Cầu An
CẦU AN
Ông Giáo Làng – Blog - 3 Oct 2015
Nói theo ngôn ngữ tâm linh thời thượng, vừa rồi, tôi có “hạn”. Chuyện là thế này:
Sau chuyến đi Hà Giang cuối tháng 9, tôi bị đau mắt. Chỉ qua một buổi tối, hai mắt sưng húp, nhức nhối, nhìn rất khó khăn. Hôm sau đi khám, bên cạnh việc kết luận bị đau mắt đỏ, cho đơn mua thuốc, bác sĩ còn cảnh báo:
- Hai mắt bác thủy tinh thể đều đục, nên xử lý sớm.
Tháng sau, gặp một nguời bạn Trưởng khoa mắt của một bệnh viện, anh khẳng định họ khuyên thế là đúng, nên thay thủy tinh thể nhân tạo sớm vì kỹ thuật đơn giản, tránh để lâu ngày, sau đó xử lý sẽ phức tạp.
Thế là tôi quyết định đi mổ mắt.
Sau vài lần tới bệnh viện làm các loại xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm, … bác sĩ bảo sang ngồi chờ ở phòng mổ. Phấn khởi vì bao “cửa ải” đã qua, vừa đi được mấy bước thì… ngã. Và cái tay bị gãy. Thế là việc mổ mắt phải tạm hoãn nhường chỗ cho việc bó bột cánh tay.
Nhiều nguời, khi gặp những sự không may thường tìm nguyên nhân từ những lực lượng siêu nhiên qua mấy ông thầy tướng. Con ốm, thầy phán do bà cô Tổ phạt vì cha mẹ trễ nải việc hương khói. Gặp tai nạn giao thông, thầy phán do gặp phải ngày xấu, lại ra khỏi nhà vào giờ xấu, … nghĩa là những nguyên nhân không thể ai biết được, trừ thầy.
Xem ra trong lịch sử nước Nam ta, khó có ai giỏi hơn được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cả về nho, y, lý, số. Trong đời, cư sĩ am Bạch Vân chắc đã “phán” cả trăm nghìn câu, nhưng cho tới nay, hình như nguời ta chỉ thấy đúng đâu có chưa được dăm câu. Thế mà các thầy tướng số tân thời, phán câu nào được nguời ta tin sái cổ câu ấy (kể cả các vị mang học hàm học vị giáo sư tiến sĩ) thì quả là các bậc cao minh hiếm gặp.
Những chuyện “tâm linh”, “ngoại cảm” gần đây, đem xương trâu xương lợn biến thành hài cốt liệt sĩ, chuyện “hô phong hoán vũ” được “chém gió” ầm ầm càng tỏ cái thiếu sáng suốt của niềm tin mà căn cứ rất mù mờ của không ít nguời.
Tôi vốn “văn dốt vũ dát”, không đủ trình độ hiểu được cái “huyền bí” của Tạo Hóa nên khi gặp phải sự gì không may, thường trước hết tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Ngay khi ngồi chờ kết quả chụp phim chuyện gãy tay, tôi đã “tự kiểm điểm” một cách nghiêm khắc bản thân: tôi bị ngã gãy tay vì hôm ấy chân trái đau, lại bước đi hơi vội. Hơn nữa, đôi giày đi hôm ấy chỉ phù hợp với đất vườn (đế giày có đinh cứng, có thể cắm sâu vào đất tránh bị trượt ngã), lại đi trên sàn gạch men láng bóng nên việc bị trượt là điều dễ hiểu. Và (không biết có phải tinh thần AQ hay không), trong cái rủi lại thấy có cái may: ngã ngay trong bệnh viện nên việc cứu chữa rất “tiện lợi”, ngã trong bệnh viện chứ không phải trên đường đi chơi bằng xe máy nên không thể bị trách cứ rồi dẫn tới bị “cấm vận”; và sau đó, suốt hàng tháng mang cái tay bó bột lại thấy thêm may vì có cơ hội để phần nào thấm thía với câu tục ngữ (dù đã thuộc từ lâu) “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.
Vì “thực sự cầu thị”, không trông chờ vào những lực lượng siêu nhiên, những việc tôi tính, tôi làm thường “thông đồng bén giọt”.
Không có điều kiện tìm hiểu nhưng qua những điều được chứng kiến cùng kinh nghiệm bản thân, tôi tin vào những hiểu biết mang tính chất “duy vật thô sơ” của mình. Cuộc sống của mỗi nguời do chính bản thân con nguời đó quyết định có được sự hỗ trợ thêm của gia đình, quê hương và nơi, hoàn cảnh sinh sống,… Chẳng nên tin vào một lực lượng thần bí nào.
Tôi biết trong cuộc sống, vẫn có nhiều điều bí ẩn, chưa thể giải thích được đó là do khoa học chưa phát triển chứ không còn tin có những lực lượng thần bí chi phối cuộc sống con người. Chẳng lẽ nguời phương Tây họ ở một thế giới khác ta? Vì sao không cầu cúng, lễ bái như ta, họ vẫn có cuộc sống văn minh, có nhiều thành tựu, … hơn ta. Cho nên, tín ngưỡng là một nét đẹp văn hóa thì nên gìn giữ, đây chính là “bản sắc dân tộc” khiến con người trên Trái đất này có sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Thế thôi!
Ngay triết lý “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” tôi cũng chỉ nghĩ đó là mơ ước nghìn đời của con người. Mơ ước đó khiến cuộc sống của chúng ta nhân ái, thiện lương hơn nên cần khuyến khích. Thực tế cuộc sống, vô khối nguời hiền lành, nhân đức đã chịu những “tai bay vạ gió”, còn những kẻ gian ác, xảo quyệt, thậm chí phạm vào vô khối điều cấm kỵ vẫn sống, thậm chí còn giàu sang phú quý, công danh đàng hoàng.
Với các bậc tiền nhân, tôi cúng giỗ chu đáo là do lòng thành của con cháu với cha ông, một cách tỏ tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” chứ không phải sợ các vị “tác phúc giáng họa”. Tôi tử tế với mọi người, không ganh ghét, giành giật, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai trong phạm vi khả năng của mình chỉ vì từ nhỏ, Ông Bà, Cha Mẹ đã dạy, và một khi nhân hòa với đồng loại, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản hơn chứ không phải để hy vọng gặp may mắn hơn. Tôi không làm điều ác không phải vì sợ “ác giả ác báo” mà vì được dạy nhân hậu, khoan hòa từ bé, không thể làm những điều trái với lương tâm. Thỉnh thoảng, có tham gia những hoạt động từ thiện cũng chỉ vì lòng “thương nguời như thể thương thân” chứ hoàn toàn không nghĩ tới làm thế là để “tích phúc” cho con cháu vì tôi vốn nghĩ chuyện “tích phúc”, chẳng qua đó là cách để nguời xưa khuyến khích những hành vi này mà thôi.
Cứ xem hàng năm, nguời ta đi lễ cầu an, chen vai thích cánh nơi chùa chiền, hàng nghìn nguời ngồi lấn ra cả hè, cả đường mà thấy vừa buồn cho ý thức chấp hành luật pháp, vừa buồn vì cái sự thảm hại khi toàn các trai thanh gái lịch, nguời khỏe mạnh sức dài vai rộng, các ông các bà bằng cấp học vị đầy thân, .. không tự mình quyết định cuộc đời mình lại đi trông ngóng, cầu xin ở những đẩu những đâu!
Hãy cầu an bằng cách sinh hoạt điều độ theo đúng cách mà khoa học đã khuyên bảo; cầu an bằng cách đừng rượu bia, cà phê thuốc lá quá mức cho phép; cầu an bằng cách giữ đúng luật giao thông mỗi khi ra đường; cầu an bằng cách cẩn trọng mỗi khi nói năng, hành động; cầu an bằng cách đừng ham hố danh lợi, vừa lòng với cuộc sống đạm bạc về vật chất nhưng phong phú về tinh thần; cầu an bằng cách luôn luôn để trong lòng thanh thản, không phải ăn năn về những lầm lỗi, cũng không phải bị kích động vì những ước muốn viển vông, …
Còn một khi đã cẩn thận giữ gìn nhưng có gặp “tai bay vạ gió” thì âu cũng coi đó là một trong những sự ngẫu nhiên (có may và có rủi) mà ta có muốn tránh cũng không tránh được.
Nguời xưa đã dạy: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Đôi chút tâm sự để mọi người nhất là các bạn trẻ tham khảo.
P/S: Bài này tôi viết từ lâu, nhưng khi có dự định Xuyên Việt lần thứ 2 chưa dám “công bố”, sợ “nói trước bước không qua”.
The post Cầu An appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét