Tin tức Việt

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Mùa mưa và ngày 30.4

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Mùa mưa và ngày 30.4

Tác Giả: 5Xu – Blog 5xu -  24 April 2015

cung vu phu chua

Hôm rồi tôi rủ bạn bè: Ngày 30 tháng 4 phải đi uống bia chứ nhỉ, xét cho cùng thì không có ngày này thì hội mình không có ngồi đây.

Thực ra trong nhà, vợ tôi đã nói như vậy từ hồi mới cưới. Không có 30/4 của mấy chục năm trước thì ta không gặp được nhau thế này. Dù rằng mỗi sáng tháng Tư đi chợ Tân Định, về nhà vợ tôi vẫn bảo: ngoài chợ người ta vẫn nhắc hôm nay họ đánh đến đâu, đánh đến đâu. Ở Sài Gòn, ngoài chợ, có những người bình dân vẫn nhớ những ngày tháng tư ấy, thay vì chào nhau buổi sáng người ta nhắc lại những ngày cuối cùng của mấy mươi năm trước.

Nhóm bạn thì tếu táo: Không có ngày này, chắc tôi sẽ là một thằng con ông cháu cha nho nhỏ, đi du học Bắc Hàn. Không có ngày này chắc em đang ở Hà Nội và hô khẩu hiệu Lê Chủ Tịch muôn năm.

Không có ngày này, chắc chúng ta đang dùng ngôn ngữ mao-ít. Chủ tịch Kim Chính Ân, thay vì Kim Jong Un.

Bạn Chính Ân có mái tóc huyền thoại hóa ra hiểu biết về quyền lực và trị quốc hơn chúng ta. Với tư duy hoàn toàn ngây thơ bạn hiểu rằng một đứa trẻ con không thể nào ôm đống đồ chơi khổng lồ của mình được. Sớm muộn sẽ tuột tay và đồ chơi rơi đi hết. Cách tốt nhất là chia cho bạn bè cùng giữ. Chia cho cùng giữ chứ không phải ban phát cho các đứa bé khác trong gia tộc của mình. Nhiều đế chế lớn tan giã chỉ vì hoàng đế cắt đất phong vương cho các gia tộc lớn .

Gần đây nhất, Chính Ân đã đề xuất cách thức biến Triều Tiên thành thể chế Liên Bang. Kim Chủ Tịch không ngớ ngẩn như trong các tranh biếm họa mà ở Việt Nam chúng ta hay share trên FB để chế giễu, chủ tịch Ân có cái gì đó sâu sắc hơn nhiều.

Sinh ra ở khi đất nước đang chia cắt, lớn lên nước vẫn chia cắt, làm chủ tịch rồi vẫn cắt chia, Kim Chính Ân thừa hiểu rằng, một miền bắc lạc hậu hơn có thể xâm chiếm miền nam tân tiến hơn với thể chế cộng hòa chính danh, chứ Nam Hàn văn minh không thể chiếm được một Bắc Hàn có thể chế cộng hòa, nhiều lực lượng chính trị chia sẻ quyền lực một cách cân bằng mong manh (mà gia đình chủ tịch Kim làm miếng quyền to nhất). Cơ chế Liên Bang mà chủ tịch Kim đang nhắm tới đang là nền cộng hòa như thế. Và sẽ không có 30 tháng 4 ngược ở Triều Tiên. Cậu bé Kim sinh năm 1984 du học ở Thụy Sỹ về, hóa ra không phải là đứa con nít. Nếu phải lựa chọn lãnh đạo đất nước giữa hai: “hoặc là con ông cháu cha du học về, hoặc là một tay ở rừng ở núi ra, (chưa kể chả biết bố nó là ai hehe)”, các bạn sẽ chọn ai? Con nhà tông không giống lông thì giống tóc. Hãy nhìn vào Tập Cận Bình.

Từ ngày bạn Tập Béo lên ngôi, từ chối sống yên ả trong cái bóng của Giang chủ tịch với tuyên bố không làm “hoàng đế nhí”, không làm “vua không quyền”, ở Việt Nam hay nghe tới hội nghị Bắc Đới Hà. Nếu đọc sách về Mao Trạch Đông sẽ thấy Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo Trung Quốc choảng nhau (debate) tan nát thế nào. Cực kỳ quyết liệt. Thế mới khá được. Tiếng Tàu cũng như tiếng Tây, đại từ gọi nhau toàn mày tao. Cứ thử tưởng tượng, ở Việt Nam, đang quen kiểu bác bác chú chú, anh hai anh tư, giờ BCT và TW họp mà cứ mày-tao thẳng cánh trong tranh luận việc đại sự quốc gia, thì chất lượng debate sẽ tiến bộ còn hơn Bắc Đới Hà.

Nói đến Bắc Đới Hà, nhớ đến sách sử viết về xứ Bắc Hà.

Ngày xưa, tất tần tật các phái đoàn ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam, đều do Chúa Trịnh tiếp. Riêng đoàn ngoại giao của Trung Hoa tới Thăng Long thì vua Lê tiếp.

Ngạc nhiên chưa, lịch sử nhấp nháy những tia sáng le lói nhiều khi rất hay như thế về hiện tại.

Chế Lan Viên có một câu thơ nhấp nháy lịch sử bí hiểm vãi chưởng: “Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê”. Rất có thể, quanh Hồ Gươm, cái khu Kẻ Chợ danh tiếng ấy, nằm sát Phủ Doãn, là nơi quyền lực của Chúa bao phủ. Nơi ấy nhắc nhau không bô bô bàn những chuyện vốn chỉ khẽ xôn xao trong Hoàng Thành của vua Lê.

Người Kẻ Chợ từ cái thủa Vua Lê Chúa Trịnh ấy đã bắt đầu quen thói buôn chuyện chính trị vỉa hè. Mọi xì xào trong cung Vua, mọi biến động trong phủ Chúa, dân buôn chuyện vỉa hè hóng hết rồi bình luận hết. Ngày nay vỉa hè ấy thượng lên cả internet.

Rất may trên cyberspace không có chỗ thắp nhang.

Việc nghiêm chỉnh thắp nhang và thành kính cầu xin, bỏ qua yếu tố mê tín, quả thực là một việc có ích. Những lúc thắp hương và thành kính xin một điều gì đó, chính là lúc chúng ta tự nhận thức mình thực sự đang mong muốn cái gì, tin tưởng cái gì sẽ đến với mình nếu mình làm hết tâm huyết. Biết mình thực sự muốn gì, mong mỏi nó đến với mình, chắc chắn lúc thực hiện công việc, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Vậy nên thắp nhang mỗi ngày, không phải chỉ là một thói quen quá ư là mê tín.

Ngày xưa vua quan cũng hay hương khói cúng trời cúng đất mong mỏi điều tốt lành đến với dân với nước. Không biết sau mấy chục năm thay việc thắp hương cho đất nước bằng việc tụng niệm Mác Lê Hồ Mao, kết quả có khấm khá hơn không. Câu trả lời có lẽ hơi bi quan một tí. Ai cũng biết thừa là niềm tin trong cái việc tụng niệm ấy gần như chả có gì.

Ngay cả bạn Tập, trong phát biểu đợt cầu đồng tồn dị vừa rồi, bạn ấy cũng không nói gì đến XHCN nữa. Tất nhiên bạn ấy cũng không nói về 30.4, một ngày kỉ niệm của Việt Nam mà người ngoài, kể cả nước Mỹ đồng minh của miền nam, cũng không bao giờ hiểu cho hết được.

Thực sự năm nào tôi cũng đợi ngày 30.4. Với tôi ngày ấy kết thúc mùa khô với những ngày nóng không thể chịu nổi kéo dài từ sau Tết Âm Lịch, để bước qua mùa mưa mát mẻ hơn nhiều.

5-Xu

  • Suy ngẫm (Theo Dân Luận)

Thương hại thay! Ngưới nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bình mới nghe. Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy.

 

Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học biết xét kỹ thấy xa như thế, còn người nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình.

 

“Đã biết sống thì phải bênh vực nhau” ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: “Không ai bẻ đũa cả nắm” và “Nhiều tay làm nên bột”. Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi lơ láo, sợ sệt, ù lỳ như ngày nay.

 

— Phan Chu Trinh (Đạo đức và Luân lý Đông Tây)

 

The post Mùa mưa và ngày 30.4 appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới