằng việc tụng niệm Mác Lê Hồ Mao, kết quả có khấm khá hơn không. Câu trả lời có lẽ hơi bi quan một tí. Ai cũng biết thừa là niềm tin trong cái việc tụng niệm ấy gần như chả có gì.

Ngay cả bạn Tập, trong phát biểu đợt cầu đồng tồn dị vừa rồi, bạn ấy cũng không nói gì đến XHCN nữa. Tất nhiên bạn ấy cũng không nói về 30.4, một ngày kỉ niệm của Việt Nam mà người ngoài, kể cả nước Mỹ đồng minh của miền nam, cũng không bao giờ hiểu cho hết được.

Thực sự năm nào tôi cũng đợi ngày 30.4. Với tôi ngày ấy kết thúc mùa khô với những ngày nóng không thể chịu nổi kéo dài từ sau Tết Âm Lịch, để bước qua mùa mưa mát mẻ hơn nhiều.

5-Xu

  • Suy ngẫm (Theo Dân Luận)

Thương hại thay! Ngưới nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe. Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy.

 

Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học biết xét kỹ thấy xa như thế, còn người nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình.

 

“Đã biết sống thì phải bênh vực nhau” ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: “Không ai bẻ đũa cả nắm” và “Nhiều tay làm nên bột”. Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ như ngày nay.

 

— Phan Chu Trinh (Đạo đức và Luân lý Đông Tây)

 

The post Mùa mưa và ngày 30.4 appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Nguồn Tin Mới