Tin tức Việt

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Quan Chức, OPM và Vinh Quang

Nguồn tin: Góc nhìn Alan

Nửa nghìn tỷ sắm xe công và con ‘quan’ chê vinh quang

Tác Giả: Kỳ Duyên – Tuần VN – 30 May 2015 –

Bất cứ ở thời đại nào, thời cuộc nào, dù chiến tranh hay xây dựng đất nước, sự ứng xử công bằng với mọi số phận công dân không chỉ hạn chế lãng phí nguồn nhân lực, mà còn chính là một thước đo văn minh, nhân bản của XH đó.

Nước Việt có nổi những thước đo đó không, để góp phần xóa đi những bất công còn đang hiện hữu?

chua-1

Gắn liền với tệ nạn tham nhũng, có một hiện tượng nguy hại không kém, nhưng có vẻ như ít “lọt mắt xanh” của XH, mặc dù cũng là thứ “sát thủ thầm lặng” của sự phát triển. Đó là hiện tượng lãng phí. Mà dân gian thường mỉa mai- tiền chùa í mà!

 

“Cha chung không ai khóc”

 

Gọi là tiền chùa, bởi đó là thứ tiền coi là thuộc về của chung, không phải của riêng, nên người ta không có trách nhiệm, và không biết tiếc.

 

Nhưng thực chất, tiền chùa vẫn có địa chỉ rõ ràng- đó là tiền thuế của dân.

 

Cũng chính vì quan niệm là thứ tiền không phải của mình, chả cứ cá nhân quan chức nào, mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng rẻ rúng tiền chùa vô tội vạ. Tại buổi tọa đàm góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật Ngân sách nhà nước, có đại biểu thẳng thắn: “Việt Nam tiêu tiền tùy tiện nhất thế giới”( Đất Việt, ngày 19/5).

 

Có chuyên gia nước ngoài từng thốt lên “Ăn uống, tiếp khách ở Việt Nam một tháng bằng chi cả một năm ở Châu Âu (nước họ)”!

 

Câu chuyện tiền chùa lập tức xới lên trên các trang báo, những thông tin đắng lòng, tưởng đã im lìm… chìm xuồng. Đó là những công trình, những dự án tiền tỷ đi vay, chịu sự ràng buộc bởi các quy định của ngân hàng trong nước, các ODA quốc tế, nhưng xây xong thì thân phận bẽ bàng trơ gan cùng tuế nguyệt.

 

Sự sử dụng một cách lãng phí tiền chùa vô cùng đa dạng, và bất công. Tiền chùa bỗng trở thành một miếng giữa đàng.

 

Trước đó, tháng 11/2014, báo Lao động cho biết, trong phiên QH thảo luận về tái cấu trúc kinh tế, các ĐBQH đã thông tin, nhiều công trình bị bỏ hoang, trong khi dân không có nhà ở. Nhiều dự án vay vốn ODA không tính toán kỹ, gây lỗ, mất khả năng thanh toán nợ. Ngược lại ở Cà Mau, 250 nghìn người dân ở hai huyện Đầm Rơi, Ngọc Hiển (Cà Mau), sau 40 năm thống nhất đất nước, vẫn không có nổi một con đường để đi lại, đến mức họ có cảm giác bị bỏ rơi.

 

Trong khi đó, ngay tại Thủ đô HN thôi, có rất nhiều cao ốc triệu đô, rồi Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ được đầu tư tới 50 triệu USD, được kỳ vọng là bệnh viện quốc tế 05 sao, sau khi xây dựng xong phần thô, cũng bị bỏ hoang. Rút cục, kỳ vọng của người dân tan như sương khói. Mà con số những công trình kiểu này không hề ít. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường HN cho thấy, HN có khoảng 500 dự án đã được phê duyệt, giao đất nhưng đang “đắp chiếu” (VnMedia, ngày 19/5).

 

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 21/5, riêng năm 2014, VN chi gần 500 tỷ đồng mua mới 507 xe công cho các bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, chỉ mới năm trước, 2013, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Chính phủ đã đề nghị không mua sắm xe công từ năm 2015. Phải chăng năm 2014 vì thế là năm ô tô công… chạy nước rút?

 

Vì sao, tiền chùa bị rẻ rúng đến vậy, dù nó thấm đẫm mồ hôi lao động một nắng hai sương của người dân.

 

Hay bởi nó là tiền chùa, nhân danh ngân sách nhà nước, nên không ai của đau con xót?

 

Hay bởi tâm lý – tiền của các dự án ODA là tiền tài trợ, không hoàn lại, hoặc trả lãi thấp, nên các địa phương có quyền vung tay quá trán?

 

Trong khi những câu hỏi đó còn treo lơ lửng, thì một vụ việc gây ồn ào như một minh chứng sinh động về thân phận tiền chùa bất ngờ nổi lên mới đây. Đó là vụ  nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi nghìn tỷ ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) sắp khai tử (VietNamNet, ngày 22/5).

 

Sau 06 năm bỏ hoang, Vạn Lợi đang chuyển dần thành “vạn hại”.

nha may thep

Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi nghìn tỷ ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) sắp khai tử.

 

Mà không “vạn hại” sao được, khi tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó khoảng 85% là vốn của các ngân hàng cho vay (trên tổng mức đầu tư dự án), chủ đầu tư chỉ có 15%, giờ các hạng mục như đống sắt vụn. Nhưng chìm nổi theo Vạn Lợi, rất có thể là một loạt các ngân hàng nổi tiếng….

 

Vụ việc Vạn Lợi- “vạn hại” đang làm tốn giấy mực của báo chí, bởi nó không phải vụ việc lãng phí đầu tiên, cũng không phải vụ việc cuối cùng. Có điều cái chết dần dần của nó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ một loạt vấn đề: Năng lực thẩm định dự án, sự dễ dãi cho vay tiền của các ngân hàng, việc sử dụng công nghệ rẻ tiền của nước ngoài?…

 

Đặt vụ việc “vạn hại” này trong bối cảnh vấn nạn tham nhũng, lãng phí tiền chùa sống nhăn nhở, như là … chuyện thường ngày ở các ngành, các cấp, liệu có liên quan gì đến những con số nợ công của quốc gia, rất đáng giật mình?

 

Theo trang Truyenthongso.net.vn, ngày 05/5, nếu năm trước, 2014, mỗi người Việt gánh khoảng 896 USD nợ công, thì tới thời điểm sáng 04/5, số nợ công trên đầu người đã lên tới 979,77 USD (khoảng hơn 21 triệu đồng VN). Tiền nợ cứ tỷ lệ thuận với thời gian?

 

Trả lời báo Đất Việt ngày 19/5, GS.TS Đặng Đình Đào (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD HN) cho hay, theo quan điểm của Bộ Tài chính, nợ công của VN hiện nay không đáng lo ngại, hiện vẫn ở dưới mức cho phép là 65%. Tuy nhiên, đó là do quan niệm chưa thống nhất về nợ công. Bởi cách tính nợ công ở đây không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhưng cũng theo ông Đặng Đình Đào, cách tính nợ công đó chưa phản ánh đúng nguy cơ thực tế.

 

Trong điều kiện như vậy, VN vẫn tiếp tục đi vay thêm mà các khoản vay lại chủ yếu là để… trả nợ. Hơn nữa, trong cơ cấu, nợ ngắn hạn rất lớn, tốc độ tăng nợ lại nhanh hơn tốc độ tăng GDP, nên rõ ràng nợ công đe dọa an ninh tài chính quốc gia (!)

 

Liệu điều đó đã đủ sức cảnh báo các bộ, ngành, các cấp phải có giải pháp ngăn chặn hiện tượng lãng phí hiện nay?

 

Chắc chắn, chỉ có cơ chế quản lý công khai, minh bạch mới có thể kiểm soát được các khoản chi tiêu của các cơ quan công quyền, có khả năng hạn chế tình trạng quản lý lỏng lẻo, tạo điều kiện cho lãng phí- thất thoát- “cặp đôi bất trị” quay cuồng ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào.

 

Mặt khác, Luật chi tiêu công mới đã được bổ sung. Nhưng thói quen giám sát và quản lý lỏng lẻo, khiến cho hiện tượng luật đi đằng luật, lãng phí đi đằng lãng phí vẫn ngựa quen đường cũ. Như vậy, cùng với văn bản luật, thì rút cục, hành động- siết chặt công tác giám sát và quản lý vẫn là điều kiện quyết định.

 

Đáng chú ý nhất vẫn là ý kiến của các chuyên gia khi cho rằng, có hai điều kiện quan trọng không kém, gắn bó nhau chặt chẽ: Đó là giảm bớt tới 1/3 số nhân sự của các bộ máy công quyền. Làm cho thu nhập của bộ máy này tăng lên 50%, và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chi tiêu công.

 

Liệu khi đó, đã hy vọng người Việt biết “cha chung vẫn khóc” chưa?

 

“Nhường vinh quang” cho con nhà nghèo?

 

Trong tuần, nổi lên về một hiện tượng lãng phí không kém lãng phí tiền chùa, phản chiếu xung quanh những trao đổi của các ĐBQH về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) Đó là lãng phí nguồn nhân lực.

 

Có rất nhiều những quy định còn bất cập, chưa hợp lý của dự thảo này về thời điểm đăng ký NVQS, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, quy định NVQS phổ thông.., nhưng có một vấn đề được dư luận XH ồn ào bàn tán. Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH đặt câu hỏi vì sao, đối tượng nhập ngũ hiện nay vẫn chủ yếu là con em nông dân, đồng bào dân tộc. Đây cũng là hai loại đối tượng thiệt thòi nhất trong XH. Trong khi đó, con nhà giàu, con cán bộ, quan chức lại ít phải nhập ngũ?

 

Tại cuộc báo cáo, chỉnh lý dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 21/5,đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phải đặt câu hỏi: Nói NVQS là vinh quang, nhưng đối tượng nhập ngũ chủ yếu vẫn là con em nông dân, đồng bào dân tộc. Tại sao vẫn còn nhiều con em nhà giàu, con em cán bộ không “nhận”? Ông cũng nói thêm: “Vinh quang có lẽ chỉ thuộc về con em nông dân”.

 

Hóa ra, thành ngữ nước chảy chỗ trũng từ xa xưa đến thời hiện đại vẫn ứng nghiệm, với con nhà giàu, con sếp.

 

Còn khái niệm “vinh quang” trong trường hợp này, bản chất là những khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, thua thiệt, mà con em nông dân luôn phải gánh.

 

Nhưng cái sự “nhận” vinh quang hay không “nhận” giờ đây cũng rất tế nhị, cho dù cùng là lực lượng quân ngũ bảo vệ chính quyền. Đó là khi ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền so sánh: Vào ngành X. thì làm đơn, xét duyệt tranh nhau, còn đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc. Và ông không lý giải thêm.

 

Không lý giải tức là đã… lý giải!

 

Chia sẻ quan điểm này của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) cũng cho rằng, ở đâu cũng vẫn còn nhiều dư luận về hiện tượng tiêu cực- trốn tránh không thực hiện Luật NVQS. Do đó, Điều 42 dự thảo luật cần bổ sung theo hướng: Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được công khai tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác (VOV, ngày 21/5).

 

Những phát biểu thẳng thắn đó đã để lại dư vị buồn, nhưng đó là thực tế đời sống hôm nay.

 

Mỗi thời cuộc, mỗi thời đại đều có những thước đo riêng về thang giá trị. Có những thước đo hay. Lại cũng có những “thước đo” đậm đặc mùi vị kim tiền. Ví như con cái nhà giàu, con sếp, thước đo thời nay rất hấp dẫn: Đó là “1-2-3-4”. Có nghĩa là một vợ, hai con, ba lầu (nhà ba tầng), bốn bánh (xe con) (theo GDVN, ngày 25/5).

 

Chỉ con nhà nghèo, vẫn… rứa, theo công thức “3-3”- cơm ba bát, áo ba manh.

 

Đã có một thời, NVQS là trách nhiệm thiêng liêng của bất cứ người thanh niên nào, không phân biệt số phận giàu nghèo, con quan chức hay con thường dân. Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng cầm súng lên đường làm tròn bổn phận. Chính vì thế, mà nước Việt mới có ngày nay, với chủ quyền, độc lập và tự do dân tộc. Chính vì thế, trong đội ngũ những người con ưu tú của dân tộc đã mãi mãi nằm lại với cát bụi, cỏ cây, có không ít con em các gia đình giàu có, khá giả, con em các vị cán bộ lãnh đạo, bên cạnh con em các gia đình nông dân, con nhà nghèo.

Trước Tổ quốc, lòng yêu nước, sự dấn thân và hy sinh máu xương của mọi công dân là bình đẳng.

 

Nhưng giờ đây, thời yên bình…

 

Không ai phủ nhận, mục đích xây dựng một XH dân giàu, nước mạnh, XH dân chủ công bằng, văn minh là điều tốt đẹp, mà nước Việt đang hướng tới. Nhưng hành trình phát triển của một XH, thoát thai từ phong kiến, chiến tranh, đói nghèo, từ những mò mẫm về lý luận mô hình XH, vẫn luôn có những bất cập, bởi tầm nhìn và tư duy hạn hẹp, xơ cứng.., vô tình vẫn luôn tồn tại những bất công không tránh khỏi. Sự bất công có thể nảy sinh ở bất cứ lĩnh vực nào.

 

Tỷ như trong quản lý, đặc quyền luôn gắn với đặc lợi.

 

Tỷ như trong kinh tế, kinh tế NN là chủ đạo.

 

Tỷ như trong giáo dục, hiện tượng trường chuyên lớp chọn.

 

Và nay, trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Có những bất công, phải tạm thời chấp nhận, như trong giáo dục. Trường chuyên lớp chọn vẫn là một giải pháp tình thế lâu dài, để tạo nguồn trò giỏi, hứa hẹn đội ngũ nhân lực cao trong tương lai.

 

Có những lĩnh vực, XH đang dần điều chỉnh, để có thể hướng tới hội nhập hiện đại, như trong kinh tế.

 

Có những lĩnh vực, cần được kiểm soát bằng một thiết chế giám sát, công khai và minh bạch.

 

Và có những lĩnh vực, phải được điều chính từ văn bản quy phạm pháp luật, mà Luật NVQS, là rất cụ thể, điển hình.

 

Bởi dù bất cứ ở thời đại nào, thời cuộc nào, dù chiến tranh hay xây dựng đất nước, sự ứng xử công bằng với mọi số phận công dân không chỉ hạn chế sự lãng phí nhân lực, mà còn chính là một thước đo văn minh, nhân bản của XH đó.

 

Nước Việt có nổi những thước đo đó không, để góp phần xóa đi những bất công còn đang hiện hữu?

 

Kỳ Duyên

 

 

 

The post Quan Chức, OPM và Vinh Quang appeared first on GÓC NHÌN ALAN.


Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới