Tin tức Việt

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Chúa Nhật Ở Ojai

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Chúa Nhật Ở Ojai

Alan Phan

11 September 2015

Đêm qua, tôi có một giấc mơ hơi lạ kỳ. Tôi thấy mình đi lạc trong một lâu đài Địa Trung Hải, nhìn xuống bãi biển tuyền cát trắng ở Croatia hay Serbia gì đó. Một người đàn bà tuyệt đẹp, mắt thật to, da ngâm đen đang nắm tay tôi, lôi về một hồ bơi lát vàng lóng lánh. Khi nàng cởi bộ đồ ra là lúc tôi chợt tỉnh hẳn. Với nụ cười còn trên môi.

Đêm nào tôi cũng ngủ say và hay mơ. Những giấc mơ khá bình an, không lành không dữ, lang bang tủn mụn như những chuyện vớ vẩn mình vẫn loay hoay hàng ngày. Cả chục năm rồi, tôi mới có một niềm vui khi nằm nướng, không muốn ngồi dậy.

Trời đã sáng hẳn. Vợ tôi nghi ngờ,” Gặp người tình cũ hay sao mà tươi vậy?” Tôi nhún vai,” Một giấc mơ thoáng qua thôi”. Nàng vẫn thắc mắc.., và tôi lại tủm tỉm…”which part of the word ‘dream’ you don’t understand?”.

Nhưng vui đó rồi lại buồn hiu đó. Ngày xưa, vung tay chân khắp chân trời góc biển, những mộng đẹp trong giấc ngủ và những cảm nhận rạo rực trong cuộc sống thực gần như lẫn lộn. Nước mắt luôn trôi nhanh, nhường chỗ cho những ngày vui tưởng là bất tận. Đến khi tuổi già, mới thấy cái hạnh phúc tìm được mỗi ngày sao quá hiếm quý, và cũng quá đơn giản nhỏ bé trong một thế giới đã thu hẹp khá nhiều.

Như những giấc mơ đẹp của phần lớn người dân Việt trước những thực tại khó khăn.

&&&&&&&

(Hãy tha thứ cho kẻ thù, nhưng đừng bao giờ quên tên chúng – Forgive your enemies, but never forget their names – John F. Kennedy)
Cuối tuần rồi, một người bạn cũ từ trước 75 đem xe đến đón tôi về trang trại hắn chơi ở Ojai (gần Santa Barbara). Hắn trạc tuổi tôi, nhưng mạnh khỏe nhanh nhẹn như hồi 20 năm trước. Có lẽ nhờ làm một anh nông phu bất-đắc-dĩ?

ojai landscape

Thời VNCH, hắn là một giáo viên trung học, nhưng có chút danh vì mấy bài báo bình luận chỉ trích chính phủ quân nhân thời đó. Vợ hắn, cũng cùng một lớp từ Đại Học Sư Phạm, nhưng học xong lại đi làm cho ngành ngân hàng. Ngày di tản năm 75, hai vợ chồng kẹt lại vì vợ đang có bầu 5 tháng. Vả lại, hắn tự nhủ, mình có làm gì chống đối “cách mạng” đâu?

Nhưng với “cách mạng”, biết viết lách mà có đọc giả, đã là một “tội ác” cần trừng phạt hay một hiểm họa cần khống chế. Hắn bị đi tù cải tạo suốt 4 năm, rồi được thả vì lý lịch tốt. Ở nhà, vợ hắn đói khổ, gom góp tiền bạc rồi vượt biên với 1 con nhỏ và 1 cái thai. Thoát được qua Mã Lai, nhưng bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp trước đó, nên bị xẩy thai. Qua đến Mỹ, một mình nuôi con, đợi chồng.

Ở tù ra, hắn cũng lần mò vượt biên, sau 3 lần thất bại, cuối cùng hắn cũng đến Mỹ đoàn tụ với gia đình. Hắn không dấu chuyện vợ bị hãm hiếp, nhưng hắn dọn đi xa, biệt tích giang hồ tận Iowa, xây dựng lại từ đầu.

Sau hơn 30 năm, đi làm công chức Mỹ, hai vợ chồng về hưu cách đây 3 năm, dọn về California cho có chút nắng ấm, mua và sửa lại một trang trại cũ làm cứ điểm cho gia đình giờ đã khá đông. Ba người con cùng dâu rễ rồi 7 đứa cháu nội ngoại, sum vầy ở trang trại mỗi năm vào Thanksgiving, Christmas hay Summer. Hắn trồng nho trên hơn 1 mẫu đất, mỗi năm tự tay cất được khoảng vài thùng rượu vang, đem tặng bạn bè gia đình.

Chúng tôi tình cờ gặp lại nhau ở quán Mì Á Đông/ Little Saigon trong một buổi trưa vắng khách. Hai thằng ôm chầm, mừng rỡ. Hắn nói, “mừng quá, tao nghe thằng Tâm nói mày chết rồi!” “tao cũng vậy, giang hồ đồn là mày đang nằm ở nghĩa địa”.

Và tuần rồi, vợ chồng hắn nhất định lái xe xuống chở gia đình tôi về trang trại ở Ojai để “cùng hưởng một ngày Chúa Nhật sẽ rất nóng…” Giờ đây, dưới bóng mát tàn cây olive, chúng tôi ngồi lang bang chuyện lớn nhỏ…trong khi các bà bận rộn tán hươu vượn trong bếp và những đứa bé lăng xăng xếp cát đá thành một địa hình như trong một video game nào đang phổ thông. Vợ hắn vẫn nấu ăn như một đầu bếp Pháp chuyên nghiệp… pâté de foie gras, creme de volaille, bœuf bourguignon,…thắm lưỡi với home-made wine.

Nói gì rồi chúng tôi lại quay về những ngày đổi đời năm xưa. Đã 40 năm, nhưng vết sẹo vẫn không lành.

“Mày biết đó, nhà cửa tài sản bị cướp sạch, vợ bị hãm hiếp, con thì đứa chết trong bụng mẹ, đứa đói khổ xin ăn khắp trại tỵ nạn…tù đày 4 năm…cái thù hận đó tao nghĩ không bao giờ xóa được. Nhưng khi qua Iowa, vợ chồng tao gần như sống suốt cuối tuần ở một ngôi chùa người Nhật. Tiếng kinh kệ, sự an tịnh, hơi thở của Thiền…làm mọi xúc động nơi mình chìm xuống. Cũng mất cả gần 10 năm, nhưng sau đó thì vợ chồng tao đã ngủ yên hơn, hoàn toàn tha thứ và quên tất cả những nghiệp chướng kẻ thù đã để lại…Bây giờ chỉ sống cho tương lai của bọn trẻ…Tìm hạnh phúc mỗi ngày trong thiên nhiên, trong tình người hàng xóm, trong kho kiến thức phong phú vô tận của nhân loại…”

“Không, tao chưa bao giờ về lại Việt Nam từ ngày bỏ đi. Ngay cả những tin tức, chuyện dài chuyện ngắn của Việt Nam …vợ chồng tao cũng không đọc đến. Đó là lý do có lẽ tại sao tao không biết góc-nhìn-alan là cái quái gì?

“Một thằng cháu, bây giờ lên làm quan lớn ở Việt Nam, không biết sao có địa chỉ của tao. Gởi thư mời về chơi, để cùng ‘hòa hợp hòa giải’ gì đó. Biggest joke. Một thằng ăn cướp muốn nạn nhân phải xin lỗi và xin phép được làm bạn hắn. Tao không cần bạn bè bà con kiểu này. Quê hương hay gốc gác hay tình yêu nước chỉ là những bánh vẽ mà bọn bịp rao giảng. Ngu 1 lần trong đời là quá đủ…”

“Dĩ nhiên là rồi mình cũng sẽ chết ở đây, một quê hương tình cờ tìm được. Xã hội này còn nhiều thứ tao không ưa, nhưng tao vẫn thấy có một ràng buộc gì tha thiết thân ái lắm”

“Tao thực sự không quan tâm đến những ý kiến phê phán của bọn ngồi lê đôi mách, ở đây hay ở bất cứ nơi nào. Chúng cứ sống đời sống của chúng, tao sống đời tao. Chẳng chúc lành hay chúc dữ cho ai. Quan chức cộng sản, đại gia Việt kiều hay dân nghèo bị lợi dụng. Đứa nào thoát được thì ‘God bless’; đứa nào kẹt lại, bị bóp cổ thì ráng chịu (số phận con rệp). Tao chỉ cảm tạ Thượng Đế cho mình và gia đình một phần số may mắn….”

Gió hiu hiu, bữa ăn trưa quá no, làm tôi lim dim ngủ trên cái võng treo qua cây olive già. Thêm một góc nhìn mới lạ về đời sống, có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng đây là xứ Mỹ. Không ai bị quấy rầy vì tư duy của mình, vuốt đuôi hay trái chiều…..

ojai lavender

&&&&&&&

Chúng tôi quay về lại thành phố khi đèn đường đã rạng, dòng xe kẹt cứng vì chiều chúa nhựt thiên hạ lũ lượt đi chơi về. Dù chậm, nhưng chúng tôi vẫn ngơ ngẩn với nhạc tấu của sóng biển vỗ về suốt quốc lộ 101. Nhớ lại bài hát California Dreaming.

Sau một cơn biển dâu đầy biến động, hạnh phúc của chúng tôi bây giờ có lẽ quá đơn giản và nhỏ bé. Nhưng chúng tôi thấu hiểu cái quan trọng của sự bình an nội tại trước những tranh dành khốc liệt của quyền lực và quyền lợi trong chốn mưa máu giang hồ. Forgive and forget.

Alan Phan

The post Chúa Nhật Ở Ojai appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới