TPP Và Chính Trị Mỹ
Tự do thương mại và tự do phương hại
Tác giả: Nguyễn-Xuân Nghĩa – Người Việt – 18 May 2015
Vấn đề tự do thương mại, Dự Luật TPA và Hiệp Ước TPP
Hoa Kỳ có thể mất tư thế lãnh đạo kinh tế thế giới không do sự “quật khởi hòa bình” của Trung Quốc mà vì sự khai quật ồn ào của khái niệm bảo hộ mậu dịch trong chính trường Mỹ.
Hai chục năm sau Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA, được ban hành năm 1994 vào thời Tổng Thống Bill Clinton, Quốc Hội khóa 114 đang có cơ hội thông qua một hiệp ước tự do thương mại còn quan trọng hơn nữa. Đó là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, sau 20 vòng đàm phán với 11 nước trong vành cung Thái Bình Dương mà không có Trung Quốc. Song song, Hoa Kỳ vừa qua vòng đàm phán thứ chín với 28 nước Liên Hiệp Âu Châu để hoàn tất Hiệp Ước Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương T-TIP.
Cả hai văn kiện đều cần tới một dự luật cho phép Hành pháp quyền thương thuyết với các đối tác theo thủ tục nhanh gọn cho tới khi hoàn thành thì đệ trình lưỡng viện Quốc Hội biểu quyết trọn gói bằng đa số trên 50%. Dự luật đó là Trade Promotion Authority, TPA, vừa được hai Ủy Ban Liên Hệ của Hạ và Thượng Viện thông qua để xin lưỡng viện phê chuẩn hầu có thể tái tục đạo luật TPA bị Đảng Dân Chủ gạt qua một bên từ năm 2012.
Tích cực vận động cho dự luật TPA để hoàn thành Hiệp Ước TPP trong năm nay là Tổng Thống Barack Obama. Ông là người tân tòng, mới theo, chủ trương tự do mậu dịch sau khi đả kích Hiệp Ước NAFTA năm xưa và đã do dự gần một năm với Hiệp Ước TPP. Khi cầm quyền, ông thấy ra giá trị của tự do thương mại cho kinh tế Hoa Kỳ. Nhiều vị dân cử bên Đảng Dân Chủ thì chưa.
Chúng ta khởi sự với chuyện kinh tế trước. Sau đó mới là chính trị.
***
Hoa Kỳ có 5% dân số toàn cầu và buôn bán với 95% dân số còn lại, nơi mà trung bình thì các nước vẫn còn hàng rào quan thuế là 9,8% mà Hoa Kỳ muốn hạ thấp để mở rộng khả năng trao đổi. Trong số 95% này, Hoa Kỳ có hiệp ước tự do thương mại với 20 thị trường, nơi tiếp nhận đến 47% tổng số xuất cảng của mình. Đấy là vài con số khái quát về thực tế kinh tế.
Trải qua nhiều thập niên trao đổi theo nguyên tắc tự do tối đa với tối thiểu cản trở về thuế suất hay hạn ngạch, Hoa Kỳ đã thừa cơ hội kiểm điểm sự lợi hại của tự do thương mại.
Văn phòng Đại Diện Thương Mại Của Hành Pháp (USTR), do một đại sứ của tổng thống cầm đầu, có minh chứng điều ấy qua các dữ kiện thương mại trong phạm vi đàm phán của mình (xin tìm vào mạng ustr.gov). Nếu hoài nghi quan điểm của “người trong cuộc,” ta có thể kiểm điểm sự lợi hại, và cả lý luận gian dối của các chính khách, nhờ mạng Factcheck.org, một chương trình của trung tâm Annenberg về Chính Sách Công Quyền thuộc Phân Khoa Truyền Thông Trong Đại Học Pennsylvania.
Đầu Tháng Năm vừa qua, Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế của tổng thống, gồm các chuyên gia kinh tế có thực tài do tổng thống bổ nhiệm với sự phê chuẩn của Thượng Viện, còn công bố phúc trình hơn 50 trang về mối lợi kinh tế đó. Xin tìm vào http://ift.tt/1HvJFev để biết cả chục lý do, kể cả môi sinh và nhân quyền, khiến Hoa Kỳ nên thúc đẩy Hiệp ước TPP, T-TIP.
Và trước đó, Quốc Hội nên thông qua dự luật TPA.
Nói vắn tắt, những lý luận cho rằng hiệp ước thương mại chỉ là sản phẩm của tư bản là các đại tổ hợp Mỹ, làm nhân công mất việc, môi sinh bị hủy hoại, v.v… đều thuộc phạm vi chính trị và thiếu cơ sở thực tế về kinh tế. Từ 70 năm nay, chẳng lẽ Hoa Kỳ theo đuổi việc đó vì quyền lợi của một thiểu số và gieo họa cho đa số còn lại?
Thế thì vì sao vẫn còn có người chống?
Hai tuần qua Hoa Kỳ làm thế giới chưng hửng vì sau khi cổ võ tự do thương mại lại gặp trở ngại ngay trong Đảng Dân Chủ của tổng thống và từ các thành phần xã hội xưa nay vẫn ủng hộ ông Obama. Chúng ta cầm tìm hiểu nghịch lý này.
***
Khi ký kết một hiệp ước thương mại với những quy định mới về quyền cạnh tranh mở rộng, ngần ấy phe trong cuộc đều phải thay đổi quy cách làm ăn, và càng cải tiến tổ chức để nâng cao năng suất theo luật chơi mới thì càng có lợi. Nhiều người không thể thay đổi nên vẫn chống cái mới. Đây là chuyện đã có mọi thời và mọi nơi.
Hoa Kỳ là quốc gia có khả năng cải cách cao nhất nên cạnh tranh với người và với chính mình một các tích cực nhất và hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng chẳng phải vì vậy mà không có người chống đối. Họ không theo kịp con tàu lăn bánh nên đứng bên lề mà rủa xả.
Các nghiệp đoàn Mỹ là trường hợp điển hình khi mất dần đoàn viên trong ngành chế biến, nên nhân danh thợ thuyền họ dồn bạc triệu cho các chính trị gia đấu tranh cho mình. Tuy nhiên, số đoàn viên của các nghiệp đoàn công chức (kể cả giáo chức) hoặc nhân công của nhà thương và dịch vụ thì không giảm. Thành phần này không phải cạnh tranh về năng suất với nhân công thế giới mà vẫn chống cả TPA lẫn TPP là vì lý do chính trị.
Cũng gì lý do chính trị hơn kinh tế, các nghiệp đoàn Mỹ lặng lẽ bảo nhau bỏ qua cho Hillary Clinton, ứng cử viên sáng giá của họ trong Đảng Dân Chủ. Bà Hillary cùng Tổng Thống Clinton đã từng ủng hộ tự do mậu dịch và Hiệp Ước NAFTA. Trong cuộc tranh luận vừa qua, bà khéo lách để khỏi nói ra quan điểm thiếu “phải đạo” với quần chúng truyền thống của mình, và các nghiệp đoàn cũng như báo chí cánh tả đều tránh đẩy bà vào chân tường.
***
Đảng Cộng Hòa cũng chẳng là vô can trong trò chơi chính trị này.
Với đa số 54-44 (và hai nghị sĩ Độc Lập thường bỏ phiếu Dân Chủ) tại Thượng viện 100 ghế, và với đa số 244-188 tại Hạ Viện có 435 dân biểu, Đảng Cộng Hòa có thể thông qua dự luật TPA để hoàn thành Hiệp Ước TPP theo chủ trương truyền thống của đảng là cổ vũ tự do thương mại để phát triển kinh tế. Nhưng trong đảng vẫn còn người bỏ phiếu chống y như bên Dân Chủ.
Lý do là họ không muốn trao cho hành pháp Obama quá nhiều quyền hạn. Đấy là tính toán sai lầm cho thấy sự thiển cận và cố chấp của một số người trong Đảng Cộng Hòa.
Hành pháp Obama chỉ có toàn quyền thương thuyết một hiệp ước thương mại thôi, để rồi sau đó lưỡng viện Quốc Hội cùng cứu xét và biểu quyết, sớm lắm là cuối năm nay. Chứ dự luật TPA không cho ông Obama được đơn phương hành động về các lãnh vực khác, như trong hiệp ước hòa giải với Iran, Cuba hay trong lãnh vực di dân. Vả lại, nếu thành hình, TPA sẽ có thời hiệu năm năm: Thắng lợi TPA năm nay có giá trị cho năm năm tới khi Hoa Kỳ có thể sẽ có một tổng thống Cộng Hòa
Huồng hồ, ra khỏi chính trường nội địa, Hoa Kỳ còn phải ứng xử với các nước khác.
***
Trung Quốc đang chiêu dụ các nước Á Châu Thái Bình Dương với Ngân Hàng Phát Triển BRICS hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB) và nhất là Con Đường Tơ Lụa Trên Biển và Trong Đất Liền (Nhất Đới Nhất Lộ). Từ năm 2011, như song hành với Hiệp Ước TPP, Bắc Kinh đàm phán Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership- RCEP) với 10 nước trong Hiệp Hội ASEAN cùng năm nước là Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Đây là một cuộc thi đua Mỹ-Hoa về ảnh hưởng và quyền lợi kinh tế trong một khu vực chiến lược.
Giữ vị trí bản lề trong cuộc đua là Nhật Bản có nền kinh tế đứng hạng ba của thế giới. Nhật đã khởi xướng sáng kiến RCEP nhưng từ năm 2013 mới gia nhập cuộc chơi của TPP. Thủ Tướng Shinzo Abe đã tung vốn liếng chính trị vào vòng đua TPP để nhờ đó tiến hành cải cách bên trong để phục hồi kinh tế Nhật, và chính quyền Abe sát cánh với Hoa Kỳ khi từ chối tham gia vào dự án ngân hàng AIIB của Bắc Kinh.
Nhìn như vậy, Hoa Kỳ nên tăng cường sức mạnh cho đồng minh Nhật Bản để lập thế đối trọng với Trung Quốc. Hiệp Ước TPP nằm trong chiều hướng chiến lược đó.
Kết luận ở đây Hoa Kỳ đang có cơ hội chứng tỏ khả năng lãnh đạo, ít ra trong lãnh vực kinh tế. Nếu bị phản ứng bảo hộ mậu dịch và nhiều tính toán cục bộ kéo lui về quá khứ thì mặc nhiên nước Mỹ thoái thác vai trò chiến lược của mình – và bị phương hại trong nhiều lãnh vực khác.
The post TPP Và Chính Trị Mỹ appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét