Tin tức Việt

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

CHUYỆN NHỎ NHẶT PHẢI HỌC

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

14516476-1069438873104158-596429697233815896-n-1477219269357-248-0-615-720-crop-1477219292517

Trong cuộc sống, có những bài học về văn hóa, ứng xử mà ta không được dạy ở bất kì trường lớp nào, chỉ có những trải nghiệm thực tế, tận mắt chứng kiến, ta mới học hỏi nhiều điều.
Dắt chó đi dạo nơi công cộng, việc đơn giản nhưng vẫn phải học!
Một người phụ nữ nước ngoài dắt hai con chó đi dạo, và bà không quên xách theo một túi nilong đựng giấy và dụng cụ vệ sinh để xử lý khi chó mình đi vệ sinh ở nơi công cộng. Hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện thả chó chạy rông nơi công cộng ở Việt Nam.
Mặc dù đã có quy định cấm thả rông chó tại khu vực công cộng, đường phố nhưng nhiều người vẫn vô tư đưa chó ra chốn đông người mà không hề rọ mõm và còn để chó phóng uế bừa bãi.
Rất ít người có khái niệm mang theo các dụng cụ dọn vệ sinh để khi chó "làm bậy" ở ngoài thì phải dọn dẹp sạch sẽ.
Ở nước ngoài, bên cạnh việc phải buộc/xích chó cẩn thận để không gây nguy hiểm đến những người xung quanh, thì chủ nhân của những con chó cũng được yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ ngay lập tức những chất thải mà thú cưng của mình thải ra để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nếu ai cũng học được thói quen tốt như người phụ nữ nước ngoài trên thì ắt hẳn chúng ta sẽ không còn phải bắt gặp những hình ảnh kém vệ sinh do chó thả rông gây ra ở nơi công cộng nữa.
Ý thức bảo vệ môi trường ngay từ chiếc ống hút
Khi chúng ta vào các nhà hàng, quán coffe uống nước, thường dùng những chiếc ống hút có bọc nilon bên ngoài. Khi tháo ra, nhiều người thường tiện tay thả luôn vỏ bao nilon ấy xung quang chỗ ngồi, khiến chúng vương vãi khắp nơi, gió bay đầy sàn nhìn rất kém sạch sẽ.
Và nhiều người đã tỏ ra bất ngờ khi xem bức ảnh chụp lại ly nước của một anh chàng người nước ngoài. Anh ta buộc vỏ bao nilong vừa tháo ra vào phần trên của ông hút một cách gọn gàng, uống xong vứt luôn tất cả. Vừa tiện lợi, vừa giúp giữ gìn vệ sinh môi trường.
3_61477
Mẹ Tây và mẹ Việt trong chuyện ăn uống của con trẻ
Tình huống sau cũng diễn ra tại một quán coffee:
(1) Một bà mẹ Tây dắt hai đứa con tầm 4-5 tuổi vào quán. Khi xem menu, cô ấy đưa bọn nhỏ xem và hỏi ý con muốn ăn gì uống gì.
Bọn nhỏ chọn không hợp lý, cô ấy góp ý: món này cay lắm, món này không ngọt như con thích đó nha! Và bọn nhỏ sẽ là người quyết định chọn cho chúng món gì!
Khi món ăn ra, một đứa thích, còn một đứa không thích, cô ấy nói mẹ đã tư vấn cho con rồi, con quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, con phải ăn hết món ấy nhé!
Nếu quá khó, mẹ có thể đổi một nửa suất món của mẹ với món của con. Và đứa trẻ vui vẻ với sự giúp đỡ đó và ăn hết!
(2) Cũng một bà Mẹ Việt Nam với một đứa con bước vào. Đứa bé vòi vĩnh, con muốn ăn kem, ăn kem! Bà mẹ quát: im nào, rồi chủ động không nói không rằng gọi cho con món cháo cá hồi bổ dưỡng!
Món ăn ra, đứa con nhìn mặt quá thảm sầu vì có lẽ đây là món bé ngán ngẩm. Mẹ liền mắng: ăn đi con, món này có DHA, rất tốt cho trí óc, con người ta không có mà ăn!
Và đứa trẻ bắt đầu đánh vật với tô cháo hì hục, bỏ thừa và bị quát tháo khoảng 7 lần mới ăn xong tô cháo pha nước mắt.
Mẹ quay sang nói với bà bạn, nuôi dạy con giờ vất vả quá cộ ạ!
Câu chuyện về việc ép con ăn không còn là xa lạ trong tâm lý các chị, các mẹ khi nuôi con. Chúng ta có thể thấy những đứa trẻ bị nhồi ăn sữa, ép đút cháo ở bất cứ nơi đâu, từ sân khu tập thể, ngoài nhà hàng, trong các bữa cơm gia đình hay thậm chí cả ở trong các lớp mầm non.
Nhiều chị em nghĩ rằng ép con ăn là…tốt cho trẻ. Tuy nhiên, có một sự thật là ép con ăn bằng mọi giá là phản khoa học.
Cũng như việc ru ngủ, bố mẹ nên hình thành cho con thói quen ngồi vào bàn ăn một cách nghiêm túc, tự giác nhất.
Để có thể khiến cho bé thích thú với việc ăn uống, bố mẹ cần có những biện pháp khéo léo để bé luôn muốn thử các món ăn mới, dần dần vị giác của bé sẽ được phục hồi và không còn chán ăn nữa, chứ không phải là ép buộc.
Các bố mẹ hãy yên tâm là con mình sẽ không bao giờ bị "chết đói" vì biếng ăn. Theo bản năng, trẻ luôn biết lượng thức ăn nạp vào cơ thể bao nhiêu là đủ và cũng cảm thấy rất nhanh nếu bị ngấy.
Vì vậy bố mẹ không nên ép con ăn quá mức, rất dễ dẫn đến chứng sợ ăn và chỉ làm cho bữa cơm mất ngon mà thôi.
Người Việt và người Nhật bàn về "văn hóa"... nhậu
Hôm qua tôi mới ngồi nhậu với ông bạn Người Nhật. Tôi lấy cái hình dưới đây ra khoe, mày thấy hay không, dân Việt Nam tao ăn nhậu có phong cách không, đứa nào bị vợ gọi về trước phải trả tiền nha.
Nó nhấp ngụm sake rồi nói: Tôi lạ dân Việt Nam các ông thiệt. Các ông ăn nhậu rất nghiêm chỉnh nha, đi đúng giờ, trễ phạt, về đúng giờ, về sớm phạt. Uống đúng loại bia giống nhau, uống đủ số, không được thiếu... rồi lô lốc luật lệ ăn nhậu hà khắc lắm.
Nhưng các ông làm việc thì ngược lại, đi trễ về sớm chả phạt vạ gì, bắt mặc đồng phục giống nhau thì nhăn nhó, bắt làm đạt số lượng thì khó khăn, rồi nội quy kỷ luật công tác thì chả thèm nhớ, chả tuân thủ gì.
Người Nhật tụi tôi ngược lại, làm việc kỷ luật 100%, còn ăn nhậu ai rảnh tới sớm, ai bận về trước, uống bia gì mình thích, ai uống bao nhiêu thì uống, không ép uổng, chả cần luật lệ gì hà khắc cả, vui mà!
Từ cuộc đối thoại trên, nhiều người nhớ đến một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt của tác giả Danh Gia đăng trên báo Tuổi trẻ như sau:
"Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ.
Đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.
Không tin, nếu có dịp đi Tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực...
Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của ‘thế giới về đêm’, người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần.
Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng 30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến 1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp".
Tôi lặng người xấu hổ khi nhiều người bạn Nhật nói thẳng "Người Việt sang đây làm gì mà lắm thế, toàn thấy sang trộm cắp".
 
Nguồn: Thế Giới Trẻ/Soha

The post CHUYỆN NHỎ NHẶT PHẢI HỌC appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

CÂU CHUYỆN NƯỚC MẮM-ASEN: MUỐN TRỒNG HOA HỒNG PHẢI CÓ NIỀM TIN

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

quote-gna-72

Hình như mỗi tuần chúng ta không vấp phải một thông tin về thực phẩm chưa sạch, vấp đến ngã sấp mặt vào đó, thì tuần đó sẽ là một tuần bất thường thì phải? Mới rau quét chổi cách đây chưa lâu, mới bánh trung thu không an toàn cách đây chưa lâu, bây giờ lại là nước mắm, bị vu cho là nhiễm arsen (thạch tín).
Con người vốn sợ chết, ông dũng cảm nhất, liều mình như chẳng có nhất cũng sợ chết hết thảy, nhất là chết từ từ theo kiểu ung thư, chết một cách “sang trọng” vì nó ngốn cả gia tài của người ta trước khi được chết. Và, người Việt thì sợ chết nhất. Qua bao nhiêu chinh chiến tang thương rồi, qua bao nhiêu khổ cực rồi, thấy chết thì hãi lắm.
Thế nên, có người dấy lên, theo cái kiểu bắc loa giữa chợ, để nói rằng “nước mắm nhiễm thạch tín” là người ta đã thần phách không còn. Và những người tin vào cái la toáng kia chắc chắn sẽ có một định kiến kinh khủng vào nước mắm, thậm chí có thể không sử dụng nước mắm nữa, thay vào đó là muối. Cả thế giới này dùng muối mà, có chết ai đâu, có mất ngon đâu. Bỏ văn hóa nước mắm đi thì đã sao.
Người ta là vậy, dư thừa định kiến nhưng luôn thiếu dữ kiện và kiến thức. Nên gặp chuyện nào cũng vậy thôi, hoang mang với cái gì là định kiến với cái đó ngay.
Có lẽ, những người làm nước mắm thủ công, làm nước mắm gia truyền rồi cũng sẽ đến lúc chỉ còn ủ mắm để cho gia đình mình ăn cho đỡ nhớ. Kiếm sống ư? Lựa việc khác mà làm. Hơi đâu đi làm cái việc thiên hạ bảo là “đầu độc cả nước”.
Người làm nước mắm cũng khác gì người trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà đâu? Cũng một la toáng nào đó, thế là thiên hạ đổ dồn nhau đi trồng rau. Các hiên nhà, sân thượng được tận dụng hết. Vườn ao chuồng rần rần tiến quân vào phố. Phường phố giờ chả khác thôn làng, có khác chỉ là nhiều xe máy hơn, nhiều ô tô hơn, đông người hơn, lắm quán xá cửa hiệu hơn mà thôi. Còn nói về rau củ quả, con gì cây gì, người ở phố có khi còn rành rẽ cách nuôi cách trồng chả khác gì người ở quê.
Tự sản tự tiêu có khi lại quay về thành trào lưu, nhà bác mang biếu nhà em cặp gà, em biếu lại bác dăm con cá quả. Nấu ăn thì nhao ra ban công mà hái rau, nhặt ớt, cắt hành. Của nhà mình trồng lấy, thậm chí chẳng cần rửa, chùi qua ăn sống cũng không chết.
Tự nhiên nhớ chuyện nhiều “hoang mang viên” kể rằng tôi đi Mỹ, tôi đi Âu, tôi chìm sâu xuống xứ Úc, đi đường gặp hàng bán táo, bán mận, bán đào, tôi chỉ cần cầm lấy một quả chùi áo ăn ngon lành. Tại sao người ta lại ăn ngon lành như thế? Chẳng phải táo ấy, mận ấy, đào ấy ngon lành đâu. Họ đang ăn niềm tin đấy. Họ không ăn ngay vì nó sạch, mà vì họ tin rằng nó sạch.
Suy cho cùng, ở xứ mình, không có niềm tin.
Bao nhiêu năm nay, ta nghe rát tai cái cụm từ “không rõ xuất xứ nguồn gốc”. Nghe rồi thấy buồn thực sự. Ai là người minh định cho một sản phẩm ở một vùng quê nào đó về cái nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng đây? Không ai cả. Thế nên dân mình không cách nào đưa nông sản ra chợ mà bán giá của niềm tin được. Mà dân thì nghèo. Trồng cây gì, nuôi con gì cũng mong đắp đổi kiếm sống, đặng nuôi con ăn học thành người, thoát kiếp cắm mặt xuống đất, lưng trải ra cho giời.
quote-gna-72
Ở Pháp, người ta tự hào về rượu vang, một danh sản của nghề nông. Và để minh định nguồn gốc rượu vang, từ năm 1855, Napoleon Đệ Tam đã yêu cầu xây dựng hệ thống phân loại rượu vang Bordeaux. Hệ thống ấy để phục vụ cho cái hội chợ thôi, nhưng gần 200 năm rồi, nó vẫn là một tiêu chuẩn tin cậy.
Rồi từ thế kỷ 15, người Pháp cũng đã manh nha về cái hệ thống Quản lý và định danh nguồn gốc rượu vang (AOC). Hệ thống đó được luật hoá từ năm 1905 và bây giờ nó được tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra, còn cả hệ thống IPG và nhiều hệ thống phân loại định danh khác nữa. Và không chỉ phục vụ rượu vang, sau này các hệ thống quy chuẩn định danh xuất xứ nguồn gốc đó cũng được áp dụng cho các nông sản khác như phô mai, bơ…
Cầm chai rượu Pháp lên, đọc là hiểu ngay. Này là vùng rượu nào, Bourgogne hay Bordeaux, Rhone hay Alsace… Này là loại nho nào. Này là Chateaux nào. Từng đó thông tin, tất tật trên một cái nhãn. Thế nên, có người nhìn nhãn biết rượu ngon, rượu dở ngay.
Tất cả là do một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp quản lý hết. Cơ quan ấy có tên Viện Quản lý nguồn gốc và chất lượng nông phẩm quốc gia. Cái viện đó chính là thước đo để người dùng cầm chai lên, đọc nhãn mà tin vào lựa chọn. Cái viện ấy cũng là nơi minh định danh tiếng cho một vùng, một nhà mà chính cái danh tiếng ấy nó khiến chai rượu được bán ra với giá có thể gấp đôi, gấp ba những chai cùng chủng loại, cùng chất lượng nhưng tuổi nghề còn non hơn, nên thương hiệu chưa ai sánh bằng.
Hằng năm, người ta còn thi rượu để chấm xem rượu nhà nào ngon nhất. Và cũng từ một cuộc thi như thế mà rượu vang Mỹ, của thung lũng Napa, đã bước vào kỷ nguyên ánh sáng, khi đoạt giải bất ngờ.
Tự dưng, ước gì có một cơ quan tương tự ở Việt Nam, để tạo niềm tin cho người dùng, để nông dân đỡ khổ. Quê hương mình, danh sản của các vùng miền nhiều lắm. Chỉ nói riêng nước mắm thôi, nước mắm Năm Ô đã có cái riêng, nước mắm Phan Thiết cũng có cái riêng, nước mắm Nha Trang cũng có cái riêng, nước mắm Phú Quốc cũng có cái riêng; mà cái riêng nào cũng đặc sắc cả.
Mỗi loại nông sản đều gắn liền với một vùng đất và chính thổ nhưỡng ấy tạo nên thuộc tính đặc biệt cho nông sản đó, mang lại hương vị đặc biệt cho nông sản đó. Vậy mà không ai định danh cho họ cả. Không định danh thì sao thành thương phẩm có thương hiệu. Chẳng lẽ cầm quả bưởi lên bán, nói đúng kiểu miền Nam “Bưởi tui bán chính xác bưởi Năm Roi đó. Cô chú không tin cứ ăn thử biết liền. Tui bán bao ăn”.
Thương nhất là cái từ bán “bao ăn”, tức là ăn không ngon thì không lấy tiền. Nhưng bây giờ ai bán bao sạch được đây, khi người nông dân, trong cuộc cạnh tranh với các hãng thực phẩm công nghiệp, như Don Quixote với cối xay gió, luôn bị gán cho cái nhãn “không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, “không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Xây dựng một hệ thống định danh nguồn gốc, xuất xứ và quản lý chất lượng nông sản như thế, vận hành một hệ thống như thế có khó không? Không khó. Vậy mà những cơ quan chức năng của Nhà nước cứ như bị đóng băng trước thực tế, trước những cáo buộc thiếu cơ sở đối với nông sản của người dân, và rồi dân cứ dần dần bỏ nghề nông mà sống vất vưởng bằng nghề khác còn người thành thị thì tranh thủ giờ ở nhà để làm thêm nghề nông.
Bạn xây ngôi nhà đẹp, bạn sẽ muốn trồng hoa thay vì trồng rau, trồng ớt. Nhưng bạn còn biết tin vào ai bây giờ? Thế nên bạn phải trồng rau thôi.
Những người gióng giả lên về nước mắm nhiễm thạch tín, về thực phẩm không an toàn trôi nổi ngoài chợ, họ làm giàu từ đâu? Họ cũng đi từ cái chợ, có người giàu lên từ sản xuất mì tôm. Mà mì tôm, chưa bao giờ nó được gọi là sản phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng cả.
Muốn trồng hoa hồng, phải có niềm tin.
Muốn có niềm tin, phải có người đi xây dựng nền tảng cho cộng đồng dựa vào đó mà tin.
Vậy mà ở thế kỷ 21 rồi, dân Việt còn nhìn nhau hoang mang, nghi ngờ và sợ hãi…
Nguồn: Dân Việt

The post CÂU CHUYỆN NƯỚC MẮM-ASEN: MUỐN TRỒNG HOA HỒNG PHẢI CÓ NIỀM TIN appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Từ bức thư của người thủ lĩnh da đỏ nhìn lại Việt Nam

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

quote-gna-68

Góc nhìn Alan xin gửi đến các bạn bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xiaton viết vào năm 1854 - khi tổng thống Mỹ thứ 14 là Franklin Pierce tỏ ý muốn mua đất của họ. Cách đây 162, những bộ tộc “chưa văn minh” đã biết sống hoà hợp với thiên nhiên và ý thức được những hậu quả khôn lường khi con người vắt kiệt và hủy hoại môi trường. Người ta vẫn bảo nhau, năm nay là năm buồn của các loại cá, từ nước mặn đến nước ngọt, từ cá lớn đến cá bé, từ trong lòng thủ đô đến 4 tỉnh miền Trung và sắp tới có thể là cả Duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi dự án thép Cà Ná của Tôn Hoa Sen đi vào hoạt động. Hơn bao giờ hết Việt Nam đang đối mặt với các thảm họa môi trường vô cùng tàn khốc, và đứng trước hiện trạng tương tự mà Trung Quốc đang khốn khó tìm cách giải quyết “những mẩu đất khắp Hoa Lục đều có dư lượng kim loại nặng mà dấu vết thời gian lâu nhất là ít nhất một thế kỷ. Con số cho thấy 70% đất tại Trung Quốc đã bị ô nhiễm.” (*) Góc nhìn Alan xin gửi đến các bạn bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xiaton viết vào năm 1854 - khi tổng thống Mỹ thứ 14 là Franklin Pierce tỏ ý muốn mua đất của họ. Cách đây 162, những bộ tộc “chưa văn minh” đã biết sống hoà hợp với thiên nhiên và ý thức được những hậu quả khôn lường khi con người vắt kiệt và hủy hoại môi trường. “Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sơi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình.” Và cách ngôn của người Da đỏ Cree không bao giờ cũ: "Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống, Chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, Chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, Thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền." +++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++ Bầu trời này, nguồn sưởi ấm đất đai của chúng tôi làm sao Ngài có thể mua bán nổi? Ý nghĩ sao mà lạ lùng đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi không có bầu không khí trong lành này và mặt nước long lanh, thì làm sao Ngài có thể mua nổi? Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của người da đỏ. Khi người da trắng chết đi, họ thường dạo chơi giữa các vì sao và quên đi đất nước họ sinh ra. Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này. Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình. Ấy thế mà vị thủ lĩnh vĩ đại ở Washington lại ngỏ ý muốn mua mảnh đất này của chúng tôi. Họ đòi hỏi quá nhiều và hứa hẹn dành cho chúng tôi một nơi sống thoải mái, và rồi họ sẽ là người cha chăn dắt và chúng tôi sẽ trở thành những đứa con của họ. Vậy, chúng tôi phải cân nhắc ý muốn đất đai của họ. Nhưng, quả không phải việc giản đơn, bởi lẽ mảnh đất này đối với chúng tôi là thiêng liêng. Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi. Nếu chúng tôi bán mảnh đất này cho Ngài, Ngài phải nhớ rằng, Ngài phải dạy bảo con cháu rằng, mảnh đất này là thiêng liêng và những tia sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ trong vắt sẽ nói lên cái gì đó về ký ức của người da đỏ. Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi. quote-gna-68 Những dòng sông là người anh em của chúng tôi, làm chúng tôi nguôi đi những cơn khát. Những dòng sông chuyên chở những con thuyền và nuôi lớn con cháu chúng tôi... Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ dạy bảo con cháu Ngài những dòng sông là người anh, người em của chúng tôi và các Ngài từ nay trở đi phải đối xử tử tế với những dòng sông như Ngài đã đối xử với anh em Ngài. Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của chúng tôi. Đối với họ, mảnh đất này cũng như mảnh đất khác, bởi lẽ họ là kẻ xa lạ, và trong đêm tối, họ lấy đi từ lòng đất những gì họ cần. Mảnh đất này đâu phải là những người anh em của họ, mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi đã chinh phục được, thì họ sẽ lấn tới. Mồ mả tổ tiên của họ, họ còn quên và họ cũng chẳng cần tới dòng tộc của họ. Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán đi như những con cừu và những hạt kim cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc. Tôi biết, cách sống của chúng tôi khác với cách sống của Ngài. Cảnh đẹp nơi thành phố của Ngài làm nhức nhối con mắt người da đỏ. Có lẽ, người da đỏ hoang dã và tăm tối chăng? Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng. Nếu có nghe thấy thì đó cũng chỉ là những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai. Và cái gì sẽ xảy ra đối với cuộc sống, nếu con người không nghe được âm thanh lẻ loi của chú chim đớp mồi hay tiếng tranh cãi của những chú ếch ban đêm bên hồ? Tôi là người da đỏ, tôi thật không hiểu nổi điều đó. Người Anh- điêng chúng tôi ưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ, được nước mưa gội rửa và thấm đượm hương thơm của phấn thông. Không khí quả là quý quá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó. Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ. Như vậy, chúng tôi mới cân nhắc những ý muốn mua mảnh đất này của Ngài. Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện - đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc. Ngài phải dạy cho con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con ngiười chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sơi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình. Ngay cả đối với người da trắng, họ được đi cùng và nói chuyện cùng với chúng như người bạn đối với người bạn, cũng không thể nào tránh khỏi số phận chung của con người. Sau hết chúng ta có thể trở thành anh em và hãy chờ xem. Nhưng điều mà chúng tôi biết trước được là đến một ngày nào đó người da trắng sẽ hiểu là chúng ta có cùng một Chúa, có thể lúc này Ngài nghĩ Ngài có Người (Chúa) nên Ngài muốn có mảnh đất này của chúng tôi. Nhưng Ngài sẽ không thể nào có được. Người là vị chúa của con người và tình cảm của Người sẽ được chia sẻ công bằng cho người da đỏ cũng như người da trắng. Mảnh đất này đối với Người là quý giá và làm tổn hại đến mảnh đất là khinh rẻ Đấng tạo thế. Người da trắng cũng vậy, rồi sẽ qua đi và còn sớm hơn tất cả các bộ lạc khác. Làm ô uế nấm mồ của Ngài, thì một đêm nào đó Ngài sẽ chết vì ngạt thở trên đất hoang mạc của Ngài. Nhưng trước giây phút tàn lụi, ở trong Ngài sẽ loé sáng lên sức mạnh của Chúa, Người đã mang Ngài tới mảnh đất này là vì lý do đặc biệt nào đó đã cho Ngài quyền thống trị người da đỏ rồi bị thiêu cháy. Đối với chúng tôi vận số đó thật là huyền bí. Bởi vì, chúng tôi không hiểu nổi khi những con trâu rừng bị tàn sát, khi những chú ngựa sắt hoang ngự trị, khi những góc rừng kín đáo nặng mùi con người, khi quang cảnh của những vùng rừng xanh mướt bị những sợi dây biết nói xoá sạch. Đâu còn những cánh rừng rậm rạp? Tất cả đã qua đi và đâu còn những chú đại bàng vĩ đại? Tất cả đã qua đi.

- Thủ lĩnh người da đỏ Xiaton -

 

The post Từ bức thư của người thủ lĩnh da đỏ nhìn lại Việt Nam appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

20 LỜI KHUYÊN CHO “PHIÊN BẢN TUỔI 20″ CỦA 1 DOANH NHÂN

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

w620h405f1c1-files-articles-2016-1099250-dear-me

Mainak Dhar - CEO General Mills Ấn Độ (trụ sở chính tại Hoa Kỳ, chuyên kinh doanh thực phẩm) từng có hơn 20 năm làm việc ở Procter & Gamble, với các vị trí như trưởng phòng, giám đốc bộ phận, giám đốc khu vực. Nhưng đó chỉ là công việc “vào ban ngày” của ông. Ban đêm, ông làm công việc của một nhà văn. Dhar đã xuất bản nhiều đầu sách với nhiều thể loại, từ khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết đến kỹ năng làm việc. Bộ truyện khoa học viễn tưởng The Alice in Deadland của Dhar từng giữ vị trí số 1 trong ba tháng liền trên Amazon, với 50.000 bản được bán ra. Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày bắt đầu sự nghiệp của mình (1/7), trên trang Linked in, Mainak Dhar đã viết một bức thư cho… chính mình. Những lời khuyên cho tuổi 20 của chính mình mà Dhar chia sẻ, sẽ không giúp ông “làm lại từ đầu”, nhưng sẽ giúp những người đang tuổi 20 tránh được nhiều tình huống phải nói câu “biết thế”, nhìn nhận sự việc thông thoáng hơn, và tiếp nhận hiện tượng với cái nhìn thấu đáo hơn. Bởi vì đó là sự đúc rút từ trải nghiệm. Ông viết rằng: “Gửi tôi, Xin chúc mừng về ngày đầu tiên của một giai đoạn mới sắp tới trong cuộc đời của cậu. Tôi chính là phiên bản từng trải hơn, đẹp trai hơn (4kg tăng lên kia đều được phân bổ đều đặn) mà cậu sẽ trở thành trong tương lai. Từ giờ cho đến lúc đó, cậu sẽ có một núi tài liệu và bài thuyết trình phải thực hiện, và chúng sẽ khiến cậu muốn rủa Microsoft Office, bao buổi họp mà ở đó cậu sẽ thấy chán nản và nổi hứng viết thơ hoặc ghi lại những kỷ niệm buồn hay vui ngay tại đó. Hãy để tôi nói trước với cậu về những điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với cậu, vì thế, nếu cậu đang mong đợi tôi miêu tả chính xác những sự kiện trong tương lai, cậu phải sẵn sàng thất vọng đấy. Thế nhưng, tôi sẽ cho cậu một vài lời khuyên, những điều mà tôi ước mình đã làm hoặc làm sớm hơn, và những điều mà cậu vẫn có thể thực hiện được. 1. Chúc mừng cậu đã có được công việc trong mơ. Hãy tận hưởng khoảnh khắc đó và cảm giác tự do của những ngày đầu tiên bắt đầu sự nghiệp. Cậu phải luôn nhớ rằng sẽ có một ngày cậu nhận ra sự tự do thật sự chính là việc có thể quay lưng lại với điều gì đó mà cậu từng ao ước đạt bằng được, thay vì cứ cố níu giữ lấy nó bằng mọi giá. 2. Cậu là một nhà văn ngồi trong góc làm việc riêng để kiếm tiền, chứ không phải một người ngồi không ở đây mơ về việc trở thành một nhà văn. Có lẽ tôi đã nhận ra điều này hơi trễ một chút, nhưng con người thật của cậu không được quyết định bởi công việc cậu làm, mà bởi thứ tạo cảm hứng cho cậu, thứ đem lại cho chúng ta cảm giác sảng khoái. Hiện nay tôi đã là một người chồng, người cha, một nhà văn. Những nhân dạng này không biết mất khi tôi phải thực hiện công việc hằng ngày, hơn nữa chúng còn giúp tôi sử dụng hết khả năng của mình, đưa vào chính nhiệm vụ, và tạo ra thành quả tốt hơn nữa. 3. Cậu sẽ không bao giờ có “đủ” tiền. Trong một vài tháng tới, cậu sẽ lập một bản excel buồn cười và tự cho rằng mình đã tính toán được hết tất cả, cả thời điểm mà cậu sẽ nghỉ hưu sau khi có “đủ” một số lượng tiền. Việc này sẽ chỉ làm tốn thời gian của cậu thôi. Nếu tiền là thứ cậu theo đuổi thì mục tiêu của cậu sẽ luôn thay đổi vị trí. Tôi đã nhận ra được điều đó khá sớm. 4. Nếu cậu nghĩ rằng các buổi họp dài kia, nơi mà mọi người tranh cãi suốt ngày, thật tốn thời gian thì cậu đã đúng rồi đấy. Kể cả đến bây giờ tôi vẫn còn nghĩ như vậy. Vì thế đừng thấy tội lỗi mỗi khi cậu bắt đầu vẽ vời lung tung trên giấy. Mặt khác, hãy sử dụng những buổi họp ấy để lên ý tưởng cho cuốn sách cậu định viết, vì cậu đang mơ trở thành nhà văn mà. 5. Cậu sẽ học được nhiều điều, có khi là nhiều hơn, từ một vị sếp “tệ” cũng như từ vị sếp “tốt”. Cậu sẽ làm việc dưới một số người mà cậu quý mến và cũng có một số người mà cậu chỉ muốn bằng cách nào đó làm cho biến mất. Cứ ghét họ nếu cậu muốn, nhưng hãy nhớ rằng, cậu sẽ phải học từ những điều họ làm, ngay cả khi cậu chỉ học được những hành vi nên tránh nếu cậu ở trong tình huống của họ. Thỉnh thoảng cậu cũng nên tự đặt mình vào vị trí của họ, biết đâu cậu sẽ nhận ra họ không quá đáng như mình nghĩ, chỉ là họ cũng là những người đang cố gắng thực hiện tốt công việc hết sức có thể, theo những cách làm không giống ý của cậu mà thôi. w620h405f1c1-files-articles-2016-1099250-dear-me 6. Một ngày nào đó cậu cũng sẽ là vị sếp tệ đối với ai đó. 7. Giai đoạn “tuần trăng mật” sẽ sớm kết thúc, và cậu sẽ nhận thấy mình băn khoăn về nhiều thứ trong công ty và trong đội nhóm của mình. Đừng hành động một cách mù quáng, bởi đó là phương án dễ dàng nhất. Cứ tự tin giơ tay góp ý kiến khi cậu nghĩ một điều gì đó không đúng, nhưng hãy luôn nhớ một ngày nào đó cậu sẽ không có ai để đổ lỗi cho những điều sai trái ngoại trừ bản thân. Vì thế đừng chỉ giơ tay để chỉ ra những khuyết điểm mà hãy cố gắng giúp sửa đổi chúng. Không có một thực thể riêng biệt nào được gọi là “công ty”, vì nó được tạo thành bởi những cá nhân như cậu, và tất cả mọi người đều có khả năng tạo nên sự khác biệt. Hãy tập cho mình thói quen đó sớm hơn tôi. 8. Cà phê văn phòng dở tệ. Hãy làm quen với nó đi. 9. Sẽ có cái thứ gọi là “mạng xã hội”, nó sẽ giúp cậu tạo hàng nghìn “bạn”. Nhưng hãy tin tôi, những người gần gũi nhất với cậu chính là hai hay ba người cậu mà hay gặp và chơi cùng bây giờ. Hãy giữ liên lạc tốt hơn với họ. 10. Rất nhiều cơ hội sẽ đến với cậu. Đừng bắt đầu chỉ bằng việc tìm một chỗ làm chính thức và mức lương ổn định, như tôi đã làm khi tôi bằng tuổi cậu. Hãy tìm hiểu về văn hóa và những đồng nghiệp của cậu. Đó là những điều thật sự quan trọng. 11. Đừng ở lại làm việc quá trễ. Những gì mà hàng tiếng đồng hồ làm thêm đó đem lại không thật sự tuyệt vời đến vậy. Tôi đã phải mất vài năm mới nhận ra được điều đó. Vì thế tôi khuyên cậu mỗi tuần hãy dành ra ít nhất là một trăm tiếng cho bản thân. 12. Hãy sử dụng thời gian làm thêm để giao lưu xã hội. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian trước khi bắt đầu mở rộng giao lưu với cộng đồng xung quanh mình, và nói thật thì tôi vẫn còn có thể làm điều đó nhiều hơn nữa. Hãy đi tình nguyện, giúp đỡ mọi người. Thế giới rất rộng lớn - lớn hơn nhiều so với công việc và bạn bè riêng của cậu. 13. Sẽ luôn có một người nào đó giỏi hơn cậu. Người đó sẽ được tăng cấp nhanh hơn, thông minh hơn, giàu hơn, đẹp trai hơn, hay cũng có thể chỉ là may mắn hơn cậu. Đừng quá quan trọng hóa điều đó. Cuối cùng thì cuộc đua chính là trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. 14. Uống nước trái cây sẽ không giúp cậu bớt xỉn đi chút nào. Cứ uống rượu và tiệc tùng (tuổi 20 là để làm gì chứ!) nhưng để giã rượu hiệu quả hơn, hãy xem điều 15. 15. Một ngày không xa, cậu sẽ ngừng uống và bắt đầu thói quen chạy bộ 10 km mỗi ngày. Hãy thực hiện điều này sớm hơn tôi, và cậu sẽ không bị tăng 28 kg và tập luyện vất vả để giảm 24 kg. 16. Đừng cảm thấy lo lắng khi người ta bảo cậu tốn quá nhiều thời gian chơi game Doom and Command & Conquer. Một vài năm sau đó, các ứng dụng (ghi điểm, tranh đấu với những người chơi khác, chơi theo luật) cậu học được từ các trò chơi điện tử như vậy sẽ rất có ích và là một phần trong kinh doanh. Vì thế cứ thoải mái cho nổ tung mọi thứ lên đi. 17. Cậu chưa thật sự rời xa bố mẹ đâu. Một ngày họ sẽ rời xa cậu, mãi mãi. Tất nhiên, sự độc lập thật tuyệt vời, nhưng hãy nhớ rằng bố mẹ sẽ không ở đó chờ cậu suốt đời. Hãy dành thời gian cho họ, và cậu sẽ không phải hối hận như tôi bây giờ. 18. Một ngày nào đó, một giọng nói trong tâm trí cậu sẽ khẳng định rằng người cậu vừa gặp chính là “người đó”. Hãy lắng nghe theo nó. Đừng lười biếng mà hãy theo đuổi nó, ngay cả khi cậu thấy mình như đang biến bản thân thành một kẻ ngu ngốc. Mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp cả thôi. 19. Đừng quá khó chịu với bố. Một ngày nào đó, cậu cũng sẽ trở thành một người cha và những khi cậu làm gì đó sai, cậu sẽ thấy đồng cảm với đứa con trai của mình và nhận ra rằng làm cha chẳng dễ dàng chút nào. 20. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Cậu sẽ mắc nhiều lỗi lầm, cậu sẽ bị tổn thương, cậu sẽ có những ngày không tốt, nhưng biết gì không, không ai nợ cậu một cuộc sống dễ dàng cả. Cậu cần tự đi tìm những điều và những người có thể khiến cậu hạnh phúc. Tôi viết bức thư này cho cậu khi đang được bao quanh bởi một gia đình tuyệt vời mà một ngày nào đó sẽ là của chính cậu, sau một ngày làm việc ở một nơi mà tôi thực sự cảm thấy yêu mến và quan tâm tới những đồng nghiệp của mình, và vừa hoàn thành xong một số cuốn sách mà sau này cậu sẽ cảm thấy thật sự vui khi viết chúng. Có phải mọi thứ trong cuộc đời tôi đều thật hoàn hảo? Không đời nào! Có phải đã có nhiều điều diễn ra không theo như ý tôi trong thời gian qua? Tất nhiên rồi! Nhưng thay vào đó, tôi nghĩ tôi đã tạo được nhiều ảnh hưởng tích cực (hơn là tiêu cực) lên những người xung quanh mình, và đây chính là điều mà sau tất cả, cậu sẽ nhận thấy mới thật sự quan trọng. - Mainak Dhar - Dịch: Thanh Hòa

The post 20 LỜI KHUYÊN CHO “PHIÊN BẢN TUỔI 20″ CỦA 1 DOANH NHÂN appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Nguồn Tin Mới