Tin tức Việt

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Chuyện Dài Nợ Nần

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Đại gia lụi tàn, ‘chết chìm’ vì nợ khủng

Tác Giả; Huấn Tú – VEF – 25 May 2015

Thị trường khó khăn khiến doanh thu của các DN giảm mạnh, thậm chí dòng tiền bị đứt mạch. Khó khăn, nợ nần chồng chất khiến các đại gia nhanh chóng lụi tàn, mất tích không còn tăm hơi.

Tàn lụi vì nợ khủng

20150522165145-anvifish-thuy-san-1

Sau 2 năm hủy niêm yết cổ phiếu THV, ông Nguyễn Văn An, chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam không còn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Doanh nghiệp của đại gia từng khá nổi tiếng trên thị trường cà phê cũng bặt vô âm tín. Trong suốt hai năm kể từ ngày bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế năm 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp, Thái Hòa không có thông tin về hoạt động cũng như tình hình thanh toán, trang trải nợ nần.

Sau khi bị hủy niêm yết, THV không đăng ký giao dịch trên Upcom, cũng chẳng công bố báo cáo quý, năm. Báo cáo gần nhất là 6 tháng đầu năm 2013. Những khoản nợ khổng lồ lên đến cả nghìn tỷ với 9-10 ngân hàng, những tài sản mà bên thứ 3 là vợ chồng ông Nguyễn Văn An đưa ra bảo lãnh, cùng thông tin về việc đàm phán nợ nần với các NH không hề được đề cập đến

Thông tin về cổ đông lớn của công ty cũng ít ỏi. Nhiều người không biết, sau khi một số thành viên HĐQT trong đó có bà Ngô Thị Hạnh, vợ của Chủ tịch HĐQT, đã bán hết 6 triệu cổ phiếu với lời giải thích “để có thể có tiền vốn giải quyết khó khăn tài chính cho công ty”, chứ không phải “chạy trước khi công ty có thông tin xấu”. Còn các cổ đông lớn này đã mua lại cổ phiếu hay chưa, giờ còn nắm giữ bao nhiêu, chẳng ai hay.

Sự mất tích của cá nhân vị chủ tịch cùng THV diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất do sử dụng nguồn vốn sai mục đích: dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, chủ yếu là trồng cà phê và cao su.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, THV lỗ lũy kế gần 570 tỷ đồng, bào mòn gần hết 577 tỷ đồng vốn điều lệ.

Một đại gia khác cũng bế tắc không lối thoát do nợ nần lớn là ông Phạm Văn Thụ, TGĐ Công ty TM Công nghiệp Thái Sơn. Khối nợ 570 tỷ đồng đã nhấn chìm một “DN tiêu biểu” của Hải Phòng. Sự sụt giảm giá sắt thép do khủng hoảng kinh tế cùng với việc DN lún sâu vào các dự án dang dở khiến Thái Sơn mất khả năng thanh toán nợ. Những hành vi lừa đảo cũng bắt đầu từ đây. Cuối cùng, DN nợ hàng chục NH cả nghìn tỷ đồng. Hàng loạt các công ty con đã được bán đi nhưng đây không phải là cách có thể thoát được sự nợ nần đầm đìa.

Chết vì nợ nần, làm ăn lớn

Giữa tháng 3/2015 vừa qua, CTCP Nam Vang (NVC) đã bị phạt 60 triệu đồng do chậm công bố báo cáo quản trị 2013. Nam Vang là một DN trước đó niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng hoạt động kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và bị hủy niêm yết cách đây đúng một năm, ngày 26/5/2014.

DN của ông chủ Lê Văn Vang này đã thua lỗ nặng nề, cả chục quý liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu NVC trước khi bị hủy niêm yết chỉ còn 1.000 đồng/cp và còn nợ các NH trên 400 tỷ đồng, không biết lấy nguồn đâu để trả. Nam Vang mất bóng trên thị trường.

Giống như Thái Hòa, CTCP Alphanam (ALP) của đại gia Nguyễn Tuấn Hải cũng đã khiến các cổ đông lao đao khi liên tục thua lỗ nhiều năm liên tiếp. DN này đã liên tục thực hiện các chiến lược mua bán thâu tóm mà cái lợi có thể còn ở tương lai xa.

Cổ đông thực sự mù thông tin về các DN này khi mà các ông chủ mất dạng sau thua lỗ, nợ nần. Các NĐT không còn thấy DN nói gì tới đại hội cổ đông, tới các báo cáo tài chính mà họ có quyền được biết, được tham dự.

Cái chết” của Công ty Cổ phần Việt An – Anvifish (AVF) cũng đã được báo trước khi DN này vay nợ quá nhiều. Cú lỗ kỷ lục trong năm 2014 cùng với sự vắng mặt của cổ đông lớn, sự biến động nhân sự chủ chốt cùng hành động âm thầm bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AVF (6,92%) để ra nước ngoài trị bệnh của nguyên chủ tịch Lưu Bách Thảo là những báo hiệu đen tối đối với DN này.

Tập đoàn Đại Dương (OGC) của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm đứng trước nguy cơ lợi nhuận bị ăn mòn gần nghìn tỷ đồng do đầu tư vào Ocean Bank. Ocean Group có thể sẽ từ lãi chuyển thành lỗ. Tài sản bị bào mòn, vốn chủ sở hữu tụt giảm sẽ khiến khoản nợ gần 7.500 tỷ đồng (trong đó có 4.800 tỷ nợ ngắn hạn) trở thành gánh nặng chưa biết bao giờ mới giải phóng được.

Rất nhiều DN vài năm qua đã không thể xoay sở do nợ nần chồng chất. Nhiều DN lớn cùng với các ông chủ nổi tiếng nhanh chóng lụi tàn và biến mất trên thị trường.

Thị trường khó khăn khiến doanh thu của các DN giảm mạnh, thậm chí dòng tiền bị đứt mạch. Trong khi đó, vì nợ quá nhiều nên chi phí tài chính luôn ở mức rất cao.

Trường hợp của Thái Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2013, tập đoàn này gần như bị đứt mạch dòng tiền, doanh thu vỏn vẹn chưa tới 1 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới 84 tỷ đồng, trong đó lãi vay 36 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn gần 2.000 tỷ đồng với phần lớn là nợ ngắn hạn khoảng gần chục NH là áp lực vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Văn An cho rằng, những điểm xấu của Thái Hòa bộc lộ sớm giúp DN thấy được sai lầm và nhanh chóng tìm hướng giải quyết. DN này đã đàm phán thành công với nhiều NH để chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn – bước thành công ban đầu trong công cuộc tái cấu trúc DN. Tuy nhiên, vấn đề là bao giờ DN mới trả hết nợ, bao giờ Thái Hòa mới lấy lại được vị thế đầu ngành kinh doanh cà phê?

ina capital0150523113229-no-nan3

Đại gia miền Tây: Bản lĩnh vay ngàn tỷ rồi chuồn lẹ

Tác Giả; Huấn Tú – VEF – 25 May 2015

Nhiều “anh Hai” nổi lên như những đại gia lừng lẫy ở khu vực đồng bằng Nam Bộ nhưng khó khăn, nợ nần nghìn tỷ khiến hàng loạt doanh nhân bỏ trốn, để lại đống nợ cho người khách gánh chịu.

Bỏ của chạy lấy người

Ngày 12/05/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) đã có quyết định hủy niêm yết 43,33 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Việt An – Anvifish (AVF) từ ngày 10/6. Đây thực sự là một cú sốc đối với rất nhiều NĐT. Với chỉ duy nhất cổ đông nắm giữ trên 1 triệu cổ phiếu, AVF có một số lượng cổ đông nhỏ lẻ rất lớn.

AVF lên sàn hồi cuối 2010 với giá gần 20 nghìn đồng/cp. Tới cuối 2014, cổ phiếu này chỉ còn 3.000 đồng và hiện tại chưa tới 1.000 đồng/cp.

Anvifish bị hủy niêm yết là do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, liên tục chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2014. Theo báo cáo công ty tự lập, năm 2014, AVF thua lỗ kỷ lục, lên tới 892 tỷ đồng, khiến vốn điều lệ cuối năm 2014 bị âm 368 tỷ đồng

Chỉ với “thành tích” thua lỗ tự khai báo kỷ lục như vậy, nếu không có gì thay đổi sau kiểm toán, AVF cũng sẽ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, AVF còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Đó là sự vắng mặt của cổ đông lớn, sự biến động nhân sự chủ chốt của AVF mà DN này nhiều lần “quên” công bố thông tin.

Giữa năm 2014, một loạt thành viên HĐQT Anvifish, trong đó có nguyên chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Lưu Bách Thảo đã đồng loạt từ nhiệm. Ông Thảo đã âm thầm bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AVF (6,92%) để ra nước ngoài trị bệnh. Các thành viên HĐQT khác bao gồm bà Lê Thị Lệ Thủy, bà Phùng Hoàng Trâm Anh, ông Daniel Yet và ông Nguyễn Quốc Tín cũng đồng thời có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Trước đó, đại gia thủy sản miền Tây, Lâm Ngọc Khương của Thủy sản Phương Nam cũng đã bỏ trốn để lại khoản nợ 1.600 tỷ đồng khiến 25 nguyên lãnh đạo chi nhánh, phòng chuyên môn của 5 NH bị truy tố vì vi phạm trong cho vay.

Thủy Sản Phương Nam

Thủy Sản Phương Nam

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, từ 2008-2012, Phương Nam đã được vay nhiều nghìn tỷ và phần lớn sử dụng sai mục đích. Dù DN liên tục thua lỗ, “đại gia” Lâm Ngọc Khương đã chỉ đạo lập khống hàng chục báo cáo, văn bản giấy tờ để được vay NH.

Cuối 2011, Khuân cùng vợ Trần Thị Mỹ lấy lý do sang Mỹ chữa bệnh để trốn nợ, ủy quyền cho con gái Lâm Ngọc Hân làm giám đốc, ủy quyền cho con Lâm Ngọc Khoa sở hữu các tài sản cá nhân đã dùng thế chấp NH. Con gái đại gia này sau đó cũng xuất cảnh trở về Mỹ để lại DN nợ ngập đầu NH.

Ở Mỹ, Khuân – Mỹ – Hân sau đó đã ủy quyền cho một thành viên HĐQT thay mặt công ty giải quyết và có thư xin lỗi các NH vì không có khả năng thanh toán nợ. Hàng loạt đàn em của Khuân cùng các đối tác, bạn bè phải ra hầu tòa. Các NH ngậm ngùi chia xác Phương Nam.

Vợ chồng đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) Diệu Hiền – mẹ chồng hotgirl MC Quỳnh Chi từng nổi như cồn tại khu vực ĐBSCL, nhưng khối nợ NH và người dân cả nghìn tỷ đồng cũng đã khiến nữ doanh nhân này bỏ Bình An lại cho các chủ nợ, đi chữa bệnh ở Mỹ, rồi về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

Nhiều ông chủ của các DN có tên tuổi ở ĐBSCL như Thủy sản Thiên Mã, Đông Nam, An Khang,… vốn hùng mạnh một thời cũng kẻ “chết”, người thoi thóp, hoạt động cầm chừng. Nhiều đại gia để lại món nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Hệ quả, các NH, chủ nợ buộc phải xâu xé cái xác còn lại của các DN thủy sản chết yểu. Nhiều cán bộ ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh tù tội.

Vay nhiều, làm lớn, chết nặng

Hàng loạt vụ vỡ nợ, đổ bể của các đại gia ngành thủy sản gần đây cho thấy một thực tế làm ăn không dễ dàng và nợ nần chồng chất của rất nhiều DN tại khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo tự lập, tới cuối 2014, AVF âm vốn chủ sở gần 370 tỷ đồng trong khi đó nợ ngắn hạn lên tới 1.562 tỷ đồng. Doanh thu cũng chỉ đạt chưa tới 230 tỷ đồng.

Ông Lưu Bách Thảo thành lập Anvifish năm 2007, cổ đông lớn là các thành viên trong gia đình. Sự lên ngôi của con cá tra, cá basa đã giúp Anvifish phát triển như vũ bão với 2 xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày. Quy mô vốn của AVF liên tục tăng từ 50 tỷ lên 225 rồi 433 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng vèo vèo lên hàng nghìn tỷ đồng, đi kèm theo đó là hàng loạt các khoản vay NH khổng lồ phục vụ cho những dự án đầu tư nhà xưởng, kho bãi hoành tráng. Thị trường đi xuống, kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao đã khiến AVF nhanh chóng lao dốc.

Trong báo cáo giải trình hồi đầu tháng 2/2015, AVF cho biết điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, cùng với sự biến động của các cổ đông chủ chốt và những chênh lệch lớn về chỉ tiêu tài chính,… là những nguyên nhân khiến DN lao dốc.

Năm 2014, từ 512 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, sau khi đánh giá lại, AVF chỉ còn gần 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho kém phẩm chất đã là mối đe dọa trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.

Cuối năm 2014, ông Trần Tấn Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải – một đại gia thủy sản ở Cà Mau, đã bị bắt để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho tới khi bị bắt, ông Hải đã vay cả trăm tỷ đồng từ NH và lãi không đóng lũy kế lên đến 50 tỷ đồng. DN nhiều năm chỉ sản xuất cầm chừng, không tiền trả lương cho công nhân.

Với “đại gia” Lâm Ngọc Khuân do không nắm bắt được thị trường đã khiến Phương Nam liên tục thua lỗ. Tình cảnh nợ nần càng thêm trầm trọng bởi sở thích xài sang ít ai bì kịp. Tuy nợ đầm đìa nhưng Khuân vẫn xây lâu đài hoành tráng, mua căn hộ cao cấp tại khu Phú Mỹ Hưng,… Tính tới trước khi bỏ trốn, ông Khuân nợ các NH gần 1.600 tỷ đồng, con số thất thoát lên tới 500 tỷ đồng.

Huấn Tú

 

The post Chuyện Dài Nợ Nần appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới