Tin tức Việt

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Em sẽ đến cùng cơn mưa (Chương 3 - 4)

Nguồn: @ NASS

Chương 3
“Yuji ơi, bữa sáng xong rồi đấy.”



“Dạ?”



“Khẩn trương ăn đi nào.”



“Gì ạ?”



Tôi trùm chiếc áo phông lên đầu Yuji, thằng bé lúc này vẫn mặc độc chiếc quần đùi, tay liên tục dụi mắt.



“Ăn sáng. Ăn sáng.”



“Vâng.”



“Con kiểm tra cặp sách chưa? Có quên gì không?”



“Ừm, không ạ.”



Nhưng hôm nào thằng bé cũng quên thứ gì đó.



“Takkun ơi.”



“Ơi?”



“Lại trứng ốp lếp và xúc xích ạ?”



“Ừ. Vừa đủ dinh dưỡng, lại ngon nữa.”



“Nhưng ngày nào cũng ăn thì…”



“Sao cơ?”



“Không có gì ạ.”



“Khẩn trương lên. Chỉ còn tám phút thôi đấy.”



“Thế ạ?”



“Ừ”



“Takkun ơi?”



“Ơi?”



“Cái áo này dính xốt cà chua rồi.”



“Kệ nó. Cứ coi như là họa tiết của áo đi.”



“Thế là sao?”



“Mấy hôm nay bố chưa giặt quần áo nên không có cái nào khác để thay đâu. Một cái thì dính nước xốt, một cái thì dính đầy cà ri rồi.”



“Trời!”



“Con chịu khó ăn uống sạch sẽ hơn một chút tức là giúp bố đấy.”



“Vâng, được rồi. Con mặc áo này vậy.”



Tôi đi ra ngoài có việc, trên đường về thì dính mưa. Cơn mưa đầu tiên của tháng. Đến văn phòng, Nagase mang khăn bông ra lau vai và lưng cho tôi.



“Áo vest của anh…” Nasage nói.



“Vâng.”



Nasage rất lúng túng, trông như ngại không muốn tiếp tục câu nói dở dang. Cô kéo mạnh cổ và tay áo sơ mi của mình.



“Sao hả cô?”



“Chuyện là….” Cô nói.



“Áo anh sẽ bị ố mất rồi.”



“À, vâng, đành chịu thôi.”



Tuy nhiên, cử chỉ của Nagase cho thấy cô vẫn rất bối rối.



Tôi nhoẻn miệng cười với ý muốn hỏi “sao vậy?” thì cô lắc đầu với ý đáp “không có gì.”



Tôi đưa tài liệu cho Nagase rồi nói: “Chào cô nhé!”



Cô thì thào “anh vất vả quá” và ôm tập tài liệu vào ngực.



Ông giám đốc thì đang ngồi ngủ ngon lành tại bàn của mình.



Buổi chiều, hai bố con che ô đi chợ.



“Tối nay con muốn ăn gì?”



“Cơm cà ri ạ.”



“Rập khuôn quá.”



“Rập khuôn là gì ạ?”



“Là thiếu tính sáng tạo.”



“Nghĩa là sao ạ?”



“Nghĩa là giống như thực đơn thường ngày của nhà mình.”



“Thế ạ?”



“Ừ.”



“Vậy phải làm thế nào?”



“Hay hai bố con mình thử một món trước nay chưa bao giờ làm nhé?”



“Oa, hay quá.”



“Một làn gió mới.”



“Là cái gì ạ?”



“Câu nói của tổng thống Mỹ ngày xưa. Giờ con trai của ông ấy đang làm tổng thống.”



“Thế ạ?”



“Ừ.”



Chúng tôi trao đổi ý kiến và quyết định thực đơn của bữa tối nay sẽ là “bắp cải cuốn thịt”, món chưa từng xuất hiện trên bàn ăn gia đình tôi. Hai bố con phản công như đi tìm nguyên liệu tại trung tâm mua sắm rồi hớn hở ra về. “Một làn gió mới, một làn gió mới”, Yuji cứ nhắc đi nhắc lại.



Tại công viên số 17, như thường lệ, đã có mặt thầy Nombre. Ông đang ngồi ngắm những bông cẩm tú cầu nở rộ quanh cái bờ ao nhỏ. Con Pooh không thích mưa nên chui tọt vào gầm ghế.



“Thầy Nombre.”



Nghe tiếng tôi, thầy Nombre liền quay lại, tủm tỉm cười.



“Thầy ngắm hoa cẩm tú cầu?”



“Đẹp quá anh nhỉ. Hoa biết có người ngắm nên cố gắng nở thật đẹp. Một tình cảm hết sức chân thành, không chút chần chừ do dự.”



Thầy tiếp tục.



“Cẩm tú cầu vốn là loài thực vật duyên hải. Có lẽ chúng đang nhớ nước đấy.”



Tôi trộm nghĩ, chắc thầy Nombre vẫn nhớ đến hình bóng người con gái ông đã không có cơ hội gắn bó khi xưa. Việc này chắc cũng tương tự như khi yêu ai đó? Dù mấy chục năm không gặp nhau, dù người đó không còn trên tinh cầu này nữa, ta vẫn thấy nhớ nhung khôn nguôi.



Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đó là sự thật.



“Tiểu thuyết của anh tiến triển tốt chứ?” thầy Nombre hỏi.



“Chưa ạ. Lúc bắt tay vào viết, em lại thấy khó khăn quá. Dù em có rất nhiều điều muốn viết.”



“Hãy cứ đợi khi thời điểm ấy tới.”



“Thời điểm ấy?”



“Ừ, cái lúc mà từ ngữ dâng đầy trong ngực anh và tự động tuôn trào.”



“Thật thế sao?”



“Ừ, chắc chắn sẽ có ngày đó.”



Yuji cúi xuống, nói gì đó với con Pooh đang trốn dưới gầm ghế. Pooh im lặng nghe. Tôi có dỏng tai nghe được Yuji nói với con chó:



“Mày có biết một làn gió mới không?”



Về đến nhà, với sự trợ giúp của Yuji và tham khảo thêm sách dạy nấu ăn, tôi bắt tay vào làm món bắp cải cuốn thịt. Sách có ghi: “Đây là một trong những món có ít khả năng thất bại nhất.”



Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thất bại.



“Con bảo này.”



“Gì cơ?”



“Món bắp cải cuốn thịt có vị thế này ạ?”



“Bố nghĩ là không.”



“Với cả…”



“Sao?”



“Vị chán quá.”



“Bố đồng ý.”



Sau đó là khoảng năm giây im lặng.



“Con bảo.”



“Ừ?”



“Con phát hiện ra điều này.”



“Điều gì?”



“Hình như con đã mua nhầm.”



“Nhầm cái gì?”



“Nhầm rau diếp với bắp cải.”



“Ồ?”



Lại im lặng năm giây.



“Con xin lỗi.”



“Không, không sao. Con đừng lo. Vì lúc nấu bố cũng chẳng phát hiện ra.”



“Thật ư?”



“Ừ.”



Có lần tôi đọc được một bài báo nói rằng, ở Anh cứ ba đứa trẻ thì có một đứa không phân biệt được bắp cải với rau diếp. Chàng hoàng tử Anh quốc nhà tôi hình như là một trong ba đứa trẻ đó.



Và có khả năng, tôi cũng nằm trong số đó.

Chương 4
Tôi được biết rạp chiếu phim ở thị trấn bên cạnh đang chiếu phim Momo. Đó là một rạp chiếu độc lập, thường chiếu lại các phim kinh điển. Nghe nói tháng này, rạp sẽ chiếu trọn bộ các phim dựa theo tác phẩm của Michael Ende.



Tuần này là Momo, tuần sau là Chuyện dài bất tận.



Yuji nói muốn xem Momo.



“Con biết là bố không thể vào rạp chiếu phim rồi đúng không?”



“Con biết.”



“Nếu muốn đi thì con sẽ phải xem một mình đấy, chịu không?”



“Không sao ạ.”



“Vậy thứ bảy này đi nhé.”



“Hay quá. Cảm ơn Takkun.”



“Không có gì.”



Thứ bảy, trước giờ chiếu một tiếng, hai bố con rời căn hộ. Tôi đạp chiếc xe cũ thường ngày vẫn dùng đi làm, còn Yuji đi chiếc xe đạp dành cho trẻ em. Hai bố con đạp xe men theo con đường hai bên đều là cánh đồng. Còn gần mười cây nữa là đến thị trấn bên cạnh nên vẫn còn đủ thời gian.



Tôi không đi được xe buýt hay tàu điện.



Nếu bước lên xe, ngay khi cánh cửa khép lại và xe bắt đầu tăng tốc là công tắc trong tôi bật lên, van mở ra, kim áp kế vọt đến mức kịch trần.



Đi bất cứ phương tiện nào tôi cũng bị như vậy, từ đầu máy hình con khỉ ở khu vui chơi cho đến thuyền thiên nga ở khu du lịch. Xe buýt hay xe điện đã rất tồi tệ rồi, nhưng tàu điện một ray hay cáp treo còn tệ hơn (vì chúng ở trên cao). Tôi đoán, nếu là máy bay sẽ còn khủng khiếp hơn nữa, và tàu ngầm thì chắc chắn sẽ là đòn chí mạng.



Chỉ cần tưởng tượng cảnh bị nhồi vào một cái buồng chật cứng, rồi người ta kích hoạt kíp thuốc nổi bên dưới và bắn tôi bay vọt lên không trung cũng đủ khiến tôi kinh hãi.



Thế nên trong mắt tôi, con chó Laika Kudryawka đúng là một anh hùng khi đã bay vòng quanh Trái Đất trên con tàu Sputnik. Tôi ước giá như mình có được chút xíu lòng dũng cảm của nó.



Căn bệnh này vô cùng bất tiện. Trong sô những vấn đề tôi phải chịu đựng thì bệnh này là phiền toái nhất. Nó khiến tôi không thể lên mặt trăng cũng như không thể lặn xuống vực sâu Mariana.



Đáng tiếc làm sao.



Hai bố con đến nơi khi còn năm phút nữa là đến giờ chiếu. Sở dĩ hai bố con đi lâu như vậy là do bị ngược chiều gió. Mặc dù Yuji đã còng lưng để đạp xe hết sức nhưng chúng tôi vẫn đến muộn hơn so với dự định.



Tôi đưa thằng bé chỗ sandwich mang từ nhà đi cùng lon Coca mua ở máy bán hàng tự động. Theo kế hoạch, hai bố con sẽ cùng ăn trước giờ chiếu phim nhưng giờ thì không kịp nữa,



Tôi mua một vé trẻ em ở quầy.



“Xem phim vui vẻ nhé.”



Yuji có vẻ hơi bất an vì kế hoạch đột ngột thay đổi. Tôi lấy trong ví ra vài đồng xu, nhét vào túi quần Yuji.



“Nếu ăn bánh sandwich mà chưa no thì con mua thêm bắp rang bơ nữa. Hoặc bánh rán cũng được, thích ăn gì thì mua.”



“Vâng.”



Nói vậy nhưng Yuji vẫn đứng im, ôm khư khư cái hộp đựng bánh sandwich và lon Coca.



Chuông báo giờ chiếu reo vang. Yuji ngoảnh ra sau nhìn cánh cửa dẫn vào phòng chiếu. Sau đó thằng bé lại quay ra nhìn tôi.



“Vào đi con. Bắt đầu rồi đấy.”



Tôi đặt tay lên vai Yuji, giục thằng bé. Tôi đưa tấm vé cho cô nhân viên, còn một tay thì đẩy lưng Yuji. Trước khi vào phòng chiếu, Yuji còn ngoảnh lại nhìn tôi đến hai lần.



Ước gì tôi có thể đi cùng thằng bé.



Nhưng tôi không thể vào rạp chiếu phim.



Cũng như không thể đi nghe hòa nhạc hay dự đám cưới. Nguyên nhân của việc này hơi khác so với việc tôi không đi được thang máy hay không lên được các tòa nhà cao tầng.



Bản thân tôi cũng thấy điều này hết sức vô lý, nhưng cứ như thể tôi bị mắc kẹt trong trạng thái quái gở nào đó.



Ở chỗ đông người, khi tất cả buộc phải im lặng thì tôi lại như bị hối thúc muốn nói thật to. Chắc hẳn mọi người ít nhiều đều có cảm giác ấy, nhưng vấn đề là ở mức độ thế nào?



Tôi không kìm được muốn nói oang oang toàn những câu vô thưởng vô phạt, kiểu như “ Chà, cái áo kia sành điệu quá!” hay “Chết tiệt, suýt nữa thì được!”. Những câu nói bất chợt hiện lên trong đầu tôi thường trực có nhu cầu được bật ra, gây nhiều phiền hà cho tôi. Tình hình sau đó thì diễn biến như mọi bận. Sự bối rối làm công tắc bật lên, van mở ra, kim áp kế vọt đến mức kịch trần.



Gần đây tôi không còn thấy bất tiện vì chuyện này nữa nhưng hồi đại học thì đúng là đến khổ.



Ngồi học mà tôi toát mồ hôi như tắm vì có kìm nén những câu nói luôn thường chực buột khỏi miệng như “Trời dã mãn quá!” hay “Em không nhớ thầy nói thế!”



Rốt cuộc, căn bệnh ấy trở thành nguyên nhân chính khiến tôi phải bỏ học giữa chừng.



Sau khi thấy Yuji đã vào hẳn phòng chiếu, tôi đi loanh quanh bên ngoài rạp tìm chỗ giết thời gian. Khu này toàn các tiệm thời trang, trang sức và đồ ăn nhanh. Chỉ riêng sự ồn ào náo nhiệt của chốn này cũng đủ khiến tôi hoa mắt chóng mặt, nhưng tôi buộc phải đợi đến lúc Yuji xem xong phim. Vì đã đưa hết bánh sandwich cho Yuji, nên giờ tôi bắt đầu thấy đói.



Tôi đi bộ một lúc trước khi quyết định vào Stabucks, thầm nghĩ: “Chỗ này chắc không sao.” “Không sao” là do quán cấm hút thuốc. Với người có bộ cảm biến nhạy như tôi, khói thuốc là mối đe dọa chẳng kém gì hơi cay.



Giả sử có một hội những người như tôi rủ nhau đi biểu tình (tay cầm biểu ngữ “Chà, cái áo kia sành điệu quá!” hay “Chết tiệt, suýt nữa thì được!”) thì để trấn áp bọn tôi, cảnh sát mỗi người chỉ cần ngậm một điếu thuốc bao vây xung quanh là xong. Bọn tôi sẽ nước mắt tèm nhem mà rút lui ( và vừa chạy vừa kêu: “Trời, dã man quá!”)



Thể trạng không cho phép tôi uống cà pê (Cạch! Công tác sẽ bật lên), do đó thực đơn của tôi tại Srarbucks rất hạn chế. Tôi gọi đồ uống là một chai nước khoáng và đồ ăn là sandwich BLT[1].



[1] BLT là viết tắt của Bancon (thịt lợn muối xông khói). Lettuce (rau diếp) và Tomato (cà chua).



Nhận chiếc khay có chai nước và bánh sandwich, tôi đến ngồi vào bàn ở góc trong cùng.



Khoảng 80% số bàn đã có người ngồi. Mọi người đều vừa uống cà phê vừa bận việc gì đó, có cô mặc vest công sở cúi mặt vào máy tính xách tay, mấy cậu có vẻ là sinh viên thì mở sách để trước mặt. Tôi bắt chước họ, mở cuốn vở vẫn mang theo bên người. Tôi ấn đuôi bút chì kim vào ngực để đẩy ngòi bút chì ra. Sau khi ngoạm một miếng bánh đầy ứ, tôi bắt đầu suy nghĩ.



Uống một ngụm nước, tôi viết con số 1 vào dòng đầu tiên của trang thứ nhất, Tôi dự định sẽ viết tiêu đề sau.



Câu đầu tiên xuất hiện ngay tức thì.



“Khi Mio qua đời, tôi đã nghĩ thế này.”



Từ ngữ lần lượt tuôn trào, như thể tôi đang chép lại những đoạn có sẵn từ trước.



Ra vậy, tôi nghĩ. Hóa ra đây là điều thầy Nombre đã nói.



“Cái lúc mà từ ngữ dâng đầy trong ngực anh và tự động tuôn trào.”



Tôi viết về tinh cầu Lưu Trữ, về Yuji, về công việc ở văn phòng, về thầy Nombre, về con Pooh, về việc chạy bộ cuối tuần tới chỗ nhà máy bỏ hoang. Tôi muốn viết về cuộc sống hiện tại trước, sau đó mới dẫn chuyện sang viết về kỷ niệm của Mio.



Trước đây, tôi chẳng viết gì ngoài vài đoạn nhật ký, thế mà các câu văn cứ tuôn ra ào ào. Tôi nhớ lại các tác phẩm của John Irving, tác giả mà tôi rất yêu thích, và Kurt Vonnegur, nhà khoa học viễn tưởng đồng thời cũng là thầy dạy của John Irving, để tham khảo cho những câu tôi viết ra.



Hình ảnh tôi và Yuji hiện lên trên trang viết có vẻ hạnh phúc hơn so với tôi và Yuji ngoài đời.



Chỉ cần không đưa vào những chuyện buồn. Thế là các nhân vật có thể sống hạnh phúc. Vả lại, viết về các nhân vật hạnh phúc bao giờ cũng vui hơn.



Tôi mải mê tạo không gian và thời gian cho nhân vật của chính chúng tôi. Khoảng thời gian mà tôi đã mất.



Thật không thể tin nổi, lúc tôi ngẩng lên thì mặt trời đã xế bóng.



Tôi hoảng hốt.



“Thôi chết rồi!”



Tôi cuống cuồng đứng bật dậy, làm đổ chai nước để trên mặt bàn. Rất may chai nước đã cạn từ lâu. Khách trong của hàng nhìn tôi ái ngại.



Tôi tống hết vở, bút chì, tẩy vào túi đeo, đem trả khay đồ rồi lao ra khỏi cửa hàng. Vừa chạy tôi vừa nhìn đồng hồ đeo tay, phim đã chiếu xong được hơn một tiếng.



“Quên những việc không được phép quên.”



Mà đây là việc cấm không được quên.



Sao tôi lại thế chứ?



Sao tôi lại thành ra thế này?



Tôi liên tục va phải người đi ngược chiều, mỗi lần như thế tôi lại “xin lỗi” rồi cuống cuồng lao đến chỗ Yuji.



Bên ngoài rạp không một bóng người. Bộ phim tiếp theo đã chiếu được một nửa. Lúc này một bầu không khí yên ắng lạ thường bao trùm cả rạp chiếu phim.



Tôi trông thấy Yuji ngay.



Thằng bé ngồi một mình giữa cầu thang chính rộng lớn, hai tay ôm hộp cơm trưa đang đặt trên đầu ngối, mắt mơ hồ nhìn vào điểm nào đó trước mặt. Cái miệng nhỏ xíu mấp máy như thể đang hát nhưng tôi không nghe thấy gì cả.



“Yuji ơi.”



Tôi gọi nhưng Yuji không đáp. Mãi đến lúc tôi lại gần thằng bé mới nhận ra.



Mắt thằng bé đỏ hoe, cả mũi và má cũng đỏ. Thằng bé sịt mũi liên tục.



“Bố xin lỗi.” Tôi nói.



“Vâng.” Yuji nói.



Tôi cúi xuống, dùng ngón tay lau những giọt nước mắt vẫn còn đọng trên lông mi Yuji. Tôi lấy trong túi quần ra tờ giấy ăn, đưa Yuji xì mũi.



“Xì từng bên một thôi nhé. Xì mạnh quá là đau tai đấy.”



“Vâng.”



Tôi ngồi xuống bên cạnh con.



“Bố rất xin lỗi.”



“Vâng.”



Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Yuji. Tay thằng bé vẫn ẩm và ướt như mọi khi.



“Con lo lắm.”



Mãi rồi thằng bé mới cất giọng nghẹn ngào.



“Con lo Takkun đang ở đâu thì mệt, không đi được nữa.”



“Thế hả?”



“Vâng. Con đã chạy đi tìm. Tìm khắp nơi. Nhưng không thấy.”



“Bố xin lỗi.”



Tôi xin lỗi lần nữa.



“Giờ thì tốt rồi!” Yuji nói. “Takkun không sao chứ?”



“Bố không sao. Nhưng bố đã làm một việc rất tệ với Yuji.”



Yuji lắc đầu.



“Con ổn mà. Con chịu được.”



“Ừ. Yuji giỏi lắm.”



“Con giỏi ạ?”



“Rất giỏi. Giỏi gấp mấy lần bố.”



“Không có đâu.”



Yuji nói.



“Con khóc đấy. Khóc rất nhiều.”



Nước mắt Yuji lại rơi lã chã. Tôi lùa tay vào mái tóc màu hổ phách đang ướt đẫm mồ hôi của Yuji rồi kéo thằng bé vào ngực mình.



“Bố xin lỗi vì đã làm con khóc.”



Thằng bé cố nén tiếng khóc. Nó dụi đầu vào ngực tôi thì thào giọng lúng túng.



“Xin Takkun!” thằng bé nói. “Đừng bỏ con một mình. Đừng quên con.”



Tôi đã phải trả giá vì khiến Yuji lo lắng. Mặc dù sự trả giá này càng khiến thằng bé lo lắng hơn.



Chuyện là trên đường đi về, đi được nửa đường thì cơ thể tôi bắt đầu giở chứng.



Yuji, lúc này đã tươi tỉnh trở lại, kể cho tôi về bộ phim vừa xem bằng giọng lúc được lúc chăng. Gió đang thổi xuôi chiều nên hai bố con đạp xe nhẹ tênh như con thuyền no gió.



Khi tôi phát hiện ra tình hình đã tồi tệ rồi. Mũi tôi thấy mùi khét lẹt, các đầu ngón tay và ngón chân tê cứng. Người tôi run cầm cập.



Tôi vẫn cố đáp lại lời Yuji. Dù cho nội dung chẳng lọt được vào đầu tôi là mấy. Tôi chịu đựng được chừng năm phút thì đến giới hạn.



“Yuji ơi!” Tôi ngắt lời thằng bé.



“Gì ạ?”



“Dừng lại đã.”



“Vâng.”



Chúng tôi rẽ vào con đường dân sinh nối từ đường nhựa tới giữa cánh đồng. Tôi ngồi thụp xuống như thể sắp ngất đến nơi.



Năng lượng hết, xăng cũng hết.



Với người bình thường thì hạ đường huyết chỉ là do bị đói, nhưng cơ thể tôi vốn chỉ quen phóng đại mọi chuyện nên tình trạng này cũng bị phóng đại theo. Cảm giác tê cứng lan đến tận bả vai và háng. Không thể ngồi được nữa, tôi nằm xuống. Thường ngày, tôi vẫn chú ý ăn đủ năm bữa để không bị thế này. Nhưng hôm nay, do tâm trạng xáo trộn nên tôi quên mất bữa ăn phụ lúc ba giờ.



“Takkun không sao chứ?”



“Ừ, bố chỉ gặp rắc rối chút thôi.”



“Thật à?”



“Yuji này.”



Thằng bé quỳ xuống, ghé sát vào mặt tôi.



“Gì ạ?”



“Trong túi con còn tiền không?”



“Còn ạ. Con chỉ mua bắp rang bơ thôi, vẫn còn tiền.”



“Bố nhờ con một việc nhé.”



“Vâng.”



“Con đạp xe đến cửa hàng tiện dụng nào đó quanh đây, mua cái gì đó về cho bố ăn.”



“Cái gì đó để ăn ạ?”



“Ừ. Bố hết pin rồi. Bố phải thay pin mới hoạt động được.”



“Thế ạ?”



“Ừ, con đi được không?”



“Được ạ.”



“Vậy con đi đi.”



“Vâng ạ.”



Yuji đứng lên, dắt xe đạp ra đường nhựa. Khi đã ngồi trên yên xe, Yuji ngoái lại nhìn tôi.



“Takkun ơi?”



“Ơi.”



Mũi Yuji lại đỏ rực lên.



“Takkun sẽ không chết chứ?”



“Không sao. Bố không chết đâu.”



“Thật chứ?”



“Thật.”



Yuji nhìn vào mắt tôi một lúc như muốn kiểm chứng sự thật trong lời nói của tôi. Tôi mỉm cười với thằng bé.



“Con đi đây.”



Mãi Yuji mới lên tiếng.



“Ừ, đi giúp bố nhé.”



Yuji nhấn chân đạp xe đi.



“Yuji!”



Nghe tôi gọi, thằng bé phanh kít xe lại.



“Gì ạ?”



“Chắc con biết rồi, nhưng bố nhắc lại là không phải mua pin thật đâu nhé.”



“Thế ạ?”



(Câu “Thế ạ?” của thằng bé giống một kiểu phản xạ có điều kiện, thật chẳng nên cố tìm hiểu ẩn ý trong lời nó làm gì. Dù sao thì…cũng chẳng có cách nào.)



“Con mua cái gì ăn được ấy. Đồ ngọt là tốt nhất.”



“Vâng.”



“Nếu có thì mua…”



“Dạ?”



“Bánh kẹp kem.”



“Vâng ạ. Takkun thích món đấy mà.”



“Ừ.”



“Con đi đây.”



“Ừ.”



Thằng bé nhấn bàn đạp và phóng đi với tốc độ chóng mặt. Tôi hốt hoảng, toan gọi với theo nhưng nhớ ra là thằng bé hơi nghễnh ngãng nên thôi.



“Đừng phóng nhanh thế…”



Tôi nằm xuống.



“Nguy hiểm lắm…”



Điều duy nhất kết nối tôi với thế giới thực tại là cái lạnh của mặt đất dưới lưng và mùi cỏ. Tôi dần rơi vào trạng thái mê man nhưng vẫn không quên cầu nguyện cho Yuji bình yên vô sự.



Hình ảnh Yuji bị ô tô đâm cứ hiện lên trong đầu tôi, mỗi lần như thế, ngực tôi đau thắt lại. Nhịp tim của tôi như đàn chơi đến đoạn reo dây. Đôi lúc có vài nhịp lạ chen vào khiến tôi đau đớn.



“Mio ơi!” Tôi thầm gọi trong tim.



Không có tiếng trả lời.



“Mio.”



Tôi gọi lại lần nữa nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Tôi thấy buồn vô cùng, dù chẳng hiểu tại sao.



“Takkun?”



Tiếng Yuji là tôi bừng tỉnh.



“Con mua bánh kẹp kem về rồi đây.”



Thằng bé mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vai rung lên vì thở dốc.



“Nhẹ cả người…” Tôi nói.



“Cái gì nhẹ ạ?”



“Không có gì. Từ giờ con không được phóng xe nhanh như thế nữa nhé.”



“Nhưng mà…”



“Thôi được rồi. Cám ơn con.”



Tôi nhắc nửa người dậy, ăn chiếc bánh kẹp kem thằng bé mua cho. Cái lạnh của bánh kem khiến người tôi run lẩy bẩy. Lẽ ra tôi nên nhờ thằng bé mua đồ ăn nóng, tuy nhiên, tôi im lặng ăn bánh.



Cần phải có thời gian để năng lượng từ cái bánh kem hấp thụ vào cơ thể. Tôi lại nằm ngửa ra nhìn bầu trời. Yuji cũng nằm xuống bên cạnh.



Bầu trời lúc này được bao phủ bởi tấm rèm màu chàm. Các ngôi sao thoát ẩn thoát hiện như những chiếc đèn nhỏ sắp hết pin.



“Không sao chứ ạ?” Yuji hỏi



“Ừ, chút nữa là bố ổn thôi.”



“Vậy sao?”



“Ừ.”



“Xem nào…”



“Sao cơ?”



“Hát sẽ đỡ hơn đấy.”



“Tức là sao?”



“Mẹ bảo con thế.”



“Bố không biết.”



“Được rồi.”



“Được rồi là sao?”



“Cái gì mà chả được ạ.”



“Thôi được rồi.”



“Mẹ bào khi nào thấy sợ hoặc thấy đau thì chỉ cần hát bài này thôi.”



“Mẹ bảo thế à?”



“Vâng, mẹ bảo thế.”



“Vậy con dạy cho bố đi.”



Sau đó thằng bé bắt đầu hát bằng thứ giọng mỏng và trong.



Một chú voi



Chơi đùa trên mạng nhện



Vui quá bèn



Gọi thêm chú nữa đến



Hai chú voi



Chơi đùa trên mạng nhện



Vui quá bèn



Gọi thêm chú nữa đến



“Đợi đã.”



“Gì ạ?”



“Bài này có bao nhiêu chú voi?”



“Bao nhiêu cũng được. Đến khi nào mình thấy khỏe lại thì thôi,”



Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh hàng trăm chú voi chen chúc nhau trên một cái mạng nhện khổng lồ.



“Không biết mấy chú voi có chơi vui thật không?”



“Vui chứ ạ? Vui mới gọi thêm bạn đến chứ?”



Hừm.



“Nào cùng hát nhé. Takkun sẽ thấy khỏe hơn đấy.”



“Được rồi.”



Ba chú voi



Chơi đùa trên mạng nhện



Vui quá bèn



Gọi thêm chú nữa đến



Chúng tôi hát cho đến khi có sáu lăm chú voi mắc trên mạng nhện. Đoạn cuối bài hát là thế này.



Sáu lăm chú voi



Chơi đùa trên mạng nhện



Muộn quá rồi



Chúng bảo nhau: “Về thôi!”



“Takkun thấy khỏe chưa?”



“Ồ?”



“Sao ạ?”



“Con xem này. Bố khỏe lại từ lúc nào rồi.”



“Thật à?”



“Ừ.”



“Hay thật đấy.”



“Công nhận.”



“Muộn rồi, bố con mình về nhé?”



“Vâng.”



Trời đã tối, hai bố con dắt xe đạp đi song song. Tiếng ếch kêu râm ran. Hôm nay bọn ếch có gì vui chăng?



“Con muốn gặp mẹ quá,” Yuji nói.



“Vậy à.”



Yuji im lặng một lúc rồi tiếp tục.



“Có phải tại con mà mẹ chết không?”



“Không phải đâu.”



“Thật không?”



“Thật. Sao con lại nghĩ thế?”



“Chẳng sao cả.”



Một lát sau, lần này đến lượt tôi.



“Không phải đâu con.”



“Con biết rồi.”



“Thế thì tốt.”



“Vâng.”



Một ngày nào đó, Yuji sẽ biết sự thật. Bất cứ nói nào cũng có người thích buôn chuyện. Hiện giờ trông thằng bé có vẻ thờ ơ vậy thôi nhưng nó đang bắt đầu muốn tìm hiểu sự thật. Rất có thể một kẻ tọc mạch nào đó đã nói với thằng bé. Dù sao. Yuji vẫn còn quá nhỏ. Tôi dự định giấu con thêm một thời gian nữa. Nếu có thể, tôi muốn thằng bé chỉ biết sự thật khi đọc cuốn sách này.



Sự thật là, nếu nói “Mio chết là do Yuji” thì không hẳn. Khi kết quả đã có từ trước đó, rất khó xác định được đâu mới là nguyên nhân.



Quả bóng trên vòng quay may rủi đã rơi vào con số mười ba đen đủi. Nhưng vì sao? Không thể giải thích “vì sao” chỉ bằng vài câu nói. Và ngay cả thế giới của chúng ta cũng chẳng khác gì một bàn quay may rủi.



Có một điều chắc chắn, Yuji là một ca sinh khó.



Ngay từ khi mang bầu, Mio đã gặp nhiều vấn đề sức khỏe, cho đến lúc sinh Yuji, nàng phải tiêm vài mũi vì quá suy nhược, chẳng biết để làm gì. Phương án mổ đẻ như Caesar[2], nghĩa là không phải đẻ tự nhiên mà đứa bé sẽ chui ra qua cái khe do bác sĩ rạch, cũng đã được tính đến. Nhưng cuối cùng, sau ba mươi giờ vật lộn, Yuju đã đến với thế giới bên ngoài qua đường chính thống. Một đứa bé vô cùng khỏe mạnh, nặng những ba cân chín.



[2] Vị anh hùng La Mã. Có truyền thuyết cho rằng Caesar được ra đời theo phương pháp sinh mổ.



Ngược lại, mẹ thằng bé yếu đi rất nhiều. Phần lớn các bộ phận trong cơ thể nàng như cơ quan bài tiết, tiêu hóa, hô hấp…đều không còn hoạt động như xưa.



Năm năm sau, nàng mới từ biệt tinh cầu này. Tận bây giờ tôi vẫn không rõ tình trạng sức khỏe của Mio khi qua đời liệu có liên quan gì đến việc những bộ phận trong cơ thể nàng bị suy nhược trầm trọng sau khi sinh Yuji hay không. Bởi lẽ, sau khi sinh con một thời gian, nàng đã khỏe mạnh trở lại, vẫn sống cuộc sống bình thường của một người mẹ, người vợ. Do đó, không có gì để nói “Mio chết là do Yuji được.”



Giả sử, đúng là có vấn đề khi nàng sinh thằng bé, nhưng năm năm sau vấn đề ấy mới lấy đi mạng sống của nàng thì cũng không thể quy kết đó là “lỗi của Yuji”.



Thằng bé chẳng làm gì sai cả.



Tôi và Mio đã chờ đợi được đón thằng bé đến với thế giới. Lúc chào đời, Yuji còn chưa biết thở, mắt vẫn nhắm nghiền. Thằng bé trong sáng như một bông tuyết chưa chạm xuống mặt đất.



Vì vậy, tuyệt đối không được để Yuji khổ tâm về chuyện mẹ nó.


Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới