Trận Mưa Trái Mùa
Trận Mưa Trái Mùa
Alan Phan
6 Sep 2014
Chiều nay, một cơn mưa lớn chợt đổ xuống Saigon. Mưa xối xả, trời đen nghịt như không còn thấy ngày mai. Tôi định bay đi Bangkok, nhưng nghĩ chắc sẽ có màn đợi chờ bất tận ở phi trường nên phải kêu hủy và đổi lại chuyến sáng hôm sau.
Đứng trên tầng 18 của một chung cư, nhìn cảnh đoàn xe máy và biển người dưới kia đang bì bõm lội nước, tôi thấy bâng khuâng …vì kiên nhẫn của tha nhân và vì cái may mắn của mình. Một mặt, tôi thản nhiên lạnh lùng đến vô cảm, mặt khác tôi hay quay đi che dấu những mặc cảm tội lỗi…dù không biết mình đã làm gì mà guilty?
Guilty chỉ vì đang làm một người bình thường không thể thành siêu nhân như vài mong muốn của người khác? Guilty vì vô cớ tạo ra những xúc cảm nhất thời, phi lý chỉ để xáo trộn bình an nội tại?
Rồi bài Tristesse của Chopin lại tình cờ thánh thót trong playlist. Cốc trà xanh trong tay tôi chỉ chực muốn vỡ tan để rơi theo những giọt mưa tràn ngập ngoài kia. Rơi theo dòng nước vô tình, theo dòng đời quằn quại của những ngày xưa đã vỡ vụn.
&&&&&
Thực ra, tôi gặp My trong một ngày nắng ấm. Bầu trời xanh rực rỡ của ngày xuân, nhưng thật nóng. Cũng như Saigon 1975. Tết đã xong, mọi người quay về với công việc nhưng khá lo lắng về những tin chiến sự từ Cao Nguyên, nhất là những giao tranh quanh Pleiku. Hai chị em My vừa sắp xong bữa trưa ở Thiên Nam, ngôi nhà hàng Pháp hơi xập xệ đường Công Lý gần Chợ Cũ, nhưng chủ bếp thật tuyệt với những món nghề của mình.
Em My, Mai là nhân viên cũ của tôi trước khi chạy qua Esso vì “tiền bạc”, tôi vẫn đùa. Mai thô kệch, hơi mập, nhưng là một nhân viên tôi rất thích vì hiệu năng cao và tính độc lập. Nàng giới thiệu chị nàng, ca sĩ TL, và dù chưa gặp, tôi có nghe qua tiếng tăm. Vào đầu 70’s, Saigon rộn rập với những ca sĩ diễn viên mới được “lăng xê” cùng khắp, như hiện nay. TL nổi danh không vì giọng ca mà vì một chuyện tình gay cấn với một ông tướng trẻ đang đóng dưới Quân Đoàn 4. Dĩ nhiên, liên quan đến vài chuyện đánh ghen và những hầm bà nhằng khác của các cuộc tình tay ba, tay bốn. Tôi chỉ gặp ông tướng có 2 lần trước đây và cũng không theo dõi chuyện đàm tiếu sau hậu trường của thiên hạ.
TL không đẹp, nhưng có thân hình quyến rũ mà thanh nhã. Mái tóc mơ màng trên đôi vai hơi gầy, mắt to và buồn, dù mang vẻ tự tin nhưng cũng cho thấy những sợ sệt, phòng thủ. Tôi đùa với Mai vài câu rồi chia tay. Không suy nghĩ gì thêm về buổi gặp.
Sau đó, tôi quay lại với những bận rộn của tháng ngày đang tệ hại trên đất nước, nhất là khi Ban Mê Thuột thất thủ. Chuyện gia đình, chuyện tài sản, chuyện làm ăn, chuyện nhân viên, chuyện cứu trợ chiến tranh, chuyện dự đoán tương lai, các giải pháp ngắn trước mặt… cho thân nhân, bạn bè…
Cho đến khi Mai dẫn TL đến xin gặp tôi tại văn phòng đường Tự Do. TL nói dù gia đình là Bắc di cư, đạo Công giáo, từ Hố Nai…nhưng lý do nàng muốn tìm cách ra khỏi nước, không phải vì sợ mà nàng đã chán Việt Nam đến tận óc. Nàng nói trình độ Anh ngữ của nàng khá tốt, dù chỉ mới tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc. Nàng lại tháo vát và năng động, kiểu Hà Nội, nàng khoe. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng tối đó, ông tướng trẻ gọi phone. Ông nói,”anh quen biết nhiều người Mỹ, anh lo cho TL dùm tôi. Dù có gia đình, không thể sống chung với TL nhưng tôi yêu nàng vô cùng. Anh cứu được TL là anh cứu tôi. Ơn nơi anh đó”.
Huế rồi Đà nẵng lần lượt mất. Tình thế vỡ trận càng ngày càng đến gần, Nhưng cũng may, tôi lo được cho vợ con lên một chuyến máy bay di tản của hải quân Mỹ, nên cũng tạm yên. Bây giờ chỉ còn nhà máy, nhân viên và sự yêu cầu thường xuyên của các tổ chức từ thiện cũng như của các bạn Mỹ cần người giúp một tay trong việc tổ chức di tản. Mai và TL kêu điện thoại xin gặp mỗi ngày. Mai thì đã có Esso lo tổ chức tháo tán, còn TL thì rất cần tôi giúp đỡ, họ cầu cứu.
Cuối cùng, tôi nghĩ ra một giải pháp cũng tạm ổn. Peter là một đại úy quân lực Mỹ tôi quen cả năm nay qua câu lạc bộ USO gần Tân Sân Nhất. Câu lạc bộ có tổ chức một nhóm gọi là “Sunday Boys”, khoảng 50 người, phần lớn là sĩ quan và công chức dân sự của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Chỉ có mình tôi là Việt và 1 anh sĩ quan Mỹ khác gốc Tàu. Mỗi chiều Chúa Nhật chúng tôi tụ tập uống bia, nói chuyện khào và coi các trận bóng football và baseball truyền qua TV của quân đội Mỹ. Peter tốt nghiệp West Point, mẫu người nghiêm túc, làm cho DAO (cơ quan hành chánh và tiếp liệu của US Armed Forces in Vietnam). Gia đình từ Kansas hay Oklahoma gì đó, ngoan đạo, chưa vợ và không như các bạn trẻ khác, thích đọc sách, mê tìm tòi về các vấn đề chính trị, xã hội…thay vì xuống các khu bán bar trong giờ nghỉ ngơi.
Tôi phone Peter giới thiệu TL vào làm cho DAO. Thường thì thủ tục an ninh lâu lắc nhưng Peter nhận lời ngay vì DAO đang cần thêm nhân viên tin cậy phụ giúp trong việc tiêu hủy các hồ sơ trước khi di tản. Hắn đồng ý trả gấp ba lương, vì công việc chắc cũng kết thúc trong vài tuần. Tôi nói với TL là em làm trong đó may ra kết nối được vào đường giây “di tản” và lợi dụng mọi cơ hội em tìm được. Trong thâm tâm, tôi nghĩ khi Peter gặp TL, hắn sẽ mê ngay, vì vẻ đẹp quyến rũ Đông Phương và vì sự thông minh cùng học thức của nàng. Nếu Peter giúp, chắc chắn TL sẽ có chỗ trên những chuyến bay hàng ngày của DAO ra khỏi Việt Nam.
&&&&&
Tôi hẹn TL vào chiều hôm 20/4 gì đó. Tôi ghé đầu hẽm của đường Yên Đỗ sau bữa ăn trưa; đợi để đưa nàng đến DAO Tân Sân Nhất. Một trận mưa trái mùa, như hôm nay, chợt đổ xuống Saigon như thác nước. Không có điện thoại di động như ngày nay, và hẽm nhỏ xe hơi vào không được, tôi chỉ biết ngồi trên xe chờ. Nhưng đúng giờ, nàng đội mưa chạy ra, hẽm sâu nên áo quần ướt đẫm. Tôi nghĩ đây không phải là thời trang để đi xin việc, nên nói tài xế chạy quanh thành phố, hy vọng chiếc máy lạnh trong xe sẽ làm khô bớt áo quần.
Rồi tôi nhìn lại TL. Chiếc áo dài mầu trắng mỏng, ướt nước cho thấy một thân hình rạo rực căng phồng theo từng nhịp thở. Mái tóc rối tự nhiên tạo một khuôn mặt mới thời sơ khai. Vẻ đẹp thần thoại của một vệ nữ bên bờ suối, cộng hưởng với mùi nước hoa lài, làm da thịt tôi cũng muốn vỡ tung theo ham muốn. Nàng nhìn tôi âu yếm, đôi môi đợi chờ. Không biết chúng tôi đã hôn nhau bao lâu, bao lần…nhưng mỗi khi buông ra để kịp thở, trận mưa ngoài kia và trong này đã xóa mờ mọi ký ức.
Tôi nói tài xế ngừng ở một quán vỉa hè, bỏ ông ta xuống, rồi tôi tự lái xe vào khu rừng cao su phía sau nhà máy nước Thủ Đức. Tôi chạy tuốt vào phía trong, thật sâu, thật xa…đậu xe dưới hai tàn cây lớn và quên đi mọi thứ. Quên suy nghĩ về cơn mưa xối xả vẫn nặng hột trắng xóa khu rừng, quên cả lo lắng về hiểm nguy rình rập chung quanh (ngày đó thường không sợ ăn cướp mà chỉ sợ các nhóm Việt Cộng lẻ tẻ). Quên cả tình hình quân sự chính trị xã hội, quên cả anh hùng và nạn nhân, quên cả cuộc đời sau lưng và toan tính trước mặt. Gần tối chúng tôi mới buông nhau ra và tìm đường ra khỏi khu rừng, quay lại tìm ông tài xế và Saigon. Cơn mưa đã tạnh.
“Tên thật của em là Hoài My, đừng gọi em bằng TL. Em muốn bắt đầu sống thật với mình”. Đêm đó. tôi và My ôm nhau ngủ trong căn phòng riêng của tôi ở khách sạn Continental. Và cả tuần sau đó. Chúng tôi cứ khất chuyện gặp Peter vì cả trăm lý do không rõ ràng. Và tôi cũng chẳng suy nghĩ ra được “giải pháp” khác nào cho My. Cả hai đứa cùng chặc lưỡi,” đến đâu hay đó”. Đâu và đó lại rất mù mờ. Nhưng chúng tôi sẽ có nhau trong những tháng ngày hỗn loạn oi bức. Và chúng tôi đã tìm ra một thanh bình nội tại cho tâm hồn, a separate peace kiểu Hemingway, dù tôi vẫn lăng xăng suốt ngày lo “chữa những đám cháy” chung quanh.
Một tuần sau, ngày 27/4, tôi “dọn” hẳn vào Tòa Đại Sứ Mỹ vì các bạn trong đó cần người phụ toàn thời gian. Tôi dặn ông tài xế, bất cứ biến cố gì xẩy ra, ông chạy đến nhà cô My và chở cô vào Tòa Đại Sứ. Tôi nói với My anh sẽ lo mọi chuyện về giấy tờ. Cũng ổn thôi.
&&&&&
Ngày 30/4, khi không còn gì để chờ đợi, trực thăng đưa tôi ra hạm đội Mỹ ngoài khơi. Trước đó, tôi không thể ra khỏi cổng của Tòa Đại Sứ để tìm My vì đám đông dân xin di tản đang vây quanh trong tuyệt vọng và bắt đầu bạo động. Tôi guilty nghĩ về My, bâng quơ nhìn bóng tối mịt mùng quanh boong tàu và cầu xin một cơn mưa thật lớn xóa nhòa đi cơn ác mộng.
Giữa tháng 5, khi đã định cư ở California, tôi liên hệ với Esso và gọi được Mai đang tị nạn tại Singapore và đang được Esso bảo trợ giấy tờ qua Mỹ. Mai cho biết cả 2 ngày 29 và 30/4, ông tài xế có đưa chị My đến gần Tòa Đại Sứ, nhưng không cách gì lọt qua biển người đang vây quanh. Chị đành về và khóc sướt mướt cả vài tuần sau đó. Tôi thấy lạnh buốt tận đáy lòng, dù California đang chuẩn bị vào hè. Mùa đông của My thì mới bắt đầu.
Vài tháng sau, Mai viết thư báo một tin vui. My vừa lấy “chồng”. Ông xã (?) cũng là một sĩ quan cấp tướng, bên thắng cuộc, làm chức vụ cao ở miền Nam. Nàng đã dọn vào ở một biệt thự ông tướng mới chiếm được trên đường Tú Xương, người hầu kẻ hạ, xe hơi tài xế…tóm lại, một cuộc sống triệu lần “ngon” hơn thời trước 1975. Lòng tôi ấm lại. Tôi biết My sẽ đủ khôn khéo để vượt qua mọi trở ngại và nàng xứng đáng với cuộc đời nhung lụa mới. Tôi không còn bị ám ảnh bởi cảm giác guilty. Cơn mưa lớn ngày xưa đã hoàn toàn tạnh ráo.
&&&&&
Thơi gian lại tiếp tục trôi. Tôi loay hoay với cơm áo gạo tiền cho vợ con, thao thức với tham vọng ngất trời của tuổi trẻ và sự đam mê kinh doanh thường trực. California lại ít mưa. Câu chuyện về My chỉ còn là một âm vang rất nhỏ trong tiềm thức.
Tôi cũng không liên hệ gì nhiều với Mai, dù nàng định cư sau đó ở Texas. Cho đến cuối 1979, Mai lại thư cho tôi về My. Nàng không nói lý do, và tôi không hỏi; nhưng My đã ly dị với ông tướng và đã vượt biên trên một con tàu đánh cá phát xuất từ Hà Tiên. Gia đình đang lo lắng vì cả 2 tháng sau khi vượt biên, không ai nhận được tin tức gì từ nàng hay từ những người cùng đi trên tàu.
Lòng tôi lại chùng xuống vì guilty và bất lực. Tôi tiếp tục hỏi thăm Mai cũng như những thuyền nhân vừa đến các trại tỵ nạn bên Mã Lai, Indonesia…Không ai biết gì, cả năm sau đó.
Một lần đi trên một du thuyền từ Kota Kinabalu về Singapore, tôi mua một bó hoa thật lớn, rồi thả từng cánh dọc theo sóng nước trên eo biển mà tôi nghĩ là ngôi mộ lớn của My. Có lẽ nàng cũng biết. Tôi vừa thả xong nhánh hoa chót, thì trời chợt mưa tầm tã. Cơn mưa ngày nào trên vườn cao su, cơn mưa ngày nào trên số phận đất nước, cơn mưa ngày nào trên nỗi đau của từng con người.
Guilty as charged.
Alan Phan
The post Trận Mưa Trái Mùa appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét