Tin tức Việt

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Em sẽ đến cùng cơn mưa (Chương 15 đến 18)

Nguồn: @ NASS

Chương 15

Mio dần dần lấp đầy các khoảng trống mà nàng tạo ra.



Từng chút một.



Mỗi lần tỉnh dậy lúc nửa đêm, tôi lại nghe thấy hơi thở đều đều của nàng bên cạnh Yuji. Tôi đã quen với hơi thở của người vợ chỉ còn là hồn ma, giống như lão ngư đã quen với tiếng sóng.



Điều này khiến tôi thấy vui.







Câu chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm mười lăm tuổi đã kéo dài được đến mùa hè năm chúng mình hai mươi ba tuổi.







Sinh Yuji xong, ngực em đẫy đà đến khó tin. Bầu ngực ngày xưa e lệ là thế, nay đã kiêu hãnh ngửa mặt lên trời. Những đường gân màu xanh nhạt tạo thành những hoa văn tuyệt đẹp như vân lá cây. Sữa của em lúc nào cũng dồi dào như suối nước dưới chân núi. Mỗi lần bú xong Yuji lại được rửa mặt bằng sữa mẹ. Lúc nào ngực em căng sữa là lúc Yuji đòi ăn.



"Sắp đến giờ ăn rồi," em bảo. "Khi nào đói, con sẽ khóc."



Quả đúng như em nói.



Em và con lúc nào cũng gần với nhau như một.



Hồi này, em bắt đầu yếu đi, em cố làm những điều có thể cho Yuji mặc dù bản thân không còn khoẻ. Yuji vẫn còn là một sinh vật kỳ lạ chưa cứng cáp, vì vậy chúng mình chăm sóc con rất thận trọng.







Cả hai cùng tắm cho con, anh bế Yuji, còn em thì dùng miếng gạc để lau cho thằng bé. Khi em cho con bú, anh có nhiệm vụ vỗ lưng cho con. Khi Yuji quấy khóc không chịu ngủ, anh đặt con nằm lên bụng mình, em nằm bên cạnh hát ru.



À ơi à ơi, à ơi ......



Thế là con sẽ ngủ ngay.



Anh lúng túng nhìn Yuji nằm trên bụng mình thở khò khè. Anh sẽ phải nằm im một lúc. Mỗi lần như vậy, anh lại thấy rất thông cảm với con chim cánh cụt Bố.







Cuối tuần, ba chúng tôi đi vào rừng.



Mio đạp chiếc xe thường ngày tôi vẫn dùng đi làm. Nàng đạp xe khá thành thạo, dù đã mất trí nhớ.



Hai mẹ con Mio và Yuji đi tìm cỏ bốn lá ở bìa rừng. Mỗi lần tôi chạy một vòng về, hai mẹ con lại khoe tôi thành quả thu được. Bao nhiêu là cỏ bốn lá. Hình như đây là lãnh địa của cỏ bốn lá thì phải.



Một lãnh địa hạnh phúc!







Thời gian lặng lẽ trôi.



Chưa có dấu hiệu kết thúc mùa mưa.



Ngày nào chúng tôi cũng gặp thầy Nombre. Mio rất hào hứng nghe thầy Nombre kể chuyện về hai vợ chồng. Buổi tối, tôi lại tiếp tục quản công việc đó của thầy Nombre.







Từ đầu tiên Yuji nhớ được là “Mệ mệ”. Không rõ thằng bé dùng từ này để gọi mẹ hay để gọi sữa mẹ nữa. Có thể với Yuji khi ấy, mẹ và sữa mẹ là một khối tổng hòa không thể tách rời.



Mệ mệ.



Yuji dùng từ này để đòi mẹ và thứ chất lỏng ấm nóng sẽ giúp nó no bụng.



Yuji chưa bao giờ gọi anh là “Bố”. Mio gọi anh là “Takkun” nên thằng bé học luôn từ này. Người đàn ông gầy gò, mang gương mặt ốm yếu kia chính là “Takkun”.







“Em cũng gọi anh là Takkun?”



“Ừ. Sau khi lấy nhau, chúng mình quy định gọi anh như vậy.”



“Quy định?”



“Ừ. Vì chúng mình là một cặp vợ chồng nghiêm túc. Mọi chuyện đều phải quy định rõ ràng.”



“Không được gọi là 'chồng' sao?”



“Không hẳn. Em gọi anh theo nhiều cách, tùy tâm trạng. Lúc là 'Takkun', lúc lại là 'Aio'. Chúng mình chỉ quy định cách gọi cơ bản thôi.”



“Giờ anh thích được gọi thế nào?”



Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời nàng.



“Tên nào anh cũng thích. Vì tất cả đều là anh.”



“Nghĩa là gọi 'chồng' cũng được?”



“Được. Anh quen rồi mà.”



“Vậy từ giờ đến lúc hồi phục trí nhớ, em sẽ gọi anh là 'chồng' nhé?”

Chương 16

Tuần lễ thứ hai, chúng tôi cũng đi vào rừng dịp cuối tuần.



Tảng sáng trời mới tạnh mưa.



Mưa đọng thành giọt trên lá cây, mặt đất ẩm ướt.



Chúng tôi thong thả bước đi trên con đường nhỏ. Mio và Yuji xuống xe để dắt bộ.



Sau cơn mưa, đường vương đầy mạng nhện, nếu đi không cẩn thận, chân sẽ bị mắc vào mạng nhện.







“Á, lại mạng nhện nữa.”



Tôi xua lớp mạng nhện bám trên đầu.



“Sau cơn mưa, sao lại có nhiều mạng nhện vậy?”



Mio hỏi tôi từ phía sau.



“Không biết vì sao. Có thể bọn chúng đang vội sửa lại mạng nhện đã bị người đi đường phá hỏng.”



“Bọn nhện này thật kiên trì.”







Đi được một đoạn đường chúng tôi dừng lại.



“Để anh cho em xem thứ này hay lắm.”



“Thứ gì cơ?”



“Gì thế, gì thế ạ?”



“Anh đã cho em xem hồi chúng mình đến đây vào mùa mưa. Yuji còn nhớ không?”



“Thế hả?”



Tôi tách khỏi lối mòn, tiến vào sâu trong rừng. Mio và Yuji bỏ xe đạp lại, đi theo tôi.



Lá rụng thành từng lớp, phủ đầy trên cỏ dại mọc um tùm dưới chân, khiến việc đi lại hơi khó khăn. Đi được khoảng năm mươi mét thì tôi dừng lại.



“Em nhìn kìa.”



Tôi đứng sang một bên để không cản tầm nhìn của hai mẹ con.



“Ôi, hoa!” Yuji hét lên. “Nhiều hoa chưa!”



Đó là hoa ngọc trâm. Hàng trăm bông hoa ngọc trâm chụm lại thành một chùm hoa trắng nhỏ.



“Em không nhớ à? Trước đây anh chỉ cho em rồi đấy.”



“Khi nào?”



“Hình như là năm kia.”



Năm ngoái, vì Mio ốm nên tôi không vào rừng vào mùa mưa.



“Năm kia là cách đây bao lâu? Lúc con sinh ra ạ?”



“Con phải đến đây rồi thì mới dẫn con đến đây được chứ. Lúc đấy con bốn tuổi.”



“Thật ạ?”



“Thật.”



Lạ thật, Yuji nghiêng đầu.



“Con chẳng nhớ gì cả.”



Đúng là con trai tôi. Có trí nhớ tốt quá!



“Nhưng công nhận là hoa đẹp.”



Thằng bé nhìn chùm hoa với ánh mắt đăm chiêu.



“Con thật may mắn.”



“Tại sao?”



“Tại...” Yuji ngẩng lên nhìn tôi. “Con quên là đã từng trông thấy nó trước đây nên lần này con mới thấy hoa đẹp thế.”



“À, cũng có thể.”



“Cái gì cũng vậy. Lần đầu tiên bao giờ cũng hồi hộp.”



“Công nhận.”



Quanh chùm ngọc trâm còn có vài bông huệ tây rừng.



“Mùi hương ngọt quá!” Mio nói. “Ngọt đến nghẹt thở.”



“Sao hoa lại có mùi như vậy?”



“Vì giống như chúng mình hồi cấp III.”



“Thế ư?”



“Hoa đang tìm người yêu.”



“Ra là vậy.”



Giả sử hoa đang thu hút côn trùng đến thụ phấn thật thì đó cũng chỉ là cách nói giảm nói tránh của việc tìm kiếm tình yêu mà thôi.







Chúng tôi ra khỏi rừng.



Dưới bầu trời u ám là cả một vùng đất rộng mênh mông của nhà máy bỏ hoang. Cánh cửa có chữ số #5 trông thật nhỏ bé.



“Dường như...” Mio nói. “Dường như cuộc đời em bắt đầu từ đây, em có cảm giác như vậy.”



Yuji đặt xe đạp nằm xuống đất rồi chạy đi.



“Từ nửa tháng trước à?”



“Vâng.”



“Cuộc đời em có từ trước đấy mà. Em vẫn sống với anh và Yuji.”



“Vâng. Em rất vui khi biết điều này.”



Mio giơ tay lên rồi vươn vai.



Nhưng, nàng nói.



“Em thật may mắn.”



“Thế ư?”



“Vì em có thể yêu chồng lại từ đâu.”



Mio đặt hai tay lên ngực mình nói: “Em hồi hộp lắm.”







Hồi hộp.







Tim tôi đập rộn ràng.



Chúng tôi nắm tay nhau đi dạo.



“Takkun ơiiiiiiiiii!” Yuji hét lên.



“Ở đây có lò xo!”



Tôi vẫy tay với Yuji.



“Lò xo bằng thép hẳn hoi.”



Tôi giải thích với Mio.



“Không có gì ghê gớm đâu. Chỉ cần chút may mắn là tìm được thôi.”



“Vậy à?”



“Ừ. Nhưng tìm được bánh răng thì đúng là trúng số độc đắc. Người nào tìm được phải gọi là cực kì may mắn.”



“Vậy em cũng thử tìm xem thế nào.”



“Em thử đi. Không đơn giản đâu.”



“Nhưng vừa nãy em tìm được bao nhiêu cỏ bốn lá.”



“Tại chỗ đó đặc biệt thôi.”



“Thế ạ? Nhỡ đâu em là người cực kì may mắn thì sao?”



“Cũng có thể.”



Yuji ơi mẹ sẽ tìm cùng con. Mio nói xong rồi chạy đi. Chiếc váy hoa của nàng khẽ đung đưa. Yuji vẫy tay gọi Mio.



Một cảnh tượng hạnh phúc.



Nếu nàng nghĩ vậy thì chắc chắn sẽ như vậy.



Nếu đúng là thế thì tôi muốn nàng được hạnh phúc đến phút cuối cùng. Tuy không phải là người gặp nhiều may mắn nhưng Mio là một cô gái rất hợp với nụ cười hạnh phúc.







Từ ban công tầng hai nhà tôi có thể nhìn thấy ngay mảnh đất trồng đối diện khu tập thể. Dưới đó Yuji đang hì hục chôn đống chiến lợi phẩm thu được hôm nay. Mười lăm cái bu-lông, mười hai cái đai ốc, ba dây lò xo. Không có bánh răng.



Mái tóc vàng của Yuji lấp lánh dưới ánh nắng xuyên qua những đám mây.



“Tóc con đẹp quá,” Mio đứng canh tôi nói.



“Ừ. Bởi thằng bé là hoàng tử Anh quốc.”



“Hoàng tử Anh quốc?”



“Ừ. Con chỉ cần đứng đó không nói gì là trông con giống hệt con trai của một gia đình quyền quý. Chẳng hạn như hoàng tử Anh quốc.”



“Không nói gì?”



“Ừ, không nói gì.”



“Chồng biết không?” nàng hỏi.



“Biết gì cơ?”



“Cách nói của Yuji giống hệt chồng.”



Tôi nghĩ một lúc rồi nói với nàng.



“Thế hả?”



“Con thật đẹp trai.”



“Ừ, đẹp trai giống anh.”



Mio liếc nhìn tôi rồi tiếp tục nhìn xuống chỗ Yuji.



“Hiền lành, ôn hòa và ngoan ngoãn.”



“Dù con hơi khác một chút so với những đứa trẻ bình thường.”



“Em nghĩ đó cũng là điểm khiến con hấp dẫn. Cá tính rất quan trọng.”



“Cũng có thể.”



“Vâng. Có lẽ Yuji là kiệt tác tuyệt vời nhất của em. Trông em bình thường thế này mà lại sinh được một cậu con trai tuyệt vời đến thế.”



“Con của em đấy. Một nửa sự tuyệt vời của con là được hưởng từ em.”



“Thật không tin nổi.”



“Nhưng đó là sự thật,” tôi nói. “Tại em đang quên thôi.”



“Vậy sao?”



“Ừ, vì em cũng tuyệt vời lắm.”



“Tuyệt lắm?”



“Ừ, rất tuyệt.”



“Có phải màu tóc của con giống chồng không?”



Mio nheo mắt nhìn Yuji. Rốt cuộc thì nàng cũng không cần dùng đến kính. Nàng có lấy ra thử đeo nhưng vì sai số nên nàng không đeo nữa.



“Ừ, giống tóc anh hồi nhỏ.”



“Màu đẹp nhỉ.”



“Ừ, hồi hai, ba tuổi, tóc con còn sáng hơn cơ. Đến mùa đông, hai má nó hồng rực lên.”



“Lúc đấy chắc trông yêu lắm.”



“Ai trông yêu cơ ạ?”



Đứng bên dưới, Yuji ngước nhìn lên chúng tôi.



“Người lúc nào cũng tịt mũi, hay nhặt nhạnh mấy thứ bỏ đi, có tật hỏi 'thế hả?' ”



“Ai mà dở hơi thế ạ?”

Chương 17

Thời điểm cuối tháng cũng là lúc mùa mưa đi được nửa chặng đường.



Mấy hôm nay không thấy thầy Nombre đến công viên. Tôi bảo chắc ông bận việc gì đó nhưng Mio chỉ buồn bã lắc đầu.



Bốn hôm, rồi năm hôm vẫn không thấy thầy Nombre đâu. Con Pooh cũng không thấy.



“Thầy gặp chuyện gì chăng?” tôi nói.



“Em cũng nghĩ thế. Hay mình thử qua nhà thầy xem thế nào.”



Nhưng tôi không biết nhà thầy. Đến tên thật của thầy tôi còn chẳng biết.



“Thầy bao nhiêu tuổi ạ?”



“Bao nhiêu nhỉ? Anh nghĩ thầy tầm tuổi ông giám đốc của anh.”



“Giám đốc của chồng bao nhiêu tuổi?”



“Chà, anh cũng không rõ.”



Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều là ông ấy đã qua tuổi tám mươi từ lâu.



“Hay thầy bị ốm?”



“Cũng có thể.”



“Mình thử hỏi thăm ai đó ở công viên xem thế nào?”



“Ừ.”



Có một cậu thanh niên là khách thường xuyên của công viên số 17, lúc nào cậu ta cũng đọc đúng một cuốn sách.



Một lần, vì tò mò muốn xem cậu ta đọc sách gì nên tôi nhẹ nhàng lại gần, hóa ra đó là cuốn Từ điển cuộc sống. Nhận ra tôi, cậu ta nói luôn.



“Những điều quan trọng,” cậu giơ quyển sách lên cho tôi xem, “đều có hết trong này.”



“Thế à.”



Tôi cũng từng hỏi cậu làm nghề gì.



“Tôi là nhà văn,” cậu ta ưỡn ngực trả lời. “Dù tôi chưa ra được cuốn nào.”



Hóa ra là thế.



Chưa ra được cuốn sách nào mà vẫn được coi là nhà văn thì bất kỳ ai trên thế giời này cũng có quyền tự xưng như vậy. Do đó, tôi nói.



“Tôi cũng là nhà văn đấy. Mặc dù tôi cũng chưa có cuốn nào.”



“Tôi cũng nghĩ vậy,” cậu thanh niên nói. “Qua mùi của anh.”



Cậu hỏi tôi đang viết gì, tôi trả lời là vẫn chưa viết gì cả.



(Chuyện xảy ra trước khi tôi viết cuốn sách này.)



“Một ngày nào đó tôi sẽ viết. Về những kỷ niệm với vợ tôi.”



“Hay lắm,” cậu ta nói. “Ít ra thì xác định được mình sẽ viết cái gì cũng là hạnh phúc rồi.”



“Ồ?”



“Còn tôi, cứ nghĩ ra được thứ gì thì thứ đó lại được viết trong này mất rồi.”



Nói rồi cậu ta lại giơ cuốn Từ điển cuộc sống lên cho tôi mà xem. Tôi thấy tội nghiệp thay cho cậu ta.



Hôm nay cậu thanh niên cũng có mặt ở công viên số 17. Như mọi lần, cậu ngồi ở ghế băng trong cùng và đọc cuốn Từ điển cuộc sống.



Tôi bảo Mio và Yuji ở lại để mình đến chỗ cậu thanh niên. Nhận ra tôi, cậu ta ngẩng lên khỏi cuốn sách.



“Xin chào,” tôi nói.



“A, anh đấy à.”



“Vâng, tôi đây.”



Cậu ta có vẻ cụt hứng, lại chúi mũi vào cuốn từ điển. Tôi vội lên tiếng.



“À…”



Cậu ngẩng lên.



“Sao cơ?”



“Cậu có biết một ông lúc nào cũng ngồi ở ghế băng đằng kia không?”



Tôi chỉ về phía ghế băng của thầy Nombre. Cậu thanh niên gật đầu thân thiện.



“Tôi biết chứ. Bác Toyama.”



“Toyama? Tên của thầy Nombre hả?”



“Nombre?”



Cậu thanh niên lục tìm trí nhớ chừng ba giây.



“À à,” cậu ta nói. “Phải rồi. Thầy Nombre. Tôi có nghe đến cái tên này. Phải rồi, bác Toyama đấy.”



“Mấy hôm nay tôi không nhìn thấy ông ấy.”



“Tôi nghe nói bác ấy bị đột quỵ.”



“Thật không?”



“Thật.”



“Bây giờ ông thế nào?”



“Không có gì nguy hiểm đến tính mạng. Có lần bác bảo bác bị bệnh về não hay là mạch máu gì đó.”



Cậu ta đóng sập cuốn từ điển đang cầm trên tay. Chắc cậu ta muốn nói chuyện nghiêm túc với tôi.



“Có điều, bệnh này để lại nhiều di chứng lắm. Bác ấy không thể trở lại cuộc sống như trước được đâu.”



Tôi ngoảnh lại nhìn Mio. Vừa thấy tôi ngoảnh lại, Mio lao đến ngay. Trông nàng rất lo lắng. Yuji chạy theo sau mẹ.



“Thầy làm sao ạ?” nàng hỏi.



Tôi thuật lại lời cậu thanh niên.



“Trời ơi…”



Cậu thanh niên tiếp tục.



“Nghe nói bác sẽ được chuyển đến một nhà dưỡng lão cách đây khá xa. Chuyển thẳng từ bệnh viện luôn.”



“Chắc có ai dó làm thủ tục cho ông?”



“Ông chủ tịch thị trấn chứ ai. Cái ông lúc nào cũng xen vào chuyện người khác.”



“Sao cậu biết chuyện đó?”



“Vì tôi là con trai ông ấy. Chủ tịch thị trấn là bố tôi.”



“À, ra vậy.”



Sau khi hỏi được địa chỉ nhà thầy Nombre, chúng tôi ra về.



“Con Pooh thế nào ạ?” Yuji hỏi.



“Nó không sao đâu.” Mio nói. “Không sao đâu.”



“Chúng mình còn bao nhiêu chuyện muốn nói với thầy,” tôi nói khi chúng tôi trên đường về nhà. “Bao nhiêu chuyện!”



“Vâng.”



Mio đưa chân đá mấy viên sỏi bên lề đường.



“Chồng rất cần đến thầy phải không?”



“Em cũng thế.”



“À vâng.” nàng khẽ gật đầu. “Vâng.”



Nhưng mà, Mio ngẩng lên nhìn tôi.



“Nhưng mà làm gì có chuyện không gặp được thầy nữa.”



“Ừ, nhưng.”



“Hay là mình đến thăm thầy.”



“Không được. Cậu kia bảo ở xa lắm.”



“Không sao đâu,” Mio nói. “Không sao đâu.”

Chương 18

Chiều hôm sau, chúng tôi đến nhà thầy Nombre theo địa chỉ cậu thanh niên đưa. Nhà thầy Nombre nằm trong một khu tập thể cũ cách công viên số 17 chừng mười phút về phía Bắc.



Đó là căn nhà gỗ một tầng có độ tuổi kha khá. Trước đây, những ngôi nhà xây cất đơn giản thế này thường được gọi là “nhà văn hóa”.



Căn nhà được bao quanh bởi các loại cây bách nhật hồng, cẩm tú cầu, phù dung, quất… Bên phải là mảnh đất để trồng, bên trái là một căn nhà khác cũng đã có tuổi.



Chúng tôi mở cánh cửa gỗ để vào trong sân. Các viên đá được xếp cách nhau tạo thành lối vào đến tận cửa. Yuji đi đầu tiên.



“A, con Pooh!”



Thằng bé chạy đến góc vườn. Tôi và Mio vội vàng chạy theo.



Con Pooh đang chui dưới bậc thềm trước hiên nhà, chỉ thò mỗi đầu ra ngoài.



“Pooh!”



Nghe tiếng Yuji, con Pooh ngẩng lên ngay.



“~?”



Tiếng con Pooh nhỏ hơn hẳn mọi khi. Nó thè lưỡi, thở hổn hển.



Hà, hà, hà, hà, hà



Yuji vòng tay ôm cổ con Pooh rồi vùi má vào đám lông bờm xờm của nó.



“~?”



“Hình như nó không được cho ăn.”



“Có vẻ như vậy”



Ông chủ tịch, dù thích xen vào chuyện người khác thì chắc cũng chẳng hơi đâu quan tâm đến con chó.



“Phải đưa nó đến trung tâm chăm sóc động vật thôi.”



“Con không thích thế đâu!” Yuji nhìn chúng tôi, hét lên với giọng buồn bã. “Bố mẹ không được làm thế.”



“Bố biết rồi. Bố định thả nó ra đây.”



“Thế hả?”



“Ừ.”



Tôi tháo sợi dây trói cổ con Pooh vào hiên nhà.



“Nào đi thôi.”



Yuji bảo để con dắt nên tôi đưa sợi dây cho thằng bé.



“Đi thôi Pooh.”



Nhưng Yuji có kéo, có dỗ dành thế nào thì con Pooh vẫn không chịu động đậy.



“Pooh à, ở lại thì thầy Nombre cũng không về nữa đâu.”



“~?”



“Đi nào.”



“~?”



Yuji ngẩng lên nhìn tôi.



“Nó không muốn đi.”



“Ừ.”



Tôi ngồi xuống, ghé sát mặt vào con Pooh.



“Thái độ của mày thật đáng nể.”



Tôi nói với con Pooh.



“Cứ kiên trì thế này thì chẳng mấy chốc mày sẽ được dựng tượng trước nhà ga đấy.”



“~?”



“Nhưng cuộc đời mày không thể dừng lại ở đây được. Thầy Nombre không về nữa đâu.”



Con Pooh nghiêng đầu.



“Đúng rồi, thầy sẽ đến một nơi rất xa.”



Bởi vậy, tôi nói.



“Sẽ vô ích thôi, dù sự trung thành của mày rất đáng khen.”



“~?”



“Thầy Nombre không muốn mày thế này đâu. Thầy muốn mày hãy sống thật tốt quãng đời còn lại.”



Con Pooh đăm chiêu nghĩ ngợi.



“Mày là một chú chó thông minh. Rồi mày sẽ hiểu cho thầy. Chia tay bao giờ cũng buồn. Nhưng ta không thể mãi giậm chân một chỗ được.”



Tôi đứng lên để cho Pooh có thời gian suy nghĩ. Sau đó nó ngẩng lên nhìn tôi rồi quay sang Yuji. Nó xịu mặt xuống, rồi có vẻ như quá mệt mỏi vì nghĩ ngợi, nó thè lưỡi ra, mắt nhắm nghiền.



Tôi nhìn Mio. Nàng khẽ gật đầu, ý bảo hãy đợi thêm chút nữa. Yuji cũng không nói gì.



Con Pooh thở hổn hển, thỉnh thoảng lại liếc nhìn chúng tôi.



Cuối cùng con Pooh đứng dậy. Nó ngẩng mặt lên nhìn tôi.



“Quyết định xong rồi hả?”



Con Pooh (trông như thể) gật đầu.



“Yuji.”



“Dạ.”



Yuji nhẹ nhàng cầm sợi dây dắt con Pooh đi. Con Pooh im lặng đi theo. Chúng tôi len qua hàng cây để đi ra cổng. Tôi mở cổng, nhường lối cho Yuji và Pooh. Yuji và Pooh lách người bước ra ngoài.



“Phải tạm biệt nơi này rồi,” Yuji nói. “Biết bao nhiêu là kỷ niệm. Buồn nhỉ.”



Con Pooh quay người lại nhìn ngôi nhà gắn bó suốt bao nhiêu năm. Nó từ từ nghển cổ lên, sủa thành tiếng.



“Hự?”



Ba chúng tôi, mỗi người ngoảnh lại đi một hướng. Bởi không ai nhận ra âm thanh kỳ lạ xuất phát từ chính con chó ở ngay dưới chân mình.



“Hự?”



Con Pooh sủa thêm tiếng nữa.



“Con Pooh đấy” Yuji hét lên. “Con Pooh sủa đấy! Con Pooh biết sủa này!”



Hự?



Một âm thanh nghe như tiếng gió lùa qua khe cửa hẹp.



“Nó đang chào từ biệt chăng?”



“Chắc là vậy rồi.”



“Cũng có thể là nó đang hỏi gì đó.”



“Ừ.”



Hự.



Đó lời chào từ biệt với người chủ đột ngột biến mất? Hay câu hỏi dành cho ai đó trên trời sao đời nó lại chịu bất công đến vậy. Con chó lông xù bị cắt thanh quản đang nghển cổ rên lên những âm thanh buồn bã.



Tôi quyết định để Pooh ngủ tạm một đêm chỗ bậc thềm trong căn hộ. Vì không biết thường ngày nó ăn gì nên tôi cho nó ăn cơm và khoai tây trộn, ấy thế mà cu cậu ăn ngay, không hề kén chọn. Chắc nó đói lắm.



“Sáng mai mình sẽ đem nó đến trung tâm chăm sóc động vật.”



“Không phải nhà mình nuôi nó ạ?” Yuji hỏi.



“Không được. Quy định ở đây không cho phép.”



“Vậy thì nhờ ai đó nuôi?”



Tôi khẽ lắc đầu.



“Con Pooh già rồi. Với lại, nói thật là trông nó không được đáng yêu lắm.”



“Hay để nó sống ở chỗ bãi đất trồng cạnh nhà mình rồi mình đem thức ăn cho nó?”



“Thế thì nó sẽ quay về nhà cũ. Và sẽ bị đưa đến trung tâm chăm sóc động vật.”



“Trung tâm chăm sóc động vật là nơi thế nào?”



“Một trung tâm tư nhân. Mình trả tiền cho họ để họ chăm sóc cho Pooh. Ở đó, con Pooh sẽ có nhiều bạn.”



Về mặt nguyên tắc, con Pooh sẽ ở lại cho đến khi tìm được người nhận nuôi, nhưng con Pooh già rồi nên chỗ đó sẽ là ngôi nhà cuối cùng của nó.



“Ở đó Pooh có sướng không ạ?”



“Điều đó còn tùy thuộc vào con Pooh.”



“Nghĩa là có thể nó sẽ không sướng.”



“Ở đâu cũng thế thôi.”



Yuji nhìn con Pooh, lúc này đang ăn khoai tây trộn, với ánh mắt đăm chiêu.



“Sáng mai phải dậy sớm đấy,” tôi nói. “Con ngủ ngon nhé.”



“Hự.”



“À, cả chú mày nữa.”



Sau bữa tối, tôi tra danh bạ điện thoại để gọi đến nhà ông chủ tịch. Lúc chiều, trên đường đến nhà thầy Nombre, chúng tôi có ghé qua nhà ông chủ tịch nhưng ông ấy không có nhà.



Giờ thì ông có nhà.



Tôi hỏi thăm về bệnh tình của thầy Nombre, ông chủ tịch bảo là thầy bị bệnh về mạch máu trong não. Đúng như lời con trai ông chủ tịch, bệnh của thầy Nombre không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có để lại di chứng. Chân và tay của ông đã bị liệt một phần, đến giờ, ông vẫn chưa nhận biết được hết mọi thứ. Tôi ngỏ ý đến thăm thầy Nombre vào ngày mai, vì là ngày nghỉ, nhưng bị ông chủ tịch gạt đi.



“Giờ ông ấy vẫn chưa nói chuyện được đâu. Đến chỉ làm cho hai bên khổ sở thôi.”



“Nghe nói thầy Nombre sẽ được chuyển đến nơi khác phải không ạ?”



“Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tạm thời vẫn phải nằm viện một thời gian đã.”



Tôi hỏi địa chỉ bệnh viện, cảm ơn ông chủ tịch rồi cúp máy.



“Tình hình sao hả anh?” Mio hỏi.



“Ông chủ tịch bảo thư thư hãy đến thăm thầy.”



“Vậy ạ?”



“Em sẽ đi cùng anh chứ?”



“Thư thư là bao lâu ạ?”



“Anh không biết.”



Có, Mio nói.



“Em muốn đi. Cho em đi cùng nhé. Em muốn gặp thầy.”



“Ừ, hôm nào mình sẽ đi.”



“Vâng, hôm nào nhé.”

Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới