Tin tức Việt

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Bạn nhất định phải có thói quen này nếu muốn thành công như Buffett, Bill Gates hay Elon Musk

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Bill Gates reading book

BẠN NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ THÓI QUEN NÀY NẾU MUỐN THÀNH CÔNG NHƯ BUFFETT, BILL GATES HAY ELON MUSK (Nằm trong series - NHỮNG BÀI HỌC PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP CÁ NHÂN) (Bài của Khách) Buffett đọc từ 600 đến 1.000 trang sách mỗi ngày khi bắt đầu sự nghiệp đầu tư của mình và cho đến nay ông vẫn dành khoảng 80% quỹ thời gian mỗi ngày cho việc đọc. reading Một lần khi được hỏi về chiếc chìa khoá dẫn đến thành công của mình, huyền thoại xứ Omaha, Warren Buffett, đã chỉ vào chồng sách ở gần và nói: "Tôi đọc 500 trang sách như vậy mỗi ngày. Đó là cách thu nạp kiến thức. Nó tích lại giống như một lãi kép. Tất cả các bạn đều có thể làm được song tôi đảm bảo rằng không phải ai cũng muốn làm điều đó." Buffett nghiêm khắc tuân thủ thói quen này. Ông đọc từ 600 đến 1.000 trang sách mỗi ngày khi bắt đầu sự nghiệp đầu tư của mình và cho đến nay ông vẫn dành khoảng 80% quỹ thời gian mỗi ngày cho việc đọc. Khi 19 tuổi, ông vô tình có được một bản sao cuốn sách "Nhà đầu tư Thông minh” của huyền thoại phố Wall Benjamin Graham. Đây là một trong những thời điểm may mắn nhất trong cuộc đời của ông, như lời ông nói, vì cuốn sách đã cho ông một nền tảng kiến thức để đầu tư. Buffett cho biết Graham là nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai trong cuộc đời ông chỉ sau cha đẻ của ông. Buffett nói: "Công việc của tôi chỉ là nắm được càng nhiều thông tin và dữ liệu và thỉnh thoảng xem liệu điều đó có dẫn đến một hành động nào đó không. Chúng tôi không đọc những ý kiến của người khác. Chúng tôi muốn thu nhận những cứ liệu và sau đó suy ngẫm." "Để đầu tư thành công trong đời không cần phải có chỉ số IQ quá cao, những hiểu biết sâu sắc về kinh doanh khác thường hay thông tin nội bộ. Mà cái cần phải có là một nền tảng kiến thức vững chắc để có thể đưa ra các quyết định và khả năng không để cảm xúc lấn án trí tuệ". Bill Gates reading books Và ông không hề lẻ loi. Giống như Warren Buffett, một số không nhỏ các nhà lãnh đạo kinh doanh và doanh nhân lỗi lạc trên thế giới coi việc đọc là phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình: • Bill Gates đọc khoảng 50 cuốn sách mỗi năm, tương đương mỗi tuần một cuốn; • Mark Cuban đọc trên ba giờ mỗi ngày; • Elon Musk là một con mọt sách. Khi được hỏi làm thế nào ông học được cách chế tạo tên lửa, ông trả lời "Tôi đọc sách”; • Mark Zuckerberg đặt mục tiêu hai tuần đọc một cuốn sách trong suốt năm 2015; • Oprah Winfrey hàng tháng lựa chọn một trong những cuốn sách yêu thích cho các thành viên Câu lạc Bộ Sách của mình đọc và thảo luận; Và những người này không phải là những ví dụ cá biệt. Kết quả một cuộc điều tra 1200 người giàu có cho thấy họ đều có một thú vui chung là đọc. Song những người thành công không đọc vô bổ. Họ là những độc giả vô cùng kén chọn. Họ đọc có chọn lựa. Họ tin rằng sách là cánh cửa mở ra việc học và tri thức. Trên thực tế, có sự khác biệt đáng kể giữa thói quen đọc của người giàu và người không giàu lắm. Theo ông Tom Corley, tác giả cuốn Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals, những người giàu có (những người có thu nhập hàng năm là từ 160.000 đô la trở lên và số tài sản trị giá từ 3,2 triệu đô) đọc để phát triển bản thân, học hỏi và thành công. Trong khi đó, những người có thu nhập hàng năm 35.000 đô trở xuống và trị giá tài sản 5.000 đô) đọc chủ yếu để giải trí. Nếu mục tiêu đọc là con đường dẫn đến thành công chưa đủ để thúc đẩy bạn, thì bạn hãy cân nhắc những lợi ích của việc đọc đối với sức khoẻ: Đọc đã được minh chứng giúp ngăn ngừa stress, chứng trầm cảm và đãng trí, đồng thời làm tăng niềm tin, khả năng thấu cảm, khả năng đưa ra quyết định và sự hài lòng trong cuộc sống. (Theo Xuân Hương tổng hợp từ Trí thức trẻ/Quartz)

The post Bạn nhất định phải có thói quen này nếu muốn thành công như Buffett, Bill Gates hay Elon Musk appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁC ĐỒNG NGHIỆP – BẠN CỦA ALAN (BCAs): TỪ FORMOSA NHÌN LẠI THÉP VIỆT

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Phát biểu của cựu Giám đốc đối ngoại Formosa: “Bắt cá tôm hay nhà máy, chọn đi” đã tạo nên làn sóng dư luận giận dữ, với hàng loạt ý kiến khẳng định không thể chấp nhận chuyện hi sinh môi trường để đổi lấy một nhà máy. Lúc còn sinh thời TS. Alan Phan cũng đã đề cập rất nhiều tới vấn đề gia công và hậu quả của nó với môi trường. Vậy liệu chúng ta có thể phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sống?

Chúng tôi xin gửi đến Quý vị BCA câu chuyện của Ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt – một người Việt với hơn nửa đời người bôn ba trong ngành Công nghiệp nặng, với lý tưởng “Mỗi người làm ăn kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng cần có cho mình các Tâm và cái Tài!”. Hy vọng những trải lòng của anh sẽ giúp quý vị tìm ra câu trả lời cho chính mình.

“Với POM (Thép POMINA), gần 4 năm chúng tôi nghiên cứu hàng chục nhà máy có công nghệ Trung Quốc và cuối cùng quyết định đầu tư công nghệ cao của châu Âu với chi phí đắt gấp 4 lần công nghệ Trung Quốc. Nhưng đổi lại, chúng tôi được những cái lợi như: chi phí duy tu thấp, tiết kiệm điện, mức độ tự động cao, đưa đến chất lượng sản phẩm đồng đều trên mọi điểm của sản phẩm.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo tư duy của các doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta sẽ mãi bằng lòng với chất lượng thấp, giá rẻ. Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm nhất đối với nền công nghiệp Việt Nam. Mình phải thấy rõ như vậy và phải hiểu rằng, chỉ có đầu tư vào chất lượng thì mới có thể thắng đối thủ.”

Đó chính là tư duy đứng sau dự án nhà máy luyện thép lớn nhất Việt Nam với công suất 1 triệu tấn/năm (khởi công tháng 10/2009), đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

ĐỖ DUY THÁI – ÔNG TRÙM NGÀNH THÉP VIỆT NÓI VỀ “TRI THỨC”

“Thời mới khởi nghiệp, tôi phải lặn lội đi gặp những người giỏi để tìm từng mảnh tri thức. Có tri thức, có góc nhìn đúng thì mới phát triển. Các bạn trẻ ngày nay đã có Góc nhìn Alan, nơi tập trung quá nhiều tri thức của thế giới được tiến sĩ Alan Phan chắt lọc bằng cả cuộc đời mình. Tôi cho đó là một may mắn vô cùng lớn, hãy biết nắm bắt và vươn mình ra thế giới!”

Anh Thái Thép Việt

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

LUYỆN THÉP CŨNG LÀ LUYỆN NGƯỜI!

Người bỏ nghề giáo nuôi giấc mơ thép Việt!

Vốn dĩ tốt nghiệp đại học sư phạm, ông Đỗ Duy Thái có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính sách dồn đuổi nhà đầu tư từ thời đất nước còn bao cấp,..Doanh nhân nổi tiếng ngành thép từng tâm sự: “Học ngành sư phạm nhưng tôi lại thích buôn bán kinh doanh. Tiếp xúc với nhiều người làm trong ngành công nghiệp, nhất là kinh doanh, sản xuất thép, tôi lắng nghe những kinh nghiệm của họ với một sự thích thú.”

Chính máu chinh phục những thách thức công nghệ đã khiến giấc mơ trở thành nhà giáo của ông không thực sự trọn vẹn, nhưng lại nhường chỗ cho một giấc mơ khác: giấc mơ làm công nghiệp.

Tự mày mò khởi nghiệp với sản xuất cao su từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ông tìm cách chế tạo mọi thứ từ cao su.

“Tôi đã khóc như một đứa trẻ ngay trước mặt khách hàng”, ông kể lại. Thời điểm đó, việc thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới vô cùng khó khăn. Nền kinh tế tự cung – tự cấp khiến những sáng kiến tại chỗ vô cùng quan trọng nhưng nhiều khi khiến người ra dễ dãi với chất lượng của nó. “Chính vì vậy, khi được so sánh chất lượng sản phẩm với hàng sản xuất tại Nhật Bản, cảm xúc của tôi thực sự khó tả lại”, ông Thái bùi ngùi nhớ lại.

Chính chiếc ru-lô là một bước ngoặt, gắn ông với niềm say mê chế tạo và chinh phục các thử thách. Ông bắt đầu mất ăn, mất ngủ với xưởng máy, dù chỉ là để tìm ra cách chỉnh những con ốc nhỏ nhất để máy có thể vận hành êm. Và giấc mơ thép Việt bắt đầu từ những con ốc…

Ở đất nước nào cũng vậy, nếu gạo là lương thực của toàn dân, thì thép chính là lương thực của ngành công nghiệp, là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế. Lấy bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, ông cho rằng, Việt Nam muốn phát triển thì trước hết phải thay đổi tư duy của nhà đầu tư, thay đổi cách nhìn về công nghiệp nặng. Ông xác định rõ mục đích sống và mục đích kinh doanh của mình chỉ là một, đó là toàn tâm toàn ý theo đuổi đóng góp vào sự phát triển của ngành thép Việt Nam.

Từ đó, ông bắt đầu hành trình của giấc mơ Thép Việt, từ nhà máy thép Pomina I và II, như là một bước đệm đầy trải nghiệm, hun đúc cả về kinh nghiệm chiến lược và tôi luyện đội ngũ nhân lực.

Pomina III đi vào hoạt động với công suất 1 triệu tấn/năm, Thép Việt đã phá kỷ lục của chính mình ở Pomina II với công suất 500 ngàn tấn/năm. Mục tiêu của Thép Việt là vươn ra thị trường quốc tế với công nghệ tiến tiến nhất trên thế giới và chất lượng ổn định.

Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt Đỗ Duy Thái từng tiết lộ, trong phòng, ông chỉ treo duy nhất bức tranh về một quảng trường ở Ý mà để hoàn thành nó, người ta phải mất ba thế kỷ, tức là rất nhiều đời để làm. Ông ngắm bức tranh ấy hàng ngày, là bởi nó chính là câu chuyện thế kỷ, câu chuyện mà ngành thép, hay người làm công nghiệp nặng có thể soi rọi.

“Một người làm thương mại có thể thiên về chiến thuật hơn về chiến lược, nhưng một người làm công nghiệp phải nghĩ nhiều về chiến lược. Kinh doanh ngành khác, bạn có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng, đó là câu chuyện vài chục năm”, ông lập luận.

Với chi phí bao nhiêu, Thép Việt cũng sẵn sàng trả, bởi đó là cái giá xứng đáng cho tri thức, bởi đầu tư cho tri thức chính là đầu tư cho sự phát triển. Một đội ngũ chuyên gia kết hợp với một công nghệ tiên tiến sẽ như là sự tích hợp của chuỗi giá trị gia tăng.

“Phải cùng làm với họ và tri ân, chia sẻ bằng trái tim thật sự. Tôi quan niệm, mức hưởng thụ của mọi người càng cao càng tốt, miễn là thành quả họ mang lại cho tổ chức tương xứng”, Chủ tịch Đỗ Duy Thái bộc bạch.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

CHIA SẺ VỀ KINH DOANH VÀ LÝ TƯỞNG

* Với năng lực hiện tại, các doanh nghiệp thép đầu ngành có thể cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới không, thưa ông?

- Chúng tôi đã phải tính trước điều này khi bắt đầu đầu tư. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng nhà máy luyện thép có công suất 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nỗ lực và tính toán của doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần phải có chính sách hỗ trợ thích hợp từ Nhà nước, đặc biệt đối với những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên như cây trong sa mạc, nếu có chính sách đúng thì ngay trong sa mạc cây cối vẫn phát triển tốt. Điều này được minh chứng rõ trong nông nghiệp, khi chính sách đúng, nông dân từ đói ăn chuyển sang xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới.

Người làm công nghiệp cũng vậy, họ cũng sẽ biết tìm đường để đi lên, hôm nay không đúng, ngày mai sẽ đúng. Nhưng hiện nay, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam là rất chậm.

* Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép, ông có lời khuyên nào cho những người đi sau?

- Ngành luyện thép là ngành khó, thuộc công nghiệp nặng, là nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của đất nước cả bây giờ lẫn sau này. Càng ngày ngành luyện thép càng cần thiết, nên nó mang tính chiến lược, tư duy ngắn hạn sẽ khó tồn tại.

Với POM, gần 4 năm chúng tôi nghiên cứu hàng chục nhà máy có công nghệ Trung Quốc và cuối cùng quyết định đầu tư công nghệ cao của châu Âu với chi phí đắt gấp 4 lần công nghệ Trung Thông Tin Hàn Quốc. Nhưng đổi lại, chúng tôi được những cái lợi như: chi phí duy tu thấp, tiết kiệm điện, mức độ tự động cao, đưa đến chất lượng sản phẩm đồng đều trên mọi điểm của sản phẩm.

Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc thành công trong phát triển công nghiệp? Là vì họ không chấp nhận sản phẩm chất lượng thấp. Thép Trung Quốc vẫn nhập nhiều nhưng không phục vụ được cho các công trình lớn ở Việt Nam.

Tại các dự án như Phú Mỹ Hưng, Becamex, Sân bay Nội Bài, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn…, các nhà thầu lớn như Coteccons, Hòa Bình… vẫn luôn chọn thép Pomina. Công nghệ Trung Quốc hiện nay chỉ đáp ứng được tiêu chí giá rẻ.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo tư duy của các doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta sẽ mãi bằng lòng với chất lượng thấp, giá rẻ. Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm nhất đối với nền công nghiệp Việt Nam. Mình phải thấy rõ như vậy và phải hiểu rằng, chỉ có đầu tư vào chất lượng thì mới có thể thắng đối thủ.

* Ngoài thay đổi tư duy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nên chọn cách hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài như Thép Việt từng làm trước đây để phát triển?

- So sánh trước và nay tôi nhận thấy, khi liên doanh, động lực phát triển của người chủ doanh nghiệp không mạnh bằng khi tự mình xây dựng doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Tuy nhiên, tự mỗi người, với những động cơ khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau.

Ví dụ, muốn học hỏi, muốn mở rộng nhanh, phát triển nhanh thì họ chọn con đường liên doanh với nước ngoài. Còn muốn thể hiện đam mê thì nên tự làm. Nói chung, mỗi người phải chọn cho mình một con đường và chúng ta nên chấp nhận một tư duy khác biệt.

Ở đây không bàn đến vấn đề đúng hay sai mà đó là sở thích của từng người. Ngay cả con tôi cũng vậy, nó thích làm việc một vài năm, sau đó ra dạy học vì đó là sở thích của nó từ bé. Tôi mong con gái mình sống một cuộc sống bình an hơn và nên tự có những quyết định riêng cho tương lai của mình.

* Ông ủng hộ con cái đi dạy học thay vì nối nghiệp bố, chẳng lẽ ông không dự định thời gian nghỉ ngơi cho mình?

- Tôi cảm thấy vui khi được làm việc. Bạn bè hay bảo “sao tôi thấy anh khổ quá, lúc nào cũng công việc”, nhưng thật ra bạn bè không hiểu mình đâu. Ở đây vì ham vui tôi mới làm.

Tôi hay nói với các học viên ở lớp “Hạt giống lãnh đạo”, Trường Pace: “Các em một ngày làm việc gì dưới 12 tiếng đồng hồ mà đã thấy mệt, thấy chán thì nên bỏ việc đó đi! Hãy tìm nguồn đam mê lớn hơn thì nó mới mang lại giá trị gia tăng cho mình. Vì một người thực sự muốn phát triển, chính bản thân họ phải được hạnh phúc trước”.

Lấy hình ảnh một bà mẹ nuôi bốn đứa con học đại học. Thấy bà sáng bán xôi, trưa bán cháo lòng, tối bán hủ tiếu…, nhiều người ái ngại rằng người phụ nữ này lao động cực nhọc quá. Nhưng họ đâu biết bà đang rất hạnh phúc vì hướng tới một việc vô cùng vĩ đại là nuôi bốn đứa con học đại học.

Có một triết lý mà tôi thấy hay, đó là: một xã hội muốn phát triển, điều đầu tiên là chỉ số hạnh phúc của xã hội đó phải cao. Một công ty cũng vậy, nếu buồn quá, nhân viên không hạnh phúc, chỉ mong đến giờ về thì công ty đó làm sao phát triển được. Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng của người lãnh đạo là phải tạo được môi trường hạnh phúc trong công ty.

* Say mê công việc, thực hiện được ước mơ xây dựng nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, ông đã thấy thỏa mãn?

- Nhà phát triển công nghiệp ít khi nào thỏa mãn, vì lúc nào chúng tôi cũng phải làm việc. Chưa làm hết cái này đã phải nghĩ đến cái khác, công việc không có điểm dừng. Thỏa mãn sẽ giết chính mình. Đó là cái nghiệp!

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn, Cafebiz

The post NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁC ĐỒNG NGHIỆP – BẠN CỦA ALAN (BCAs): TỪ FORMOSA NHÌN LẠI THÉP VIỆT appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ VIỆT: Mười năm qua gió thổi đồi tây…

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

GÓC NHÌN ALAN:

“OPM (other people’s money) chỉ là một phương tiện, như tư bản, như nhân lực, như tài sản, như lợi thế cạnh tranh. Không có OPM tốt hay xấu, chỉ có cách lấy và sử dụng mới là tốt hay xấu.”

- Alan Phan -

3

 

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

“Năm 2016 là năm đặc biệt với tôi vì nó đánh dấu 10 năm tôi trở về Việt Nam sau hơn mười mấy năm sống ở nước ngoài và cũng là năm tôi qua tuổi 40, tuổi không còn trẻ nữa. Bài viết này là quan sát rất cá nhân của tôi, (và không có tính khoa học) về Việt Nam trong 10 năm qua dưới con mắt của một người trở về, từ dân nghiên cứu chuyển sang làm kinh doanh, nhân dịp sau đại hội Đảng và kết thúc một nhiệm kỳ của chính phủ.

Với tôi, Việt Nam của thập kỷ 2006-2015 được khái quát bằng những điểm chính sau: 1) Sự lũng đoạn trầm trọng của các công ty tư nhân trong việc cấu kết với các quan chức nhà nước, cái mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “lợi ích nhóm”, còn kinh tế học thì gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (cronysm); 2) Về phía khu vực công, sự “đục khoét ngân sách” hay “đào mỏ ngân sách” được đẩy lên đến đỉnh điểm; 3) Thập kỷ này đánh dấu sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục của nước nhà. 4) Mạng xã hội và truyền thông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị Việt Nam; 5) Và cuối cùng, làn sóng người có tiền và kiến thức ra đi ào ạt, lại một cuộc di cư nữa.

Vấn đề đầu tiên là sự lũng đoạn trầm trọng của các tập đoàn tư nhân. Chưa bao giờ mà chủ nghĩa tư bản thân hữu “cronyism” ở Việt Nam lại biểu hiện rõ như thế. Chủ nghĩa tư bản thân hữu hay “nhóm lợi ích” ở đây là sự kết hợp giữa công ty tư nhân và quan chức nhà nước trong việc giành những đặc quyền đặc lợi để khai thác một nguồn lực gì đó trên cơ chế bất bình đẳng, không cạnh tranh lành mạnh. Câu nói mà bạn sẽ nghe nhiều nhất trong 10 năm vừa qua sẽ là “chỗ này là của anh A, chỗ kia là của chị B”. Dường như không có cuộc chơi kinh doanh lớn nào ở Việt Nam mà lại không có sự “bảo kê” của một quan chức nào đó. Mọi quan hệ kinh tế sẽ được thay bởi các quan hệ chằng chịt giữa chính trị và doanh nghiệp.

Điểm nguy hiểm nhất của chủ nghĩa tư bản thân hữu là việc nó tạo ra một cuộc chơi bất bình đẳng mà các công ty tư nhân khác không được cơ hội tham gia. Qua đó các công ty “nhóm lợi ích” được độc quyền khai thác nguồn tài nguyên hay một hoạt động nào đó, và thường là gây thiệt hại cho người dùng. Trong tài chính, đây là cuộc chơi sử dụng quyền lực để mua lại các doanh nghiệp theo ý của mình. Trong giáo dục, đó là việc trao cho một công ty giáo dục độc quyền cung cấp một dịch vụ, thiết bị mà học sinh, phụ huynh phải mua mà không có sự lựa chọn khác. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thì sử dụng quan hệ chính trị để lấy các hợp đồng thầu lớn mà không thông qua đấu thầu công bằng và minh bạch. Trong bất động sản, đó là việc thay đổi quy hoạch tạo lợi thế cho doanh nghiệp hoặc việc lấy các vị trí đắc địa qua những mối quan hệ bất bình đẳng.

Thay vì phát triển theo một hướng minh bạch có lợi về dài hạn, Việt Nam dường như đang trượt ngã trên con đường phát triển của những nước mà chủ nghĩa tư bản thân hữu đang lũng đoạn mà chưa có lối ra như Philippine, các nước Mỹ Latin, Liên bang Nga, Trung Quốc. Và rồi sẽ có lúc nếu không kiểm soát sớm thì doanh nghiệp sẽ là người điều khiển cuộc chơi chính trị kinh tế, là kẻ tống người tiêu dùng vào tù, là kẻ bịt mồm nhà báo, v.v , và cuối cùng là thế lực thực sự lũng đoạn nền chính trị, đưa người này lên, đưa kẻ khác xuống. Khi chính trị bị định đoạt bằng đồng tiền và quan hệ thì chính trị đã trở thành “công cụ” của những tay chơi tư bản lớn. Và khi đó, nền kinh tế tại Việt Nam sẽ trở thành hiện thân “chủ nghĩa tư bản” thời kỳ “mông muội” và đáng “ghê tởm”nhất chứ không phải là chủ nghĩa xã hội như ước vọng của các lãnh đạo Đảng CS.

Vấn đề thứ hai, với tôi, là việc “đào mỏ ngân sách” (budget mining) (mượn lời của TS Vinh du Tran). Thập kỷ vừa qua tại Việt Nam được đánh dấu bằng việc “vung tay quá trán” của chính quyền địa phương. Chưa có thời kỳ nào mà Việt Nam lại lắm công trình chùa chiền, công trình kỷ niệm, các dự án khu hành chính ngốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ như những năm vừa qua. Các địa phương thi nhau đục khoét ngân sách thông qua các dự án công. Không có cách nào rút tiền ngân sách dễ dàng như rút tiền qua dự án công. Một công trình, khu tượng đài có giá trị đầu tư hàng trăm tỷ sẽ được giao cho một công ty xây dựng “thân hữu”. Công ty xây dựng đó sẽ trở thành nhà thầu chính và qua đó có thể chia sẻ lại quyền lợi cho những người có quyết định.
Điểm đáng kinh ngạc và phẫn nộ là trong khi ai cũng biết mười mươi sự lãng phí và sự rút tiền trắng trợn qua những dự án này thì chính quyền trung ương dường như lại không thể áp đặt và quyết đoán ngăn chặn những quyết định này. Tại sao các địa phương lại có thể xin ngân sách nhà nước một cách tùy tiện như vậy. Sự nghịch lý này hoàn toàn có thể giải thích được. Chính quyền trung ương sẽ được đánh giá tín nhiệm từ hai nguồn: a) các ủy viên trung ương, mà đại diện là lãnh đạo các tỉnh/chính quyền địa phương; b) đánh giá tín nhiệm từ quốc hội. Tuy nhiên, ủy viên trung ương mới là người thực sự bầu ra bộ chính trị, thủ tướng, và thực tế nội các. Trong khi đó, lá phiếu tín nhiệm của quốc hội chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà không có hình phạt. Do đó, dường như phải có sự thỏa hiệp giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương trong việc đổi lấy lá phiểu ủng hộ, đặc biệt là giữa nhiệm kỳ. Do vậy, để tránh việc đầu tư vung vãi như trên thì cần phải thiết kế một cơ chế quy trách nhiệm cho người lãnh đạo chính quyền địa phương và bảo đảm được tính độc lập trong việc ra quyết định chi ngân sách của người đứng đầu chính quyền trung ương.

Từ những năm qua, mạng xã hội và truyền thông đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế chính trị ở VN. Xã hội Việt Nam 10 năm qua đã không còn là xã hội thụ động về truyền thông nữa. Sự phát triển của mạng xã hội đã cho phép người dân tham gia vào đời sống chính trị kinh tế xã hội một cách chủ động hơn rất nhiều. Mạng xã hội đã chính thức trở thành nơi để xả những uất ức phẫn nộ và bức bối của dân chúng. Nếu như ở nước ngoài, người dân phản ứng với thay đổi bằng cách biểu tình thì ở Việt Nam, người ta sẽ phản ứng bằng cách “biểu tình trên mạng”. Mỗi một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống đều được đem ra bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Ảnh hưởng của mạng xã hội lớn đến mức có rất nhiều vụ việc sau đó bị thay đổi do dư luận trên mạng xã hội đã dẫn dắt truyền thông chính thống, ví dụ như vụ chặt cây xanh, máy tính bảng, tiếng Anh tích hợp, thực phẩm bẩn .v.v.

Quay lại chuyện chính trị và truyền thông, dường như truyền thông và mạng xã hội đã loại thẳng tay các lãnh đạo đương nhiệm của Bộ GDĐT và Bộ Y tế, trong khi trái tim của công luận dường như “tình trong như đã” với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao Thông Đinh La Thăng. Xét công bằng mà nói thì hai Bộ Y tế và Bộ GD ĐT có những nỗ lực không hề nhỏ trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên nhìn cách họ ứng xử với truyền thông thì thấy hai Bộ này còn phải thay đổi rất nhiều. Bộ Y tế ứng xử với truyền thông thì hết sức vụng về, luôn đi chậm một bước, tuyên bố rất ngô nghê. Còn Bộ Giáo Dục thì luôn có vẻ ngạo mạn, hành xử đầy “cha chú” với truyền thông và công luận với những chính sách và phát ngôn gây sốc như dự án 35 nghìn tỷ, cuộc thi đại học như “đánh bạc”, và chả bao giờ có lời giải thích cầu thị đến nơi đến chốn cả. Trong khi đó, chỉ một hình ảnh ông Đinh La Thăng đu dây xuống thị sát vụ tai nạn cũng đã đủ đốn ngã hàng triệu con tim của người dân, và kế đó là việc ông là người duy nhất được bầu thẳng vào Bộ Chính Trị mà không có sự giới thiệu từ Bộ Chính Trị trước đó.

Đối với tôi, người từng tham gia rất sâu vào giáo dục và cũng là người có hai đứa con đang độ tuổi đi học cấp 1 và cấp 2 ở Việt Nam, giáo dục là điều tôi quan tâm nhất. Với tôi, 10 năm qua chứng kiến sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục Việt Nam. Sang thế kỷ 21 rồi mà giáo trình phổ thông và đại học của Việt Nam vẫn vô cùng lạc hậu hàng chục năm so với nước ngoài. Hàng trăm vụ scandal liên quan đến nội dung giáo trình phổ thông đã xảy ra; những gì con tôi được học không khác gì những gì cha tôi và tôi đã từng được học cách đây hơn 30-50 năm. Người thầy vẫn phải dạy một cách giáo điều, khuôn mẫu, ngăn cản sáng tạo. Vẫn những câu chuyện lịch sử áp đặt hoặc không được nhắc đến. Những cuộc cải cách giáo trình mãi không biết đến bao giờ mới xong (trong khi đó nếu Bộ GD ĐT trao quyền cho khối tư nhân thì có khi chỉ 1 năm đã có tất cả giáo trình đầy đủ). Và vẫn những loay hoay không lối thoát về chiến lược giáo dục.

Sắp hội nhập AEC và TPP đến nơi rồi mà hơn 80% học sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học có điểm tiếng Anh dưới 5, điểm trung bình. Ấy thế mà những nhà quản lý giáo dục vẫn “bình chân như vại”. Giáo dục song ngữ, cụ thể là tiếng Anh, vẫn chưa bao giờ được coi là quan trọng nhất. Việc dạy Toán và Khoa học, nền tảng giáo dục cơ bản cho một đất nước “sáng tạo” lại luôn được dạy một cách vô cùng lý thuyết và thiếu tính ứng dụng cao.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo dài với những bấp bênh bất ổn của nền kinh tế đã dẫn đến một làn sóng ngầm nhưng rất rõ ràng là những ai có điều kiện đều cảm thấy cần phải mua “bảo hiểm” cho gia đình mình bằng tấm hộ chiếu của một đất nước khác. Nếu như năm 2006 khi tôi trở về, câu chuyện trong giới doanh nghiệp và tài chính là đầu tư vào đâu, thì những năm gần đây, câu chuyện thường trực mà tôi nghe là họ sẽ di cư đi đâu, chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Tại sau người ta lại bỏ nước ra đi? Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô nhiêm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan, Và đặc biệt, là một nền giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một thế giới đầy bất định.

Cứ 10 chủ doanh nghiệp mà tôi gặp thì ít nhất 3-4 người đã có thẻ thường trú nhân ở một nước tư bản, số còn lại thì hơn một nửa cũng đang ngấp nghé chuẩn bị. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất, thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại. (Còn với tôi, nếu tôi có phải bỏ nước ra đi, thì lý do duy nhất là tôi không muốn con tôi sống với những điều dối trá đang diễn ra.)

Sang năm 2016, tôi thấy hơi lạc quan với những động thái mà Đảng CS đưa ra. Dường như những nhà lãnh đạo đã cảm thấy một phần sức nóng bức xúc của công luận. Tham nhũng được coi là quốc nạn, những vụ bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp dường như khá tích cực. Những vụ luân chuyển cán bộ cấp thành ủy đã mang hơi hướng của việc cải cách. Một điểm tích cực khác là dàn lãnh đạo khá trẻ của Đảng cho dù họ có là con ông cháu cha hay chăng nữa. Truyền thông và mạng xã hội được coi trọng hơn rất nhiều. Quan chức giờ đã biết nhìn và hành động theo phản ứng của dư luận, cho dù những việc đó có là “giả tạo” thì việc biết để ý đến phản ứng của công luận đã là một bước tiến bộ rất đáng kể.

Tôi mong rằng sang thập kỷ mới, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề nêu trên. Hãy trở thành một chính phủ quyết đoán hơn, dùng được tầng lớp kỹ trị. Các quan chức phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các quyết sách của mình. Hãy biến Việt Nam trong những năm tới thành một “Quốc Gia Giáo Dục – Education Nation” nơi mà việc học tiếng Anh, Toán, Khoa học được coi trọng hàng đầu.

Chính phủ Việt Nam cũng nên cởi mở hơn với những phản biện xã hội. Hãy coi phản biện xã hội là những tấm gương lớn để soi lại mình. Đừng chụp mũ và áp đặt cho các phản biện xã hội là “diễn biến hòa bình” hay “các thế lực phản động”. Đảng CS Việt Nam luôn tự làm mới mình trong mỗi lần sinh tử. Vậy hãy làm mới mình, hãy chấp nhận thay đổi cho một đất nước tốt đẹp hơn.

Anh bạn thân của tôi, một nhà kinh tế học nổi tiếng Việt Nam đã từng nói đầy cay đắng: Bi kịch và nghịch lý lớn nhất của thể chế chính trị hiện giờ là nó biến những người hiền hòa, những trí thức và doanh nhân an phận có trách nhiệm (như tính cách của dân tộc Việt Nam) thành những người bất đồng. Chúng tôi yêu tha thiết đất nước này, và một cách nào đó, chúng tôi được hưởng lợi từ chế độ này. Tuy nhiên, mong thể chế này hãy thay đổi tích cực để đừng biến những người yêu nước (như chúng tôi), một ngày nào đó lại phải trở thành những người “bất đồng chính kiến”.

- Nguyễn Quốc Toàn -

(Đầu đề mượn lời thơ của Phạm Công Thiện. Bài viết có sử dụng các ý trao đổi của Vũ Thành Tự Anh và Trần Vinh Dự).

Nguồn: Facebooker Toan Nguyen

The post CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ VIỆT: Mười năm qua gió thổi đồi tây… appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ VIỆT: KHI MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM – TIỀN CŨNG CHẲNG ĂN ĐƯỢC!

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

2

Sau đợt hạn hán, nhiễm mặn làm người dân Tây Nam Bộ điêu đứng. Miền Trung lại tiếp tục gánh chịu tai họa mất đường mưu sinh, nhưng không phải do thiên tai bão lụt như hàng ngàn năm qua mà vì… nước thải tại Vũng Áng. Rõ ràng những thách thức về môi trường được đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế không còn là vấn đề mang tầm vĩ mô, mà đang ngày ngày ảnh hưởng đến đời sống từng cá nhân người Việt.

Chúng ta đang phải gánh chịu tai họa để nhận ra một bài học mà người da đỏ đã phải dùng cả máu và nước mắt để học được: “Khi cái cây cuối cùng bị chặt hạ, con cá cuối cùng bị ăn và dòng suối cuối cùng bị đầu độc, bạn sẽ nhận ra rằng tiền chẳng thể ăn được.”

Và nguyên nhân sâu xa như TS. Alan Phan đã từng nhìn nhận: “Chi phí bảo vệ môi trường tại các quốc gia phát triển càng lên cao. Cho nên, những dự án gây nhiều ô nhiễm vẫn được các nhà tư bản đẩy đến những quốc gia sẵn sàng mở cửa (hay mở phong bì) để đón chào các loại đầu tư này.”

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng làm các chết hàng loạt

(Bài của khách)

Ngày 21.4, ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), xác nhận ngư dân Hà Tĩnh trình báo đã phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, P.Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết ngày 4.4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.

Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.

Đã thu gom được 30 tấn cá chết

Ngày 21.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình cá chết bất thường, trôi dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Trị. Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 21.4 người dân ven biển đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.

Cùng ngày, Bộ TN-MT đã có công văn chỉ đạo về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt; đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thông báo tuyên truyền để người dân không sử dụng cá chết chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời kiểm soát, xử lý đúng cách không để tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi phát hiện đường ống trên, anh Thành đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được. Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn biên phòng Đèo Ngang, xác nhận đơn vị đã nhận được thông tin về việc có một đường ống khổng lồ nghi được sử dụng để xả thải, nối liền từ khu vực dự án Formosa ra đáy biển như anh Thành đã trình báo. “Chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, trung tá Minh nói.

Trong ngày 21.4, đoàn công tác của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) và chính quyền TX.Kỳ Anh kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại cảng Vũng Áng (gần dự án Formosa) và 2 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (TX.Kỳ Anh).
Làm việc với đoàn công tác, nhiều ngư dân địa phương cũng đã cung cấp thêm thông tin cụ thể về đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển mà ngư dân đã tận mắt nhìn thấy. Anh Hoàng Văn Thiện (26 tuổi, ngư dân xã Kỳ Lợi) nói: “Đây là một đường dài được chôn lấp ở độ sâu khoảng 13 m so với mặt nước biển”.

Vẫn đang… phân tích nguyên nhân

Chiều 21.4, PV Thanh Niên đã theo đoàn kiểm tra của Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiếp cận những vùng đã và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường làm cá chết tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đoàn đã đến nhiều địa điểm ven biển từ bắc vào nam để lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích. Đặc biệt tại vùng biển Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), đoàn đã tiếp cận và lấy mẫu nước, trầm tích tại nhiều điểm trên đầm Lăng Cô, cửa biển và ngoài khơi của biển Lăng Cô. Ông Trần Quang Thư, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường biển, Trưởng đoàn công tác, cho hay sau khi có kết quả đoàn sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT cũng như thông báo các địa phương liên quan để có hướng xử lý.

Trong khi nguyên nhân cá chết chưa tìm ra thì hôm qua, lãnh đạo xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trên vùng biển của địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi trên biển hoặc lừ đừ bơi gần bờ. Như vậy Vinh Hiền là địa phương thứ 3 ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi nhận cá biển chết bất thường, sau Lăng Cô và Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc.

Hôm qua, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã cử đoàn cán bộ đến các xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), Hải Ninh (H.Quảng Ninh) và 3 xã vùng Ngư Thủy (H.Lệ Thủy) của Quảng Bình lấy mẫu nước, chất bùn đáy, cá, tảo để tiếp tục xét nghiệm nhằm làm rõ hơn nguyên nhân cá chết bất thường.

Nguồn: Thanh Niên

 

The post CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ VIỆT: KHI MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM – TIỀN CŨNG CHẲNG ĂN ĐƯỢC! appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

Nguồn Tin Mới