Tin tức Việt

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

THÀNH CÔNG CHỈ ĐẾN KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG!

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Đam mê

Những ngày vừa qua rất nhiều các bạn trẻ đã được Tổng thống Mỹ Obama truyền cảm hứng để thành công cũng như thêm quyết tâm để trở thành những công dân toàn cầu. Nhưng liệu nguồn động lực từ Tổng Thống 1 cường quốc sẽ giúp bạn thay đổi tương lai, hay ý chí của bạn cũng lại như những quả bóng bay - sau giây phút căng tròn đẹp đẽ sẽ nhanh chóng xẹp xuống. Cảm giác hừng hực quyết tâm muốn thay đổi của các bạn sẽ kéo dài được bao lâu, hay rồi lại để những thói quen xấu kéo lùi trở lại? "Làm thế nào để chúng tôi có thể thành công được như tổng thống Obama?" là câu hỏi xuyên suốt hội nghị thủ lĩnh trẻ YSEALI vào ngày 25/5 vừa qua. Sẽ có rất nhiều câu trả lời từ những người dẫn đường, những người truyền cảm hứng, nhưng đáp án thì chỉ có bạn mới là người hiểu rõ. "Tôi đã gặp rất nhiều người thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điểm chung của họ là đều rất yêu công việc của mình" - Tổng thống Barack Obama - ++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++ Nhân cơ hội này Ban Biên Tập Góc nhìn Alan xin gửi tới quý BCAs (Bạn của Alan) 1 bài phỏng vấn của Tiến Sĩ về điều này. Lời nhắn nhủ của Tiến Sĩ lúc sinh thời là: "Cần đam mê công việc như một sở thích. Ví dụ, với tôi, việc kinh doanh giống như sáng sớm tôi đánh tennis: lúc thì đánh thắng, lúc thì thua, không quan trọng, quan trọng là mình được chơi một trò chơi. Đó là cái đam mê." Đam mê - TS Alan Phan - Hãy biến suy tưởng, sức mạnh nội tại thành hành động quyết liệt! Biến đam mê thành động lực sống! Chỉ như vậy mới có thể thành công! ++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++ THÀNH CÔNG CHỈ ĐẾN KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG! "Theo ông, đâu là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của những người trẻ mới lập nghiệp? Theo tôi, có rất nhiều xúc tác ảnh hưởng, nhưng có hai yếu tố chính để quyết định sự thành công hay thất bại của các bạn trẻ khi lập nghiệp. Thứ nhất là phải có đam mê: Một thực tế là không có gì dễ dàng trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta, trừ những người có số may mắn, còn lại đều phải làm việc cật lực. Cuộc sống sẽ luôn có những khó khăn này đến khó khăn khác, nếu mình không đam mê sẽ dễ bỏ cuộc. Cho nên cần đam mê công việc như một cái sở thích. Ví dụ, với tôi, việc kinh doanh giống như sáng sớm tôi đánh tennis: lúc thì đánh thắng, lúc thì thua, không quan trọng, quan trọng là mình được chơi một trò chơi. Đó là cái đam mê. Ông Edison ông làm ra bóng điện, ông làm cả ngàn lần thất bại, nhưng ông làm hoài rồi cũng có được một phát minh lịch sử – đó là tạo ra được bóng điện, và chúng ta giờ đây không thắp nến mỗi đêm là nhờ một anh chàng đam mê như thế. Có đam mê thì mới theo đuổi công việc đến cùng. Không có đam mê thì không có thành công bền vững và lâu dài. Thứ hai là kiên nhẫn: Không kiên nhẫn thì thế nào, tới một lúc nào đó mình xoa tay thôi quên nó đi. Phải biết chờ thời. Cũng như mình đi trên đường đời mình không biết khúc ngoặt ở đằng trước là gì, nhưng đôi khi khúc khoặt có thể đem đến cả một tương lai tươi sáng mà mình không thể tưởng tượng được. Ví dụ, năm 1968, sau 5 năm lấy bằng Master ở nước ngoài thì tôi về Việt Nam, lúc đó tôi nghĩ mình chỉ thích làm nghề dạy học, không biết mình thích kinh doanh. Một đêm tôi hẹn hò với một cô đào, nhưng đến giờ hẹn chờ mãi không thấy cô ấy đến. Tôi nhìn qua bên cạnh thấy một người Mỹ lật bản đồ Sài Gòn, tôi hỏi có cần giúp không? Từ mối quen biết này, đã tạo dựng cho tôi một sự nghiệp sau đó. Thế nên, mình không thể ngờ được bước ngoặt ở tương lai của mình, nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Có thể tươi sáng, nhưng cũng có thể đi xuống hố. Nhưng mà cứ phải tiếp tục đi, xuống hố thì lại leo lên, đi tiếp. Tới một lúc nào đó, trong cái phút bất ngờ nhất, mình tự nhiên trở thành “người hùng của thời thế” cũng không biết chừng. Cho nên đam mê và kiên nhẫn tiếp tục đi, tiếp tục cuộc chơi. Hãy xem thất bại là bạn… - Nhưng có một thực tế là không phải người trẻ nào cũng biết được mình đam mê cái gì, và kiên nhẫn cho điều gì, nhiều người muốn khởi nghiệp và khởi sự nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu… Tất nhiên mình cần phải biết mình đam mê điều gì chứ: Mình có thể trở thành một anh nông dân làm vườn, một kỹ sư, chứ không phải lúc nào cũng cần là đại gia, có nhiều tiền… có những điều hạnh phúc rất là giản đơn. Nhưng mình phải biết cái mình muốn là gì, chứ không phải mình chạy theo cái trào lưu của xã hội. Cái xã hội đưa ra có phải mục tiêu của mình không, nếu không phải mục tiêu của mình thì phải xắn tay áo lên đi tìm. Không có gì để trăn trở, lo lắng, nhưng phải biết mình muốn gì. Khi biết mình muốn gì thì bước tiếp là phải đặt kế hoạch. Đặt kế hoạch không phải viết ra vài ba trang giấy rồi nói “đây là kế hoạch của tôi”. Kế hoạch là phải thật chi tiết, rõ ràng. Khi kinh doanh chẳng hạn, mình biết rõ thị trường thế nào, mình muốn như thế nào, sản phẩm của mình là gì, dịch vụ cung cấp ra sao, ai là đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của tôi là gì, tôi có những thế mạnh gì,… phải chi tiết, phải thực tế, đừng hoang tưởng. - Kế hoạch rất chi tiết sẽ giúp cho người trẻ ra quyết định sáng suốt hơn? Đúng vậy! Sau khi có kế hoạch rõ ràng, tiếp đó sẽ phân tích việc mình phải đối mặt với cái gì, phân tích tài chính chi tiết. Tôi có bao nhiêu tiền, tôi hy vọng sẽ kiếm được bao nhiêu doanh thu sau bao nhiêu tháng?! Vì nếu làm ăn mà không có lợi thì đi… làm công chức cho rồi. Ý tôi nói là phải có một phân tích tài chính, không ảo tưởng, mù mờ. Sau khi có đam mê thì đặt kế hoạch đi từ A đến B, sau đó tìm mạng lưới để hợp tác phát triển. Mạng lưới gồm những đối tác mà họ có thể giúp bù đắp những cái mình còn thiếu. Mạng lưới gồm những người lớn tuổi, họ có thì giờ, họ sẽ tư vấn cho mình, cho mình những lời khuyên tốt đẹp. Mạng lưới là những mối quan hệ (những người giỏi về IT, giỏi về tài chính…) sẽ nâng đỡ mình. Sau đó là kiến thức, làm gì cũng phải có kiến thức. Đi tìm, học, đọc…. Tiếp nữa là sức khỏe. Làm gì cũng phải có sức khỏe. Sau gần hai chục năm sống bên Trung Quốc, tôi muốn về Mỹ vì nghĩ ở đó còn nhiều cơ hội. Tôi gặp lại những bạn cũ, và quả đúng, tôi thấy Mỹ có quá nhiều cơ hội, rất năng động, sáng tạo. Phải nói là sáng tạo khủng khiếp. Cuối cùng tôi không ở Mỹ, vì sức khỏe tôi không còn nữa. Tôi không thể làm những chuyện như cách đây mấy chục năm nữa. - Làm việc với những người trẻ ở ta, ông thấy đâu là điểm cần khắc phục nhất ở họ? Khi trở về Việt Nam làm việc, tôi nhận thấy thấy 3 yếu điểm nhất của một bộ phận không nhỏ giới trẻ VN cũng như của giới doanh nhân VN như sau. Tôi muốn tư duy của các bạn tránh vết xe đổ này, bởi đó là kẻ thù của các bạn. Thứ nhất là lười biếng. Chuyện copy-paste, chuyện lười học… là có thật. Đi đến các trường đại học Mỹ thấy sinh viên cầm sách đọc bất cứ lúc nào rảnh, còn mình thì không ít người thích la cà “chém gió”, tối đi nhậu. Đó là việc lười về tận dụng thời giờ, còn có cái lười tệ hại hơn là lười suy nghĩ. Người ta nói sao nghe vậy, không bao giờ đặt lại câu hỏi “tại sao nó lại như vậy”, và “nó thực sự có phải như vậy không?” Tất nhiên các bạn ở đây cũng có một điều kém may mắn là khi lớn lên đã nằm trong một cái hộp và được bảo “nằm im đó”. Gia đình đặt vào, bạn bè đặt vào, xã hội cũng thế… suốt ngày ở trong cái hộp. Hãy đứng dậy đi ra khỏi cái hộp suy nghĩ và tìm tòi. Hiện nay, cuộc cách mạng lớn nhất là Google, nó mang lại kiến thức cho bất kỳ những người nào muốn tìm tòi. Ngày xưa tôi đi tìm đề tài, tôi leo lên thư viện lục tìm sách rất mệt mỏi, nhưng bây giờ tôi chỉ cần nằm nhà bấm bàn phím là có cả ngàn dữ kiện về bất cứ đề tài nào, kể cả chuyện… tán gái (Cười). Thứ hai kẻ thù khác là ỷ lại. Không ít bạn trẻ vì được bố mẹ nuông chiều, thành ra ỷ lại, đến khi ra làm việc ỷ lại vào nhà nước, cơ chế xin-cho, dựa vào những quan hệ… Các bạn mất rất nhiều để tạo dựng cái quan hệ, thay vì tạo dựng sản phẩm, tạo dựng niềm tin cho khách hàng… Thói ỷ lại là kẻ thù của các bạn trẻ. Thứ ba là dễ thất vọng, và bỏ cuộc. Bất cứ hành trình nào cũng có khó khăn, cam go, thử thách, nhưng phải coi những thất bại là bạn bè, thay vì là kẻ thù. Tôi trân trọng sự thất bại, vì nó cho mình nhiều thứ. Mình thành công, say men chiến thắng, mình tưởng mình bất bại,… tạo cho người ta một tính cách tự kiêu, tự đắc, dễ hại mình. Trong khi thất bại cho mình sự suy nghĩ, làm cho mình một chút đủ nhục để kích thích lòng tự trọng, và khi mình chiến thắng thì cảm giác huy hoàng hơn. Cho nên đừng sợ thất bại. Thất bại là những người bạn chứ không phải là kẻ thù. Tôi tin rằng, khắc phục được 3 điểm trên sẽ giúp cho sự nghiệp tương lai của các bạn trẻ đi rất xa.

The post THÀNH CÔNG CHỈ ĐẾN KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG! appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới