Thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn
Thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn
Theo AP – Thiên Hà - Một Thế Giới – 10 July 2015
Những ngày qua, tin tức liên tục về sức khỏe suy yếu trầm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến cho giới đầu tư cả thế giới hoang mang. Điều quan trọng nhất, nếu thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn thì khi đó một cuộc khủng hoảng kinh tế mới lại bắt đầu.
Sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ngày nay rất quan trọng với thế giới, đặc biệt là khi nước này đã là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu và thế giới chỉ mới phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính vào 7 năm trước nên việc thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn có thể làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái một lần nữa.
Thật khó có thể tin, chỉ một năm trước bỗng nhiên thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng một cách kinh khủng khi mà chỉ trong vòng 7 tháng vốn hóa toàn thị trường tăng gấp đôi, số công ty niêm yết lên sàn cũng tăng chóng mặt, thế rồi chỉ trong vài tuần qua từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường này đã bốc hơi hơn 30% khiến chính phủ Trung Quốc phải ra tay bảo vệ thị trường.
Bảo vệ bằng mọi giá
Trung Quốc đã làm mọi cách để bảo vệ thị trường chứng khoán của mình, dù đa phần phương thức của họ chỉ có lợi trong tính ngắn hạn.Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị hoãn lại, các quy định về cho vay ký quỹ chứng khoán được nới lỏng, thậm chí các nhà đầu tư được phép dùng căn nhà của họ để cầm cố vay tiền mua cổ phiếu.
Chính sách trên không ăn thua, thế là ngày 27.6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số ngân hàng thương mại.
Vài ngày sau, PBoC “tung tiền” ra cung cấp hỗ trợ tài chính cho một nhóm gồm 21 công ty môi giới chứng khoán cam kết mua 120 tỉ nhân dân tệ (tương đương 19,3 tỉ USD) cổ phiếu và nắm giữ lượng cổ phiếu này trong 1 năm để kìm đà giảm giá
Tiếp đó, ngày 8.7, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc ban lệnh cấm cổ đông với cổ phần trên 5% tại các công ty niêm yết, các nhà điều hành doanh nghiệp và thành viên hội đồng quản trị bán ra cổ phiếu trong vòng 6 tháng.
Giá vẫn giảm kịch sàn
Nhưng cho đến nay, các động thái trên của Bắc Kinh hầu như không phát huy được tác dụng cứu thị trường nếu không muốn nói là chúng còn làm khủng hoảng lòng tin của các nhà đầu tư hơn trước.
Kể từ mức đỉnh thiết lập hôm 12.6, chỉ số Shanghai Composite Index đến nay đã sụt khoảng 32%, trong đó có những phiên chỉ số này sụt trên 5%.
Áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc căng thẳng đến nỗi vào ngày 8.7, khoảng 1.300 công ty niêm yết đã dừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc, khiến lượng cổ phiếu trị giá 2,6 nghìn tỉ USD bị đóng băng, tương đương 40% tổng mức vốn hóa của thị trường.
Ngày 7.7, đến lượt thị trường chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường đại lục rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market), hôm 8.7 tới lượt thị trường chứng khoán Mỹ cũng bị lôi theo đà giảm giá.
Sẽ kéo kinh tế Trung Quốc xuống bùn
Lo lắng trước “sức khỏe” của thị trường chứng khoán Trung Quốc, mặc dù so với năm ngoái giá trị toàn thị trường vẫn đang ở mức tăng 8%, nhưng IMF vừa thông báo dự đoán mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc chỉ là 6,8%.
Con số 6,8% vẫn có thể là một con số cao so với mặt bằng chung của thế giới, tuy nhiên đối với Trung Quốc việc tăng trưởng dưới 7% một năm có thể được xem là trì trệ, và nguy hiểm vì Trung Quốc vốn là một nước xuất khẩu chính.
Khi bong bóng chứng khoán vỡ, nó cơ cản trở những nỗ lực giải cứu các công ty bất động sản, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nợ đầm đìa của chính phủ Trung Quốc.
Những “bữa tiệc” tín dụng và đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng và các dự án nhà ở đã giúp nước này đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm 10% trong thời gian từ 1980 – 2012. Giờ đây, kinh tế Trung Quốc chỉ còn tăng trưởng 7% mỗi năm và ngập trong nợ nần từ việc thị trường nhà đất bị tụt giảm.
Không chỉ có như vậy, chứng khoán gần đây được xem là một kênh huy động vốn hữu hiệu của những công ty đáng lý ra phải phá sản. Cứ lên sàn là có “một mớ tiền”, để tránh điều đó xảy ra, những công ty này như những tế bào ung thư thay vì phải được loại bỏ khỏi nền kinh tế, thì lại được “di căn” sang thị trường chứng khoán.
Kết quả là nếu lấy hệ số giá/thu nhập (P/E) là căn cứ để so sánh, các cổ phiếu thuộc chỉ số Shanghai Composite Index đắt gấp 3 lần so với cổ phiếu ở bất kỳ thị trường nào trong số 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.
Trung Quốc bưng bít các vụ tự tử vì chứng khoán?
Thảo Mai – Bizlive – 11 July 2015
Nạn nhân đầu tiên là các tờ báo dám đưa tin về những vụ tự tử vì chứng khoán, tờ Epoch Times cho hay.
Sau khi bứt phá lên đỉnh cao 7 năm vào tháng Sáu, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã quay đầu “rơi tự do”. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải sụt tới 29% chỉ trong vài tuần.
Tính từ khi thị trường chạm đỉnh vào ngày 12/6, hơn 2,5 nghìn tỷ USD giá trị cổ phiếu đã bốc hơi, nhóm lên một cơn hoảng loạn chính trị.
Bộ Tài chính và các nhà môi giới lớn đã ra tay, hứa hẹn bơm gần 20 tỷ USD vào thị trường để ổn định giá cả.
Tính đến ngày 8/7, gần một nửa số công ty đã ngừng giao dịch trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến. Điều này đồng nghĩa giá cổ phiếu sẽ bị đóng băng tại thời điểm giao dịch cuối cùng, “nhốt” luôn vốn liếng của nhà đầu tư.
Ngoài thị trường, chính quyền Bắc Kinh cũng có những biện pháp mang tính “đặc thù”: Dập tắt các tin đồn không có lợi, hô hào người dân tiếp tục bỏ tiền mua cổ phiếu thông qua các đầu báo nhà nước.
“Nạn nhân” đầu tiên của chiến dịch này là các tờ báo dám đưa tin về những vụ tự tử vì chứng khoán.
Ngày 4/7, Ủy ban điều hành chứng khoán Trung Quốc tuyên bố xử phạt ba công ty truyền thông Trung Quốc vì đã đưa “thông tin giả mạo”. Văn Phòng an ninh công cộng còn được huy động hỗ trợ vụ việc.
Những bài báo bị điều tra vì đưa tin về các vụ nhảy lầu hay tự sát tại Trung Quốc thời gian qua. Tuy nhiên giới chức tuyên bố các vụ việc này không xuất phát từ việc nạn nhân mất tiền vì chứng khoán. Họ cũng không trình bày chi tiết quy trình đi tới kết luận này.
“Chính quyền Trung Quốc đang ra sức điều tra nguồn gốc của những tin đồn để người dân không dám đăng tải lên mạng những vụ tự tử vì chứng khoán”, ông Zhu Xinxin, cựu biên tập viên tại Đài Phát thanh nhân dân Hà Bắc, cho hay.
Bắc Kinh lo ngại những thông tin thất thiệt như vậy có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Ông Zhu cho biết trong quá khứ, những vụ thị trường chứng khoán sụp đổ từng gây ra tình trạng hoảng loạn trong người dân.
Khi các thông tin tiêu cực bị xóa sổ, thì nhiều đầu báo nhà nước như Tân Hoa Xã hay Nhân dân nhật báo hối hả chạy tin ca ngợi thị trường với những dòng tít rất kêu như: “Tự tin trong việc duy trì một thị trường chứng khoán ổn định”, “Niềm tin vào thị trường chứng khoán ổn định và lành mạnh” hay “Giao dịch chứng khoán là một quá trình trau dồi”.
Một trong các bài báo khẳng định: “Thị trường đã trải qua 20 năm phát triển. Nó hoàn toàn có khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng tạm thời lần này. Thật nguy hiểm khi bán tháo thiếu suy nghĩ khi chỉ số đi xuống, trong khi thực tế là thị trường đang được điều chỉnh”.
Song hành theo đó là những câu chuyện giàu có qua đêm nhờ chứng khoán.
Tờ Legal Evening News đưa tin cụ bà Sun 78 tuổi đã dành 20.000 nhân dân tệ (3.215 USD) để mua cổ phiếu vào năm 1994. Tính đến ngày 10/6, trị giá của của chúng đã vọt lên 600.000 nhân dân tệ (96.500 USD).
“Tôi dự đoán và giao dịch cổ phiếu bằng cách theo sát các chính sách của chính phủ”, tờ báo dẫn lời bà Sun.
The post Thị trường chứng khoán đổ sập sẽ cuốn kinh tế Trung Quốc xuống bùn appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét