Chiến Tranh Lạnh Mới (Hồi 2)
Chiến Tranh Lạnh Mới (Hồi 2)
Tác Giả: Nguyễn-Xuân Nghĩa – Việt Tribune – 22 May 2015
Nỗi băn khoăn của Hoa Kỳ – và Việt Nam…
Một ngẫu nhiên của lịch sử, khi thế giới tưởng niệm ngày Đệ nhị Thế chiến chấm dứt năm 1945, vào 70 năm trước, người ta lại nói đến một khung cảnh Chiến tranh lạnh khác. Lần này có thể là cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ đang có vẻ tàn tạ đi xuống, và Trung Quốc là cường quốc mới nổi, và không còn giữ thế “quật khởi hòa bình” như trước.
Xin chào đón “Chiến tranh lạnh – Hồi 2”.
Cũng một ngẫu nhiên của lịch sử, khi thế giới tưởng niệm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, là 40 năm về trước, người Việt Nam lại nói đến một khung cảnh chiến tranh khác. Lần này là sự bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, với Việt Nam ở trên tuyến đầu.
Chưa ai rõ là trên tuyến đầu ấy, Việt Nam giữ vai trò gì? Một chư hầu “bốn tốt” của Trung Quốc? Hay một thành viên của các nước Đông Nam Á có khả năng rung chuông báo động nếu Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt ngoài biển Đông?
Và Hoa Kỳ sẽ ứng xử ra sao? Là thế lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ những quyền tự do căn bản của các nước trong vành cung Thái bình dương nối với Ấn Độ dương? Hay là một cường quốc hòa dịu với thế lực mới nổi là Trung Quốc để cùng phân chia ảnh hưởng tại Châu Á?
Nhưng thật ra, Thế chiến II (1939-1945) kết thúc vào lúc nào, ở đâu?
Ngày tám Tháng Năm hay ngày 15 Tháng Tám tại Âu Châu? Hay ngày hai Tháng Chín năm đó là khi Nhật chính thức đầu hàng tại Châu Á?
Hóa ra Thế chiến II trải rộng trên cả đại lục Âu-Á, từ Đại Tây dương đến Thái bình dương, từ các bán đảo ở miền Tây, bên trong có nước Pháp, tới các quần đảo ở miền Đông bao trùm lên nước Nhật – và vắt ngang lãnh thổ của hai nước Nga và Tầu…
Sau khi Thế chiến II chấm dứt năm 1945, hai cường quốc cộng sản là Liên bang Xô viết và Trung Cộng lại tiếp tục bành trướng và gây phản ứng be bờ ngăn chặn trên đại lục Âu-Á. Đấy là thời kỳ gọi là “Chiến tranh lạnh”, mở ra từ Đông Âu kéo dài tới Đông Bắc Á với chiến tranh Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên và tràn xuống Đông Nam Á, với tụ điểm là Việt Nam, bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc và bị hút vào tranh chấp Đông Tây, giữa Cộng sản và Tây phương.
Hậu quả là bài toán độc lập của Việt Nam lại bị đánh tráo.
Thay vì cùng phong trào giải thực của các nước Á Châu đưa xứ sở ra khỏi ách thực dân, người Cộng sản Việt Nam lại nương vào đà bành trướng của cộng sản quốc tế để nhuộm đỏ cả nước trong một ách đế quốc khác. Những người không cộng sản bị họ bách hại từ sau Thế chiến II chỉ còn con đường là từ giải pháp độc lập bất toàn kiểu Pháp xây dựng lại quốc gia trên phân nửa lãnh thổ.
Đâm ra từ nhiều mặt trận khác biệt, Chiến tranh lạnh của toàn cầu lại quy vào lãnh thổ Việt Nam, và mở ra cuộc chiến Quốc-Cộng giữa hai miền Nam Bắc. Cuộc chiến đó chấm dứt vào năm 1975, với kết quả là cả nước Việt Nam trôi vào chế độ cộng sản.
Chế độ cộng sản không thể tồn tại vì những mâu thuẫn và nhược điểm nội tại của chủ nghiã. Liên bang Xô viết tan rã và sụp đổ năm 1991, Trung Cộng thì chuyển qua kinh tế tư bản, gọi đó là “cải cách”, Việt Nam Cộng sản chạy theo và gọi đó là “đổi mới”. Chiến tranh lạnh kết thúc như vậy, vào năm 1991.
Chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1991 cũng là lúc Việt Nam trở lại vị trí chư hầu của Trung Quốc và mở ra một thời kỳ Bắc thuộc mới. Khi thế giới bước qua thế kỷ 21, những kẻ chiến thắng năm 1975 đã chọn con đường nguy hại đó cho Tổ quốc Việt Nam để bảo vệ quyền lực của đảng Cộng sản và quyền lợi của tay chân.
Chính họ đã chứng minh rằng khái niệm độc lập năm xưa bị họ đánh tráo. Chính nghĩa của những người không cộng sản trở thành sáng tỏ hơn trên một đất nước không còn chủ quyền, người dân không có tự do. Và càng không được nói về chuyện độc lập hay dân chủ. Đấy là vấn đề nội bộ của người Việt Nam mà họ sẽ phải giải quyết lấy, vì thế giới đang bước qua một thời kỳ khác….
*
Chúng ta sẽ không nói về sự tan rã của đế quốc Xô viết vào năm 1991 với hậu quả lan rộng tại Đông Âu và Trung Âu, hay sự suy nhược của các nước Âu Châu khi Liên bang Nga hồi phục và muốn tìm lại không gian cũ của Liên Xô. Chúng ta cũng chẳng nói tới sự cáo chung của Âu Châu kể từ năm 1991 sau khi lục địa này đã chinh phục và khuynh đảo cả thế giới trong 500 năm, từ 1492 tới 1991.
Chỉ vì Trung Đông và Đông Á đang trở thành những khu vực nóng của giao tranh và bành trướng.
Giao tranh của các thế lực Hồi giáo cực đoan thuộc nhiều hệ phái khác nhau và bành trướng của Trung Quốc từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á. Khi thế giới nói đến “Chiến tranh lạnh Mới”, hay “Cold War 2.0”, ta nên nhìn ra vùng biên tế của đại lục Âu-Á: tại miền Nam của Âu Châu là vùng biển Địa Trung Hải qua tới khu vực Viễn Đông của Á Châu, từ Ấn Độ dương tới Thái Bình dương.
Y như ngày xưa, cả thế giới đều tự hỏi rằng siêu cường Hoa Kỳ sẽ làm gì?
Về địa dư, nước Mỹ chẳng liên quan gì tới vùng đất Âu-Á, hoặc cả khu vực biên tế ở ngoài rìa của đại lục Âu Á. Nhưng về quyền lợi thì hiển nhiên là có. Hoa Kỳ phải bảo vệ được quyền tự do lưu thông trên toàn cầu và bao trùm lên các điểm nóng đang là thời sự.
Y như ngày xưa, nước Mỹ cũng muốn khỏi bị lôi vào cuộc. Ngày xưa, Hoa Kỳ đã trì hoãn mãi rồi mới tham gia khá trễ vào Thế chiến I và cả Thế chiến II, khi các nước trong cuộc đã qua nhiều năm chinh chiến. Cũng như ngày xưa, Hoa Kỳ đi tìm những trật tự bất toàn và bất ổn ở các vùng đất xa lạ với đa số dân Mỹ. Trật tự ấy là một loại cán cân thăng bằng bất ổn mà nước Mỹ có thể nhấn qua bên này hoặc nhích về bên kia tùy theo tình hình tại chỗ, và nhất là tùy theo cảm quan của dân chúng. Trong một nền dân chủ, không phải là lãnh đạo cứ muốn làm gì cũng được.
Sau nhiều thập niên cáng đáng thiên hạ sự, và thậm chí còn giữ vai trò của một Đế quốc bất đắc dĩ, Hoa Kỳ đã có dấu hiệu mệt mỏi mà không chỉ vì chủ trương của Tổng thống Barack Obama. Mà cũng vì người dân phân vân về chuyện công hay thủ, quyền lực cứng hay mềm, cần phát huy các giá trị tinh thần đã làm nên nước Mỹ như tự do và dân chủ, hay chỉ bảo vệ những quyền lợi thiết thực về an ninh và kinh tế?
Đấy là khung cảnh thời sự của những biến động nổi bật ngày nay.
*
Tổng thống Obama tổ chức một thượng đỉnh với các nước Á Rập Hồi giáo trong vùng Vịnh mà đa số lãnh tụ các nước lại không tham dự, trong khi người ta nói đến sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIL và theo dõi cuộc đấu tranh gián tiếp giữa Saudi Arabia theo hệ phái Hồi giáo Sunni với Iran lãnh đạo hệ phái Shia.
Tổng thống Obama cũng đã tưởng có thể hòa dịu với Liên bang Nga để cùng giải quyết các vấn đề noài vùng biên tế như Syria hay Iran, nào ngờ lãnh tụ Vladimir Putin lại mở ra mũi công tại Ukraine khiến Liên hiệp Âu châu bị chấn động, bất nhất về đối sách và lại mong Mỹ nhập cuộc.
Tổng thống Obama vận động việc hoàn thành Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình dương TPP, với sự tham gia của Nhật Bản, như một thế đối trọng với Trung Quốc đang tung tiền gây ảnh hưởng toàn cầu, và hung hăng bành trướng ngoài Đông hải. Nhưng Quốc hội và đảng Dân chủ lại gây trở ngại cho nỗ lực đó vì những quan tâm cục bộ ở nhà.
Nhiều lắm, kể ra không hết những phân vân và bất trắc như vậy của Hoa Kỳ.
Chiến tranh lạnh Mới đang lừng lững tiến tới, ngoài dự đoán hay cả ý muốn của các nước. Trong hoàn cảnh đó, thế giới thì nói đến động thái của siêu cường Hoa Kỳ, người Việt nên suy nghĩ xem Việt Nam nên làm gì để khỏi tái diễn sai lầm cũ, mà vẫn tồn tại và độc lập với Trung Quốc?
Bài toán không dễ có giải đáp – mà lại đầy rủi ro sau một thế kỷ 20 có đầy lãng phí và tổn thất oan uổng cho người Việt….
The post Chiến Tranh Lạnh Mới (Hồi 2) appeared first on GÓC NHÌN ALAN.
Đăng ký: Viet Blogs
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét