Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hết thuốc trị?
Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hết thuốc trị?
Tác Giả: Đào Lê – Thế Giới Tiếp Thị – 12 June 2015
Câu chuyện lòng đường, vỉa hè bị đánh chiếm một lần nữa được xới lên: các phương tiện truyền thông “tả thực” các tuyến đường kiểu mẫu của TP.HCM với vỉa hè vô tư trưng dụng mua bán, kinh doanh.
Chính quyền cho rằng luôn luôn “mạnh tay” xử lý, nhưng tại họ… lì. Còn người bị cho là “lì” cho rằng, họ sẽ “tâm phục, khẩu phục” nếu như lực lượng kiểm tra, xử lý làm việc công tâm.
Phận mọn chỉ còn nước chạy và chết
Một nhà báo có trụ sở đóng trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, đầu tuần qua đã phải lên Facebook thốt lên bực tức: mới sáng sớm, đã phải vắt giò lên cổ chạy hai lần bởi “cái tội” ăn và uống càphê sáng trên vỉa hè, đối diện cơ quan.
Theo ông, cũng là lấn chiếm lòng lề đường mà sao những quán nhậu cùng tuyến đường được mở sáng đêm? Vì sao dân nghèo vỉa hè chống đối người thi hành công vụ, như anh chàng quang gánh ở Bình Thạnh cách đây hai năm, bị đánh, trói như heo bỏ lên xe chở về đồn?
Thực sự, chuyện tréo ngoe xảy ra hà rầm ở thành phố này. Nhiều người dân quận 3 ắt vẫn còn nhớ đến vụ một vị nguyên là lãnh đạo cơ quan báo chí vào quán ăn ở đường Điện Biên Phủ, gửi xe có thẻ đàng hoàng, nhưng khi lực lượng chức năng đến dẹp lấn chiếm vỉa hè thì lại đòi chủ xe nộp phạt. Và nữa, trong buổi tối “dẹp loạn vỉa hè” hôm đó, chỉ duy nhất quán ăn kể trên bị xử phạt, còn các quán lân cận bình yên.
Nhưng câu chuyện hay nhất về phận mọn bán vỉa hè luôn bị ức hiếp, có lẽ lại đang xảy ra ở các nơi vỉa hè ngày càng khan hiếm như: khu vực chợ Tân Bình, đoạn đường Trần Quốc Thảo – từ ngã ba Kỳ Đồng đến ngã tư Lý Chính Thắng, khu xung quanh bệnh viện Từ Dũ – gồm các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh…
Thường xuyên chở vợ ra chợ Tân Bình lấy hàng quần áo về bán, nhưng cứ hễ thấy chuyện cơ quan chức năng đi phạt vạ người lấn chiếm vỉa hè, anh Hoàng Bình – buôn bán quần áo trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú – lại thấy ấm ức. “Cứ họ dẹp thì gần như toàn bộ con đường Phú Hoà bên hông chợ Tân Bình náo loạn. Chỉ trong vòng nửa giờ, lực lượng chức năng đã bắt giữ ít nhất bốn xe gắn máy đậu dưới lòng đường mà chủ xe không kịp chạy thoát. Thế nhưng, cũng ngay dưới lòng đường Phú Hoà, hàng đàn xe máy của các quán ăn, quán giải khát lại “miễn trừ”.
Hay hơn có lẽ là vụ, khi báo chí không ít lần phản ánh tình trạng vỉa hè xung quanh các bệnh viện Tai mũi họng, bệnh viện quận 3, trên đường Trần Quốc thảo bị đánh chiếm hoàn toàn bởi hàng rong, bởi xe taxi, bởi xe cấp cứu, bởi bãi giữ xe… thì các cơ quan chức năng đã tiến hành ra tay dẹp mạnh… Để rồi giờ đây, hàng rong quay gót, taxi vẫn còn…
Không công tâm, thiếu nhất quán
Để xảy ra chuyện thiếu công tâm như vừa nêu trên, không cần phải có nghiệp vụ, chỉ cần có con mắt nhìn ai cũng có thể thấy, dẹp người bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khó hơn dẹp các điểm kinh doanh tại gia, xe taxi chiếm vỉa hè hay các bãi giữ xe không phép. Thử tính, người bán hàng rong nghĩa là di động (di chuyển khi có lực lượng kiểm tra), để bắt được phải truy đuổi nên xác suất thành công thấp. Trong khi đó, các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, các bãi giữ xe không phép chỉ cần đến lập biên bản là có thể xử lý ngay.
Tại sao cái khó làm được, cái dễ lại “bó tay”? – Câu hỏi này xin nhường lại cho cơ quan chức năng.
Bàn về chuyện vỉa hè cứ bị tái đánh chiếm liên tục, nhiều lần TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, khẳng định: việc nhất bên trọng, nhất bên khinh thực ra chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái chính ở đây là công tác thực hiện quy hoạch và công tác quản lý. Cụ thể, từ lâu thành phố đã đưa ra phương án hạn chế xây dựng cao ốc khu trung tâm nhưng cuối cùng cũng đâu có làm được. Bằng chứng là cao ốc mọc lên đầy. Rồi từ lâu thành phố cũng quy định khoảng cách của các nhà thuốc tây, nhưng thử nhìn xem trên đường Trường Chinh, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến ngã ba Nguyễn Thái Bình, chỉ hơn 500m nhưng có tới cả chục tiệm bán thuốc tây, tiệm nào cũng trưng dụng hết vỉa hè để xe.
Rồi thành phố cũng đã có chính sách hạn chế các cơ sở dạy học như: ngoại ngữ, tin học… không nên nằm ngay ngã ba, ngã tư, nhưng rồi vẫn đâu có làm được. Bởi nhiều chủ cơ sở chỉ khoái những địa điểm trên và tìm mọi cách để có giấy phép kinh doanh.
Hay mới đây nhất, khi chính quyền phường 7, phường 9, quận 3 cho rằng, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quốc Thảo (đoạn từ ngã ba Kỳ Đồng đến ngã tư Lý Chính Thắng) là rất khó. Nguyên nhân là chỉ đoạn đường ngắn này có tới hai cái bệnh viện, hai cái ngân hàng và thêm vô số nhà thuốc tây, cơ sở kinh doanh, nên đã rất chật chội. Đã chật chội rồi, ấy vậy mà mới đây trên đoạn đường này lại tiếp tục khởi công thêm công trình mở rộng bệnh viện Tai mũi họng với quy mô 12 tầng (kể cả hai tầng hầm – PV). Hỏi như vậy làm sao quản được vỉa hè, lòng đường cho thông thoáng.
The post Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hết thuốc trị? appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét