Tin tức Việt

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc


Theo Lê Loan – DNSG – 26 Feb 2015


doanhnhan_4


Hơn 30 năm trước, vì niềm đam mê cháy bỏng, ông giáo trẻ Đỗ Duy Thái đã mạnh dạn từ bỏ nghề giáo để “tay ngang” bước vào ngành công nghiệp Thép.


- Ông Đỗ Duy Thái khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm cao su cùng các anh em trong gia đình với số vốn bằng không. Sau một năm, những sản phẩm của ông đã có chất lượng tương đương các sản phẩm ngoại.


- Sau đó, ông tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Sự ra đời của Thép Việt là bước ngoặt đánh dấu Nguyễn Duy Thái trở thành nhà đầu tư tư nhân lớn nhất nước trong ngành thép.


- Ông cho rằng, với ngành luyện thép thì phải nghĩ nhiều đến chiến lược hơn là chiến thuật. Kinh doanh ngành khác có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng thì phải vài chục năm.





Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất Thép Việt, chia sẻ: “Sở dĩ tôi làm công nghiệp là vì tôi thích tạo ra sản phẩm. Thị trường vào những năm cuối thập niên 80 mọi thứ đều khan hiếm, từ chiếc rulô cao su chà lúa, vỏ ruột xe cho đến nút chai nước biển… Vì sự thiếu thốn nhiều mặt hàng mà tôi thấy mình có nhiều cơ hội. Nếu thành công, tôi sẽ giải quyết được gánh nặng “cơm áo” cho cả gia đình, đồng thời còn thỏa mãn được đam mê làm công nghiệp”.


Với suy nghĩ đó, ông Đỗ Duy Thái đã khởi xướng việc sản xuất các sản phẩm từ cao su và rủ rê các anh em trong gia đình cùng làm. Vốn liếng ban đầu chỉ là con số 0: không kiến thức, không máy móc, không kinh nghiệm… Để thực hiện ý tưởng chế tạo máy, ông lân la gần như hết tất cả các cơ sở, nhà máy đã và đang sản xuất những sản phẩm từ cao su tại Việt Nam.


Sau một năm, thành quả anh em ông đạt được là những chiếc rulô cao su chà lúa, vỏ ruột xe, nút chai nước biển lần lượt ra đời với chất lượng sánh ngang hàng ngoại. Nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng, ông thấy mình đã đi đúng hướng.


“Ngay giai đoạn đó, tôi thấy mình có động lực lớn lắm và cứ như bị “hút” vào công việc”, ông Thái nói. Cũng chính vì niềm đam mê mãnh liệt này mà sau khoảng thời gian gián đoạn trên con đường kinh doanh, ông lại một lần nữa tiếp tục đầu tư vào công nghiệp, cụ thể là ngành luyện thép. Đây được xem là lựa chọn thứ hai trong cuộc đời ông. So với sản phẩm làm từ cao su, ngành luyện thép có những yêu cầu khó hơn nhưng những khắc nghiệt trong công việc lại thôi thúc ông muốn chinh phục nó.


Sự ra đời của Thép Việt (công ty mẹ, sở hữu 61,61% cổ phần của Công ty CP Thép Pomina (POM) hiện nay) đã đánh dấu bước ngoặt Đỗ Duy Thái trở thành nhà đầu tư tư nhân Việt Nam đầu tiên lớn nhất về luyện thép. Cho đến bây giờ, mặc dù đã sở hữu nhà máy luyện và cán thép xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 26 trên thế giới với công suất luyện 1 triệu tấn phôi thép, nhưng mỗi khi nhà máy cho ra những mẻ thép đầu tiên, cảm xúc trong ông vẫn đong đầy.


“Dù đã kinh qua không biết bao nhiêu máy móc, công nghệ và cũng rất muốn giữ phong thái của một nhà lãnh đạo trước mặt nhân viên, nhưng tôi vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn thấy một sản phẩm mới ra đời”, ông Thái bộc bạch.


Gần 30 năm dấn thân vào nghiệp kinh doanh, ông cho rằng, điều doanh nhân cần làm là mang lại giá trị gia tăng cho xã hội. Theo ông, doanh nhân cũng giống như ngọn cỏ trên sa mạc, nếu có thể mạnh lên thì sẽ là những nhân vật xuất chúng.


Việc ông chọn đầu tư vào luyện thép, nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của một đất nước, cũng xuất phát từ ý nghĩ đó. Đây được xem là bước đi khác biệt, tạo giá trị gia tăng nhưng ít tính cạnh tranh. Có lẽ, nhờ giống như “thép đã tôi” mà ông chủ Thép Việt luôn có cái nhìn lạc quan cũng như mạnh dạn đưa ra nhiều quyết định táo bạo.


Điển hình như ở giai đoạn kinh tế khủng hoảng (2009 – 2012), Thép Việt đã đổ 300 triệu USD vào Nhà máy Pomina 3 (Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) để nắm bắt cơ hội trong khó khăn với chiến lược đầu tư dài hạn, dù rằng điều này góp phần làm tình hình kinh doanh của Công ty từ năm 2013 đến nay luôn gặp khó. Song với ông, đối mặt với thách thức cũng là cách khiến con người trưởng thành hơn.


Ông cho rằng, với ngành luyện thép thì phải nghĩ nhiều đến chiến lược hơn là chiến thuật. Kinh doanh ngành khác có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng thì phải vài chục năm.


Theo ông, một đất nước muốn phát triển phải có sự công bằng để cho các doanh nghiệp thi đua và ai vượt trội sẽ có cơ hội. Ngược lại, những thành phần giàu lên nhờ yếu tố quyền lực và các nhóm lợi ích thì đất nước sẽ phát triển theo một hướng khác.


“Đồng tiền trong túi ai cũng vậy. Nhiều ít không thành vấn đề, nhưng đồng tiền đó phải sinh ra hiệu quả cho xã hội. Và muốn sinh ra hiệu quả thì nó phải xuất phát từ những người có năng lực, có tâm, có tầm và phải được cầm, điều hành bởi những người có năng lực thật sự. Đó là vấn đề mấu chốt mà những người làm chính sách cần hướng đến”, ông Thái nhấn mạnh.


The post Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Loạt Bài về Saigon Trước 1975

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Bài 1: Sài Gòn và siêu thị đầu tiên ở Việt Nam


Phạm Công Luận – Theo Thanh Niên – 26 Feb 2015


Siêu thị Nguyễn Du, khu siêu thị đầu tiên ở Sài Gòn và có thể nói là toàn cõi VN mở cửa năm 1967, mang đến cho nhiều gia đình công tư chức ở Sài Gòn những tiện lợi trong chuyện mua sắm mà trước đó không hề có.


kieuchinh_bayi


Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đến mua hàng tại siêu thị Nguyễn Du


Một dịp sát tết, tôi được đến siêu thị với anh trai, thấy nó giống một cửa hàng cực lớn, máy lạnh mát rượi và đầy những thứ lạ lẫm. Khách mua hàng toàn những người lớn ăn bận lịch sự, nam với áo chemise bỏ vào quần, những người lính và nhiều phụ nữ bận áo dài. Do xe đẩy không có nhiều như bây giờ, khách mua hàng toát mồ hôi sắp hàng tính tiền, tay lủ khủ hàng hóa trong những cái túi lưới.


Siêu thị Nguyễn Du được thiết lập ở góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Sài Gòn (hai con đường này nay thuộc quận 1, tên đường không thay đổi cho đến nay) do Tổng cuộc Tiếp tế thành lập. Theo một số tài liệu, năm 1966, ông Trần Đỗ Cung, đứng đầu cơ quan trên được giao nhiệm vụ quân bình thị trường. Ngoài việc cấp bách như giải quyết những việc cần thiết cho đời sống người dân như nhập xe gắn máy, điều hòa việc phân phối thịt heo, gạo, ông dự tính thiết lập tại VN các trung tâm bán lẻ để phục vụ đại chúng, nhất là những người có đồng lương ổn định.


sieuthinguyendu_imcd


Đầu tháng 2.1967, một phái đoàn do ông Cung cử ra đã đến thăm chợ Mỹ (Commissary) ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn để quan sát hoạt động cùng cách tổ chức của cơ sở này. Sau đó một tuần, ông Trần Đỗ Cung cùng một chuyên viên tài chính lên đường đi Philippines theo lời mời của Tập đoàn siêu thị Makati ở thủ đô Manila để nghiên cứu về quản lý, kiểm soát, tổ chức và sản xuất thực phẩm. Họ còn tiếp tục đến Hồng Kông, Singapore để tham quan các siêu thị. Sau đó, tổ chức đào tạo về cách vận hành siêu thị cho nhân viên và tổ chức một khu chợ tết vào tháng 1.1967, vừa để phục vụ việc mua sắm tết vừa tổ chức buôn bán theo hình thức mới để huấn luyện nhân viên của mình.


Theo hồi ký của ông Trần Đỗ Cung xuất bản tại Mỹ năm 2011, một kiến trúc sư người Đức tên Meier đã được thuê vẽ họa đồ xây cất siêu thị, phối hợp với Công ty NCR về trang bị, thiết bị bên trong. Ngày 16.10.1967, siêu thị đầu tiên ở VN chính thức ra đời, mở đầu một kỷ nguyên mới cho ngành bán lẻ. Từ cửa vào, khách đi tay không vô siêu thị bằng một cửa quay, tự lấy một giỏ xách hay xe đẩy và đi lựa chọn hàng đã ghi sẵn giá trên kệ. Chọn xong, họ tính tiền ở các quầy thu ngân có máy tính tự động. Siêu thị này có 6 quầy thu ngân ở cửa ra, trong đó có một “quầy hỏa tốc” dành cho những người mua ít hàng. Còn có một lối ra cho người không mua hàng. Cách thức không khác gì siêu thị ngày nay, nhưng khi nó được áp dụng cách nay gần 50 năm thì là một sự ngạc nhiên và kỳ thú đối với khách mua hàng Sài Gòn. Trong hồi ký, tác giả tả không khí lúc đó: “Siêu thị đã hoàn tất trên đường Nguyễn Du, có bãi đậu xe rộng rãi. Ngày khai trương cả đoàn xe Honda, Mobylette và Vespa rầm rập kéo đến chở vợ con hí hửng bước vào ngôi chợ tối tân mới mở cửa, phục dịch khách mua hàng một cách niềm nở và lịch sự”.


sieu-thi-1_yenl


Sau khi khai trương hơn một tháng, siêu thị Nguyễn Du tổ chức một sự kiện đánh dấu sự thành công của mình. Khi người khách thứ 100.000 đến đây và đặt tay vào cửa quay, loa phóng thanh phát to: “Hoan nghênh công dân siêu thị thứ 100.000, là anh Lê Văn Sâm…”. Anh được choàng băng kỷ niệm và được ông quản đốc trao tặng giải thưởng trị giá 10.000 đồng.


Siêu thị Nguyễn Du nằm trên diện tích 30.000 m2, ở một khu phố còn vắng vẻ không phù hợp cho việc buôn bán lắm nhưng khi siêu thị được lập ra, số khách hàng lui tới được đánh giá là “ngoài mức tưởng tượng”. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 người đến mua sắm và doanh thu mỗi ngày tối đa là 1,5 triệu đồng thời đó.


sieuthi2_pzvy


Trước khi siêu thị được thành lập, trong giới doanh thương Sài Gòn, tuy rất nhanh nhạy với cái mới đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm “không tưởng”. Tuy nhiên, Tổng cuộc Tiếp tế với ý định sẽ thiết lập các chuỗi dây chuyền siêu thị tư nhân đã không chùn bước. Sau khi siêu thị này hình thành ít lâu, họ nhận được nhiều thư tán thưởng và nhiều tư nhân tấp nập gửi đơn đến đề nghị cộng tác thiết lập siêu thị tư nhân dưới hình thức này hay hình thức khác. Đến tháng 12, đã có hai siêu thị tư nhân cỡ nhỏ là An Đông và Đoàn Thị Điểm mở ra. Cái thứ ba ở Biên Hòa được trang bị để mở vào Tết Mậu Thân năm 1968.


Siêu thị này và những siêu thị nhỏ khác ở Sài Gòn và các vùng lân cận hoạt động đến 1975 thì chấm dứt. Sau đó là khoảng thời gian vắng bóng siêu thị cho đến gần 20 năm sau mới xuất hiện trở lại (khoảng 1993). Đến nay nhiều người vẫn cho rằng, siêu thị ở VN bắt đầu quá muộn mà không biết nó đã hình thành từ gần nửa thế kỷ nay và đã được tổ chức hoạt động rất tốt không khác gì các siêu thị bây giờ.


sieuthisgtruoc1975_bqjo


Đi trước cả Bangkok


Sau khi siêu thị Nguyễn Du được thành lập không lâu, ông Cung được SMI (Viện Siêu thị – Super Marketing Institute) mời qua Bangkok (Thái Lan) gặp các nhà buôn Thái để trình bày kinh nghiệm khi hình thành siêu thị đầu tiên này. Như vậy, dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh, Sài Gòn đã đi trước Bangkok, một thành phố lớn sống trong hòa bình về việc buôn bán lẻ qua hệ thống siêu thị.


The post Loạt Bài về Saigon Trước 1975 appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á


(Bao Toquoc – 15/ 2/ 2013/ Linh Hương )


Tăng trưởng của Indonesia năm 2012 đạt 6,3%, điểm đầu tư hấp dẫn vào lúc đầu tư tại Trung Quốc bão hòa.


Trong khi các nước đầu tàu kinh tế thế giới chao đảo trong khủng hoảng kinh tế, Indonesia vẫn tăng trưởng mạnh và hiện tại là đích ngắm mới của các nhà đầu tư thế giới. Nhật báo Le Monde ngày 5/2 đăng bài “Indonesia, đại gia mới của châu Á”.


Le Monde đã ví tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia như sự cất cánh của chim thần Garuda. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là vật cưỡi của thần Vishnu. Garuda cũng chính là biểu tượng chính thức của Indonesia. Garuda là biểu trưng của sự phát triển vượt bật của Indonesia. Tăng trưởng của Indonesia năm 2012 đạt 6,3%, mức tăng cao nhất trong G-20 sau Trung Quốc.


Sự tỉnh giấc kinh tế của con rồng Indonesia


Le Monde nêu ba nguyên nhân của sự phát triển của đất nước quần đảo này: Thứ nhất, dân số rất đông và tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Indonesia hiện có 250 triệu dân, đông dân nhất trong 10 nước ASEAN. Hơn 1/4 trong số đó có thu nhập hơn 330 USD/tháng, kém hơn Trung Quốc và Thái Lan, nhưng cao hơn nhiều so với Ấn Độ và Việt Nam. Đó là một nguồn nhân công, và đặc biệt là một thị trường tiêu thụ lớn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng Indonesia còn phải xây dựng thêm nhiều. Indonesia cần kích thích sản xuất nội địa, hạn chế xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.


rez_123_indonesia_carsale thediplomat_2014-12-08_13-52-57-553x360


Indonesia – ôtô bán ra với số lượng lớn qua các năm 2010-đầu2012 phản ánh nền kinh tế đang cất cánh, với sức mua của tầng lớp trung lưu làm động lực


Ngành hàng không Indonesia tăng cao kỷ lục trong năm 2012 với 13%, chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu của nước này gia tăng, khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng trên 6% trong những năm qua. Hãng hàng không nước này đã chuyên chở được trên 70 triệu lượt khách, so với mức tương ứng 62 triệu lượt người năm 2011.


Thứ hai là nền dân chủ phát triển ổn định. Kể từ sự ra đi của nhà độc tài Suharto sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998, đất nước này đã thật sự xác lập được dân chủ. Sự việc đó làm an tâm các nhà đầu tư quốc tế.


Thứ ba, Indonesia đã biết tận dụng sự năng động của nền kinh tế khu vực Đông Á, khu vực năng động nhất thế giới. Indonesia nằm trên tuyến đường thương mại hàng hải giữa Ấn Độ và khu vực Viễn Đông, tạo điều kiện cho nước này thu hút các nhà kinh doanh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn tại Indonesia là của những người Indonesia gốc Hoa, vì vậy những người này có rất nhiều mối liên hệ với hai khu vực năng động là Hồng Công và Xinhgapo.


Ngoài ra, theo Le Monde, hiện tại, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã đến giai đoạn bão hòa, trong khi Indonesia lại tỏ ra an toàn hơn Ấn Độ trong mắt nhà đầu tư. Vì thế, nước này đang trở thành “một mảnh đất ưu tiên để chinh phục” của tất cả các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới.


Cũng trên Le Monde, bài “Sự tỉnh giấc về kinh tế của con rồng Indonesia” nhấn mạnh thêm hai yếu tố đáng chú ý: Thứ nhất, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Thứ hai, đầu tư nước ngoài năm 2011 của Indonesia tăng 37%, đạt 19 tỉ USD, và năm 2013 hứa hẹn sẽ đạt 21 tỉ USD. Một điểm đáng lưu ý là không chỉ có các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc tìm đến thị trường này, mà lượng đầu tư từ các nước châu Âu cũng tăng lên.


Tờ báo nhận định, các nhà đầu tư tại Indonesia có thể có một nguồn lợi kép: đó là vừa tận dụng được thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Indonesia, vừa sử dụng nước này làm bàn đạp để xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực. Giá lao động tại Indonesia rẻ hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN, rẻ hơn phân nửa so với Trung Quốc.


Le Monde dẫn bằng chứng về trường hợp phát triển vượt bậc của thành phố Makassar, nằm cách Djakarta 1.400km về phía Đông Bắc, trên đảo Sulawesi, với dân số khoảng 1,5 triệu người, được xem là cửa ngõ phía Đông của Indonesia. Tăng trưởng năm 2012 của Makassar là 8,6%. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân công dồi dào, Makassar còn có một điểm quan trọng, như lời quan chức địa phương, người ta có thể làm xong giấy phép lái xe chỉ trong vòng 3 ngày trong khi ở các địa phương khác phải đến 12 ngày, giấy phép xuất nhập khẩu chỉ trong một tháng trong khi ở địa phương khác là lâu hơn rất nhiều. Song điểm yếu lớn nhất của Indonesia là nạn tham nhũng lan tràn.


Khu thương mại mở Batam – điểm đầu tư chính bên eo biển Malacca


Với việc thành lập Cơ quan quản lý Khu thương mại mở Batam (BPK-FTZ), Indonesia đang hướng tới mục tiêu đưa Batam trở thành điểm đến đầu tư chính ở châu Á – Thái Bình Dương.


Là một tỉnh đảo nằm đối diện với Xinhgapo và dọc theo eo biển Malacca – một trong những tuyến vận tải biển quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu ở châu Á, Batam có tiềm năng lớn để khai thác và phát huy thế mạnh này nếu có được các cơ sở hạ tầng cần thiết về cảng biển, sân bay và hậu cần.


Chính phủ Indonesia đã dành ưu tiên cho việc cải tạo và nâng cấp cảng Batam thông qua thỏa thuận hợp tác trị với công ty vận tải biển của Pháp. Dự án này bắt đầu được triển khai trong năm nay, sau khi hoàn thành trong năm 2014 cho phép vận chuyển hàng hóa trực tiếp tới các điểm đến và loại bỏ sự phụ thuộc vào Xinhgapo như một điểm quá cảnh.


Công suất cảng Batam mới sẽ được nâng lên, với cầu cảng được mở rộng tương ứng từ 400 m lên 1.100 m và độ sâu từ 14 m lên 17 m, cho phép các tầu trọng tải lớn có thể cập cảng. Trong giai đoạn tiếp theo, công suất của Batam sẽ tiếp tục được nâng lên với việc đưa cảng trung chuyển Tanjung Sauh vào hoạt động để phục vụ cho các điểm đến ở châu Âu, Nhật Bản và phần còn lại ở châu Á.


Ngoài cảng biển, BPK-FTZ cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng và năng lực của sân bay quốc tế Hang Nadim Batam. Hiện đường băng 4.025 m của sân bay này là đường băng dài nhất ở Indonesia, cho phép các siêu máy bay phản lực chuyên chở hành khách, bao gồm cả Airbus 380 có thể sử dụng.


Sau khi hoàn thành, sức chứa, chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng của sân bay Hang Nadim Batam sẽ được cải thiện và nâng lên tầm quốc tế, trong đó có một trung tâm mua sắm rất hiện đại đáp ứng đầy đủ nhu cầu và sở thích của hành khách./.


Linh Hương


The post Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

“Ý tưởng khởi nghiệp chỉ đáng giá 5 xu”

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

“Ý tưởng khởi nghiệp chỉ đáng giá 5 xu”


Chủ tịch Lê Quốc Vinh (Le Group)


Huy Nam – Vneconomy – 2/2/2015


khoi_nghiep_kinh_doanh


“Các bạn start-up hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page”…


“90% ý tưởng của tôi vứt vào sọt rác bởi những ý tưởng đó không được hiện thực hóa”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) Lê Quốc Vinh giải thích với VnEconomy về một phát biểu của ông gần đây.


“Ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu, nếu nó không được triển khai thương mại hóa. Các bạn start-up hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page…”, câu nói của ông Vinh trên cương vị là thành viên ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – VPBank SME Idea 2014” mấy hôm nay đã gây nhiều tranh cãi.


Chưa thành hiện thực, chưa có giá trị


Giới trẻ ngày nay thường tự hào rằng họ khác biệt là bởi họ có nhiều ý tưởng, hơn là việc chỉ rập khuôn theo các tiêu chuẩn định sẵn như các thế hệ đi trước. Riêng ông thì cho rằng “ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu”…?


Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của ý tưởng. Cuộc sống loài người phát triển sầm uất như ngày hôm nay cũng là nhờ những phát kiến, sự sáng tạo mà ra.


Nhưng nếu chỉ có ý tưởng trong đầu, không được thực hiện thành sản phẩm, ứng dụng hay lớn hơn là trở thành doanh nghiệp, thì ý tưởng cũng sẽ chỉ đáng giá 5 xu mà thôi.


90% ý tưởng của tôi vứt vào sọt rác bởi những ý tưởng đó không được hiện thực hóa. Có những ý tưởng của tôi bị người khác đánh cắp và xây dựng thành dự án thực tế, nhưng tôi không thể đòi hỏi người ta phải trả tiền cho mình, bởi khi dừng lại ở mức độ ý tưởng thì nó không có giá trị sử dụng.


Để có thể kinh doanh được cần rất nhiều yếu tố, đâu chỉ cần mỗi ý tưởng.


Nhiều bạn start-up (khởi nghiệp) cho rằng chỉ cần có ý tưởng hay thì thành công sẽ sớm gõ cửa nhà bạn. Còn câu chuyện khởi nghiệp của ông thì như thế nào?


Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Khi đó, tôi là giám đốc điều hành với 10% cổ phần, bởi tôi chỉ là người có… ý tưởng. Số cổ phần còn lại thuộc về những người có tiền rót vốn.


Sau khi bán 10% cổ phần của mình và rút khỏi công ty, tôi dùng số tiền ấy và mua 23% cổ phần của công ty khác. Tại công ty mới, tôi cũng mang đến cho họ một ý tưởng, đó chính là ý tưởng về “tạp chí Đẹp”.


Nhưng, ý tưởng đó chỉ được định giá là 0 đồng, bởi nó không mang lại giá trị gì khi chưa thành sản phẩm.


Năm 2004, tôi thành lập một công ty xuất bản và mới thực sự phát triển tạp chí Đẹp. Và đến giờ, ý tưởng cách đây 15 năm mới mang đến những giá trị nhất định – giá trị của thương hiệu. Đã có những quỹ đầu tư, công ty, tập đoàn muốn mua tạp chí Đẹp với số tiền lớn – đó là mua giá trị thương hiệu sau 15 năm xây dựng.


Bạn thấy đó, ý tưởng ngày ấy, bây giờ mới thành tiền…


Như vậy, ý tưởng xuất phát từ đam mê, song chúng ta phải gặp được cơ hội phát triển nó. Mất thêm một quá trình xây dựng sản phẩm, gây dựng niềm tin, khẳng định khả năng, chúng ta mới có quyền bán thứ vô hình – đó là thương hiệu, khởi nguyên của nó là ý tưởng.


Đây chính là những gì cá nhân tôi đúc kết được sau bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, là nguyên nhân dẫn tới câu nói của tôi trong buổi họp báo trên.


4 lời khuyên cho start-up



Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn khởi nghiệp không?


Thứ nhất, ý tưởng chỉ có thể kinh doanh được khi nó dựa trên một bản nghiên cứu khả thi, vững chắc, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công thì start-up cũng cần có cái nhìn xa, lường trước những rủi ro bởi nghiên cứu không hoàn toàn chính xác.


Việc khảo sát thị trường trước khi khởi nghiệp chỉ là dự đoán, nhu cầu về món hàng với khả năng chi trả cho món hàng là hai việc khác nhau và người “cung” không thể chi phối lượng “cầu”.


Khi điền bảng hỏi điều tra, lý trí sẽ điều khiển, nhưng khi mua hàng lại do cảm xúc chi phối nhiều hơn.


Điều thứ hai, start-up phải có khả năng quản lý những mảng cốt lõi của doanh nghiệp như: tài chính, nhân sự, sản xuất… Có ý tưởng nhưng không biết cách vận hành doanh nghiệp thì sẽ rất dễ chết yểu.


Nếu bạn không có khả năng quản lý thì hãy liên kết với những người có khả năng làm việc đó – họ có thể trở thành người cộng sự, cố vấn, nhân viên… và cùng bạn biến ý tưởng thành doanh nghiệp thực tế.


Điều thứ ba là marketing. Bạn có ý tưởng, có khả năng quản lý, có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt mà không biết marketing thì sản phẩm đó cũng không thể phát triển.


Làm kinh doanh mà không quảng bá, thì khác gì bạn đứng trong bóng tối và nháy mắt với một cô gái đẹp.


Điều thứ tư, đó là việc gọi vốn đầu tư. Khi có trong tay một bản kế hoạch kinh doanh, start-up cần vốn để phát triển nó thành hiện thực. Có những dự án không cần nhiều vốn, đó là điều may mắn. Nhưng đa phần những dự án kinh doanh đều cần một khoản tiền lớn để khởi động.


Tóm lại, ý tưởng chỉ là một bước đi nhỏ trong hành trình khởi nghiệp kinh doanh. Như ở Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo VCE do tôi sáng lập, là nơi tập hợp các nhà kinh doanh có rất nhiều ý tưởng hay ho, nhưng trong đó chỉ có 1% các ý tưởng thành công.


The post “Ý tưởng khởi nghiệp chỉ đáng giá 5 xu” appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Nguồn Tin Mới