Tin tức Việt

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Cạnh tranh kiểu Mỹ

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Broncos Chiefs

Trong cuốn sách "42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc" Tiến sĩ Alan Phan có đề cập về cách thức cạnh tranh trong làm ăn của các doanh nhân ở hai thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc với những phân tích rất sâu sắc và thú vị. Chúng tôi xin lần lượt trích đăng lại để cộng đồng bạn của Alan (BCAs) theo dõi.
Có thể nói, tất cả những yếu thế về cạnh tranh của Trung Quốc lại chính là lợi thế của Mỹ. Về thị trường, sản phẩm của Mỹ gần như có mặt khắp thế giới. Với tư duy tôn trọng và hết lòng phục vụ khách hàng, Mỹ đã tạo nên một niềm tin nơi thị trường và thúc đẩy sức sáng tạo trong sản xuất.
Ngoài chuyện làm theo nhu cầu khách hàng, các công ty Mỹ còn tung ra thị trường những sản phẩm “cách mạng” để tạo ra những nhu cầu mới. Ví dụ, tổng số ứng dụng trong một chiếc máy Iphone là 800.000, trong khi một khách hàng chỉ có thể dùng tối đa hơn 100 ứng dụng. Ngay cả chiếc điện thoại mới ra đời của Google cũng có tới 300.000 ứng dụng, do các thành viên cộng đồng mạng đóng góp. Đây cũng là một điểm lạ trong xã hội Mỹ. Khoa học công nghệ vốn thường được tạo ra từ nền giáo dục căn bản, nhưng sáng tạo tự phát lại rất phổ biến ở Mỹ. Có nhiều người suốt ngày chỉ ngồi ở nhà tập trung nghiên cứu để hi vọng phát minh của mình kiếm được tiền, dù chỉ là những phát minh nhỏ. Số lượng các nhà sáng chế tại gia này ngày một tăng lên, bởi kinh tế khó khăn khiến tỉ lệ thất nghiệp cao. Họ làm việc trong hi vọng là chỉ cần một ứng dụng đúng lúc đúng thời, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền nhờ thị trường rộng lớn của Mỹ.
Yếu điểm khó khăn nhất trong cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ là chi phí dành cho nhân viên quá lớn. Tại Mỹ, chi phí trung bình phải trả cho một kỹ sư IT có 5 năm kinh nghiệm khoảng 150.000 USD/năm. Đem qua Trung Quốc, số tiền này có thể thuê được… sáu kỹ sư. Do đó, tại Mỹ, chỉ cần đầu tư không đúng người, tức là thuê một nhân viên làm việc không hiệu quả, thiệt hại dành cho công ty rất lớn. Trong khi đó, ông chủ Trung Quốc có thể thuê sáu kỹ sư, chỉ cần hai trong số nhân viên này làm được việc là tránh được rủi ro lớn.
canh tranh kieu my web
Yếu điểm khác là pháp lý của Mỹ quá nghiêm ngặt, tuy tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, nhưng đôi khi đem lại những rắc rối không đáng cho doanh nghiệp. Trước đây, tôi mua lại một nhà máy để sản xuất động cơ với giá 2,5 triệu USD tại New Jersey (Mỹ). Tôi hoàn toàn không biết rằng, tại đây một chủ đầu tư đã sản xuất sản phẩm pin cách đó 22 năm và đã chôn lấp một lượng axít xuống khuôn viên nhà máy. Họ đã không phạm luật vì thời đó chưa có luật cấm. Đến khi tôi mua lại nhà máy này, thì cơ quan môi trường lại điều tra và bắt tôi phải lập tức xử lý hết số chất thải nguy hại đó theo luật hiện tại. Theo tính toán, để làm đúng đòi hỏi, tôi sẽ phải tốn 4 triệu USD để xử lý, phí tổn này còn cao hơn giá trị của nhà máy. Nhiều nhà tư vấn khuyên tôi chơi bài… chuồn, tức là bỏ lại nhà máy và rút lui. Nhưng phía cơ quan chức năng cảnh báo là dù tôi có bỏ đi thì họ vẫn cứ tìm cách… đưa tôi ra tòa và có thể bản thân tôi phải đối mặt với mức án hai năm tù. Cuối cùng, vì nhờ có những ủng hộ cho ông thị trưởng ra ứng cử trước đó, nên khi tôi đưa ra kiến nghị tặng lại thành phố Trenton khuôn viên nhà máy để họ làm công viên và nhà giữ trẻ, lập tức lãnh đạo thành phố chấp nhận. Vậy là tôi mất trắng số tiền 2,5 triệu USD đã bỏ ra, bù lại thành phố sẽ lo giải quyết gánh nặng cải tạo môi trường.
Nếu Mỹ coi kinh doanh giống như một trận đấu bóng, chơi hết mình để thắng, nhưng có luật lệ, có trọng tài, có thứ hạng… thì người Trung Quốc coi kinh doanh như một cuộc chiến, mà người thắng kẻ thua đều dùng tới bất cứ phương tiện gì để giành chiến thắng, bất chấp luật lệ. Chính sự khác biệt này đã tạo nên sự cạnh tranh khác nhau ở hai thị trường.
Với Mỹ, ngoài sự cạnh tranh chính thống, các doanh nghiệp phải đối phó với nhiều phương thức quấy phá thường xuyên từ các đối thủ. Phổ biến nhất là chiêu thức kiện cáo, dù sai hay sẽ thua, cũng đủ làm đối thủ rối trí và mất thì giờ tập trung. Ngoài ra, các đối thủ luôn truy tìm những điểm yếu pháp lý qua thám tử tư hay các nguồn tin khác, để kiện thẳng hoặc kiện lên chính phủ. Nhìn trên bình diện khác, yếu tố này khiến các doanh nghiệp Mỹ luôn phải đề phòng, mà cách hay nhất là luôn giữ cho mình sự trung thực và minh bạch trên mọi hành xử, nhất là về pháp lý và thuế vụ. Thống kê cho thấy hơn 68% vụ trừng phạt doanh nghiệp trốn thuế là do các đối thủ hoặc nhân viên tố cáo. Còn lại là từ… các bà vợ hoặc tình nhân của lãnh đạo do xích mích trong chuyện riêng tư.
Cướp nhân viên giỏi - nhất là những nhân viên bán hàng và nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm - cũng là một phương thức cạnh tranh hữu hiệu. Nếu doanh nghiệp lôi kéo được nhân viên giỏi của đối thủ bằng mức lương cao thì đây là cách thức cạnh tranh hợp pháp. Nhưng nếu yêu cầu nhân viên đó lấy cho mình danh sách khách hàng thì sẽ bị coi là phạm luật. Đối thủ có thể kiện mình về mọi thiệt hại nếu việc “ăn cắp” nhân viên không diễn ra trong minh bạch và cho phép bồi thẩm đoàn suy diễn ra những thủ đoạn ngầm để trừng phạt mọi vi phạm.
Ngoài ra, việc gây áp lực về tài chính hay chính trị cũng là một phương thức cạnh tranh hay được sử dụng. Ví dụ, tôi và đối thủ cùng làm nhà máy lắp ráp xe cho một thị trường. Vì đối thủ có cơ sở nhỏ hơn tôi, nên tôi sẽ đến nhà cung cấp đèn pha và yêu cầu đừng bán cho đối thủ. Bù lại, công ty tôi sẽ trả giá cao hơn và bảo đảm một số lượng đặt hàng lớn. Về chính trị, nếu tôi là nhà đầu tư địa ốc, đang muốn xây một khu nhà cao ốc 20 tầng với vị trí tốt. Cùng lúc đó, một đối thủ cạnh tranh có thể đang xây dự án gần đó. Họ có thể ra trước hội đồng thành phố, dùng lý do môi trường hoặc ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh dự án để làm trì hoãn hoặc làm cho dự án của tôi gặp rắc rối. Phương thức này cũng hợp pháp, nhưng mọi việc phải công khai và minh bạch.
- TS. Alan Phan -

The post Cạnh tranh kiểu Mỹ appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới