Bài Toán Tỷ Giá = Giá Trị Thực Của Việt Nam Đồng?
Điều chỉnh tỷ giá và bài toán được – mất
Lê Thúy – TBKD – 3 June 2015
(GNA: Nếu 2011, tỷ lệ lạm phát 18.72% là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thì tỷ giá năm 2015 sẽ thử thách mọi kết luận về thực trạng)
Neo giữ tỷ giá có lợi cho ổn định vĩ mô, lạm phát và cân đối cán cân ngân sách… Nhưng bất lợi sẽ là nguy cơ đầu cơ chợ đen do trục lợi tỷ giá, giảm giá trị xuất khẩu, tăng nhập siêu và ngân sách không đủ thu.
- Việc neo giữ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đang tích lũy những bất ổn tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu có thâm dụng lao động.
- Nếu VNĐ định giá cao 10%, khiến sản lượng ngành công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động có thể giảm 7,65% và xuất khẩu giảm 11,64%.
- Từ nay đến cuối năm, room tăng tỷ giá sẽ không còn trong khi thị trường ngoại hối quốc tế đầy rẫy biến động, sẽ khiến thị trường tài chính năm 2016 có nhiều diễn biến khó lường.
“Đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc), Yen (Nhật Bản) hay Euro (EU) đang phá giá rất mạnh so với trước, các nước đều thực hiện chính sách thả nổi đồng tiền của mình để có
lợi cho xuất khẩu và thực hiện các chính sách: tăng việc làm (Nhật Bản), thúc đẩy xuất khẩu (Trung Quốc), trả nợ công (một số nước EU), trong khi đó Việt Nam lại thực hiện chính sách neo giữ tỷ giá cứng 2%/năm…”, đó là quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh về vấn đề tỷ giá được chia sẻ tại lễ Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 28/5.
Tỷ giá lại thêm nóng!
Dựa trên báo cáo này, các chuyên gia của VEPR một lần nữa khẳng định: Việc neo giữ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đang tích lũy những bất ổn tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu có thâm dụng lao động.
Theo đó, nhóm tác giả này khẳng định, việc chỉ điều chỉnh 2% tỷ giá trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh các đồng tiền mạnh thế giới đang phá giá mạnh khiến đồng tiền Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh và chứa đựng nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu khẳng định việc neo giữ tỷ giá đang là rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt là rủi ro về đầu cơ và trả nợ công.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR: “Việc duy trì tỷ giá VNĐ/USD ổn định danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh đã giảm giá trong năm 2014 sẽ khiến VNĐ ngày càng bị đánh giá cao, khiến bất lợi cho xuất khẩu. 5 ngành bị tác động tiêu cực từ VNĐ cao là: nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Hai ngành hưởng lợi từ VNĐ cao là công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn và ngành dịch vụ”.
Bất ổn tiềm tàng
Bằng các mô hình kinh tế, nhóm tác giả báo cáo chỉ rõ những tác động của neo giữ tỷ giá, từ năm 2011 – 2014, VNĐ đang có xu hướng lên giá và đang được định giá cao từ 7 – 11%. Công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh.
Nếu VNĐ định giá cao 10%, khiến sản lượng ngành này có thể giảm 7,65% và xuất khẩu giảm 11,64%. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng lên 33,17% nếu VNĐ được định giá cao hơn 10%. Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế sang Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Trước thực tại trên, thay mặt nhóm nghiên cứu, Ts. Thành kiến nghị: “Việt Nam cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức giá cân bằng. Trong đó, bước đầu tiên cần phải để tỷ giá thực tiền đồng tiếp tục gia tăng và đòi hỏi mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa cần phải lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới”.
Nên điều chỉnh thêm 1% tỷ giá?
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, đã hai lần NHNN điều chỉnh tỷ giá, một lần vào tháng 1/2015 và lần tiếp theo vào tháng 5/2015. Như vậy, với tuyên bố chỉ điểu chỉnh tối đa 2% tỷ giá năm nay, “room” cho điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm đã cạn. Ngày 27/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN vẫn kiên định mục tiêu giữ biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay.
Bình luận về vấn đề này, ở góc độ khác, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: việc neo tỷ giá cứng làm gia tăng nguy cơ “hai thị trường” tồn tại và nảy sinh các vấn đề cần quản lý. Một là thị trường chính thức liên ngân hàng và thị trường giao dịch tỷ giá hối đoái lậu ngoài “chợ đen” như những năm 2011, 2012. Neo giữ tỷ giá trong khi tỷ giá thực cao hơn sẽ phát sinh nhóm lợi ích, tổ chức đầu cơ mua ngoại tệ ngân hàng để bán ngoài thị trường tự do nhằm trục lợi, gây bất ổn vĩ mô đối với nền kinh tế và các khu vực DN.
“Theo tôi, NHNN nên điều chỉnh linh hoạt tỷ giá tăng thêm 1% từ nay đến cuối năm thay vì giữ cứng 2% như hiện nay. Từ nay đến cuối năm, room tăng tỷ giá sẽ không còn trong khi thị trường ngoại hối quốc tế đầy rẫy biến động, sẽ khiến thị trường tài chính năm 2016 có nhiều diễn biến khó lường”, ông Hiếu trăn trở.
Báo cáo thường niên Kinh tế năm 2015 cũng chỉ rõ những tác động của hội nhập đối với ngành ngân hàng, trong đó có hai khía cạnh là: những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng do khả năng nội tại cũng như môi trường bên ngoài tác động.
Vì vậy, sẽ có hai kịch bản được đặt ra để đánh giá sức chịu đựng của các ngân hàng được xây dựng theo hai cách khác nhau. Kịch bản đầu tiên xây dựng mô hình VAR cho các biến số vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế như tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất cho vay và tỷ giá VND/USD; và mô hình ARIMA cho chỉ số VN-Index, để đưa ra dự báo và lựa chọn các sự kiện “đuôi” 1% trong hàm phân bố xác suất.
Kịch bản thứ hai quan sát chuỗi các biến vĩ mô trong giai đoạn quý I/1996 đến quý IV/2014 và lựa chọn những thời điểm các biến số vĩ mô này bất lợi nhất cho nền kinh tế. Từ hai kịch bản này, các tác giả tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng sau năm 2015, đồng thời ước tính chi phí tái cấp vốn cho toàn bộ hệ thống.
TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright
Vấn đề nóng nhất lúc này là tỷ giá, chúng ta cần phải điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường bởi với đồng Việt Nam yếu sẽ có lợi cho xuất khẩu, tăng ngoại tệ và trả nợ quốc gia. Không nên bảo hiểm tỷ giá toàn bộ nền kinh tế như hiện nay bởi các đồng tiền mạnh trên thế giới đã giảm giá. Trong các thứ mạnh lên, mọi người đều đáng mừng, riêng sự mạnh lên của đồng tiền thì không. Đồng tiền của một quốc gia mạnh lên thì cạnh tranh với quốc tế bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh của quốc gia bị ảnh hưởng nhiều.
TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR
Theo quan điểm của tôi, nhóm nghiên cứu đã có đề xuất từ nhiều năm trước là nên có điều chỉnh liên tục trong những năm qua bởi vì đó là thời kì lạm phát thấp thì việc ảnh hưởng của lạm phát do tỷ giá thay đổi cộng vào trong lạm phát đang thấp này thì đó không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng rất tiếc là thời gian vừa qua, chúng ta cố gắng duy trì tạo ra dư địa về không gian chính sách vĩ mô nhiều hơn nên chưa điều chỉnh tỷ giá, vì vậy các nhà chính sách cần sử dụng không gian hạn hẹp như vậy. Khuyến nghị của chúng tôi nên điều chỉnh tỷ giá hàng năm một cách đều đặn, có khung về chênh lệch giữa VNĐ và USD, để chúng ta lấy lại tỷ giá thấp hơn cho tương lai.
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Việc neo giữ tỷ giá như hiện nay sẽ có nhiều rủi ro cho kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn như: rủi ro đầu cơ, gia tăng nhập siêu, thất thu cho ngân sách và chi tiêu của khách du lịch quốc tế tăng lên do giá đồng Việt Nam đắt. Các nước linh hoạt điều chỉnh tỷ giá là do dự trữ ngoại hối của họ bằng đồng USD dồi dào như Trung Quốc, Nhật Bản… nên điều chỉnh tỷ giá đối với họ không gây nhiều tác động đối với kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, ở Việt Nam, các yếu tố này không cho phép nên NHNN vẫn phải sử dụng các biện pháp cứng để điều tiết thị trường. Đây là một việc cực chẳng đã và không thể tránh khỏi những tác động ngược.
The post Bài Toán Tỷ Giá = Giá Trị Thực Của Việt Nam Đồng? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét