Tin tức Việt

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Obama và công ty có giỏi đến thế này?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Phản công


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH – Theo Viễn Đông Daily – 29 Dec 2014


Putin-Hits-Obama-in-a-Boxing-Match--111685


Phản công là phản ứng của một lực lượng quân sự sau khi bị tấn công, để tái chiếm lãnh thổ bị địch chiếm, hoặc để gây tổn thất cho địch. Nã Phá Luân viết, “Phút nguy hiểm nhất là phút mừng chiến thắng,” vì đó cũng là phút địch phản công.


Chiến lược gia Barack Obama có thể đang sống cái phút nguy hiểm nhất trong cuộc tấn công kinh tế ông đánh vào ba quốc gia thù nghịch với Hoa Kỳ – Nga, Iran và Venezuela, vì ông đang chiến thắng.

Nga lên án Hoa Kỳ lôi kéo Saudi Arabia vào chiến lược đánh gục nền kinh tế Nga bằng cách gia tăng quá đáng số lượng dầu bơm lên khỏi lòng giếng để tạo ra tình trạng thặng dư -số cung nhiều hơn số cầu- khiến xăng, dầu mất giá đến gần một nửa, và đồng ruble của Nga cũng mất giá theo.

Nhiều cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho là lập luận này có phần đúng, ký giả Mỹ Andrew Higgin đồng ý với lời buộc tội đó; anh viết, “Không thể chối cãi dụng ý của Hoa Thịnh Đốn trong việc làm xăng, dầu mất giá; chỉ riêng việc gia tăng sản xuất của Hoa Kỳ cũng đã đủ tạo tình trạng xăng, dầu tràn ngập thị trường.”

Thật ra, dù không cố ý, mức sản xuất xăng, dầu của Hoa Kỳ vẫn gia tăng nhờ việc bành trướng kỹ thuật bơm dầu từ những lớp đá trong lòng đất (shale); kỹ thuật này khiến đang từ vai trò nhập cảng nhiên liệu, Hoa Kỳ trở thành một quốc gia có khả năng xuất cảng xăng, dầu, và khí đốt; những thứ này vốn vẫn đem lại cho Nga gần một nửa tổng sản lượng quốc gia.

Tình trạng thặng dư nhiên liệu trên thị trường thế giới tạo ảnh hưởng tai hại cho Nga là điều không thể tránh, dù Hoa Kỳ muốn tránh; đằng này Hoa Kỳ lại không muốn tránh mà còn muốn gây áp lực kinh tế, đòi Nga nhả bán đảo Crimea của Ukraine mà họ vừa thôn tính.

Cơ quan United States Energy Information -Tin Tức Về Năng Lượng Mỹ- cho biết năm 2008 Hoa Kỳ có khả năng sản xuất mỗi ngày 5 triệu thùng dầu thô, năm nay họ sản xuất 9 triệu thùng -gần gấp đôi. Mức gia tăng đó khiến Hoa Kỳ sản xuất nhiều dầu hơn cả Iraq lẫn Iran, và không thể không gây xáo trộn sinh hoạt trên thị trường xăng, dầu.

Tổng Thống Barack Obama chủ trương gia tăng vai trò lãnh tụ thế giới của Hoa Kỳ, trong lúc giảm thiểu tổn thất sinh mạng của người lính Mỹ; ông thể hiện chủ trương đó bằng chiến lược “không chạm gót xuống đất” và chiến lược “bóp nghẹt kinh tế” đối phương.

Chiến lược không chạm gót xuống đất đang giúp 6,000 người lính Mỹ -2% khả năng quân sự của Hoa Kỳ- đánh bại lực lượng IS (Islam State) giúp đem lại thắng thế cho cả 4 quốc gia Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Kurd, và Syria; riêng Syria -chủ trương thù nghịch với Hoa Kỳ- nhưng vẫn hưởng lợi trong việc Hoa Kỳ gây tổn thất nặng nề cho IS -lực lượng chính trong cuộc nội chiến Syria.

Tác chiến trên chiến trường Trung Đông, nhưng 6,000 người lính Mỹ lại không ăn, không ngủ trên bãi cát sa mạc, không đối diện với mìn bẫy, và không là mục tiêu cho xe bom Ả Rập tàn sát. Họ ăn thức ăn nóng, ngủ trong phòng lạnh, đọc sách trong thư viện, xem chiếu bóng, đánh bóng rổ trên Hàng Không Mẫu Hạm Vinson, rồi cũng từ đó cất cánh bay vào chiến trường tấn công những cánh quân IS đang di chuyển, hoặc đánh bom những căn cứ họ ẩn trốn trên lãnh thổ 2 nước Iraq và Syria; tấn công địch quân, tiêu diệt hàng chục, hàng trăm sinh mạng, mà họ nhẩn nha, nhàn hạ như những viên chức đi làm công sở.

Chiến lược “không chạm gót xuống đất” chỉ tuyệt diệu trên chiến trường Trung Đông; nhưng để đối phó với một đối thủ có khả năng quân sự lớn lao như Nga, chiến lược gia Obama tránh không dùng đến quân đội, vì một cuộc giao tranh giữa quân Mỹ và quân Nga tạo ra nguy cơ rất gần với một cuộc thế chiến, trong đó nguy cơ tàn sát bằng võ khí nguyên tử là điều có thể xẩy ra.

Tuy cần tránh nguy cơ thế chiến, nhưng Hoa Kỳ cũng không thể để Nga đi vào con đường lấn chiếm lân quốc như Đức Quốc Xã đã lấn chiếm 80 năm trước -cuộc lấn chiếm đã làm bùng nổ Thế Chiến Thứ Nhì.

Để tránh chiến tranh quân sự, Hoa Kỳ sử dụng chiến lược siết chặt, bóp nghẹt kinh tế Nga; mỗi ngày đòn kinh tế một siết chặt hơn, bóp nghẹt hơn, mặc dù Ủy Ban đặc trách Chính Sách Tài Chánh của Ngân Hàng Anh Quốc báo động Hoa Kỳ đừng quá mạnh tay, vì chính Hoa Kỳ và Liên Âu cũng đang gặp khó khăn do tình trạng giá xăng dầu hạ quá thấp.

Nhưng Obama vẫn không để lực lượng đối lập với Hoa Kỳ -Nga, Iran và Venezuela- thoát khỏi cảnh suy thoái kinh tế, trước khi họ gục ngã, như chế độ Cộng Sản Nga đã gục ngã năm 1989, vì suy thoái kinh tế.

Cựu tổng trưởng ngân khố Nga, ông Aleksei L. Kudrin, một trong những người thân thiết của tổng thống Nga Vladimir V. Putin, vừa lên tiếng khuyến cáo Putin nên cải thiện bang giao với Hoa Kỳ và Liên Âu trước khi tình hình kinh tế Nga trở thành xấu hơn.

Học giả Edward N. Luttwak -người đã viết nhiều tác phẩm về chiến lược kinh tế, và cũng là cố vấn của Ngủ Giác Đài- nhận định, “Mỹ đang loại nhiều cường quốc đối nghịch, mà không bắn một viên đạn nào cả.”

Tại Iran -một trong 3 quốc gia chống Mỹ- tình trạng thâm thủng ngân sách nghiêm trọng đến mức Iran đang cho phép những thanh niên đến tuổi quân dịch không phải nhập ngũ nữa, vì ngân sách quốc phòng không còn đủ để đón nhận thêm tân binh.

Kinh tế gia Iran, ông Hossein Raghfar tuyên bố với tờ báo Etemaad, “Chúng ta đang lâm vào cảnh cực kỳ túng quẫn; chính phủ cần tiền, rất cần tiền, nhưng không tìm đâu ra tiền.”

Venezuela, cũng không khá gì hơn, vì 95% tổng sản lượng quốc gia là tiền bán dầu; ỷ lại vào thế ngồi trên giếng dầu lớn nhất thế giới, Venezuela giúp đỡ Cuba bằng cách bán dầu rẻ, và thực hiện nhiều chương trình xã hội rộng rãi trong nước để giúp đỡ người nghèo. Giờ này họ đang thiếu ngân khoản cần thiết để tài trợ những chương trình xã hội đó.

Không bán được dầu, thiếu ngoại tệ nhập cảng hàng hóa, nên Venezuela thiếu thốn đủ thứ trên thị trường; thiếu đến cả những nhu yếu phẩm thông thường nhất như xà bông giặt quần áo, đồ gia dụng, và đến cả thực phẩm cũng trở nên khan hiếm, khiến quần chúng phải xếp hàng để mua.

Nhưng, khốn đốn nhất vẫn là Nga; quần chúng mất tin tưởng vào giá trị đồng ruble -đang mỗi ngày một mất giá hơn- mọi người đổ xô đi mua hàng, mua bất cứ thứ gì để tiêu cho hết những đồng tiền đang trở thành giấy lộn.

Không phải là một kinh tế gia, Putin tìm cách giải quyết tình trạng tuyệt vọng kinh tế bằng một giải pháp quân sự cũng tuyệt vọng không kém: hôm thứ Sáu 12/26 ông ký ban hành một bản “đường hướng quân sự” mới, nhận định là lực lượng NATO (North Atlantic Treaty Organization-Tổ Chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương) là kẻ thù số 1, và đang trở thành mối hiểm họa cho Nga, ông nói thêm là nhận định này có thể bắt buộc Nga sử dụng loại vũ khí có đặc tính chính xác để đối phó với NATO.

Bản đường hướng quân sự chỉ trích chủ trương bành trướng của NATO tạo tình trạng mất thăng bằng cho Nga và khuyến khích bọn khủng bố tấn công Nga. Bản đường hướng quân sự cũng nêu đích danh Hoa Kỳ như một trong những đe dọa cho Nga, và xác định là Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để tự vệ chống một cuộc tấn công quân sự.

Chắc chắn cả NATO lẫn Hoa Kỳ sẽ không tấn công Nga bằng lực lượng quân sự; chiến lược kinh tế và vũ khí dầu hỏa đã đủ mạnh để đốt nóng cái ghế tổng thống Nga của Putin. Ông không thể ngồi lâu trên mặt ghế quyền lực đó mà không bị đốt cháy.

Ông chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn để -hoặc trở về sinh hoạt trong trật tự chung của thế giới, hoặc làm loạn- gây ra một cuộc thế chiến vô cùng khiếp đảm, như Nã Phá Luân viết “phút nguy hiểm nhất là phút mừng chiến thắng.” (nđt)


The post Obama và công ty có giỏi đến thế này? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Trung Quốc mua các công ty nước ngoài với tốc độ kỷ lục

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Trung Quốc mua các công ty nước ngoài với tốc độ kỷ lục


china overseasimages


Dexter Roberts – Bloomberg / BusinessWeek – 30 tháng 10 2014


Người dịch: Kevin Bùi


________________________________________


Tiền của Trung Quốc đã đi ra nước ngoài trong nhiều năm nay, đang tìm mua bất động sản, các công ty công nghệ, và nhiều hơn tất thảy là các nguồn tài nguyên dầu khí. Nhưng năm nay sẽ là một bước ngoặt: Lần đầu tiên, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ vượt quá lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc.


Đầu tư của Trung Quốc sẽ đĩnh đạc vượt qua mức 120 tỷ USD trong năm 2014, tăng từ mức 108 tỷ USD năm ngoái, theo dự báo của Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, trong một bản báo cáo công bố hôm thứ Tư vừa rồi. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đạt 87.36 tỷ USD trong chín tháng đầu năm. Con số này dự kiến sẽ đạt tới 120 tỷ USD trong năm nay.


“ Tăng trưởng bền vững của Trung Quốc và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ mà Trung Quốc có thể thúc đẩy các công ty quốc tế của họ”,Long Yongtu – giám đốc trung tâm, cho biết, trên tờ Trung Hoa nhật báo số ra hôm nay. “ Đi ra ngoài” sẽ cung cấp một nền tảng cho các công ty Trung Quốc tăng trưởng thông qua việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu”.


Nhưng điều này không phải chỉ là để các công ty Trung Quốc học hỏi từ các đối tác quốc tế nữa. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế với thế giới hơn 35 năm trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc và các nhà làm chính sách đã rình rập tiền bạc, công nghệ và các bí quyết khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc. Bây giờ thì có sự đảo ngược vai trò, các công ty Trung Quốc giờ đây bắt đầu cung cấp các lợi ích quan trọng cho các đối tác nước ngoài mới, theo lời một quan chức.


“ Các thị trường quốc tế – đặc biệt là Mỹ Latinh, châu Phi, Đông Nam Á và Đông Âu – vẫn cần nhiều thiết bị chẳng hạn như máy móc, hệ thống điện, đường sắt và các thiết bị vận chuyển khác, xây dựng và vật dụng gia đình để đa dạng hóa và hỗ trợ nền kinh tế của họ”, Zhang Xiangchen, trợ lý Bộ trưởng bộ Thương mại, cho biết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 22 tháng 10.


“ ODI của Trung Quốc (Oversea Direct Investment: Đầu tư nước ngoài trực tiếp), do vậy rất thiết yếu để các nước này có được vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và các kinh nghiệm phát triển”, cũng theo Zhang, trích dẫn trên tờ Trung Hoa nhật báo ngày 23 tháng 10.


Và trong một thỏa thuận mang tính đột phá trị giá 567 triệu USD, tập đoàn CNR ( Mã chứng khoán 6199: HK) sẽ cung cấp 284 khoang cho tàu điện ngầm Boston, kèm với lựa chọn có thể mua thêm 58 khoang nữa, công ty nhà nước này của Trung Quốc và các cơ quan vận tải của Boston đã công bố thông tin vào tuần trước, theo bản tin của Bloomberg.


Bản báo cáo của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cũng lưu ý sự thay đổi trọng tâm mà các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Bản báo cáo nói rằng các nền tảng truyền thống của đầu tư về năng lượng và các nguồn tài nguyên đã dịch chuyển khi dòng tiền chảy vào các công ty công nghệ cao. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đầu tư 6.3 tỷ USD vào các công ty công nghệ có giá trị gia tăng lớn, với hơn 4/5 (80%) đổ vào nước Mỹ, bản báo cáo cho hay.


Các lĩnh vực khác đang có được sự tăng trưởng nhanh chóng là đầu tư xây dựng, tăng 129% trong nửa đầu năm, và các doanh nghiệp liên quan tới văn hóa, tăng 102% so với cùng kỳ. Và trong khi trong quá khứ, các công ty nhà nước từng thống trị các thỏa thuận hợp tác, giờ đây các công ty tư nhân đóng vai trò ngày càng lớn hơn và lúc này chiếm 76% tổng đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, báo cáo cho biết.


Trong khi đó, một nghiên cứu độc lập phát hành ngày 21 tháng 10 bởi các chuyên gia tư vấn của tập đoàn Rhodium- vốn tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ, có trụ sở tại New York cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đạt tổng số 3.1 tỷ USD trong quý 3 vừa qua, tăng lên từ mức 2.1 tỷ USD trong quý 2, bao gồm việc Levono (Mã CK 992:HK) mua lại mảng kinh doanh máy chủ cấp thấp của IBM.


Báo cáo nhấn mạnh một mục tiêu quan trọng khác của các công ty Trung Quốc: Bất động sản. “Các nhà đầu tư Trung Quốc đã dành hơn 3 tỷ USD vào bất động sản thương mại tại Mỹ trong 4 quý vừa qua, khiến nó trở thành lĩnh vực hàng đầu trong năm qua”, theo các nhà nghiên cứu Thilo Hanemann và Cassie Gao của Rhodium. Các giao dịch bất động sản ở Los Angeles, San Francisco và Hawaii đạt tổng số 588 triệu USD, như họ ghi nhận.


Hơn 10 tỷ USD giao dịch liên quan tới các công ty Trung Quốc vẫn còn đang được xếp hàng để thực hiện, các tác giả chỉ ra. Các giao dịch này bao gồm 2.9 tỷ USD của Levono mua lại Motorola Mobility (MMI) và công ty bảo hiểm Anbang mua lại khách sạn Waldorf Astoria tại New York với giá 1.95 tỷ USD.


The post Trung Quốc mua các công ty nước ngoài với tốc độ kỷ lục appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Tư Bản Trắng Không Khác Tư Bản Đỏ

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Giữa những ồn ào về dân chủ, các ông trùm của Hong Kong giữ im lặng.


Keith Bradsher – New York Times – 22 Tháng 10 năm 2014


hong kong protest


Có hai sự kiện cùng xảy ra cách đây một tháng khó có thể có sự đối nghịch nhiều hơn: Trong khi các ông trùm giàu có nhất của thành phố này, với những bộ đồ được may đo hoàn hảo, tập trung tại một hội trường ở Bắc Kinh để gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, thì hàng ngàn sinh viên của các trường đại học và trung học lại tập trung trên các con phố của Hong Kong, bãi khóa để phản đối các giới hạn mà Trung Quốc áp đặt lên quyền biểu quyết ở đây.


Các cuộc biểu tình sinh viên dẫn tới các cuộc tuần hành hỗn loạn và chiếm đóng các con đường trung tâm thành phố, thách thức lớn nhất đối với chính quyền Bắc Kinh tại Hong Kong từ khi lãnh thổ này trở lại với Trung Quốc vào năm 1997.


Các ông trùm, tuy nhiên, đã hầu như không nói gì.


Trong khi cuộc đấu tranh về tương lai chính trị của Hong Kong diễn ra, những người đàn ông và phụ nữ được cho là có ảnh hưởng lớn nhất với Bắc Kinh, và về mặt tài chính nắm giữ nhiều quyền lợi nhất, đã duy trì một sự im lặng trầm tư về kết cục. Cảnh giác với việc làm phiền lòng các lãnh đạo Trung Quốc, những người có thể phá hủy hoặc làm hư hại các doanh nghiệp của họ, và lo ngại việc xúc phạm dân chúng Hong Kong- rất nhiều trong số dân chúng đã bực bội , các tài phiệt thay vào đó đã rút lui về phía trong cửa kính những chiếc xe hạng sang hoặc những cánh cửa trau chuốt của những biệt thự bên đồi của họ.


Người đàn ông giàu có nhất châu Á, Li Ka-shing, một ông trùm bất động sản và cảng biển, đã phá vỡ sự im lặng vào tuần trước với một bản tuyên bố ngắn gọn bằng văn bản, nói rằng trong khi ông hiểu được sự “ theo đuổi đam mê” của các sinh viên Hong Kong, họ vẫn nên về nhà.


“ Tôi chân thành kêu gọi tất cả mọi người không để những hăng hái của ngày hôm nay trở thành sự hối tiếc của ngày mai”, ông viết “ Tôi tha thiết kêu gọi mọi người ngay lập tức trở về nhà với gia đình”.


Ở không gian riêng tư, các ông trùm thể hiện các loại quan điểm khác nhau về biểu tình đường phố, và một số sẵn sàng hơn những người khác để chấp nhận mục tiêu về sự tham gia rộng lớn hơn của công chúng trong các cuộc bầu cử, trái ngược với phiên bản hạn chế mà Trung Quốc ban cho. Nhiều người không tin tưởng lãnh đạo của Hong Kong, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh, coi ông là người có khuynh hướng độc tài và có nét của chủ nghĩa dân túy kinh tế, người mà một ngày nào đó có thể tăng thuế để chi trả cho các chi tiêu xã hội.


Nhưng sự dè dặt công khai là tất cả những gì Bắc Kinh yêu cầu vào lúc này đối với tầng lớp doanh nhân tinh hoa.


Một mục tiêu chính của cuộc họp tháng 9 của Chủ tịch Tập là nói với các nhà tài phiệt đang bất an hãy đặt sự khác biệt của họ với chính quyền của ông Lương sang một bên và hỗ trợ chính quyền Hong kong trong thời kỳ mà Bắc Kinh đã nhìn thấy trước là một mùa thu của các cuộc biểu tình dân chủ, bốn quan chức Hong Kong và những người tham gia cuộc họp với chủ tịch Tập cho biết.


Yêu cầu này đã khiến họ im lặng, theo Regina Ip, một thành viên của Hội đồng điều hành của ông Lương, người cũng đồng thời là một nghị sĩ của đảng Nhân dân mới – thân Bắc Kinh. “ Không xuất hiện một chỉ trích công khai nào bất kể họ nghĩ gì”, bà nói.


Kết quả là, khoảng cách giữa các sinh viên và các tầng lớp doanh nhân thượng lưu đã nới rộng thêm. Trong khi mục tiêu chính của những người biểu tình là chính trị, chủ yếu là về bầu cử mở cho vị trí trưởng đặc khu, một dòng chảy của những sự bất bình kinh tế cũng là nền tảng cho phong trào. Nhiều người biểu tình phàn nàn về mức giá nhà đắt đỏ, sự khan hiếm việc làm có mức lương cao và sự thiếu tính linh hoạt của xã hội.


“ Giá nhà cửa quá cao”, theo Winson Tam, 28 tuổi, tốt nghiệp đại học, nhà tư vấn kế hoạch tài chính độc lập, người tham gia cuộc biểu tình vào mỗi tối. “ Tôi sống với cha mẹ, và việc sở hữu căn nhà riêng là một giấc mơ quá xa vời”.


Dù các cuộc biểu tình có diễn biến thế nào đi nữa, những lo ngại này cũng sẽ không có khả năng sớm ra đi. Những sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở đây thường kiếm được ít hơn $18,000 mỗi năm trong một thành phố mà căn hộ studio 16.5 mét vuông ( 177 square foot) bán với giá $250,000. Và cũng là mối quan ngại lớn lao cho Bắc Kinh, áp lực này cũng tồn tại ở trong lòng Trung Quốc, nơi giá nhà đất đang quá cao và số sinh viên tốt nghiệp hàng năm đã tăng gấp năm lần kể từ năm 2000.


Các vấn đề kinh tế cũng đóng vai trò trong việc chính quyền từ chối yêu cầu của người biểu tình về bầu cử mở.


Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Hai, ông Lương nói rằng một lý do khiến bầu cử mở hoàn toàn không thể được phép ở đây là bởi điều đó sẽ dẫn đến “ trò chơi với số liệu” (a numbers game) mà sẽ buộc chính quyền phải ngả “ chính trị và chính sách” về phía những người nghèo. Một hội đồng gồm 1200 các lãnh đạo địa phương, nhiều người trong số đó giàu có, hiện lựa chọn Trưởng đặc khu Hong Kong, người mà sau đó sẽ được bổ nhiệm bởi Bắc Kinh.


Các ý kiến của ông Lương là bám theo nhận định của một học giả Trung Quốc người cố vấn cho chính quyền trung ương về các vấn đề liên quan tới Hong Kong, người đã nói hồi tháng Tám là dân chủ ở Hong Kong phải được giới hạn để bảo vệ lợi ích các nhà tư bản của chính nó. Trong một sự kiện đáng nhớ, và đáng ngạc nhiên vào thời điểm đó, các bình luận ở một bài phát biểu tại đây được sắp xếp bởi bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông nói rằng phổ thông đầu phiếu sẽ làm tổn thương cộng đồng doanh nghiệp vì “miếng bánh của họ sẽ bị chia sẻ bởi những người khác”.


Liên minh yên tĩnh của Bắc Kinh với giới kinh doanh thượng lưu đã không hòa hợp yên ổn với những người biểu tình. Vào chiều thứ Tư, gần 100 người biểu tình trước nơi ở chính thức của ông Lương, cáo buộc ông thông đồng với các ông trùm tài phiệt về chính sách phân biệt đối xử với người nghèo.


Nhưng nếu quá khứ đã chỉ ra, những người biểu tình cần ít nhất một vài người trong giới tinh hoa đứng về phía họ nếu họ muốn đạt được bất kỳ tiến bộ nào.


Sự gia tăng đột biến gần đây nhất trong cuộc biểu tình đường phố ủng hộ dân chủ ở đây diễn ra năm 2003, khi chính quyền trước đây đã tìm cách thông qua luật an ninh nội bộ nghiêm ngặt. Các trùm tài phiệt đã đánh chìm bộ luật đó, bất chấp áp lực nặng nề từ Trung Quốc yêu cầu ủng hộ nó, dù chỉ phần nào vì một số lo ngại rằng các cuộc biểu tình tiếp tục có thể dẫn đến thiệt hại tài sản cho các tòa nhà trung tâm thành phố.


Nhưng không giống như năm 2003, tầng lớp doanh nhân tinh hoa không hề gây sức ép lên chính phủ trong năm nay để tìm kiếm thỏa hiệp với người biểu tình, theo một người hiện tham gia chặt chẽ vào quá trình ra quyết định của chính quyền Hong Kong.


Các ông trùm bất động sản không lo lắng vì những người bán hàng và người thuê nhà vẫn trả tiền thuê, trong khi các nhà tài chính miễn cưỡng phải chú ý tới các cuộc biểu tình vì sợ gây tổn hại niềm tin trong kinh doanh, cũng theo người này, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm chính trị của vấn đề.


Vậy là chỉ còn để lại một số tức giận của các ông trùm bán lẻ và các doanh nghiệp thương mại khác.


Nhiều ôm trùm, trong đó có cả ông Li, từ chối phỏng vấn hoặc không đáp ứng các yêu cầu phỏng vấn về các cuộc biểu tình hoặc chính trị Hong Kong.


Quả vậy, công khai liên kết với một phía này hay phía kia đều gây tổn hại trong kinh doanh.


Hai tuần trước, Derrick Pang, Phó chủ tịch của Chun Wo Development Holdings đã hủy bỏ hai học bổng được tài trợ bởi công ty tại trường đại học Hong Kong. “ Tôi không thể hỗ trợ các tổ chức mà tiếp tục cho phép sinh viên của họ vi phạm luật”, ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào thứ Tư.


Kể từ khi hủy bỏ học bổng, ông Pang cho biết ông đã bị trừng phạt trên các trang mạng Internet và có “ 6 hoặc 7” các tổ chức truyền thông đã bắt đầu điều tra xem liệu Chun Wo có các hợp đồng với chính quyền hoặc bất kỳ mối quan hệ bí mật nào với ông Lương.


“ Chẳng ai sẵn sàng lên tiếng”, trong cộng đồng doanh nghiệp, ông than phiền, và nói thêm, “ Tôi không chống lại nền dân chủ, tôi chỉ chống lại các cuộc biểu tình”.


The post Tư Bản Trắng Không Khác Tư Bản Đỏ appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Chuyện lãi suất ở Việt Nam

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Chuyện lãi suất: “Dễ bị “ném đá”, nhưng tôi vẫn nói!”


Phỏng Vấn TS Lê Thẩm Dương


interest-rates2


Theo Minh Đức – VNEconomy – 3 Nov 2014

Lẽ ra, lãi suất lúc này là điểm nóng chú ý của chính sách, để định hướng cho nhiều vấn đề năm tới, cả về các mặt vĩ mô đến hoạt động doanh nghiệp, túi tiền người dân…


Nhưng, các vấn đề nợ xấu, nợ công, dự án sân bay Long Thành… đang hút bớt không khí quan tâm của câu chuyện lãi suất.


“Với lại, tôi thấy bạn cũng viết cả rồi, còn hỏi cái gì nữa!”, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Tp.HCM, nói thêm khi từ chối phóng viên VnEconomy cuộc phỏng vấn về chủ đề lãi suất.


Bản thân ông có lẽ cũng có chút thận trọng, với những gì nói ra sau đó, theo ông, có thể khiến một số doanh nghiệp tự ái hoặc dễ bị “ném đá”.


Sau ba lần đề nghị, chuyên gia này đồng ý nêu góc nhìn của mình về diễn biến lãi suất hiện nay, ứng xử của doanh nghiệp và người làm chính sách.


“Không nên cảm tính thế”


Thưa ông, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay nói chung theo ông đã hợp lý chưa?


Hợp lý hay chưa thì căn cứ vào nhiều cái lắm. Bản chất của lãi suất là sinh ra từ lợi nhuận doanh nghiệp, chưa nói đến ở góc độ vĩ mô. Còn ở góc độ ngân hàng thương mại, nó lại là giá của quyền sử dụng tiền. Vậy, cậu tiếp cận ở khía cạnh là công cụ vĩ mô, hay góc độ giá của khoản vay?


Chuyện là bạn đọc gửi thư trao đổi, rồi một số ý kiến khác cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao…


Ở góc độ giá của khoản vay, nếu doanh nghiệp mà đòn cân nợ dưới 3, vay ít thôi, với tỷ suất lợi nhuận ROE 10%, thậm chí nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ 5%, thì lãi suất hiện nay là hợp lý quá còn gì. Bởi vì có phải ông vay tất đâu. Phần còn lại ông trả cho phí vốn là cổ tức. Cổ tức là cùng thuyền lời ăn lỗ chịu nên áp lực nó không quá nặng.


Nhưng trong điều kiện hiện nay, lãi suất cho vay của mình nhìn nó cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được. Bởi vì doanh nghiệp bây giờ lỗ, lãi 5%, lãi 10%, chứ còn lãi cao hơn thì ít lắm.


Với tình hình doanh nghiệp hiện nay, có ý kiến lãi vay phải giảm được về 6-7%/năm mới hỗ trợ được. Thực tế cũng đã có những khoản vay mức đó, thậm chí thấp hơn nhưng vẫn chưa mở rộng. Theo ông, làm sao để có thể mở rộng được?


Trong lãi vay, ngoài phần lãi tiền gửi ra còn có phần trăm rủi ro. Làm sao mà đồng đều được. Khách loại 1 là 10%, khách loại 2 thì 12%, tức có 2% rủi ro trong đó.


Còn phần tiền gửi, ngân hàng huy động từ hồi lãi suất vẫn cao, bắt giảm đột ngột và bán với giá hiện tại đống tiền ông mua cao thì làm sao mà hạ ngay được. Ngân hàng cũng là người kinh doanh chứ, có lợi nhuận thì mới làm chứ.


Vậy triển vọng thời gian tới lãi suất có giảm tiếp và xuống thấp nữa không?


Phải thấy thế này, cùng một lúc lãi suất phải gánh nhiều cái: vừa đảm bảo ổn định tỷ giá, vừa phải đảm bảo thanh khoản, vừa làm sao để chống đô la hóa, vừa phải làm sao hỗ trợ được cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp…


Bây giờ bàn về lãi suất thì phải bàn từng góc thôi. Chứ còn tổng thể thì cuối cùng chẳng làm được cái gì cả. Trong cái hàm số đó thì mình phải hy sinh một biến nào đó, chứ còn thỏa mãn tất cả các biến thì chịu. Hy sinh biến nào để đạt những biến khác và cái hàm đó ít xấu nhất.


Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước hạ như vậy theo tôi là một bước tiến lắm rồi. Hạ cái trần, thực tế người ta cũng đã hạ rồi. Trên cái nền đó người ta hạ một cách linh hoạt và chắc chắn, trên cái nền cung – cầu vốn như thế, chứ không có ép hạ đâu.


Hạ lãi suất vừa qua là hợp lý, lãi suất cho vay hiện hợp lý nhưng không bao giờ có chuyện đồng đều cả. Cho vay tiêu dùng bằng sản xuất, khách hàng 1 bằng khách hàng 2 thì chết.


Lãi suất, ông doanh nghiệp thì nhìn qua lăng kính của ông doanh nghiệp, ông ngân hàng thì nhìn qua lăng kính của ông ngân hàng. Cuối cùng cứ vênh nhau miết. Cứ coi nó là cái chợ đi, chất thị trường nó có, chứ giá nó đang thế này ông thò tay vào can thiệp thì trái quy luật thị trường.


Như cậu nói, nếu muốn lãi suất cho vay thấp hơn nữa, dùng mệnh lệnh hành chính thì làm được ngay chứ có gì đâu. Hai nữa là cậu nói 6-7%/năm dựa trên cơ sở nào, phải giải thích vì sao lại 6-7%/năm chứ, chưa nói là chênh lệch trong mặt bằng đó rất hẹp mà như trên lãi suất cho vay giữa các khách hàng có chất lượng và độ rủi ro khác nhau thì chênh lệch đáng kể. Không nên cảm tính thế.


Anh phải tính toán lợi nhuận công ty bao nhiêu, hệ số nợ bao nhiêu, lạm phát bao nhiêu…, rồi từ đó kết luận nếu lãi suất cho vay quá 6-7% thì doanh nghiệp tiêu. Hay tại sao lại không là lãi suất 4-5%/năm thì mới dễ cứu được doanh nghiệp?


Tôi thấy thế này, trong doanh nghiệp có bốn loại chi phí: chi phí trong xưởng (người, máy, nguyên liệu…), chi phí ngoài xưởng (ban hàng, quản lý…), chi phí vốn và chi phí thuế.


Nhà nước đã lo thuế và lãi suất xuống thời gian qua rồi, thì trách nhiệm còn lại là doanh nghiệp phải lo cái phí ở trong xưởng, đặc biệt là cái phí gián tiếp ở ngoài xưởng.


Giả dụ như tôi làm biện pháp rắn, tinh giảm nhân sự các phòng ban, 3 phó giám đốc giảm đi còn 1 và giữ nguyên khối lượng công việc thì có chạy được không. Nó vẫn chạy bình thường thì sao? Hay mỗi ngày làm 8 tiếng nhưng chỉ làm thực chất có 3 tiếng ông ơi. Hãy làm đủ 8 tiếng xem sao.


Cho nên trách nhiệm của chính doanh nghiệp là rất lớn. Nhà nước đã chấp nhận bội chi để giảm thuế. Ngân hàng Nhà nước cũng mạo hiểm khi giảm lãi suất, đầy mạo hiểm.


“Tuyệt đối không đi xử lý tình huống”


Vì sao lại đầy mạo hiểm, thưa ông?


Bạn cũng đã từng viết đó. Nếu hạ lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tâm trạng thế nào? Anh có đảm bảo chắc chắn là lãi suất giảm vậy hôm nay tiền gửi nó vẫn vào, trong khi một kênh nào đó bùng lên cái thì thanh khoản nó đứt không? Rồi cái lạm phát tới đây là bao nhiêu? Nếu lãi suất thực âm, người ta vẫn gửi đấy, nhưng âm sâu quá thì thôi đấy. Rồi phải đặt trong mối quan hệ với tỷ giá sẽ ra sao. Khi hạ xuống anh phải cân tất cả các dòng tiền ở các kênh đầu tư sẽ thay đổi như thế nào.


Cho nên người ta linh hoạt, giảm rồi nhưng đôi khi người ta có thể phải đẩy lên đấy.


Vì lãi suất là công cụ quản lý tầm vĩ mô, quản trị chủ động. Thứ đúng nhất là kiểm soát lãi suất, tức là lúc đẩy lên lúc hạ xuống, không phải lúc nào cũng chỉ có hạ. Cho nên thắng lợi lớn nhất của mình không phải là kiềm chế lạm phát mà là kiểm soát lạm phát. Lúc phải đẩy lên, lúc phải hạ xuống nhưng luôn luôn phải trong tầm kiểm soát. Dân chúng cần làm quen và hiểu điều đó.


Hai năm vừa qua chúng ta làm được cái đó, hay Ngân hàng Nhà nước đã quản trị rủi ro một cách chủ động. Tuyệt đối không đi xử lý tình huống.


Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý khủng hoảng là không được hoảng loạn. Chưa đâu vào đâu mà cứ hoảng loạn thì càng rối. Nguyên tắc thứ hai là tốc độ, thấy đúng thì làm ngay, chứ khi cháy nhà lại còn ngồi đọc kỹ “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” cái bình khí thì vứt. Nguyên tắc thứ ba là có mặt tại hiện trường, chứ không phải đi nghe lại người khác.


Tôi thấy hai năm qua Ngân hàng Nhà nước đã làm được theo ba nguyên tắc đó. Bên cạnh lãi suất, họ cũng đã kiểm soát được thị trường vàng, tỷ giá. Ai nói gì thì nói, tôi cứ kiểm soát được thị trường vàng, tôi vẫn kiểm soát được tỷ giá và đút túi được 35 tỷ USD đấy.


Như ông phân tích, lãi suất phải gánh nhiều nhiệm vụ, nên việc điều chỉnh tiếp hay không luôn phải cân nhắc kỹ…


Thế này nhé. Vừa rồi, sao không hỏi là vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất 0,5%/năm mà không phải là 1%/năm? Vì với mức đó thì tôi còn kiểm soát được các mặt trận khác. Mà nếu giảm 0,5%/năm mà sau đó không kiểm soát được các mặt trận khác do ảnh hưởng của nó thì có khi lại phải nâng lên đấy. Trong trường hợp ấy thì tôi nghĩ Thủ tướng cũng phải đồng ý thôi.


Như tôi nói ở trên, một mình lãi suất phải gánh nhiều nhiệm vụ vĩ mô. Có những công cụ chính sách tiền tệ khác, cũng vĩ đại lắm nhưng không uy lực bằng. Lãi suất một mặt phải cứu doanh nghiệp, mặt khác phải lo thanh khoản ngân hàng, phải lo lợi nhuận ngân hàng chứ mà lỗ thì cũng chết, lại lo đô la hóa và tỷ giá, rồi phải lo tiền gửi của người dân.


Một mình mà phải lo nhiều biến như thế, phải thỏa mãn nhiều thứ, chứ nếu chỉ cứu doanh nghiệp thôi thì ai chẳng muốn giảm cho thật thấp.


Mong muốn giảm lãi suất cho vay xuống thấp cũng xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn…


Thời gian qua hai cái phí thuế và lãi suất đã giảm, đã cứu đáng kể, còn các phí khác của doanh nghiệp thì ông phải lo chứ. Nếu ông vẫn không lo được và khó khăn thì thị trường nó thải loại. Ông còn bắt nhà nước lo thêm nữa như thế nào nếu cứ giữ hai cái phí của nhà ông một cách phí phạm mà không hoạt động hiệu quả?


Giả sử tôi là nhà nước, giảm thuế và lãi suất về 0%, anh có cam kết được doanh nghiệp vẫn tồn tại trong thế cạnh tranh hiện nay không, với trình độ quản trị hiện tại, với năng suất hiện tại? Năng suất thì thua Nhật Bản 132 lần, thua Thái Lan 5,12 lần. Với năng suất đó thì lãi suất có 0% thì cũng thua. Tức là phải nâng năng lực của doanh nghiệp lên.


Tất nhiên, ở câu chuyện lãi suất đang nói, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Anh cũng phải giảm phí và quản trị tốt hơn, lãi suất cho vay theo đó cũng tự khắc nó xuống thêm.


Anh ngân hàng cũng phải giảm chi phí nội bộ. Anh không giảm được thì để tôi nói cho. Anh cứ ra mà hỏi mấy cậu sinh viên ấy. Tiền trong túi chỉ có mấy đồng, mà trong ví có đến mấy cái thẻ ATM, chi phí nằm phí ở đó chứ đâu. Anh vét được vài nghìn phí của cậu sinh viên ấy nhưng làm tận mấy cái thẻ nằm mãi ở ví như vậy, chi phí nằm ở đó, lấy lãi đâu.


Rồi còn nhiều cái lắm. Như phí cờ hoa, khẩu hiệu, ăn nhậu… Nhiều doanh nghiệp và cả anh ngân hàng vẫn còn nặng mấy cái phí này lắm.


Tôi biết nói như vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp tự ái, vì cái này đụng đến các lợi ích, người ta sẽ “ném đá”, nhưng tôi không sợ mà vẫn nói.


Tôi không làm chính trị bạn ơi, nhưng tôi thấy nhà nước cũng đã cứu đến tận cùng của tận tụy rồi, còn lại hai cái phí nội bộ thì doanh nghiệp, và ngân hàng nữa, phải tự lo chứ.


The post Chuyện lãi suất ở Việt Nam appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Cuộc Họp Mặt Với TS Alan Phan

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

THÔNG BÁO


Về Cuộc Họp Mặt Với TS Alan Phan


picnic-basket


Theo lời yêu cầu của một số các bạn BCA tại Mỹ, TS Alan Phan sẽ đến dự một cuộc họp mặt thân hữu với bạn bè tại:


Phòng Họp Của Đại Học Bristol (http://ift.tt/1ln0JEp)


2390 E. Orangewood Ave


Anaheim, CA. 92806 USA


Vào Sáng Thứ Bẩy 22 November 2014


Lúc 11 giờ.


Bạn nào muốn tham dự, xin Email về cho gocnhinalan@gmail.com.


Buổi gặp mặt không có chủ đề và không có một thuyết trình hay bài nói chuyện gì.


Thành thực cám ơn.


Góc Nhìn Alan


The post Cuộc Họp Mặt Với TS Alan Phan appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Saudi Arabia và Năng Lượng Mặt Trời

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Phát triển bùng nổ của năng lượng mặt trời: Đầu tư trị giá 109 Tỷ USD ở Ả Rập Saudi ( Saudi Arabia)


(GNA: Nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới biết trân trọng tài nguyên và có tầm nhìn xa để không bán hết tài sản quốc gia nhanh chóng (dù Saudi vẫn là một chế độ phong kiến quân chủ). Trong khi đó, quốc gia cấp tiến, hạnh phúc và dân chủ nhất thế giới (Việt Nam) lại gắng tiêu xài “tiền rừng bạc biển” cho thật nhanh = chỉ cần thêm chục năm là mọi thứ sẽ “cuốn theo chiều gió”).


solar panels


Adam Galas – Motley Fool – ngày 19 tháng 10 năm 2014


Người dịch: Kevin Bùi


Ả Rập Saudi, trước đây từng dẫn đầu thế giới về sản xuất dầu, gặp phải một số vấn đề lớn. Nguồn thu từ dầu, đạt 274 tỷ USD vào năm 2013, chiếm 80% doanh thu của chính phủ, và đạt tới 38.1% GDP. Nói rằng đất nước này phụ thuộc vào dầu lửa vẫn còn là cách nói giảm bớt. Tuy nhiên, các rắc rối của Ả Rập Saudi còn vượt quá cả thực tế rằng dòng dầu nuôi sống nền kinh tế nước này, một ngày nào đó sẽ cạn kiệt.


Vương quốc cũng đang đối mặt với một sự bùng nổ dân số, với 47% dân số có độ tuổi 24 hoặc trẻ hơn.


Nhân khẩu của nước này đã tăng 3.23% mỗi năm kể từ năm 1980 và dự kiến tăng thêm 35.1% vào năm 2050.


Tại sao điều này lại là rắc rối? Hai lý do: Đầu tiên là nền kinh tế Ả rập Saudi đã bùng nổ cùng nhịp với tăng dân số trong những năm gần đây. Chẳng hạn, từ năm 2011 tới 2013, tăng trưởng kinh tế dao động từ giữa 3.6% và 8.6%, và đạt 4.7% trong quý 1 năm 2014.


Sự kết hợp của dân số ngày càng tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã dẫn đến sự gia tăng đều đặn về nhu cầu cả dầu lẫn điện.


Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng, Ả rập Saudi là nước sử dụng các máy điện chạy dầu nhiều nhất thế giới. Điều này đặc biệt đúng trong mùa hè, khi nhu cầu cao điểm do sử dụng máy điều hòa không khí khiến vương quốc này đốt một lượng trung bình 700,000 thùng dầu/ngày để tạo ra điện trong những tháng mùa hè 2009-2013.


Điều đó có nghĩa là Ả rập Saudi đốt tới 8.5% sản lượng dầu hàng ngày của mình chỉ để thắp sáng và chạy máy điều hòa. Thực tế là, máy điều hòa không khí tiêu thụ lên đến 50% năng lượng của quốc gia trong mùa hè. Với nhu cầu dầu mỏ trong nước đang tăng lên, một thực tế đơn giản là Ả rập Saudi không thể có khả năng tiếp tục lãng phí sản phẩm kinh tế chủ yếu của họ, một nguồn tài nguyên hữu hạn, để tạo ra điện tiêu dùng.


Vậy giải pháp của Ả rập Saudi là gì? Là chuyển sang những sa mạc nhằm khai thác sức mạnh của mặt trời mà trước giờ chưa dùng tới.


Cú đặt cược 109 tỷ USD của Ả rập Saudi vào năng lượng mặt trời.


Ả rập Saudi gần đây công bố kế hoạch đầu tư 109 tỷ USD để xây dựng mạng lưới máy phát điện dùng năng lượng mặt trời với tổng công suất 41 GW , hoàn thành vào năm 2032, dự kiến sẽ cung cấp 30% sản lượng điện của quốc gia vào thời điểm đó.


Theo Khalid Al Sulaiman, phó chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo tại thành phố Nhà vua Abdullah về Nguyên tử và năng lượng tái tạo (King Abdullah City for Atomic and Renewable Energy), chương trình đầy tham vọng này, một phần của mục tiêu quốc gia đạt tới 52GW năng lượng tái tạo vào năm 2032, được thiết kế nhằm cho phép Ả rập Saudi xuất khẩu tới 10GW năng lượng sang châu Âu trong những tháng mùa đông khi nhu cầu năng lượng xuống thấp nhất.


Nếu vương quốc có thể thực hiện kế hoạch này, nó sẽ làm cho Ả rập Saudi trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng lượng tái tạo, hẳn sẽ là một thực tế mỉa mai khi hiện giờ quốc gia này đang dẫn đầu các nước đòi tăng sản lượng dầu của OPEC trong một nỗ lực nhằm giành lấy thị phần khỏi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ (US shale production)


Lợi thế cạnh tranh của Ả rập Saudi về năng lượng mặt trời.


Một trong những lý do chính khiến Ả rập Saudi có kế hoạch đẩy mạnh năng lượng mặt trời là bởi họ có thể làm điều đó với giá rẻ. Chẳng hạn, bằng cách sử dụng chi phí cào bằng của số liệu năng lượng (được sử dụng để so sánh việc xây dựng, duy trì và phát điện của các phương pháp sản xuất điện khác nhau), Ả rập Saudi đã có thể xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời chỉ với mức chi phí 70USD tới 100 USD cho mỗi MWh, so với mức 130-243USD/ MWh ở Mỹ.


Theo Thierr Lepercq, người sáng lập và là chủ tịch của Solairedirect, một nhà lắp đặt năng lượng mặt trời của Pháp, tới năm 2020 ông dự đoán rằng chi phí sẽ giảm tiếp khoảng 29% tới 50%,xuống còn 50USD-70USD/MWh. Với thực tế là chi phí lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời ở vương quốc này đã giảm 75% kể từ năm 2009, thì việc giảm thêm chi phí sẽ là tin tốt lành cho những người theo đuổi năng lượng tái tạo. Đó là bởi vì nó sẽ khiến năng lượng mặt trời trở thành dạng năng lượng rẻ nhất trong quốc gia và hỗ trợ quốc gia đối mặt với một trong những vấn đề khó khăn nhất.


Năng lượng mặt trời: câu trả lời cho khủng hoảng nước của Ả Rập Saudi


Ả rập Saudi hầu như không có mưa, không có sông hay hồ, và có lượng nước ngầm rất hạn chế. Tuy nhiên, theo Abdullah Al-Hussayen, bộ trưởng bộ Điện- Nước, quốc gia này tiêu thụ lượng nước bình quân đầu người gấp đôi mức bình quân của phần còn lại của thế giới, ở mức 70 lít/ ngày.


Với dân số ngày càng tăng, thiếu nước là mối quan ngại lớn của quốc gia, nhưng năng lượng mặt trời, hứa hẹn điện năng giá rẻ, dồi dào có thể là câu trả lời cho tình trạng khó khăn về nước bằng cách cung cấp điện cho các nhà máy khử muối.


Hiện giờ vương quốc đã đầu tư mạnh vào việc tạo ra nước uống từ nước biển, đã cam kết 7.2 tỷ USD vào nhà máy lọc nước biển mới công bố Ras al- Khair, có công suất tạo ra 264 triệu gallon nước sạch mỗi ngày. Nhà máy này, sẽ là nhà máy lọc nước biển lớn nhất trên thế giới khi hoàn thành, cũng tham gia vào một nhà máy lọc nước biển khác nữa, với công suất 158 triệu gallon mỗi ngày, sẽ được đưa vào khai thác năm 2017.


Tóm lại,


Ả rập Saudi có thể nổi tiếng về dầu, nhưng quốc gia đang phát triển nhanh này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó có nhu cầu bùng nổ về dầu lửa, điện và nước uống. Để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế tương lai, quốc gia này đang đầu tư ồ ạt vào năng lượng mặt trời, nơi mà các sa mạc đầy nắng và chi phí thấp khiến điều này là giải pháp lý tưởng cho nhiều vấn đề của họ.


The post Saudi Arabia và Năng Lượng Mặt Trời appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng vỡ hay không?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng đang vỡ.


china-bubble


CNBC- 31 tháng 8, 2014


Người dịch: Kevin Bùi


Với anh bạn người Bắc Kinh 31 tuổi Wang Yuanzhi, nói về bong bóng bất động sản Trung Quốc không phải là điều gì rất đáng lo ngại.


“ Nếu anh nhìn vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc, nó đã trải qua thập kỷ hoàng kim của sự phát triển vô cùng nhanh. Vẫn còn chỗ cho sự tăng trưởng trong thị trường này, ngay cả trong mười đến hai mươi năm tới”, theo Wang, người đã mua một căn nhà được khởi công cuối tháng 12 năm ngoái. “ Toàn bộ chuyện bong bóng nhà đất chỉ là một cơn sợ hãi, tập trung vào các rủi ro mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt”.


Niềm tin cơ bản thể hiện bởi những cư dân như Wang có thể là những gì mà cơ quan chức năng Trung Quốc hy vọng sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi ở một thị trường đã chứng kiến giá giảm trong ba tháng liên tiếp.


Đối với các nhà quan sát khác, sự suy thoái trên thị trường bất động sản đã từng nóng bỏng của Trung Quốc đặt ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới.


“ Những rủi ro và mức độ ảnh hưởng của bất động sản không giống như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ, nhưng những bong bóng mới không bao giờ giống hệt những bong bóng trước đó (nếu không thì chúng đã dễ nhận ra),” theo Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng của Silvercrest Asset Management (SAMG).


“Mức độ bị ảnh hưởng của các ngân hàng Trung Quốc [và giờ đây là các ngân hàng trong bóng tối (shadow banks)] bởi bất động sản nhìn có vẻ khác so với đã từng xảy ra ở Mỹ, nhưng nó rất thật. Mức độ ảnh hưởng chủ yếu là sự lệ thuộc vào bất động sản thế chấp để hỗ trợ hầu như tất cả các hình thức cho vay trong nền kinh tế, một tình huống rất giống với Nhật Bản trong những năm 1980,” ông nói thêm, đề cập đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản Nhật Bản sau giai đoạn phát triển bùng nổ.


Tầm quan trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc không thể bị đánh giá thấp – nó chiếm khoảng 15% GDP và trực tiếp ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác như ngân hàng và xây dựng.


Rủi ro hệ thống?


Để kiềm chế sự phát triển bùng nổ trong thị trường nhà đất ở Trung Quốc và giữ giá cả phải chăng, Bắc Kinh áp đặt các hạn chế trong vòng 5 năm qua. Các biện pháp đó, cùng với nền kinh tế đang chậm lại giờ đây dường như đã có tác động.


Trung bình giá nhà mới tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0.9% trong tháng 7, sau khi đã sụt giảm 0.5% hồi tháng 6, và câu hỏi lúc này chỉ còn là sự suy thoái sẽ kéo dài tới khi nào.


“Thị trường bất động sản đã từng là khởi nguồn suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trong quá khứ- như Mỹ và Nhật Bản”, Dariusz Kowalczyk, một nhà kinh tế cấp cao tại Credit Agricole (Euronext Paris: ACA-FR) cho biết. “ Vì vậy, trường hợp xấu nhất cho thị trường nhà đất Trung Quốc là một một cuộc khủng hoảng kinh tế”.


Trong trường hợp của Trung Quốc, mở rộng tín dụng thúc đẩy thị trường nhà ở và khi tín dụng chậm lại nó có tác động trực tiếp vào bất động sản, các nhà kinh tế nhận định.


Họ chỉ ra rằng từ năm 2008, cung tiền của Trung Quốc mở rộng hơn gấp ba lần và rất nhiều tiền mà đã đi vào bất động sản. Dữ liệu mới nhất cho thấy, số tiền chảy vào nền kinh tế của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm vào tháng Bảy.


Dưới đây là kịch bản có thể xảy ra, theo Chovanec của Silvercrest


“Khi các nhà phát triển bất động sản không thể nhận được thêm tín dụng, họ phải giảm giá hàng tồn kho (và trả lại các khoản nợ của họ), dẫn đến các nhà đầu tư suy nghĩ lại về việc liệu có nên tiếp tục đổ tiền của họ vào bất động sản”, ông nói.


“ Doanh số bán hàng cạn kiệt, giá rớt, các nhà mới không được xây nữa, xây dựng hết việc, doanh thu bán thiết bị xây dựng, bê tông, sắt thép cũng cạn theo, đất không bán được, nguồn thu của chính quyền địa phương cũng biến mất và họ không thể trả được nợ… nói cách khác, giá tài sản rớt xuống cũng cắt đi nền tảng cho vay của cả quá khứ lẫn tương lai, và khi đó thực sự trở thành vấn đề cho toàn hệ thống”, Chovanec nói thêm.


Dong Tao, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á phi Nhật Bản của Credit Suisse ( Swiss Exchange: CSGN-CH) tại Hồng Kông, mô tả các nhà phát triển bất động sản là “mắt xích yếu nhất”.


“Nếu một nhà phát triển bất động sản gặp rắc rối, điều đó có thể có hiệu ứng domino lên toàn bộ phần còn lại của thị trường”, ông nói. “ Nếu không có hành động của chính quyền trung ương, sẽ có một sự suy giảm nghiêm trọng. Phải làm điều gì đó và thanh khoản có thể phải được nới lỏng để giúp các nhà phát triển bất động sản”.


Trong những tuần gần đây, các nhà phát triển bất động sản tầm trung như Greentown China Holdings ( Hongkong Stock Exchange: 3900-HK) và Shui On Land ( Hong Kong Stock Exchange:272-HK) đã ban hành cảnh báo lợi nhuận trong bối cảnh suy thoái thị trường nhà ở.


Một sự sụt giảm mạnh nhá già làm tổn thương niềm tin của người tiêu dùng là có thể thấy được khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm xuống dưới 5%, theo Kowalczyk của Credit Agricole. Để đặt con số đó vào bối cảnh, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 7.5%.


Hỗ trợ trong tầm tay?


Trong một nỗ lực để vực dậy thị trường bất động sản, một số chính quyền địa phương đã nới lỏng các hạn chế về mua nhà trong vài tuần qua và các ngân hàng nhà nước đã tăng mức cho vay đối với lĩnh vực này.


“Tôi quyết định sở hữu một chỗ ở bởi vì trong văn hóa Trung Quốc và truyền thống của chúng tôi, đó là điều quan trọng. Tôi muốn có nhà vì tôi sắp lập gia đình và tại sao phải trả tiền thuê khi có thể mua được nhà?, theo Wang, người trông đợi việc xây dựng căn nhà mới sẽ hoàn thành vào năm tới.


Các nhà phân tích thêm rằng, thực tế là các hộ gia đình Trung Quốc có mức nợ thấp là lý do tại sao không nên quá bi quan về thị trường nhà ở. Một báo cáo của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng Tư đã xếp hạng Trung Quốc ở mức thấp thứ tư về mức nợ hộ gia đình trong số 11 nước châu Á, vào khoảng 12% GDP.


“ Chúng tôi tin rằng suy thoái [trong thị trường bất động sản Trung Quốc] không giống như tình hình ở Mỹ khi dẫn tới Đại khủng hoảng, và hầu như không có khả năng gây ra khủng hoảng trên thị trường tài chính Trung Quốc hoặc quốc tế”, theo Clem Miller, chiến lược gia đầu tư tại Wilmington Trust Investment Advisors.


“Thứ nhất là, với các qui định về phần trả trước lớn, nợ thế chấp của Trung Quốc có tỷ lệ phần trăm thấp so với giá trị nhà cửa. Thêm nữa, các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc thường nắm giữ các tài sản thế chấp trên bảng cân đối của họ chứ không bán ra thị trường như một nghĩa vụ thế chấp tài sản cầm cố.


Các nhà phân tích nói rằng, không dễ gì sửa chữa những tai họa của thị trường bất động sản Trung Quốc- ngành này cần phải trải qua một giai đoạn điều chỉnh để giúp đặt nền kinh tế lên một cơ sở lâu dài an toàn hơn.


“ Tin tốt đối với Trung Quốc là họ sản xuất nhiều hơn tiêu dùng trong nhiều năm. Kết quả là, nếu đầu ra sụt giảm, họ có thể đủ khả năng để tiêu thụ nhiều hơn sản xuất”, theo Chovanec của Silvercrest.


“Nếu nền kinh tế loạng choạng, mức tiêu thụ và mức sống không nhất định cũng chùn bước theo. Trung Quốc có thể chịu được thâm hụt thương mại ( giả định rằng nguồn dự trữ ngoại hối của họ không bị cạn kiệt bởi nguồn vốn tư bản đại chúng bay đi). Điều này cung cấp một tấm đệm giảm chấn cho quá trình hiệu chỉnh đau đớn mà họ phải trải qua.


The post Bất động sản Trung Quốc: Bong bóng vỡ hay không? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Khi Lòng Đã Tắt

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Khi Lòng Đã Tắt


despair


Quách Dự Tây – Triết Học Đường Phố – 17/9/2014


Tôi đang thắc mắc những người tham những, những người hủy hoại thế hệ đi sau, những người đạp lên đầu người khác giành sự tồn tại liệu có giật mình thức dậy lúc nửa đêm để thở hồng hộc với mồ hôi toát đầm đìa?


Nghĩ cũng ngộ, đất nước này chịu quá nhiều tổn thương trong suốt chiều dài lịch sử rồi (trong số những “vết thương” đó có tuyến đường sắt mà tới giờ không có cái thứ 2 thay thế trong trường hợp xấu nhất xảy ra, có những cây cầu già cỗi nhưng chưa có dấu hiệu thấm nứt như hầm chìm dưới sông hay nham nhở như đường cao tốc nào đó v.v..), hà cớ gì lại tiếp tục đóng cửa ẩu đả nhau để tự làm đau chính mình và người khác?


Nếu không làm việc gì xấu, nếu mình minh bạch thì mọi thế lực dù mạnh đến cỡ nào cũng không thể quật ngã. Vậy tại sao thỉnh thoảng lại chặn blog này blog kia, web này web nọ?


Tôi được coi là “chủ”, nhưng có cảm giác như tôi đang là “vật chủ” để bọn ký sinh trùng sống bám và hút triệt để đến giọt máu cuối cùng. Tôi kêu gào, tôi dùng dao thẻo từng thớ thịt để moi cho bằng được đám sinh vật vô lại ấy ra, nhưng chính hành động cầm dao của tôi lại bị quy chụp là có âm mưu sát hại đồng loại. Tôi mong chờ ngày được sang cái làng bên chữa vết thương, và khi tôi trở về, đừng gọi tôi là thằng phản bội làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên, bởi vì nơi đây không có nổi một bác sĩ giỏi để cho tôi một liều thuốc an thần chứ đừng nói chi là trị dứt căn bệnh trầm kha mà bọn tôi – công dân có chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưỡng theo đánh giá vớ vẩn nào đó – đang dính hàng loạt. Liệu có nên cảm ơn “những người dẫn đường thông thái”?


Nên đọc truyện cổ tích Việt Nam nhiều hơn nữa, Mai An Tiêm từng nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Chẳng lẽ ai cho cái gì mình cũng hí hửng nhận sao? Ví dụ: dân làng bán máu, bán mồ hôi và nước mắt để góp tiền mua siêu xe Bugatti Veyron và tin tưởng giao cho bạn để bạn lèo lái họ đi khai phá một mảnh đất mới – nơi chất lượng giáo dục và đào tạo sánh ngang tầm với thành thị, nơi người lao động không phải chật vật mưu sinh, nơi trẻ em, phụ nữ, người già được bảo vệ an toàn, nơi động vật hoang dã không phải kêu gào cùng những cánh rừng đang dần ngã quỵ, nơi khoáng sản sâu trong lòng đất có được giấc ngủ yên lành, nơi dân làng cùng báo chí có thể trải lòng ra một cách vẹn nguyên mà không bị kết tội phản bội, v.v..


Dù cho nó có bị gọi là “Utopi” đi chăng nữa – nhưng bản thân bạn không biết lái xe thì bạn cũng nhận sao? Bạn từng ngồi trên xe không có nghĩa là bạn biết lái xe, mà giả sử bạn biết lái xe chưa chắc gì bạn đã biết lái đến đúng chỗ mà dân làng muốn đến, bởi vì bạn cứ nghĩ lợi ích cho bạn thôi, bạn nghĩ là chỗ đó mới hợp với gia đình của bạn, để dễ dàng thâu tóm những vị trí đẹp nhất, sang trọng và tiềm năng nhất, chứ không phải gia đình của họ, dù họ chỉ cần những chỗ để ngã lưng một cách vô tư lự mà không phải lo canh cánh bị cướp bóc, trộm cắp và hiếp dâm! Đây chẳng phải là một điều đáng hổ thẹn, cần xin lỗi và cần trả xe lại cho dân làng để họ giao cho người phù hợp hơn sao?


Tôi cảm thấy lòng mình đã tắt với nơi đây rồi!


Khi lòng đã tắt, người ta không muốn hồi âm bất cứ cái thư gì của bất kỳ ai dù đã đọc đi đọc lại hàng chục lần (do ngày nào cũng check mail 5,6 lượt)…


Khi lòng đã tắt, người ta chỉ biết mỉm cười ban ngày với gia đình, bạn bè để rồi đêm về lúc chỉ còn một mình thì lại mếu máo như vừa mất đi thứ gì rất quý giá (giống Lão Hạc bán đi con chó Vàng).


Khi lòng đã tắt, người ta sẽ lắng nghe một cách quán tính những chia sẻ của người khác, lời nói đi vô lỗ tai này thì thoát ra lỗ tai bên kia, nếu cơn chán chường lên tới đỉnh điểm, người ta thậm chí còn hét toáng lên với người đang cố gắng kéo mình ra khỏi vũng lầy với bàn tay ấm áp và ánh mắt trìu mến nhất: “IM ĐI!”


Khi lòng đã tắt, người ta không còn chú trọng vào việc chăm chút cho bản thân nữa, người ta không còn sân si khi thấy người khác đang khoác những bộ cánh hàng hiệu, chạy con xe đắt tiền và xài điện thoại đời mới nhất nữa.


Khi lòng đã tắt, người ta coi chuyện tình cảm cũng chỉ là một liều thuốc an thần giống như một kẻ nghiện ngập đang tìm cách tái hiện cảm giác phê, đắm chìm trong thế giới màu sắc bay bổng bằng việc hút, hít, chích và cắn thuốc…


Khi lòng đã tắt, người ta lắc đầu trước những cơ hội việc làm, chỉ nằm bần thần ra đó hoặc đi ra đi vô như một bóng ma, lặng lẽ lướt trên đường phố và không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai.


Khi lòng đã tắt, người ta lao vào thế giới internet, ru ngủ mình bằng những lời khuyên sáo rỗng từ những fanpage hay status của bạn bè, nhanh chóng bấm like nhưng rồi cũng âm thầm bỏ đi.


Khi lòng đã tắt, người ta nghe nhạc với cường độ âm thanh lớn nhất nhưng giọng nói quá bé để có thể rên la như một con thú bị trúng bẫy, đang giẫy giụa từ ngày này sang ngày khác với luồng máu cạn dần.


Khi lòng đã tắt, người ta không còn tin nữa, không còn tin vào những phép màu nhiệm đã xảy đến trong quá khứ nữa. Người ta muốn tìm đến một tôn giáo để có thể trút bỏ những dối trá lọc lừa vô tình thu lượm được trong hành trình khổ đau kia.


Khi lòng đã tắt, người ta trở về đúng bản chất của mình, không còn đánh bóng vẻ hào nhoáng, không còn những xu nịnh, bon chen, không còn sự tự tin, năng động của một thời rực rỡ….


Và khi lòng đã tắt, nghĩa là người ta đã không còn mong chờ và đợi mong bất cứ điều gì nữa rồi…


Quách Dự Tây


The post Khi Lòng Đã Tắt appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

“Tê Tê Say Say” Cuối Tuần

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Dự báo… và… thực tiễn!


ng xuan kien2 2


Theo Blog Baron Trịnh – 18 Sep 2014


Báo Tuổi Trẻ … Cười


Tính đến nay đã hơn một thập niên trôi qua nhưng căn bệnh “tê tê say say” ấy vẫn còn là căn bệnh thuộc loại kỳ bí ở xứ ta. Căn bệnh kỳ bí ấy chỉ khu trú ở Hòa Bình không lây lan sang các nơi khác nên qua thời gian cũng trôi dần vào quên lãng chẳng còn nghe dư luận đề cập đến.


Thế nhưng gần đây khi một bệnh nhân tên Khoác ở Hà Nội được người nhà đưa tới danh y Bình Nhất Chỉ chẩn trị thì căn bệnh “tê tê say say” này – hoặc một căn bệnh tương tự như thế – mới được nhắc lại qua bài viết độc quyền của một tờ báo mạng đầy uy tín. Tờ báo này cho biết Khoác mắc phải căn bệnh “tê tê say say” từ năm 2009 nhưng người nhà giấu nhẹm, mãi đến năm 2013 bệnh tình phát tác trầm trọng mới phải đưa Khoác đến gặp Bình Nhất Chỉ.


Theo như người thân thuật lại thì bệnh nhân Khoác vốn là dân nghèo thành thị, là người tự ti mặc cảm ghê gớm. Ra phố cứ nhác thấy từ xa những người bảnh bao sang trọng là hắn đã mau chân vội vã lánh xa. Đặc biệt mỗi khi gặp người nước ngoài, nhất là khách Tây, bất kể đen hay trắng, Khoác luôn thể hiện sự hãi sợ sùng kính ra mặt.


Ấy vậy mà đùng một cái, từ năm 2009, Khoác cứ như người lột xác, mọi mặc cảm tự ti bỗng dưng biến mất. Thay vào đó là sự tự tin, thậm chí là sự tự tôn luôn xuất hiện qua vẻ mặt câng câng của Khoác. Giờ đây mỗi khi ra phố, Khoác chẳng còn hãi sợ bất cứ ông to bà lớn nào cả. Gặp khách Tây, Khoác còn chủ động tiến đến chìa tay ra bắt, miệng líu lo hế-lô, ô-kê um trời! Thế có lạ không chứ?


Dân cư trong khu phố Khoác ở càng lấy làm lạ hơn nữa khi thấy Khoác nói chuyện cứ như người sống trên mây. Khoác bảo: “Hôm qua ta vừa phóng phi thuyền lên hỏa tinh. Phi thuyền do chính ta chế tạo, phi hành gia toàn là người Việt mình cả. Lần phóng phi thuyền tới đây ta sẽ cho phi hành gia Mỹ, Nga, Trung Quốc đi ké. He… he…”. Tiếng cười của Khoác sặc mùi tự mãn.


vinashin


Khoác còn chỉ tay vào các ông Tây bà Đầm đang đi trên phố, nói với giọng mỉa mai: “Mấy người ngoại quốc này toàn đến đây làm thuê cho người Việt ta cả. Mụ Đầm này đang giữ trẻ và lão Tây kia đang làm đầu bếp nấu cơm tây cho một ông chủ người Việt đấy!”. Khoác chép miệng than vãn: “Mấy nước nghèo ở khắp nơi trên thế giới bây giờ xuất khẩu lao động qua nước ta ầm ầm. Quá nhiều người nước ngoài nhập cư lậu vào xứ ta kiếm sống. Các cô gái nước ngoài thì hè nhau kết hôn với đàn ông xứ ta để được làm cô dâu đất Việt, bất kể người đàn ông ấy già, trẻ, lành lặn hay thương tật. Thật là…”. Khoác thả lửng câu nói kèm theo một cái nheo mắt đầy ẩn ý tự hào!


Cả khu phố nơi Khoác cư ngụ đều cả quyết Khoác mắc bệnh nặng, bệnh “tê tê say say” gì đó mà người dân Hòa Bình đã mắc phải. Có người ngờ Khoác mắc bệnh tâm thần hoang tưởng bởi bất cứ lúc nào Khoác cũng cho rằng mình đang sống vào năm Bính Ngọ 2026. Khoác bảo: “Chúng ta đang sống vào năm con Ngựa, cả đất nước ta sẽ phi như ngựa, vượt lên tất cả các nước khác cho xem”.


Đưa Khoác vào bệnh viện tâm thần thì người nhà không nỡ, vả lại ngoài chuyện nói dóc với trạng thái “tê tê say say” ra, Khoác chẳng hề quậy phá, làm phiền bất cứ ai. Riết rồi người chung quanh xem Khoác như một chàng hề vô hại và đặt cho Khoác nghệ danh rất đặc trưng: Khoác Duy Lác!


Nhưng vợ của Khoác lại không muốn chồng mình là thằng hề dưới mắt mọi người nên thị kiên quyết đưa Khoác đến gặp danh y Bình Nhất Chỉ. Với chỉ một ngón tay trỏ chìa ra bắt mạch Khoác, Bình Nhất Chỉ đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bình đại phu nói với vợ Khoác: “Căn bệnh này tựa như bệnh “tê tê say say” nhưng không phải là căn bệnh mà bà con ở vùng cao tỉnh Hòa Bình mắc phải. Đây đích thị là căn bệnh “tự sướng” ở dưới vùng xuôi.


duong sat


Chị bảo căn bệnh của chồng chị phát ra từ năm 2009. Chính trong năm đó báo điện tử Bee.net có bài phỏng vấn ông Viện trưởng Viện chiến lược kinh tế-xã hội Việt Nam và Đông Nam Á. Ông Viện trưởng cho rằng: “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp ta hiện nay, chỉ cần 20-30 năm nữa Việt Nam sẽ là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 40 năm nữa Việt Nam sẽ đứng trong tốp 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.


Ông Viện trưởng này nhận định như thế lúc chưa xảy ra các vụ án Vinashin, Vinalines cũng như chưa xảy ra việc hàng vạn doanh nghiệp ở xứ ta phải ngưng hoạt động vì sản xuất khó khăn. Tuy nhiên nhận định của ông ta hồi đó đã khiến không ít người mắc phải căn bệnh “tự sướng” như chồng chị. Năm tới đây là năm Giáp Ngọ. Căn bệnh “tự sướng” này sẽ phi như ngựa với số người mắc bệnh tăng nhanh và bệnh của chồng chị sẽ trầm trọng hơn rất nhiều so với hiện nay”.


Vợ Khoác hốt hoảng hỏi: “Thế tiên sinh có thể chữa khỏi không?”. Bình Nhất Chỉ bảo: “Chắc chắn chữa khỏi nhưng chị cần phải suy tính kỹ càng, có nên để chồng chị tiếp tục “tự sướng” với căn bệnh này hay nên trả anh ta về lại với thực tế phũ phàng của cuộc sống hiện tại”. Bình Nhất Chỉ nói xong cầm bút kê toa đưa cho vợ Khoác, căn dặn: “Chị đem toa thuốc này về trao cho chồng chị đọc ắt sẽ hết bệnh. Muốn anh ấy hết bệnh hay không là tùy chị đấy!”.


Đúng vào sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, vợ Khoác trịnh trọng đưa toa thuốc của Bình Nhất Chỉ cho Khoác xem. Toa thuốc ghi rằng: “Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, tính đến năm 2009 Việt Nam đã bị tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore”.


Đọc xong toa thuốc, Khoác bỗng đùng đùng nổi giận đạp cho vợ Khoác một đạp mà rằng: “Tao đang “tê tê say say” vô cùng sung sướng sao mày lại chữa cho tao hết bệnh làm gì. Ngu thế không biết!”.

BÌNH NHẤT CHỈ


The post “Tê Tê Say Say” Cuối Tuần appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Hà Nội hay Sài Gòn?

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu ‘dễ sống’ hơn?


saigon ha noi


BBC Tiếng Việt – Quốc Phương – 11 tháng 9, 2014


‘Tôi cho Sài Gòn 2 điểm và Hà Nội 1 điểm’, đó là phần cho điểm của một khách mời tham dự cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC với các khách mời hôm 11/9/2014 với chủ đề “Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu dễ sống hơn?”.


Từ Sài Gòn, hôm thứ Năm, khi được hỏi ở đâu dễ sống hơn, dễ làm ăn và dễ thở hơn giữa hai đô thị này, Tiến sỹ Alan Phan, blogger và nhà phân tích kinh tế, tài chính, nhận xét với BBC rằng cả hai thành phố với ông đều ‘xấu xí’ từ kiến trúc, đến cơ sở hạ tầng và ‘tệ hại’ về môi trường sống.


“Thực tình mà nói về văn hóa hay về bất cứ điều gì khác của hai thành phố này, tôi thấy nó rất là xấu xí, từ vấn đề kiến trúc, cho tới vấn đề con người, cho đến vấn đề hạ tầng cơ sở.


“Nghĩa là môi trường sống có thể nói rất là tệ hại,” người cho điểm khá thấp cả Hà Nội và Sài Gòn trên thang điểm từ một tới mười nói.


“Một trong những nơi tệ hại so sánh như những quốc gia mà tôi đã từng đi qua, mà tệ nhất là Nigeria hay là Bangladesh, còn tất cả những nơi khác đều có môi trường sống tốt hơn là Sài Gòn và Hà Nội.”


Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định chung và so sánh hai thành phố, mở đầu, Tiến sỹ Alan Phan nói:


“Hiện nay Sài Gòn tương đối cởi mở hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố rất năng động và đang cố gắng bắt kịp Sài Gòn, nhất là họ (Hà Nội) đang được dành cho những ưu đãi rất tốt.


“Xây dựng hạ tầng cơ sở, họ đã đầu tư rất nhiều. Tôi nghĩ trong vòng 10 năm nữa thì Hà Nội có thể bắt kịp Sài Gòn về môi trường sống.”


Bản sắc


“Theo tôi, Sài Gòn và Hà Nội, bản sắc gần giống nhau. Lý do tại sao? Là bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông”


Tiến sỹ Alan Phan


Khi nói về phương diện giữ gìn, phát huy ‘bản sắc’ cũng như về môi trường sống mà cả hai thành phố được cho là đang chịu sự cạnh tranh với một số thành phố, đô thị khác ở Việt Nam, blogger này nhận xét:


“Khi tôi nói về văn hóa, tôi vẫn thích thành phố Huế, hay là thành phố Hội An hơn là Sài Gòn với Hà Nội.


“Về môi trường sống, tôi nghĩ thành phố Đà Nẵng tương đối được hơn, đây là so giữa Việt Nam với nhau.


“Hay là về sống trong một cộng đồng, thì những nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long là những nơi khá là hấp dẫn. Và nói thêm nữa là những thành phố trên vùng Tây Nguyên, là những thành phố mà tôi rất thích.


“Bởi vì nó gần với thiên nhiên rất nhiều, dù rằng việc phá rừng gần như đã làm suy kiệt vấn đề này.”


So sánh về ‘bản sắc’ giữa Sài Gòn và Hà Nội, ông Alan Phan nói thêm:


“Vấn đề bản sắc, mỗi thành phố đều có một bản sắc riêng. Theo tôi, Sài Gòn và Hà Nội, bản sắc gần giống nhau.”


‘Đồng hóa’?


Và blogger này đưa ra lời giải thích:


“Bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông. Và sự đồng hóa, từ hồi di cư năm 1954, là đã có một sự thay đổi lớn về văn hóa, nhưng mà sau đó đến thời 1975, có thể nói văn hóa Sài Gòn bị biến đổi hàng ngày, hàng giờ.


“Và cho đến ngày hôm nay, như tôi nói chừng 10 năm nữa, có lẽ không phân biệt được giữa Sài Gòn với Hà Nội. Sài Gòn lúc nào cũng ảnh hưởng Âu – Mỹ nhiều. Hà Nội rất ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng hai cái đấy đang trở thành một hỗn hợp.”


Hôm thứ Năm, một khách mời khác của tọa đàm trực tuyến, nhà báo Phạm Tường Vân cho điểm Hà Nội 7/10 và Sài Gòn 8/10.


Bình luận với BBC về một bài báo gần đây trên tờ Bloomberg vốn gợi ý rằng Sài Gòn vượt xa Hà Nội trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, du lịch tới môi trường sống v.v…, nhà báo Tường Vân nói:


“Bài báo đó thích hợp với những người nước ngoài muốn dành thời gian khoảng 5 tới 10 phút để biết về một đất nước mà không phải trong mối quan tâm thường xuyên.


“Tôi nghĩ đó là concept (quan niệm) của tờ Bloomberg. Còn dưới góc độc của người trong cuộc thì tôi nghĩ có một cái nhìn rất là khác…”


‘Thiếu cân bằng’


“Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ”


Nhà báo Phạm Tường Vân


Về sự khác biệt của Hà Nội với Sài Gòn, cũng như căn nguyên của nó, nhà báo nữ nêu quan điểm:


“Ở một đất nước tưởng vậy mà không phải vậy thì sự khác biệt rất là dài về văn hóa. Một cuộc giao thoa văn hóa giữa đông và tây, một lộ trình lịch sử có nhiều biến động, chiến tranh, tác động của chính sách quản lý những cuộc di dân…


“Hà Nội sau năm 1954 và Sài Gòn sau năm 1975… có một sự khác biệt rất lớn, trước và sau giai đoạn lịch sử này.”


“Trong cái nhìn của tôi, tôi thấy Hà Nội có một cái gì đó giống nước Pháp, còn Sài Gòn giống với nước Mỹ. Nhưng Hà Nội sau năm 1954, có một sự thay đổi về xã hội, văn hóa.


“Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ.


“Và bản thân mỗi thành tố khi sinh ra nó đã chứa đựng một sự cực đoan nhất định. Và điều đó làm cho bản thân thành tố đó phải đối diện với một sự cực đoan mới, khởi sinh sau nó, giống như một phản ứng cân bằng.”


“Nhưng mà cái sinh sau nó cũng bị quá, nó cũng cực đoan, cho nên nó cũng cần có những mảng đối lập mới khác với nó, cho nên luôn tôi thấy Hà Nội là một sự thiếu cân bằng, nhưng nó cũng thú vị, sự thiếu cân bằng đó cũng thú vị.”


‘Tan biến theo thời gian’


Từ Bangkok, khách mời Phó Giáo sư, Tiến sỹ Montira Rato, giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt tại Đại học Chulalongkorn, nêu nhận xét về hai thành phố mà chị từng biết ở Việt Nam và so sánh với Bangkok.


Nhà nghiên cứu người Thái Lan chia sẻ với BBC sau cuộc tọa đàm trong một email viết bằng tiếng Việt:


“Nói thật lòng cả hai thành phố, kể cả Bangkok nữa, đều không phải là thành phố lý tưởng để làm ăn và sinh sống. Nhưng giữa hai thành phố này thì mình hơi nghiêng về Hà Nội dù nhiều người cho là không khí làm việc ở Sài Gòn thoáng hơn.


“Với tư cách là một người nước ngoài từ một thành phố nóng và nắng, tôi thấy Hà Nội thu hút và quyến rũ hơn, nhất là về mặt thời tiết, ẩm thực và văn hóa.


“Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian”


PGS. TS. Montira Rato, Bangkok


“Trong bài thơ “Nghe rét đến nhớ về Hà Nội”, nhà thơ Xuân Quỳnh kết thúc với câu thơ này “Em muốn mang một chút nắng về quê nhà”. Nhưng tôi lại ước Bangkok sẽ có những ngày mát lạnh như Hà Nội.


“Tôi cũng rất thích nét cổ kính bên cạnh những sắc màu hiện đại của thủ đô này. Hình ảnh của Hà Nội mà tôi nhìn thấy qua văn học, nhạc và họa là Hà Nội của trí tuệ và văn minh với phong cách riêng cả nếp sống và nếp nghĩ.


“Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian,” PGS. Rato nêu quan điểm.


‘Cái nhìn thoáng hơn’


Cho điểm Sài Gòn 8/10 và Hà Nội 6/10 là doanh nhân Nam Phạm, khách mời tham gia chương trình từ Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.


Khi được hỏi thành phố nào có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam sau hàng thập niên chấm dứt chiến tranh, kể từ diễn biến 30/4/1975, ông Nam nói:


“Con người Sài Gòn cởi mở, có những cái nhìn thoáng hơn con người Hà Nội. Vì vậy Sài Gòn từ xưa đến giờ vẫn là động cơ chính để thúc đẩy đất nước Việt Nam mình từ Bắc chí Nam đi lên.


“Hà Nội với những sự cực đoan như là nhà báo Tường Vân nói, với quyền lực chính trị nhiều hơn Sài Gòn rất là nhiều.


“Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi”


Doanh nhân Nam Phạm, Boston, Hoa Kỳ


“Nhưng nếu con người Hà Nội không có được một cái nhìn thoáng, không du nhập được những cái hay, cái lạ ở những vùng khác đến, thì tôi nghĩ rằng Sài Gòn lúc nào cũng đi trước Hà Nội, nhất là về vấn đề kinh tế.


“Và Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi.”


‘Cơ hội cho người trẻ’


Từ Sài Gòn, một nhà báo tự do đang làm cố vấn quảng cáo cho một công ty, người cho Hà Nội 6/10 điểm và Sài Gòn 9/10 điểm, so sánh hai thành phố từ góc độ cơ hội phát triển cho thanh niên.


Nhà báo Hoài Nam nói với BBC:


“Bản thân tôi, tôi thích sống ở Sài Gòn, bởi vì Sài Gòn đơn giản là chúng tôi rất thờ ơ với chính trị… Con người Sài Gòn đơn giản và khoáng đạt, con người Sài Gòn muôn mặt và đa dạng.


“Vì thế cơ hội đến với những người trẻ như chúng tôi ngay tại đất Sài Gòn rất là cao. Nếu như bạn giỏi, bạn có cơ hội để tồn tại và điều đó là lý do tôi thích ở Sài Gòn.”


Từ Hà Nội, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn trước hết bình luận về ý kiến của các vị khách mời khác.


Anh Tuấn nói với BBC:


“Trước hết tôi đồng ý với ý kiến của anh Nam Phạm đó là nếu như người Hà Nội cứ tiếp tục khư khư giữ chặt cái lối của mình mà cứ thế mà đi, thì quả thật chắc chắn là Hà Nội sẽ không bao giờ bắt kịp Sài Gòn…


“Chị Hoài Nam có nói ở Sài Gòn mọi người sống thoải mái hơn, vui vẻ hơn, cởi mở hơn, nhất là trong giới trẻ, thanh niên, bởi vì người Sài Gòn chỉ làm những gì mà họ muốn và họ ít quan tâm chính trị.”


‘Mùi của chính trị’


Theo kiến trúc sư trẻ này, có một sự khác biệt rõ rệt giữa Hà Nội và Sài Gòn, với một bên ‘thiên về ‘chính trị’ còn bên kia thiên về ‘thú vui, vô tư’ nhiều hơn.


Anh Tuấn nói với BBC: “Cũng phải nói luôn là ở Hà Nội, đấy chính là điều khác.


“Để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn. Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội”


Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, Hà Nội


“Đấy là cái mật độ và tỷ lệ những người quan tâm đến chính trị và có một thái độ giống như chị Tường Vân có nói, đó là sự cực đoan về chính trị theo mặt này hay mặt khác thì nhiều hơn ở Sài Gòn, theo quan sát của tôi.


“Sự khác biệt đó có thể nói lên là giữa một bên chúng ta để ý đến những cái diễn ra hàng ngày về mặt chính trị, và một bên là chúng ta để ý đến những cái chỉ thuần túy là cho niềm vui cho cuộc sống của mình, thì nó làm nên sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn.


“Nếu như chỉ để tìm một niềm vui hàng ngày trong cuộc sống, thì tôi, bản thân tôi là người sống ở Hà Nội, tôi cũng rất thích sống ở Sài Gòn, tôi cũng chọn Sài Gòn.


“Nhưng để phục vụ cho những mong muốn khác của bản thân, đúng như chị Tường Vân có nói, đó là về mục đích, hay như chị Nam có nói là trong cơ quan nhà nước, hay vị trí chính trị, thì không hẳn, nhưng để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn.


“Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội,” kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, người cho Sài Gòn 8 điểm và Hà Nội 6 điểm, nói với cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC từ Hà Nội.




The post Hà Nội hay Sài Gòn? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tố Hữu, Nhà Thơ Biết Tiên Tri

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Tố Hữu, Nhân Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Trung Quốc


(Đại thi hào Tố Hữu, Nguyên Phó Thủ Tướng VNDCCH, Uỷ Viên Trung Ương Đảng –


Trích Tập Thơ Gió Lộng – Xuất bản 1961 tại Hà Nội -)


(GNA: Tuần này, xin giới thiệu bài Thoát Á Luận của Yukichi đã thay đổi tư duy của cả một dân tộc để xây dựng một nước Nhật ngày nay. Khoảng 100 năm sau, nhà tư tưởng Tố Hữu cũng viết những bài thơ gây nhiều hiệu ứng tương tự. Đó là Việt Nam ngày nay.)


BacHo-ToHuu1234-11195


Đường Sang Nước Bạn


Đường sang nước bạn chiều xuân

Con tàu liên vận vui chân dặm trường

Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường

Song song đôi mặt như gương với hình

Bên ni biên giới là mình

Bên kia biên giới cũng tình quê hương…


Chào Trung-quốc, giang sơn hùng vĩ,

Quê Hồng-quân Vạn Lý Trường Chinh!

Hồn các anh xưa, những người chiến sĩ,

Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh.

Từ Giang Tây lên Thiểm-Cam-Ninh,

Ăn tuyết nằm sương, mặt đầy máu bụi,

Lòng mạnh hơn sông, gan to hơn núi,

Vai làm thang, lưng làm cầu.

Rừng thẳm sông sâu,

Không thể gì ngăn được!

Ôi tiếng sáo Ly Quê thuở trước,

Hồng-quân đi đến đâu

“Sông phải rẽ nước,

Núi phải cúi đầu”


Các anh đi, lay động địa cầu.
Từ thuở ấy, nước tôi còn nô lệ,

Máu Xô-viết mới đầm đià đất Nghệ.

Tôi lớn lên, nhưng chưa được làm người,

Thèm một quê hương, một mảnh đất, khoảng trời.

Vời vợi Diên An, mộng mười sáu tuổi!


Từ ấy, đã biết bao đèo suối,

Chúng tôi đi, theo lối các anh đi,

Mười lăm năm trường kỳ kháng chiến,

Như các anh đã đi, đã đến,

Như các anh, giành biển, giành trời,

Hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi,

Chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội.
Hôm nay tôi đi từ Hà Nội,

Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Con tàu đưa tôi đến Trung-hoa:

Bốn hướng mênh mông, bao la trời đất,

Ồ tất cả của ta đây, sướng thật !


Bánh xe quay trong gió, bánh xe quay

Cuốn hồn ta như tỉnh như say,

Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép

Đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp.
Ôi buổi bình minh dày dọc đường

Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương,

Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết,

Ngạt ngào đồng xanh mịn phấn hương.

Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy,

Hoa đào đôi bím nở trong sương.

Làng hay phố đó, tường vôi mới,

Băng đá tan trên dòng Trường-giang…

Mặt trời lên, nắng chói lưng đồi,

Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi ơi!

Em mặc áo hoa, cúi đi hài ấm,

Em nói em cười má em đỏ thắm;

Em đẹp em thơm như quả táo đầu cành,

Phơi phới đời em cao vút như dương xanh.


Trung-quốc đó: Sức thanh xuân bừng dậy,

Có phải chăng xưa nàng tiên nữ ấy

Mấy nghìn năm đày đọa tháp Lôi-phong

Vươn mình lên rực rỡ dưới cờ hồng!

Trung-quốc đó: Bàn tay nào huyền diệu

Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu,

Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn,

Như mặt người tươi dần những đường nhăn,

Gót chân bước trên đường xanh nhún nhảy,

Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!

Văn Thiên Tường ơi!

Nếu anh sống lại

Đến bến bờ Bột-hải

Thăm Sơn-hải-quan

Anh sẽ không còn khóc mãi

Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông

Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng

Đắp Trường Thành Vạn Lý

Tôi đã gặp Mạnh Khương nhiều chị

Khắp công trường rộn rã như ong

Vui chồng vui vợ

Vai gánh vai gồng

Bạt núi khơi sông
Mùa đông không lạnh nữa

Tưng bừng đuốc lửa thâu đêm

Cướp thời gian thay búa thay liềm!

Ôi hai chữ Tự-do: Đôi hài vạn dặm,
Đôi cánh thần tiên bay lên xanh thẳm

Tôi đã trông, tôi đã thấy: Nơi đây

Hai mươi năm nhảy vọt một ngày

Sáu trăm triệu bàn tay: Một núi

Thép gang luyện từ bùn lầy, than bụi!

Quang vinh thay Đảng những con người

Cờ đỏ giương cao, đứng dậy làm trời


“Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng”


Mao Trạch Đông!

Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng

Đẹp như một ngọn cờ Hồng

Trên mặt người, mặt đất mênh mông.


Tôi đã thấy ngày xưa đâu đó

Một tia lửa nhỏ

Trong xóm nhỏ Tương-đàm (a)

Cháy lan dần, đỏ khắp Hồ Nam

Thành ngọn lửa hôm nay: Trung-quốc !

Soi sáng phương Đông, châu Phi, châu Úc,

Lửa dâng cao, lửa Cách Mạng Tháng Mười

Rát mặt loài lang nhung, ấm dạ loài người.


Sáng thêm nữa, đời đời, ngọn lửa

Của Trung-hoa, của chúng ta, tất cả!


Của chúng ta, muôn ngọn lửa lên cao

Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!


******************************************


(a) Tương-đàm: Quê hương Mao chủ tịch.


(b) People’s Liberation Army của Trung Quốc khai sinh vào ngày 1 tháng 8 năm 1927




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

18 tác phẩm videography rất độc đáo

Nguồn tin: dohoavn

18 tác phẩm videography rất độc đáo


VideoGraphy là 1 thể loại nghệ thuật kết hợp giữa ĐỘNG và TĨNH của một bức ảnh và Video . Với thể loại này, người làm ra nó phải biết khéo léo để kết hợp giữa 2 yếu tố trong 1 khung cảnh, thường thi tác phẩm vừa được chụp và vừa được quay, sau đó đem vào vi tính để xử lý kỹ xảo , và tác phẩm cuối cùng bạn sẽ thấy là một sản phẩm kết hợp độc đáo giữa Photo và Video


Hôm nay Dohoafx.com xin mời bạn xem 18 tác phẩm VideoGraphy độc đáo này







































The post 18 tác phẩm videography rất độc đáo appeared first on Đồ họa và nhiếp ảnh Việt Nam.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

15 photoshop action làm hiệu ứng rỉ sáng đẹp mắt

Nguồn tin: dohoavn

15 photoshop action làm hiệu ứng rỉ sáng đẹp mắt


Hiệu ứng này sử dụng rất hiệu quả với các ảnh chân dung thời trang , nó đưa vào bức ảnh của bạn 1 nguồn sáng theo kiểu ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào sensor của máy ảnh, gây ra hiện tượng cháy màu (hay xảy ra trên máy phim) , nhưng khi ta áp dụng hiệu ứng này vào ảnh kỹ thuật số, bạn sẽ có những ấn tượng bất ngời cho ảnh của bạn THÔNG TIN SẢN PHẨM



  • 100% Customizable

  • All adjustment layers

  • Will work and scale to any image

  • Does not destroy the image. It is left untouched

  • Tested on hundreds of images before release

  • Hướng dẫn sử dụng action


lightleakspromo-o mainpromoleaks2-o mainpromoleaks3-o mainpromoleaks-o


TẢI FILE ACTION NÀY TẠI Ô SAU


The post 15 photoshop action làm hiệu ứng rỉ sáng đẹp mắt appeared first on Đồ họa và nhiếp ảnh Việt Nam.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Giáo trình học vẽ chiến binh robot sexy

Nguồn tin: dohoavn

Giáo trình học vẽ chiến binh robot sexy


Bạn chắc hẳn đã xem nhiều tác phẩm vẽ tay trên thiết bị kỹ thuật số hay còn gọi là Digital Painting , hôm nay Dohoafx.com xin giới thiệu với bạn đọc một giáo trình dạy vẽ một chiến binh robot trên phần mềm Photoshop , kèm theo đó là các loại brush dùng để phụ trợ trong việc vẽ và 1 file PSD kết quả của tác giả . Nếu bạn là người yêu thích vẽ trên Photoshop hoặc là người đang học vẽ, thì đây là một giáo trình không thể bỏ qua.


Giáo trình học vẽ chiến binh robot sexy


Giáo trình học vẽ Digital Art này dài 3 giờ 20 phút với chất lượng HD rõ nét . Bạn hãy chuẩn bị một con chuột thật nhạy hoặc 1 bảng vẽ điện tử (table của wacom hoặc genius) để hỗ trỡ vễ dễ dàng hơn . Mời bạn xem giáo trình sau






DOWNLOAD THƯ VIỆN BRUSH VÀ PSD KÈM THEO BÀI HỌC


The post Giáo trình học vẽ chiến binh robot sexy appeared first on Đồ họa và nhiếp ảnh Việt Nam.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Bản chất của thành công

Nguồn tin: Walking Alone

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.


***


Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.


Ban chat cua thanh cong Bản chất của thành công


Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?


Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.


Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?


Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.


Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.


Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.


Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!


Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”.


Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.


Hà Minh Ngọc




WalkingAlone Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Trí tuệ của kẻ ngốc

Nguồn tin: Walking Alone

Con người đúng là cần đến trí tuệ, nhưng nghĩ quá nhiều rất dễ sợ đầu sợ đuôi, cuối cùng mất đi dũng khí tiến lên phía trước, sẽ bị rơi xuống vực thẳm.


***


Ngày xửa ngày xưa, có một ngọn núi vàng, dẫn vào núi chỉ có duy nhất một con đường: cầu dây sắt.


Những người vào núi đào vàng trước đây qua qua lại lại rất nhiều, chẳng mấy chốc cây cầu đã bị hỏng, chỉ còn lại đúng một sợi xích sắt đung đưa, bên dưới cây cầu là vực thẳm sâu hàng vạn trượng. Thế nhưng không ít người bất hạnh đã vượt qua cây cầu này để đi đào vàng. Và cũng rất nhiều người rơi xuống vực thẳm.


Một hôm, có một kẻ ngốc và một người thông minh phải đi qua cây cầu này để vào trong núi đào vàng.


Kẻ ngốc hăm hở giẫm lên sợi xích sắt, lảo đảo bước lên cầu. Người thông minh đứng ở bên cạnh quan sát, trán vã mồ hôi: sợi xích sắt nhỏ thế này, bất cẩn một cái là rơi ngay xuống vực thẳm, tan xương nát thịt như chơi, quá nguy hiểm!


Nhưng kẻ ngốc trên cầu đâu có nghĩ ngợi nhiều như thế, mắt của anh ta vẫn đang nhắm đến ngọn núi vàng, một lòng nghĩ đến chuyện đào vàng, anh ta vẫn lảo đảo qua được cầu an toàn. Chẳng bao lâu sau, anh ta quay lại, trên vai vác một túi vàng nặng trĩu.


Người thông minh vô cùng ngưỡng mộ, đắn đo giây lát, cuối cùng không thể cưỡng lại được sức cám dỗ của vàng, anh ta liền đi lên cây cầu sắt.


tri tue cua ke ngoc Trí tuệ của kẻ ngốc


Sau khi lên cầu, hai mắt anh ta cứ dán chặt vào sợi xích sắt, chỉ sợ bất cẩn sẽ rơi xuống vực. Nhưng dường như, sợi xích sắt cứ cố tình chống đối với anh ta nên lắc lư rất mạnh. Người thông minh lại nhìn xuống vực thẳm hun hút kia. Dường như anh ta có thể thấy rất nhiều bộ xương trắng, đôi chân anh ta bất giác run lên không sao kiểm soát được.


Anh ta muốn bất chấp tất cả để tiến lên phía trước như kẻ ngốc nọ, nhưng không sao kiểm soát được nỗi sợ trong lòng mình. Anh ta sợ hãi tột độ, định quay trở lại nhưng đôi chân đã không nghe theo lệnh của anh ta nữa. Cuối cùng, người thông minh sợ đến mức toàn thân mềm nhũn, sẩy chân, ngã xuống vực thẳm.


—–

Con người đúng là cần đến trí tuệ, nhưng nghĩ quá nhiều rất dễ sợ đầu sợ đuôi, cuối cùng mất đi dũng khí tiến lên phía trước, sẽ bị rơi xuống vực thẳm.


Nhiều lúc, chúng ta cũng cần như kẻ ngốc, liều mạng, bất chấp tất cả, gạt bỏ hết tạp niệm, một lòng một dạ hướng đến mục tiêu, quyết đoán tiến về phía trước, nhẹ nhàng hướng đến thành công.




WalkingAlone Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Xem bộ ảnh thời trang sáng tạo của Macke

Nguồn tin: dohoavn

Bộ ảnh thời trang sáng tạo của Macke


(Dohoafx.com) Trong lĩnh vực ảnh thời trang có rất nhiều thể loại cho bạn khám phá, tuy nhiên phần nhiều vẫn thiên về thể loại ảnh chân dung và chụp thời trang ứng dụng cho sản phẩm. Hôm nay dohoafx.com xin giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm của Macke về phong cách sáng tạo trong ảnh thời trang chân dung , có thể xem qua nó, bạn sẽ có chút gì đó thay đổi về cái nhìn nhiếp ảnh của mình, mời bạn xem qua 3 bộ ảnh sau


img2_src_8883425 img2_src_8883426 img2_src_8883427 img2_src_8883428 img2_src_8883429 img2_src_8883430


The post Xem bộ ảnh thời trang sáng tạo của Macke appeared first on Đồ họa và nhiếp ảnh Việt Nam.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Nguồn Tin Mới