Tin tức Việt

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁC ĐỒNG NGHIỆP – BẠN CỦA ALAN (BCAs): TỪ FORMOSA NHÌN LẠI THÉP VIỆT

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Phát biểu của cựu Giám đốc đối ngoại Formosa: “Bắt cá tôm hay nhà máy, chọn đi” đã tạo nên làn sóng dư luận giận dữ, với hàng loạt ý kiến khẳng định không thể chấp nhận chuyện hi sinh môi trường để đổi lấy một nhà máy. Lúc còn sinh thời TS. Alan Phan cũng đã đề cập rất nhiều tới vấn đề gia công và hậu quả của nó với môi trường. Vậy liệu chúng ta có thể phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sống?

Chúng tôi xin gửi đến Quý vị BCA câu chuyện của Ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt – một người Việt với hơn nửa đời người bôn ba trong ngành Công nghiệp nặng, với lý tưởng “Mỗi người làm ăn kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng cần có cho mình các Tâm và cái Tài!”. Hy vọng những trải lòng của anh sẽ giúp quý vị tìm ra câu trả lời cho chính mình.

“Với POM (Thép POMINA), gần 4 năm chúng tôi nghiên cứu hàng chục nhà máy có công nghệ Trung Quốc và cuối cùng quyết định đầu tư công nghệ cao của châu Âu với chi phí đắt gấp 4 lần công nghệ Trung Quốc. Nhưng đổi lại, chúng tôi được những cái lợi như: chi phí duy tu thấp, tiết kiệm điện, mức độ tự động cao, đưa đến chất lượng sản phẩm đồng đều trên mọi điểm của sản phẩm.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo tư duy của các doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta sẽ mãi bằng lòng với chất lượng thấp, giá rẻ. Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm nhất đối với nền công nghiệp Việt Nam. Mình phải thấy rõ như vậy và phải hiểu rằng, chỉ có đầu tư vào chất lượng thì mới có thể thắng đối thủ.”

Đó chính là tư duy đứng sau dự án nhà máy luyện thép lớn nhất Việt Nam với công suất 1 triệu tấn/năm (khởi công tháng 10/2009), đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

ĐỖ DUY THÁI – ÔNG TRÙM NGÀNH THÉP VIỆT NÓI VỀ “TRI THỨC”

“Thời mới khởi nghiệp, tôi phải lặn lội đi gặp những người giỏi để tìm từng mảnh tri thức. Có tri thức, có góc nhìn đúng thì mới phát triển. Các bạn trẻ ngày nay đã có Góc nhìn Alan, nơi tập trung quá nhiều tri thức của thế giới được tiến sĩ Alan Phan chắt lọc bằng cả cuộc đời mình. Tôi cho đó là một may mắn vô cùng lớn, hãy biết nắm bắt và vươn mình ra thế giới!”

Anh Thái Thép Việt

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

LUYỆN THÉP CŨNG LÀ LUYỆN NGƯỜI!

Người bỏ nghề giáo nuôi giấc mơ thép Việt!

Vốn dĩ tốt nghiệp đại học sư phạm, ông Đỗ Duy Thái có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính sách dồn đuổi nhà đầu tư từ thời đất nước còn bao cấp,..Doanh nhân nổi tiếng ngành thép từng tâm sự: “Học ngành sư phạm nhưng tôi lại thích buôn bán kinh doanh. Tiếp xúc với nhiều người làm trong ngành công nghiệp, nhất là kinh doanh, sản xuất thép, tôi lắng nghe những kinh nghiệm của họ với một sự thích thú.”

Chính máu chinh phục những thách thức công nghệ đã khiến giấc mơ trở thành nhà giáo của ông không thực sự trọn vẹn, nhưng lại nhường chỗ cho một giấc mơ khác: giấc mơ làm công nghiệp.

Tự mày mò khởi nghiệp với sản xuất cao su từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ông tìm cách chế tạo mọi thứ từ cao su.

“Tôi đã khóc như một đứa trẻ ngay trước mặt khách hàng”, ông kể lại. Thời điểm đó, việc thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới vô cùng khó khăn. Nền kinh tế tự cung – tự cấp khiến những sáng kiến tại chỗ vô cùng quan trọng nhưng nhiều khi khiến người ra dễ dãi với chất lượng của nó. “Chính vì vậy, khi được so sánh chất lượng sản phẩm với hàng sản xuất tại Nhật Bản, cảm xúc của tôi thực sự khó tả lại”, ông Thái bùi ngùi nhớ lại.

Chính chiếc ru-lô là một bước ngoặt, gắn ông với niềm say mê chế tạo và chinh phục các thử thách. Ông bắt đầu mất ăn, mất ngủ với xưởng máy, dù chỉ là để tìm ra cách chỉnh những con ốc nhỏ nhất để máy có thể vận hành êm. Và giấc mơ thép Việt bắt đầu từ những con ốc…

Ở đất nước nào cũng vậy, nếu gạo là lương thực của toàn dân, thì thép chính là lương thực của ngành công nghiệp, là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế. Lấy bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, ông cho rằng, Việt Nam muốn phát triển thì trước hết phải thay đổi tư duy của nhà đầu tư, thay đổi cách nhìn về công nghiệp nặng. Ông xác định rõ mục đích sống và mục đích kinh doanh của mình chỉ là một, đó là toàn tâm toàn ý theo đuổi đóng góp vào sự phát triển của ngành thép Việt Nam.

Từ đó, ông bắt đầu hành trình của giấc mơ Thép Việt, từ nhà máy thép Pomina I và II, như là một bước đệm đầy trải nghiệm, hun đúc cả về kinh nghiệm chiến lược và tôi luyện đội ngũ nhân lực.

Pomina III đi vào hoạt động với công suất 1 triệu tấn/năm, Thép Việt đã phá kỷ lục của chính mình ở Pomina II với công suất 500 ngàn tấn/năm. Mục tiêu của Thép Việt là vươn ra thị trường quốc tế với công nghệ tiến tiến nhất trên thế giới và chất lượng ổn định.

Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt Đỗ Duy Thái từng tiết lộ, trong phòng, ông chỉ treo duy nhất bức tranh về một quảng trường ở Ý mà để hoàn thành nó, người ta phải mất ba thế kỷ, tức là rất nhiều đời để làm. Ông ngắm bức tranh ấy hàng ngày, là bởi nó chính là câu chuyện thế kỷ, câu chuyện mà ngành thép, hay người làm công nghiệp nặng có thể soi rọi.

“Một người làm thương mại có thể thiên về chiến thuật hơn về chiến lược, nhưng một người làm công nghiệp phải nghĩ nhiều về chiến lược. Kinh doanh ngành khác, bạn có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng, đó là câu chuyện vài chục năm”, ông lập luận.

Với chi phí bao nhiêu, Thép Việt cũng sẵn sàng trả, bởi đó là cái giá xứng đáng cho tri thức, bởi đầu tư cho tri thức chính là đầu tư cho sự phát triển. Một đội ngũ chuyên gia kết hợp với một công nghệ tiên tiến sẽ như là sự tích hợp của chuỗi giá trị gia tăng.

“Phải cùng làm với họ và tri ân, chia sẻ bằng trái tim thật sự. Tôi quan niệm, mức hưởng thụ của mọi người càng cao càng tốt, miễn là thành quả họ mang lại cho tổ chức tương xứng”, Chủ tịch Đỗ Duy Thái bộc bạch.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

CHIA SẺ VỀ KINH DOANH VÀ LÝ TƯỞNG

* Với năng lực hiện tại, các doanh nghiệp thép đầu ngành có thể cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới không, thưa ông?

- Chúng tôi đã phải tính trước điều này khi bắt đầu đầu tư. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng nhà máy luyện thép có công suất 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nỗ lực và tính toán của doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần phải có chính sách hỗ trợ thích hợp từ Nhà nước, đặc biệt đối với những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên như cây trong sa mạc, nếu có chính sách đúng thì ngay trong sa mạc cây cối vẫn phát triển tốt. Điều này được minh chứng rõ trong nông nghiệp, khi chính sách đúng, nông dân từ đói ăn chuyển sang xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới.

Người làm công nghiệp cũng vậy, họ cũng sẽ biết tìm đường để đi lên, hôm nay không đúng, ngày mai sẽ đúng. Nhưng hiện nay, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam là rất chậm.

* Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép, ông có lời khuyên nào cho những người đi sau?

- Ngành luyện thép là ngành khó, thuộc công nghiệp nặng, là nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của đất nước cả bây giờ lẫn sau này. Càng ngày ngành luyện thép càng cần thiết, nên nó mang tính chiến lược, tư duy ngắn hạn sẽ khó tồn tại.

Với POM, gần 4 năm chúng tôi nghiên cứu hàng chục nhà máy có công nghệ Trung Quốc và cuối cùng quyết định đầu tư công nghệ cao của châu Âu với chi phí đắt gấp 4 lần công nghệ Trung Thông Tin Hàn Quốc. Nhưng đổi lại, chúng tôi được những cái lợi như: chi phí duy tu thấp, tiết kiệm điện, mức độ tự động cao, đưa đến chất lượng sản phẩm đồng đều trên mọi điểm của sản phẩm.

Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc thành công trong phát triển công nghiệp? Là vì họ không chấp nhận sản phẩm chất lượng thấp. Thép Trung Quốc vẫn nhập nhiều nhưng không phục vụ được cho các công trình lớn ở Việt Nam.

Tại các dự án như Phú Mỹ Hưng, Becamex, Sân bay Nội Bài, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn…, các nhà thầu lớn như Coteccons, Hòa Bình… vẫn luôn chọn thép Pomina. Công nghệ Trung Quốc hiện nay chỉ đáp ứng được tiêu chí giá rẻ.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo tư duy của các doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta sẽ mãi bằng lòng với chất lượng thấp, giá rẻ. Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ đáng gờm nhất đối với nền công nghiệp Việt Nam. Mình phải thấy rõ như vậy và phải hiểu rằng, chỉ có đầu tư vào chất lượng thì mới có thể thắng đối thủ.

* Ngoài thay đổi tư duy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nên chọn cách hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài như Thép Việt từng làm trước đây để phát triển?

- So sánh trước và nay tôi nhận thấy, khi liên doanh, động lực phát triển của người chủ doanh nghiệp không mạnh bằng khi tự mình xây dựng doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Tuy nhiên, tự mỗi người, với những động cơ khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau.

Ví dụ, muốn học hỏi, muốn mở rộng nhanh, phát triển nhanh thì họ chọn con đường liên doanh với nước ngoài. Còn muốn thể hiện đam mê thì nên tự làm. Nói chung, mỗi người phải chọn cho mình một con đường và chúng ta nên chấp nhận một tư duy khác biệt.

Ở đây không bàn đến vấn đề đúng hay sai mà đó là sở thích của từng người. Ngay cả con tôi cũng vậy, nó thích làm việc một vài năm, sau đó ra dạy học vì đó là sở thích của nó từ bé. Tôi mong con gái mình sống một cuộc sống bình an hơn và nên tự có những quyết định riêng cho tương lai của mình.

* Ông ủng hộ con cái đi dạy học thay vì nối nghiệp bố, chẳng lẽ ông không dự định thời gian nghỉ ngơi cho mình?

- Tôi cảm thấy vui khi được làm việc. Bạn bè hay bảo “sao tôi thấy anh khổ quá, lúc nào cũng công việc”, nhưng thật ra bạn bè không hiểu mình đâu. Ở đây vì ham vui tôi mới làm.

Tôi hay nói với các học viên ở lớp “Hạt giống lãnh đạo”, Trường Pace: “Các em một ngày làm việc gì dưới 12 tiếng đồng hồ mà đã thấy mệt, thấy chán thì nên bỏ việc đó đi! Hãy tìm nguồn đam mê lớn hơn thì nó mới mang lại giá trị gia tăng cho mình. Vì một người thực sự muốn phát triển, chính bản thân họ phải được hạnh phúc trước”.

Lấy hình ảnh một bà mẹ nuôi bốn đứa con học đại học. Thấy bà sáng bán xôi, trưa bán cháo lòng, tối bán hủ tiếu…, nhiều người ái ngại rằng người phụ nữ này lao động cực nhọc quá. Nhưng họ đâu biết bà đang rất hạnh phúc vì hướng tới một việc vô cùng vĩ đại là nuôi bốn đứa con học đại học.

Có một triết lý mà tôi thấy hay, đó là: một xã hội muốn phát triển, điều đầu tiên là chỉ số hạnh phúc của xã hội đó phải cao. Một công ty cũng vậy, nếu buồn quá, nhân viên không hạnh phúc, chỉ mong đến giờ về thì công ty đó làm sao phát triển được. Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng của người lãnh đạo là phải tạo được môi trường hạnh phúc trong công ty.

* Say mê công việc, thực hiện được ước mơ xây dựng nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, ông đã thấy thỏa mãn?

- Nhà phát triển công nghiệp ít khi nào thỏa mãn, vì lúc nào chúng tôi cũng phải làm việc. Chưa làm hết cái này đã phải nghĩ đến cái khác, công việc không có điểm dừng. Thỏa mãn sẽ giết chính mình. Đó là cái nghiệp!

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn, Cafebiz

The post NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁC ĐỒNG NGHIỆP – BẠN CỦA ALAN (BCAs): TỪ FORMOSA NHÌN LẠI THÉP VIỆT appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới