Tin tức Việt

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc


Theo Lê Loan – DNSG – 26 Feb 2015


doanhnhan_4


Hơn 30 năm trước, vì niềm đam mê cháy bỏng, ông giáo trẻ Đỗ Duy Thái đã mạnh dạn từ bỏ nghề giáo để “tay ngang” bước vào ngành công nghiệp Thép.


- Ông Đỗ Duy Thái khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm cao su cùng các anh em trong gia đình với số vốn bằng không. Sau một năm, những sản phẩm của ông đã có chất lượng tương đương các sản phẩm ngoại.


- Sau đó, ông tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Sự ra đời của Thép Việt là bước ngoặt đánh dấu Nguyễn Duy Thái trở thành nhà đầu tư tư nhân lớn nhất nước trong ngành thép.


- Ông cho rằng, với ngành luyện thép thì phải nghĩ nhiều đến chiến lược hơn là chiến thuật. Kinh doanh ngành khác có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng thì phải vài chục năm.





Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất Thép Việt, chia sẻ: “Sở dĩ tôi làm công nghiệp là vì tôi thích tạo ra sản phẩm. Thị trường vào những năm cuối thập niên 80 mọi thứ đều khan hiếm, từ chiếc rulô cao su chà lúa, vỏ ruột xe cho đến nút chai nước biển… Vì sự thiếu thốn nhiều mặt hàng mà tôi thấy mình có nhiều cơ hội. Nếu thành công, tôi sẽ giải quyết được gánh nặng “cơm áo” cho cả gia đình, đồng thời còn thỏa mãn được đam mê làm công nghiệp”.


Với suy nghĩ đó, ông Đỗ Duy Thái đã khởi xướng việc sản xuất các sản phẩm từ cao su và rủ rê các anh em trong gia đình cùng làm. Vốn liếng ban đầu chỉ là con số 0: không kiến thức, không máy móc, không kinh nghiệm… Để thực hiện ý tưởng chế tạo máy, ông lân la gần như hết tất cả các cơ sở, nhà máy đã và đang sản xuất những sản phẩm từ cao su tại Việt Nam.


Sau một năm, thành quả anh em ông đạt được là những chiếc rulô cao su chà lúa, vỏ ruột xe, nút chai nước biển lần lượt ra đời với chất lượng sánh ngang hàng ngoại. Nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng, ông thấy mình đã đi đúng hướng.


“Ngay giai đoạn đó, tôi thấy mình có động lực lớn lắm và cứ như bị “hút” vào công việc”, ông Thái nói. Cũng chính vì niềm đam mê mãnh liệt này mà sau khoảng thời gian gián đoạn trên con đường kinh doanh, ông lại một lần nữa tiếp tục đầu tư vào công nghiệp, cụ thể là ngành luyện thép. Đây được xem là lựa chọn thứ hai trong cuộc đời ông. So với sản phẩm làm từ cao su, ngành luyện thép có những yêu cầu khó hơn nhưng những khắc nghiệt trong công việc lại thôi thúc ông muốn chinh phục nó.


Sự ra đời của Thép Việt (công ty mẹ, sở hữu 61,61% cổ phần của Công ty CP Thép Pomina (POM) hiện nay) đã đánh dấu bước ngoặt Đỗ Duy Thái trở thành nhà đầu tư tư nhân Việt Nam đầu tiên lớn nhất về luyện thép. Cho đến bây giờ, mặc dù đã sở hữu nhà máy luyện và cán thép xây dựng lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 26 trên thế giới với công suất luyện 1 triệu tấn phôi thép, nhưng mỗi khi nhà máy cho ra những mẻ thép đầu tiên, cảm xúc trong ông vẫn đong đầy.


“Dù đã kinh qua không biết bao nhiêu máy móc, công nghệ và cũng rất muốn giữ phong thái của một nhà lãnh đạo trước mặt nhân viên, nhưng tôi vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn thấy một sản phẩm mới ra đời”, ông Thái bộc bạch.


Gần 30 năm dấn thân vào nghiệp kinh doanh, ông cho rằng, điều doanh nhân cần làm là mang lại giá trị gia tăng cho xã hội. Theo ông, doanh nhân cũng giống như ngọn cỏ trên sa mạc, nếu có thể mạnh lên thì sẽ là những nhân vật xuất chúng.


Việc ông chọn đầu tư vào luyện thép, nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của một đất nước, cũng xuất phát từ ý nghĩ đó. Đây được xem là bước đi khác biệt, tạo giá trị gia tăng nhưng ít tính cạnh tranh. Có lẽ, nhờ giống như “thép đã tôi” mà ông chủ Thép Việt luôn có cái nhìn lạc quan cũng như mạnh dạn đưa ra nhiều quyết định táo bạo.


Điển hình như ở giai đoạn kinh tế khủng hoảng (2009 – 2012), Thép Việt đã đổ 300 triệu USD vào Nhà máy Pomina 3 (Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) để nắm bắt cơ hội trong khó khăn với chiến lược đầu tư dài hạn, dù rằng điều này góp phần làm tình hình kinh doanh của Công ty từ năm 2013 đến nay luôn gặp khó. Song với ông, đối mặt với thách thức cũng là cách khiến con người trưởng thành hơn.


Ông cho rằng, với ngành luyện thép thì phải nghĩ nhiều đến chiến lược hơn là chiến thuật. Kinh doanh ngành khác có thể tính tháng, tính năm, nhưng với ngành công nghiệp nặng thì phải vài chục năm.


Theo ông, một đất nước muốn phát triển phải có sự công bằng để cho các doanh nghiệp thi đua và ai vượt trội sẽ có cơ hội. Ngược lại, những thành phần giàu lên nhờ yếu tố quyền lực và các nhóm lợi ích thì đất nước sẽ phát triển theo một hướng khác.


“Đồng tiền trong túi ai cũng vậy. Nhiều ít không thành vấn đề, nhưng đồng tiền đó phải sinh ra hiệu quả cho xã hội. Và muốn sinh ra hiệu quả thì nó phải xuất phát từ những người có năng lực, có tâm, có tầm và phải được cầm, điều hành bởi những người có năng lực thật sự. Đó là vấn đề mấu chốt mà những người làm chính sách cần hướng đến”, ông Thái nhấn mạnh.


The post Doanh nhân như ngọn cỏ trên sa mạc appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới