Chuyện “bình thường” xứ Việt ??
Bàn về chữ “lạ”
Tác Giả: VietTuSaiGon – RFA – 17 April 2015
Gần đây, chừng chưa đầy năm năm, ở Việt Nam xuất hiện một cụm từ có gắn với chữ “lạ”, cụm từ đầu tiên có thể nói đến là “tàu lạ”. Kẻ mở miệng nói đến cụm từ này không có ai khác ngoài các đài phát thanh, truyền hình và báo chí nhà nước. Cách nói này nhằm né tránh việc phải chỉ đích danh kẻ đã dùng tàu húc chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam: Trung Quốc.
Càng về sau, chữ “lạ” như một loại dụ ngôn thời thượng của báo chí truyền hình trong nước, chữ này có thể gắn với bất kì thứ gì có tính nhạy cảm. Và sau này, báo giới nước ngoài dùng chữ “lạ” kèm theo một thứ gì đó để nói lên hiện tượng nào đó trong nước như một sự giễu nhại, phiếm đàm. Vì sao lại có chữ “lạ” này? Và vì sao càng ngày cái “lạ” càng phát triển ở một đất nước có chế độ chính trị vốn không muốn bất kì thứ gì lạ, phải nhất nhất tuân phục những chỉ định của chế độ đó?
Ở câu hỏi thứ nhất, có thể trả lời nhanh, vì dốt, vì hèn và vì quá tham. Nhưng tại sao dốt, hèn và tham lại có liên quan đến chữ “lạ”? Vì lẽ, cái dốt đã được che đậy, ém nhẹm suốt mấy mươi năm nay trong một lớp vỏ bọc chủ nghĩa và triết lý giả cầy luôn tôn vinh và ca ngợi chế độ Cộng sản như một thứ siêu nhân, một loại thiên tài vô tiền khoáng hậu của thế giới. Để qua đó, những ai nắm giữ và thực hiện thứ chủ nghĩa, thứ triết lý giả cầy này tự cho mình cái quyền cao quí trong xã hội và tự huyễn hoặc mình thành một loại cận siêu nhân. Một khi đã cận siêu nhân, vấn đề cận siêu nhân quan tâm không phải là tri thức nhân loại mà là những chủ trương mang tính phát sáng có thể là trong đêm rúc hầm hay giữa rừng rậm bỗng giật mình vì tiếng cọp beo gầm rú, tiếng khỉ ho, cò gáy.
Và đương nhiên những chủ trương mang tính phát sáng nơi rừng rú hoặc mang đậm chất rừng rú này chẳng bao giờ hợp với loài người văn minh. Nhưng nó vẫn được bảo lưu và thực hành, áp dụng trên cộng đồng, trên dân tộc. Vô hình trung, cả dân tộc trở thành những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm của chủ nghĩa cận siêu nhân. Kết cục là cái lò thí nghiệm mang tên Cộng sản XHCN ngày càng có nhiều chuột bạch bị mất sức đề kháng, bị súc vật hóa và trở nên yếu nhược, dễ run sợ. Đáng nói hơn cả là mọi tính cách này đều mô phỏng theo tính cách của các cận siêu nhân, bởi họ cũng là một loại thiếu sức đề kháng và chết nhát trước những con chuột bạch to con hơn ở phương Bắc. Cách nói tránh, nói giảm khi bị xúc phạm là biểu hiện của tính cách mang đậm dấu ấn tự ti, mặc cảm thân phận, không đủ sức kháng cự.
Vì không đủ thông minh và khôn khéo để đưa kẻ thủ ác ra trước pháp đình, người ta dễ dàng chấp nhận giải pháp nín nhịn và nói tránh. Nói tránh từ “tàu Trung Quốc” sang “tàu lạ” khi những chiếc tàu Trung Quốc đã công khai húc tàu của ngư dân Việt Nam, cướp bóc và đánh đập ngư dân Việt Nam rồi bắt người về Trung Quốc đòi tiền chuộc là cách nói của những kẻ dốt, thiểu năng về trí tuệ trong cái vỏ bọc, trong sự đội lốt cận siêu nhân.
Và cái dốt thường biểu hiện thông qua tính cách hèn nhát, nhược tiểu, đội trên đạp dưới, đâm bị thóc thọc bị gạo. Tỉ như nếu cấp dưới sai phạm điều gì đó với mình thì dù có bé cũng xé cho to, cũng làm cho người ta khiếp sợ mình để bù lại nỗi khiếp sợ của mình với cấp trên, và khi cấp trên có sai trái thì chỉ biết câm mồm như hến, nói lảng, nói tránh. Còn với, bạn bè, người mới gặp thì tha hồ nói dóc, tán phét… Kiểu như lãnh đạo của một quốc gia mà thể chế chính trị vẫn còn trong tình trạng man di mọi rợ nhưng khi sang một nước lớn, mệnh danh siêu cường quốc như Mỹ thì chỉ nói vài câu bâng quơ, ai hiểu cũng được mà không hiểu cũng không sao bởi ngay người phát ngôn có khi cũng chả hiểu mình đang nói gì nốt, nhưng y lại cho rằng mình “đã phân hóa cái nội bộ ông Obama”!
Và cái dốt cũng kèm theo tính tham lam, bởi không hiểu được bản chất của thế giới chung quanh mình, bởi định nghĩa giá trị con người một cách lệch lạc và không có tri thức để thủ đắc, người ta sẽ bất chấp để thủ đắc thật nhiều vật chất nhằm bù lổ hổng số phận, nhằm thỏa mãn vật dục và xem đó là mục tiêu tối hậu của cuộc đời, xem đó là thứ biểu hiện quyền uy, đẳng cấp… Kết quả là lòng tham vô đáy của bộ máy lãnh đạo đã đẩy cả dân tộc xuống vực sâu của lạc hậu, tăm tối, thiếu quyền con người và không có hiểu biết gì về quyền con người, đất nước chẳng khác gì một cái bãi rác của thế giới.
Và một khi cái ác, lòng tham và sự ngu dốt được che đậy, chuyển hóa trong trạng huống “lạ”, chuyện lạ cứ như thế mà mọc lên như nấm sau mưa, từ tàu lạ đến nước lạ, phát biểu lạ, hành động lạ, căn nhà lạ, lãnh đạo lạ, công dân lạ… cho đến gần đây là “cách giết cây xà cừ lạ” nhằm chỉ những kẻ đang cố tình đốn hạ cổ thụ trong lòng phố Hà Nội, khi bị dân phản đối đã dùng chiêu nạo vỏ cây để cây chết dần chết mòn, sau đó sẽ cho chặt hạ với lý do “cây kém phát triển, có nguy cơ chết khô, gãy đổ, có dấu hiệu lạ…”.
Những cái lạ dần dà, lâu ngày sẽ không còn lạ nữa mà đó là một thứ ứng xử văn hóa giữa con người với nhau, người ta mặc định cái “lạ” ấy là chuyện thường tình trong phố huyện, chuyện diễn ra hằng ngày như cơm bữa mặc dù nó “lạ”.
Và đến một lúc nào đó, như người xưa thường nói là “lộng giả thành chân”, cái “lạ” trở nên quen thuộc, bình thường còn cái bình thường thì bị đánh tráo thành lạ lẫm. Ví dụ như đấu tranh cho quyền con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những quyền cơ bản của con người vốn là chuyện rất bình thường trên thế giới nhưng lại vô cùng “lạ” ở Việt Nam, thậm chí có thể trở thành tội phạm hạng nặng. Trong khi đó, những chuyện rất quái gở như tự hôi của xe tai nạn, đánh nhau đến chết người rồi đốt xác, húc chìm tàu và đánh người, cướp của, cạo vỏ cổ thụ để cây chết mà hợp thức hóa việc chặt cây, tham nhũng… Tất cả được gắn cho một chữ “lạ” để rồi lại diễn ra như cơm bữa, trở thành quen thuộc.
Ở một đất nước, một chế độ chính trị mà cái quái gở được gắn cho chữ “lạ” để biến thành chuyện bình thường còn chuyện bình thường thì lại bị áp đặt thành quái gở, bị đẩy vào lao lý. Có lẽ, đó mới là chữ “lạ” đáng bàn nhất hiện nay!
VietTuSaiGon
The post Chuyện “bình thường” xứ Việt ?? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét