Tin tức Việt

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á


(Bao Toquoc – 15/ 2/ 2013/ Linh Hương )


Tăng trưởng của Indonesia năm 2012 đạt 6,3%, điểm đầu tư hấp dẫn vào lúc đầu tư tại Trung Quốc bão hòa.


Trong khi các nước đầu tàu kinh tế thế giới chao đảo trong khủng hoảng kinh tế, Indonesia vẫn tăng trưởng mạnh và hiện tại là đích ngắm mới của các nhà đầu tư thế giới. Nhật báo Le Monde ngày 5/2 đăng bài “Indonesia, đại gia mới của châu Á”.


Le Monde đã ví tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia như sự cất cánh của chim thần Garuda. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là vật cưỡi của thần Vishnu. Garuda cũng chính là biểu tượng chính thức của Indonesia. Garuda là biểu trưng của sự phát triển vượt bật của Indonesia. Tăng trưởng của Indonesia năm 2012 đạt 6,3%, mức tăng cao nhất trong G-20 sau Trung Quốc.


Sự tỉnh giấc kinh tế của con rồng Indonesia


Le Monde nêu ba nguyên nhân của sự phát triển của đất nước quần đảo này: Thứ nhất, dân số rất đông và tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Indonesia hiện có 250 triệu dân, đông dân nhất trong 10 nước ASEAN. Hơn 1/4 trong số đó có thu nhập hơn 330 USD/tháng, kém hơn Trung Quốc và Thái Lan, nhưng cao hơn nhiều so với Ấn Độ và Việt Nam. Đó là một nguồn nhân công, và đặc biệt là một thị trường tiêu thụ lớn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng Indonesia còn phải xây dựng thêm nhiều. Indonesia cần kích thích sản xuất nội địa, hạn chế xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.


rez_123_indonesia_carsale thediplomat_2014-12-08_13-52-57-553x360


Indonesia – ôtô bán ra với số lượng lớn qua các năm 2010-đầu2012 phản ánh nền kinh tế đang cất cánh, với sức mua của tầng lớp trung lưu làm động lực


Ngành hàng không Indonesia tăng cao kỷ lục trong năm 2012 với 13%, chủ yếu nhờ tầng lớp trung lưu của nước này gia tăng, khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng trên 6% trong những năm qua. Hãng hàng không nước này đã chuyên chở được trên 70 triệu lượt khách, so với mức tương ứng 62 triệu lượt người năm 2011.


Thứ hai là nền dân chủ phát triển ổn định. Kể từ sự ra đi của nhà độc tài Suharto sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998, đất nước này đã thật sự xác lập được dân chủ. Sự việc đó làm an tâm các nhà đầu tư quốc tế.


Thứ ba, Indonesia đã biết tận dụng sự năng động của nền kinh tế khu vực Đông Á, khu vực năng động nhất thế giới. Indonesia nằm trên tuyến đường thương mại hàng hải giữa Ấn Độ và khu vực Viễn Đông, tạo điều kiện cho nước này thu hút các nhà kinh doanh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn tại Indonesia là của những người Indonesia gốc Hoa, vì vậy những người này có rất nhiều mối liên hệ với hai khu vực năng động là Hồng Công và Xinhgapo.


Ngoài ra, theo Le Monde, hiện tại, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã đến giai đoạn bão hòa, trong khi Indonesia lại tỏ ra an toàn hơn Ấn Độ trong mắt nhà đầu tư. Vì thế, nước này đang trở thành “một mảnh đất ưu tiên để chinh phục” của tất cả các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới.


Cũng trên Le Monde, bài “Sự tỉnh giấc về kinh tế của con rồng Indonesia” nhấn mạnh thêm hai yếu tố đáng chú ý: Thứ nhất, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Thứ hai, đầu tư nước ngoài năm 2011 của Indonesia tăng 37%, đạt 19 tỉ USD, và năm 2013 hứa hẹn sẽ đạt 21 tỉ USD. Một điểm đáng lưu ý là không chỉ có các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc tìm đến thị trường này, mà lượng đầu tư từ các nước châu Âu cũng tăng lên.


Tờ báo nhận định, các nhà đầu tư tại Indonesia có thể có một nguồn lợi kép: đó là vừa tận dụng được thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Indonesia, vừa sử dụng nước này làm bàn đạp để xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực. Giá lao động tại Indonesia rẻ hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN, rẻ hơn phân nửa so với Trung Quốc.


Le Monde dẫn bằng chứng về trường hợp phát triển vượt bậc của thành phố Makassar, nằm cách Djakarta 1.400km về phía Đông Bắc, trên đảo Sulawesi, với dân số khoảng 1,5 triệu người, được xem là cửa ngõ phía Đông của Indonesia. Tăng trưởng năm 2012 của Makassar là 8,6%. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân công dồi dào, Makassar còn có một điểm quan trọng, như lời quan chức địa phương, người ta có thể làm xong giấy phép lái xe chỉ trong vòng 3 ngày trong khi ở các địa phương khác phải đến 12 ngày, giấy phép xuất nhập khẩu chỉ trong một tháng trong khi ở địa phương khác là lâu hơn rất nhiều. Song điểm yếu lớn nhất của Indonesia là nạn tham nhũng lan tràn.


Khu thương mại mở Batam – điểm đầu tư chính bên eo biển Malacca


Với việc thành lập Cơ quan quản lý Khu thương mại mở Batam (BPK-FTZ), Indonesia đang hướng tới mục tiêu đưa Batam trở thành điểm đến đầu tư chính ở châu Á – Thái Bình Dương.


Là một tỉnh đảo nằm đối diện với Xinhgapo và dọc theo eo biển Malacca – một trong những tuyến vận tải biển quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu ở châu Á, Batam có tiềm năng lớn để khai thác và phát huy thế mạnh này nếu có được các cơ sở hạ tầng cần thiết về cảng biển, sân bay và hậu cần.


Chính phủ Indonesia đã dành ưu tiên cho việc cải tạo và nâng cấp cảng Batam thông qua thỏa thuận hợp tác trị với công ty vận tải biển của Pháp. Dự án này bắt đầu được triển khai trong năm nay, sau khi hoàn thành trong năm 2014 cho phép vận chuyển hàng hóa trực tiếp tới các điểm đến và loại bỏ sự phụ thuộc vào Xinhgapo như một điểm quá cảnh.


Công suất cảng Batam mới sẽ được nâng lên, với cầu cảng được mở rộng tương ứng từ 400 m lên 1.100 m và độ sâu từ 14 m lên 17 m, cho phép các tầu trọng tải lớn có thể cập cảng. Trong giai đoạn tiếp theo, công suất của Batam sẽ tiếp tục được nâng lên với việc đưa cảng trung chuyển Tanjung Sauh vào hoạt động để phục vụ cho các điểm đến ở châu Âu, Nhật Bản và phần còn lại ở châu Á.


Ngoài cảng biển, BPK-FTZ cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng và năng lực của sân bay quốc tế Hang Nadim Batam. Hiện đường băng 4.025 m của sân bay này là đường băng dài nhất ở Indonesia, cho phép các siêu máy bay phản lực chuyên chở hành khách, bao gồm cả Airbus 380 có thể sử dụng.


Sau khi hoàn thành, sức chứa, chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng của sân bay Hang Nadim Batam sẽ được cải thiện và nâng lên tầm quốc tế, trong đó có một trung tâm mua sắm rất hiện đại đáp ứng đầy đủ nhu cầu và sở thích của hành khách./.


Linh Hương


The post Indonesia – nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á appeared first on GÓC NHÌN ALAN.




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới