Stress Trong Đời Sống
Stress là dấu hiệu cho thấy cuộc sống có ý nghĩa
Thu Thảo – Business Insider/ Trí Thức Trẻ – 6 May 2015
Cảm thấy stress chứng tỏ bạn đang làm gì đó thật sự quan trọng với mình, chẳng hạn như phỏng vấn để ứng tuyển công việc bạn mơ ước hoặc chăm sóc con cái.
- Mọi người thường cho rằng stress đồng nghĩa với việc cuộc sống gặp trục trặc và tìm cách chống lại hoặc chịu đựng stress.
- Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kelly McGonigal, stress lại là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang dồn tâm huyết vào việc mình làm. Điều đó cho thấy cuộc sống của bạn có ý nghĩa và bạn cần nhận thức được lợi ích của stress.
Tiến sĩ Kelly McGonigal, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học sức khỏe, luôn muốn giúp mọi người có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Bà dành phần lớn thời gian khuyến khích mọi người tránh xa stress và những tác hại của nó.
Tuy nhiên, khi phát biểu tại hội thảo 99U tổ chức tại New York ngày 30/4, McGonigal lại nói bà đã thay đổi cơ bản phương pháp quản lý stress của mình vài năm gần đây. Bà hiểu rằng stress không phải vốn đã có hại. Các nghiên cứu mới đưa ra hai lý do sau.
Trước hết, stress và sự lo lắng có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn rất ý nghĩa. Thông thường, cảm thấy stress chứng tỏ bạn đang làm gì đó thật sự quan trọng với mình, chẳng hạn như phỏng vấn để ứng tuyển công việc bạn mơ ước hoặc chăm sóc con cái.
Lý do thứ hai đơn giản là việc nhận thức được lợi ích của stress có thể giúp bạn đương đầu với nó.
McGonigal chia sẻ: “Mỗi khi bị stress, chúng ta thường coi đó là dấu hiệu cho thấy cuộc sống chưa thỏa đáng hoặc thật khủng khiếp. Nhưng cách bạn nghĩ về stress lại đóng vai trò quan trọng trong việc stress ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn như thế nào”.
Ví dụ, bạn nằm trong số rất nhiều người coi stress là một thứ tiêu cực và cố tránh xa nó bằng mọi giá. Do vậy, có thể khi bạn lâm vào một tình huống căng thẳng, chẳng hạn như phỏng vấn cho công việc yêu thích, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone stress như cortisol, ở mức cao hơn. Các hormone này có thể gây hại đến hệ miễn dịch và sức khỏe của bạn.
Nhưng hãy thử nghĩ trường hợp bạn tham gia cuộc phỏng vấn đó và hiểu rõ những lợi ích tiềm năng của stress. Các nghiên cứu cho thấy, việc này không chỉ giúp bạn phản ứng sinh lý tốt hơn mà rất có thể còn giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của sự đấu tranh và học hỏi từ nó.
Thách thức đối với McGonigal hiện nay không phải là giúp mọi người giảm lượng stress gặp phải mà cần thuyết phục họ ngừng chống chịu nó. Theo bà, stress “không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn có gì đó bất ổn”. Trái lại, cảm thấy stress nghĩa là bạn hoàn toàn dồn tâm huyết cho những gì mình đang làm.
Vì vậy, nếu bạn toát mồ hôi tay hay thấy run chân trước một cuộc phỏng vấn, có thể việc tự nhắc bản thân phải bình tĩnh sẽ không mấy hữu ích. Thay vào đó, hãy thử nghĩ theo hướng mới như lời khuyên của tiến sĩ McGonigal. Nỗi hoảng loạn sẽ lắng xuống trước khi bạn kịp nhận ra.
Người thành công xử lý Stress như thế nào?
Tác giả: Bernard Marr – CFO – 10 Mar 2014
90% những người thành công nhất thường biết cách kiềm chế cảm xúc của họ trước những áp lực trong công việc. Do đó, họ có thể giữ được bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả
Một cuộc khảo sát từ TalentSmart chỉ ra rằng 90% những người thành công nhất thường biết cách kiềm chế cảm xúc của họ trước những áp lực trong công việc. Do đó, họ có thể giữ được bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Người thành công xử lý Stress như thế nào?
Đây sẽ là bài học vô cùng bổ ích cho chúng ta, không chỉ áp dụng được trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Các nhà khoa học cho biết mỗi chúng ta phải đối mặt với stress khá thường xuyên trong cuộc sống ngày nay. Tuy vậy, stress không phải lúc nào cũng xấu bởi ở một mức độ vừa phải, nó giúp chúng ta làm việc một cách tối ưu hơn.
Dù vậy, quá nhiều stress sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về tâm sinh lý. Do đó, sẽ tốt hơn nếu mỗi người chúng ta biết cách để đối mặt với vấn đề này bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công.
Thông qua cuộc khảo sát, chúng ta cũng nhận ra đa số những người thành công thường có một vài chiến lược chung trong việc quản lý stress như dưới đây:
1. Luôn trân trọng những gì họ đang có
Nghe qua thì có vẻ khá cổ điển, nhưng thực tế đã chứng minh việc luôn trân trọng những gì đang có là một cách tốt để giảm áp lực và giữ được một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Khi có một cái nhìn lạc quan hơn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, và dĩ nhiên, làm việc cũng năng suất hơn.
2. Luôn lạc quan
Có vẻ nói thì luôn dễ hơn làm? Thỉnh thoảng thôi. Những người thành công thường có xu hướng nhìn thấy cơ hội từ một cuộc khủng hoảng, tích luỹ được những bài học quý giá từ thất bại thay vì phải đau buồn với những gì đã xảy ra. Hãy tưởng tượng bạn đang ủ rũ trong một thất bại gần nhất, thay vì buồn bực như trước, hãy tự hỏi bản thân “Mình có thể học được gì từ thất bại này hay làm thế nào để tránh phải những sai lầm tương tự như vậy?”. Bạn sẽ thấy bớt tiêu cực ngay thôi.
3. Tập trung vào sự tiến bộ, không phải sự hoàn hảo
Không có ai hoàn hảo, kể cả những người giàu nhất trên thế giới này. Nếu được hỏi, họ cũng sẽ nói với bạn điều tương tự mà thôi. Những tỷ phú như Bill Gates hay Richard Branson đều có những thất bại trong quá khứ. Nhưng điều quan trọng là họ đều thất bại một cách khôn khéo, rút ra bài học từ những thất bại đó và đi tiếp. Rất nhiều người trong chúng ta thường tôn thờ sự hoàn hảo nhưng đôi lúc bỏ qua nó sẽ giúp bạn loại bớt được một gánh nặng đấy.
4. Có những thói quen nhất định
Một trong những nguyên nhân chính gây ra stress là số lượng quyết định chúng ta cần đưa ra trong một thời gian ngắn. Bất kể đó là quyết định lớn hay nhỏ, chúng sẽ đều tạo gánh nặng cho bộ não và khiến chúng ta cảm thấy áp lực. Việc giữ những thói quen đều đặn thường ngày như: trả lời email vào cùng một thời gian, ăn trưa tại một quán ăn quen thuộc, hoặc chỉ đơn giản là tối giản hoá tủ quần áo sẽ giúp bạn ít phải suy nghĩ hơn cho những điều không thực sự cần thiết. Thậm chí Tổng thống Obama cũng từng nói đến điều này trong một buổi phỏng vấn:
“Bạn có thể thấy tôi hay mặc bộ vest màu xanh hoặc xám bởi tôi luôn luôn cố gắng giảm bớt số quyết định mình cần đưa ra. Tôi cũng không muốn mình phải nghĩ hôm nay sẽ ăn gì hay mặc gì. Lý do ư? Tôi còn rất nhiều quyết định quan trọng khác cần phải đưa ra trong ngày…”
5. Luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh
Điều cuối cùng, những người thành công thường có khả năng luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh thay vì chỉ tập trung vào một vài điểm vụn vặt. Cụ thể hơn, có những lúc thay vì tìm hiểu “Làm như thế nào”, hãy tự hỏi “Tại sao”. Bạn sẽ bớt “đau đầu” ngay thôi.
Hy vọng rằng những chiến lược trên sẽ có ích cho bạn. Chúng ta ngày càng bận rộn, vì thế hãy biết cách đối phó với stress một cách khéo léo để cuộc sống trở nên dễ thở hơn.
Về tác giả:
Bernard Marr từng tốt nghiệp tại ĐH Cambridge (Anh) và hiện đang là CEO của Advanced Performance Institute, một tổ chức giúp các doanh nghiệp quản lý, đánh giá và nâng cao năng lực nhân viên. Bernard còn là cây viết nổi tiếng cho các tạp chí như Financial Times, CFO Magazine và Wall Street Journal và là 1 trong 100 tác giả nổi tiếng nhất (Influencer) trên mạng xã hội LinkedIn.
The post Stress Trong Đời Sống appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét