Tin tức Việt

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Ngọn cỏ non. Phần 2. Ngoại truyện: Nhớ ơn thầy cô – 20/11

Nguồn tin: Walking Alone

Có cái nắng, có cái gió, không mang tên, không mang tên người ơi… Câu hát vẫn hay vang lên trong đầu tôi mỗi khi ra ngoài đường. Cứ đến cái mùa vừa nắng vừa gió rõ rệt này lại nhớ đến những ngày cả lớp rong ruổi cùng nhau khắp cái thị xã nhỏ bé thăm thầy cô. Ngày nắng vàng và những cơn gió mát nhẹ là đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên những ngày cuối năm, những cành lá non xanh đong đưa trước gió dưới nắng óng ả, gợi lên một thứ gì đó trong tâm khảm mỗi người một sự bồi hồi khó tả – Kon Tum mùa nắng gió…

Một phần đặc biệt, ngoài lề, kể về ngày xưa, ngày còn là những đứa trẻ con vô tư, vô lo, vô nghĩ, ham đàn đúm, đi chơi; kể về những thầy cô thân thương, kể về tập thể lớp đáng yêu và kể về mấy đứa con gái trong lớp…



Ngày 20-11 hằng năm không những là ngày tết của thầy cô mà còn là ngày lễ lớn của đám học sinh chúng nó. Bởi vì từ đầu năm cho đến 20-11 thì bọn nó mới chính thức được nghỉ học 1 ngày, cái ngày đó thì cả lớp sẽ tụ tập vừa đi thăm thầy cô lại vừa đi chơi với nhau nên khỏi phải nói đám học sinh mong đợi ngày Nhà giáo Việt Nam đến mức nào.

Xem trên ti vi hay báo chí gì đó, họ nói nào là áo dài đẹp lắm, nào là yêu lắm tà áo dài Việt Nam, chẳng biết mấy thằng bạn nó nghĩ sao nhưng nó thì thấy áo dài đẹp bình thường, đám con gái bạn nó mang nhìn cũng bình thường, nói chung là bình thường và bình thường. Khoan khoan, đừng vội trách cái suy nghĩ ngu ngơ của nó lúc ấy, đó là lúc trước thôi, từ từ để phân tích kĩ cái đã, he he.

Đầu tiên, cái đẹp là gì, chẳng qua cũng chỉ là sự so sánh giữa một cái gì đó nhìn thích hơn một cái gì đó đồng chất nhưng không đồng màu. Nói lý thuyết thì khá là phức tạp, đơn giản hơn một chút thì cái đẹp nó được nhìn nhận ra khi xuất hiện cái xấu, chính cái xấu là bàn đạp, là thước đo cho sự so sánh ấy. Ví dụ như một loạt xe máy cùng sản xuất ra cùng năm cùng loại, thì không ai có thể so sánh rằng cái nào đẹp hơn vì chúng y hệt nhau, chỉ có thể nhận xét đẹp hơn hay xấu hơn mẫu mã năm trước mà thôi. Là vậy đấy, nếu mà toàn bộ con gái trong trường đều mang áo dài vào ngày thứ 2, ai cũng đẹp hết thì biết dựa vào cái xấu nào để so sánh đây. Dù gì thì đây vẫn là một sự nguỵ biện không được hợp lý cho lắm. Và rồi cái suy nghĩ áo dài đẹp bình thường của nó đã phá sản vào một ngày, một ngày mà nó vô tình trông thấy khoảnh khắc, khoảnh khắc đó thực sự rất ấn tượng, in sâu vào tâm trí mà chắc rằng nó không bao giờ quên được. Từ đó làm nó phải thay đổi cái nhìn và đồng ý hoàn toàn rằng áo dài thật sự là đẹp.

Sáng sớm tinh mơ, khi những tia nắng len lỏi qua những tán cây còn ướt đẫm sương mai, rọi xuống đất mang đến sức sống cho một ngày mới. Chim chóc ríu rít đùa giỡn nhắng nhít phía bên ngoài. Đâu đó thấp thoáng tiếng cô bán xôi gọi mời hàng: xôi bắp, xôi gấc, xôi đậu phộng, đậu đen, đậu xanh đeeeee. Rồi tiếng mấy người đi thể dục sớm về cười đùa, nói chuyện vang vang. Tiếng í ới phía nhà bên cạnh của cô hàng xóm kêu 2 con bé dậy đi học. Tất cả hoà vào tạo nên cái âm thanh quen thuộc mỗi sáng sớm, và cũng có nghĩa là khi nghe cái âm thanh ấy thì một ngày mới cũng bắt đầu. Nó dậy từ sớm, từ lúc cái còi báo thức của doanh trại quân đội tò te tí te lúc 5 rưỡi sáng mỗi ngày. Cái còi công nhận to và vang khủng khiếp, nhà nó cách xa cả mấy trăm mét mà vẫn nghe rõ mồn một, tội nghiệp mấy chú bộ đội, đúng là nghe như thế thì không thể nào mà ngủ tiếp được, báo thức phải khủng bố và tàn nhẫn như vậy thì mới thức tỉnh được những con người lười biếng không chịu dậy. Lúc nó dậy trời vẫn chưa sáng, còn đang mờ mờ tối, vệ sinh cá nhân rồi chiên cơm ăn, đợi đến 6 giờ hơn là bắt đầu đến trường. Hôm nay lớp nó cùng mấy lớp nữa phải lên sớm để chuẩn bị bàn ghế cho buổi lễ. Ngày lễ 20-11 ở trường này thì nó cũng được tham gia bốn lần rồi nhưng mà cái làm nó háo hức nhất là hôm nay cả lớp nó sẽ tập hợp cùng đi chơi nguyên ngày. Nghĩ đến đó mà lòng nó vui khôn xiết.

Dong xe ra khỏi nhà, không khí trong lành của bình minh thực sự làm con người ta trở nên khoan khoái lạ kì. Vì thế mà những người thường xuyên dậy sớm tập thể dục sẽ có sức khoẻ tốt hơn nhiều những người ham ngủ nướng, người ngủ nướng đã bỏ lỡ mất một món quà thường ngày của thiên nhiên, cuộc sống ban tặng. Ánh nắng ban mai nhẹ dịu, lẫn trong đó là những làn gió mát khe khẽ, cái thời điểm giữa đêm và ngày, giữa nóng và lạnh, nắng vẫn chưa gắt, cái lạnh của màn đêm vẫn chưa thực sự nhường chỗ cho cái nóng của ban trưa, vậy nên mọi người ai cũng có vẻ gì đó vui tươi hơn, thoải mái hơn. Đường Trường Chinh là con dốc dài và thoải, một bên là quân đội, đối diện là nhà dân ở, con đường quen thuộc đến trường. Nó xuôi gần hết con dốc thì bắt gặp hai dáng người quen thuộc của hai đứa trong lớp, thì ra là nhỏ Thảo cùng thằng Khôi lặc. Nhà thằng Khôi gần nhà nhỏ Thảo ở trong đường Mạc Đĩnh Chi, bọn nó thân nhau từ hồi xưa lắc xưa lơ, hay đi học cùng nhau nữa. Nhỏ Thảo là lớp phó lao động của lớp nên phải đi sớm để giám sát mấy thằng con trai lao động.Ai đời, con gái lại đi xung phong đi làm lớp phó lao động, đã thế lớp phó lao động lại chẳng bao giờ “lao động” toàn sai vặt đám con trai, ức chế không biết đổ vào đâu cho hết. Nó tăng tốc nhằm bắt kịp bạn bè cho xôm tụ. Đi từ phía đằng sau lên, bỗng nó chậm lại, tròn mắt ngạc nhiên, thẫn thờ, lặng đi khi nhìn thấy vẻ đẹp ấy, chính là vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt Nam trong tà áo dài khi nhẹ nhàng thướt tha trên đường cùng chiếc xe đạp mini Nhật nữ tính. Hình ảnh cô học trò trong tà áo dài vui tươi trên chiếc xe đạp chính là hình ảnh nó thấy xinh tươi biết bao. Tà áo nhẹ bay trong gió, thấp thoáng nét dịu dàng, trong sáng, mảnh mai, tinh khôi thời thiếu nữ. Dù là ngồi lái xe hay ngồi sau một bên, sóng đôi cười nói cùng bạn bè, khi đó người con gái với tà áo dài theo nó là hình ảnh đẹp, giản dị và ấn tượng sâu sắc nhất. Đặc biệt họ còn có một mùi hương nhè nhẹ, thoang thoảng thơm, khi hít vào, đến cổ họng thì có một chút gì đó ngọt nhẹ, làm đầu óc trở nên khoan khoái và dễ chịu. Mấy thằng vẫn cứ đồn đoán, thằng thì mùi nước hoa, thằng thì nói là mùi sữa tắm, mà cũng chả thằng nào dám hỏi, chỉ âm thầm theo sau, hay lại gần để rồi len lén hít trộm một tí thôi. Thứ mùi hương đó đặc biệt chỉ có nữ sinh mới có thôi, vì đặc biệt như thế nên mỗi khi cảm nhận được cái mùi ấy thì hình ảnh, kí ức về những ngày đi học bên bạn bè lại hiện lên trong đầu. Một hương thơm bình thường bởi rất nhiều đứa có nhưng lại không tầm thường chút nào, có thể làm bọn con trai mê mẩn đến nổi ngẩn ngơ.


ao dai trang Ngọn cỏ non. Phần 2. Ngoại truyện: Nhớ ơn thầy cô 20/11


Một buổi sáng đẹp trời, ai ai cũng đều vui tươi phấn khởi, buổi lễ diễn ra trong một không khí tràn ngập tình cảm thầy trò. Kết thúc buổi lễ, cả lớp nó tập trung tại đứa bạn nhà gần trường, chuẩn bị cho chiến dịch đi thăm thầy cô đã được đám con gái lên lịch cụ thể, chi tiết. Cả lớp quây tụ dưới tán cây xanh to phía trước nhà, đứa thì đi ăn sáng, đứa thì đi lấy đồ ăn, đứa thì đi lấy quà, cất bớt xe, đám con gái thì thay nhau thay đồ bình thường để đi cho thoải mái, không khí xôm tụ, nháo nhác, rạo rực trong từng thành viên lớp. Thầy cô còn toạ đàm một lúc nữa mới về nên thời gian chờ đợi bọn nó bày ra đủ trò chơi. Trên cái khoảng sân rộng, dưới tán cây râm, gió thổi hiu hiu mát, cả đám hăng say chơi nào là nhảy bước, rồi ù quạ, vòng vịt… Đứa nào đứa nấy mồ hôi thấm đẫm, cười to, giòn tan, lúc thì vênh mặt đắc thắng, lúc lại gào thét tiếc nuối, chửi bới lẫn lộn, ồn ào cả một góc phố nhỏ, đồ rằng những người đi ngang thoáng qua rất có sẽ tưởng tượng rằng có một cuộc hỗn chiến đẫm máu đâu đây.

Mười giờ sáng, thầy Sơn chủ nhiệm gọi điện cho một đứa có điện thoại di động trong lớp thông báo thầy đã về nhà. Cả lớp nó chỉ có 3 đứa có điện thoại di động riêng, nhìn oai ra phết, đã thế còn chụp hình được nữa, đám bọn nó cứ lâu lâu lại năn nỉ mượn để về chộp hình, vì chụp hình là thứ gì đó rất xa xỉ và thú vị. Nhà thầy ở tít bên B15, kế hoạch là qua nhà thầy và ăn trưa bên đó luôn vì để đi từ trường qua đấy cũng mất cả tiếng đồng hồ. Trên đường đi sẽ tiện thể ghé qua nhà thầy Huy dạy thể dục gần trường Nội trú để tặng quà cho thầy. Thầy Huy dạy thể dục tính rất nghiêm khắc, kỉ luật như quân đội, thế nên chả đứa nào dám đi muộn hay tập uể oải. Chả bù với cô Thảo dạy nó năm lớp 9, cô hiền và toàn cho bọn nó chơi, thể dục là tiết học hít thở khí trời là chính. Lớp nó được 38 người, 18 nam và 20 nữ, cả đoàn xe là 20 chiếc vì có vài xe phải tải hàng nên đi 1 người.

Dừng lại để nói tí về ngày xưa, cái thời mà xe đạp là phương tiện phổ biến nhất dành cho học sinh. Rong ruổi trên chiếc xe đạp làm đám học sinh chúng nó càng trở nên thân thiết, vui tươi hơn, chặng đường dù xa đến mấy nhưng khi hàng 3 hàng 4 với nhau thì chẳng còn biết mệt hay nắng nữa. Những ngày 20-11 đi thăm thầy cô sẽ được kéo dài cả ngày trời, từ sáng cho đến tối muộn, mọi người dù mệt nhưng vẫn vui, không như bây giờ, khi xe điện, xe máy đã lấn áp xe đạp thì đi từ nhà thầy này đến nhà cô kia chỉ vỏn vẹn trong 5-10 phút, mạnh đứa nào đứa đó đi. Đi thăm thì có một lúc là hết, xong lại kéo nhau đi hát hò, nhậu nhẹt và rồi hết ngày. Vậy nên những thế hệ hậu bối sau này, thời đại mà xăng dầu đã thay thế cho động cơ chân sẽ không bao giờ biết được cảm giác cả một lớp là một đoàn xe đạp kéo dài, chầm chậm rải bước, vượt lên chọc phá nhau, vừa đi vừa nói chuyện, đùa giỡn. Dù nắng có to, dù gió có thổi đến nghiêng cả xe cả người, dù có gồng mình đạp xe lên những con dốc dài hay toàn lớp dắt bộ nhọc nhằn lên thì lúc đó dường như tình bạn càng trở nên thắm thiết và cảm nhận rõ rệt nhất. Chiếc xe đạp đã gắn liền với tuổi thơ, những năm tháng học trò thú vị nhất trong đời.

Đường qua nhà thầy Sơn quả là xa, cách trường chúng nó học 5km, vì cái thị xã của nó nhỏ bé lắm nên B15 là nơi mà nhiều đứa có khi còn chưa ra lần nào. Gọi B15 có lẽ bên đấy có Binh đoàn 15 quân đội. Đi qua cầu Đakbla, ra khỏi địa phận thị xã 2 bên là khoảng không rộng lớn mà những người nông dân trồng hoa màu. Vậy nên gió rất mạnh, thổi làm cho đoàn xe bọn nó nghiêng hẳn để giữ thăng bằng. Mặc dù vậy, bọn nó càng thích thú hơn, giống như được trải nghiệm sự mạo hiểm mà trước đây chưa bao giờ gặp phải. Đường dài và xa nên đoàn xe bị tách tốp ra, toàn đi trước khoảng 13-14 xe, toán nó và mấy đứa nữa mang quà nên đi chậm khỏi gió bay bị tụt lại phía sau khoảng hơn trăm mét. Nhà thầy ở đỉnh cái dốc lớn, nhìn cái dốc là đứa nào đứa nấy xanh mặt, nhọc nhằn dắt bộ lên, đám đi trước thì biết nhà nên hì hục leo dốc để nghỉ, tốp nó và mấy đứa nhiều con gái nên phải dắt bộ, đã thế lại chẳng đứa nào biết nhà nữa. Và rồi, giữa cái nắng gắt của buổi trưa miền núi, mắt của bọn nó hoa lên, chẳng nhìn rõ đám đi trước đã cua trái từ lúc nào. Bọn nó chẳng biết, cứ cắm đầu đi, đi cả sang phía bên kia dốc rồi ngơ ngác nhìn quanh không thấy đám kia đâu cả. Nắng làm mệt mỏi gào thét trong đầu tụi nó, đám con gái thì ngơ ngác tìm chỗ râm nghỉ ngơi, nó và mấy thằng còn lại chia nhau đi tìm xem đám đi trước đâu. Nhưng làm sao tìm được khi cái dốc ấy rất to và dài, đám kia thì trên đầu dốc và ở trong con đường nhỏ, còn tụi nó thì loanh quoanh phía chân dốc. Sau một hồi tìm kiếm, nó và vài thằng bạn quay lại trong sự bối rối.

Nó nói trong giọng bất lực trong hơi thở hổn hển vì nắng:

– Chịu thôi, tìm quanh rồi mà chả thấy bọn nó, hỏi người ta nhà thầy Sơn thì cũng chả ai biết.

Nhỏ Hoa chán nản nhăn nhó:

– Trời ơi cái bọn kia đi đâu mà nhanh thế trời, không đợi ai gì cả, chán quá, giờ biết làm sao đây.

Cả bọn chỉ biết nhìn nhau ngán ngẩm, bây giờ chả có cái gì mà liên lạc cả, ai cũng mệt mỏi, nắng như búa bổ trên đầu. Rồi nhỏ Hoa mặt đỏ ửng lên, mếu mếu rồi bật khóc, chắc là nhỏ tuyệt vọng lắm, chẳng biết mấy đứa còn lại đang nơi phương nào.

– Thôi không sao đâu mà, thôi nín đi, đừng lo.

– Tức quá, bọn nó đi mà không chịu đợi gì cả, tìm nhà thầy ở đâu bây giờ.

Mấy đứa tranh thủ lại an ủi nhỏ Hoa mà trong lòng cũng nao nao xen lẫn bực bội, kể ra nhỏ nói cũng đúng, bọn khỉ gió kia đi kiểu gì mà không ngó trước nhìn sau, một mạch chạy vào nhà thầy nghỉ ngơi cho sớm bỏ mặc bọn nó.

Nắng như thiêu như đốt…

Gió thổi mạnh…

Khúc đường ban trưa hoang vắng…

Biết tiến hay lùi, đi thẳng hay cua vào hẻm, sự việc càng tồi tệ hơn khi có một đứa đang khóc và một vài đứa trở nên tuyệt vọng.

Hơn nửa tiếng bơ vơ trôi qua, chẳng thấy người đi tìm kiếm cũng như chút tin tức nào, bọn nó nghĩ rằng chỉ còn cách đi về thôi. Mang một tâm hồn buồn rũ rượi dìu dắt nhau lên dốc, cả đám nhìn chẳng còn chút sức sống nào, chán nản lê từng bước mỏi mệt khi nghĩ đến cả chặng đường xa xôi phía trước.

Ngày ấy, mang tiếng là đường quốc lộ 24 nhưng đường khá nhỏ, chỉ đủ 2 làn xe ô tô chạy, bọn nó luôn luôn phải đi phần lề đất bên cạnh, cẩn thận kẻo ô tô va quẹt vô thì xui xẻo. Bây giờ đường đã được nới rộng ra rất nhiều, sạch đẹp, thoáng mát, con đường dẫn vô thành phố Kon Tum xinh đẹp, tạo ấn tượng ban đầu tốt cho hình ảnh một thành phố đang đi lên từ khó khăn.

Nhưng trong cái rủi thì cũng có cái may, kể ra thì bọn kia cũng không vô tình đến mức bỏ mặc bạn bè mình. Gần đến đầu dốc thì bọn nó gặp được một tên “tìm trẻ lạc” và thế là:

– Bọn bay đi đâu mà không đợi tụi tao hả, biết nãy giờ bọn tao tìm mờ mắt luôn không.

– Bọn bay thấy bọn tao đi lạc mà nãy giờ không lo đi tìm hả, đi thì đi cho nhanh vào.

– Mấy đứa kia đâu, sao có mình mày đi tìm bọn tao à.

Vừa thấy hắn là cả mấy chị được phen xả cơn giận, bao nhiêu uất hận, đau đớn, tủi nhục được xả ra cho hả hê, cho văng đi cái mệt mỏi thấm đẫm nãy giờ. Tội nghiệp tên “tìm trẻ lạc”, chỉ biết ú á ú ớ chứ nào biết nói câu gì trước hàng hàng con sóng trường giang, sóng sau xô sóng trước, tát ào ạt vào mặt. Rồi hắn cũng bực tức mà thanh minh:

– Thì bọn tao cũng tìm nè, tìm nãy giờ luôn ấy chứ, mà ai nghĩ bọn bay đi xa tít xuống phía dưới dốc đâu, tưởng bọn bay chưa đến nên nãy giờ tìm dưới kia xem bọn bay có lỡ cua vào đường nào không, rồi đợi nãy giờ đây này, ai bỏ mặc tụi bay đâu.

– Thôi được rồi, dẫn bọn tao vô nhà thầy đi, nghỉ tí, mệt lắm rồi.

Rồi cả đám vào nhà thầy, trong lòng đã có chút yên tâm dù vẫn còn đôi chút tức giận. Vào nhà thầy, đám con gái đến trước ùa ra chị chị em em thắm thiết lắm, cơ mà bọn nhỏ Hoa chẳng hét to như nãy, nét mặt vui mừng thấy rõ, tươi roi rói, vậy mà hồi nãy đối với con trai thì mắng nhiết không ngơi, đúng là con gái, điên cả lũ, kaka. Nhà thầy nho nhỏ, nhìn giản dị, bao quanh là khoảng sân rộng với cây cối um tùm, phía đối diện nhà thầy còn có hàng tre xanh cổ thụ tán lá rộng lớn xoè tán mát cả đường. Vì nhà thầy trong hẻm nên ít xe qua lại, phía cuối đường là trường THPT Lê Lợi, ngày đó đường còn nhỏ, khó đi nên bọn con trai tụ tập phía trước mà chơi đùa, nói chuyện, để nhà trong cho đám con gái chuẩn bị bếp núc, ăn trưa. Bữa trưa diễn ra vô cùng vui vẻ trong tiếng cười nói âm vang của cả lớp, đúng là đi chơi đông của thời học sinh là vui nhất, thích nhất, chẳng như người lớn, có những cái tôi hay gì gì đó làm những buổi họp lớp không còn vô tư, tự nhiên nữa.

– Ế ê, thằng kia trả tao miếng thịt, con trai mà đi lấy đồ ăn của con gái hả mauuuuuuuuuuuuuu !!!

– Miếng này mày không ăn thì tao ăn giùm thôi, ai lấy gì đâu.

Giọng nhỏ Thảo xé tan không khí, đi theo sau tiếng gào thét vang trời là luồng sát khí đằng đằng chỉ chờ nuốt chửng thằng Khôi khi có thể bởi miếng thịt bò trong nồi lẩu vừa được gắp ra còn nóng hổi, to và đẹp mê lòng mà bị cướp mất trắng trợn.

– Giờ tao đếm từ một đến ba không trả thì đừng hỏi tại sao nước biển lại mặn nhé, một ….. hai….

– Không, còn lâu.

Hai đứa trành giành trong tiếng cổ vũ gào thét của cả lớp, đám con trai thì theo phe thằng Khôi, con gái thì theo phe nhỏ Thảo, không bên nào chịu thua bên nào. Nhỏ Thảo sợ thằng Khôi lặc thủ tiêu mất tang chứng thì chẳng còn gì mà cãi cự nên hai tay cầm chặt tay thằng Khôi lại, đề phòng nó lủm miếng thịt.

– Hai rưỡi …. hai bảy lăm, mày có trả không, tao béo mày bầm luôn nha.

– Ấy ấy, đừng làm thế, đau lắm, thả tao ra, có miếng thịt cũng giành.

– Không trả hả, baaaaaaaaaaaaa.

Vừa dứt tiếng ba thì tay nhỏ Thảo đã nhanh chóng luồn vào eo thằng Khôi lặc mà tung tuyệt chiêu. Quả là võ công thâm hậu bởi đòn tay nhanh như ánh sáng, thằng Khôi lặc chỉ quặn người đau đớn, mặt khắc lên chữ đau to tướng, hắn chỉ biết bỏ tay ra khỏi chén mà xuýt xoa, quên đi miếng ăn nãy giờ đã anh dũng chiến đấu. Nhỏ Thảo hả hê trong tiếng cười lớn cùng những lời tung hô của đám con gái từ tốn gắp lại miếng thịt trong chén thằng Khôi. Nhưng không ngờ… một cao nhân khác đã ra tay là Nhân đen chộp lấy khoảnh khắc sơ hở nhất của hai cao thủ, đúng là thừa nước đục thả câu, hắn ta nhanh tay hơn gắp miếng thịt về chén mình trong bao ánh mắt thèm thuồng xung quanh và cả trong ánh mắt toé lửa của nhỏ Thảo. Cuộc chiến giành dựt miếng thịt kết thúc nhanh chóng khi thằng Nhân đen cho ngay miếng thịt vào mồm, thật đáng buồn sau đó nó bị hàng chục la hán chưởng hội đồng đánh sau lưng cho lòi miếng thịt ra, nhưng có vẻ hắn ta quyết tâm lắm, quyết bụm môi không đầu hàng, nuốt miếng thịt trong đau đớn và hạnh phúc.

Thầy Sơn vẫn là người chủ nhiệm nó kính yêu nhất. Thầy hát hay, giảng hay, nói cũng hay nữa. Thầy dạy bọn nó nhiều điều trong cuộc sống, thầy vui tính nhưng vô cùng nghiêm minh, công bằng. Kể về thầy thì bao nhiêu cho hết, điều làm nó nhớ nhất là ngày nhận lớp, khi lớp cử ra Khánh lồi làm lớp trưởng, thầy có hỏi:

– Sao, Khánh nhắm rằng có làm được lớp trưởng không.

– Dạ, thưa thầy, em sẽ cố gắng hết sức.

– Ừm được, thầy thích cách trả lời của em, không trả lời mạnh miệng rằng em sẽ làm được mà chỉ hứa rằng mìn sẽ cố gắng hết sức. Trong mỗi công việc, ta nên thể hiện bằng sự quyết tâm và việc làm chứ không nên nói suông, hứa lèo như vậy sẽ bị mất uy tín trước mọi người.

Lời thầy nói như gang như thép, đặt nặng vào tâm can chúng nó, vâng lời thầy, ai cũng cố gắng thật tốt, chăm ngoan để thầy không phải phiền lòng và để lớp đạt danh hiệu tốt nhất như một món quà dành cho thầy.

Tiệc cũng tàn, bọn nó nhanh chóng thu dọn chiến trường bắt đầu cuộc trường chinh tiếp theo. Lúc này đồng hồ cũng gần một giờ rưỡi, bọn nó đã đi qua cầu vào thị xã. Đường xá ban trưa thật vắng, vài xe qua lại thưa thớt, nắng chói chang làm nhà nào nhà nấy như núp núp tránh tránh chừa lại khoảng đường mênh mông, nhoà đi vì hơi nước. Cảm giác đi giữa ban trưa vắng vẻ có cái gì đó vô cùng khó tả, nó mang cảm giác buồn buồn. Bởi vì cái giờ này bình thường bọn nó sẽ ở nhà và ăn cơm với gia đình, vì cái tuổi học sinh này thì cả năm số ngày không ăn cơm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không biết bố mẹ ở nhà ăn cơm thiếu nó có buồn không nhỉ, còn nó thì lang thang, long nhòng cùng đám bạn, có đôi chút buồn thoáng qua trong con mắt nó nhưng nó cũng bị cái đám nhí nhố kia kéo lại thực tại, vui vẫn hoàn vui. Thăm cô Mai dạy địa nhà trong trường cao đẳng sư phạm, cô Mai vui tính, nghiêm khắc niềm nở đón bọn nó, cô ở tập thể nên bọn nó chẳng vô đông được, chỉ vài đứa vào được. Rồi thăm cô Hiền dạy anh văn đường Tăng Bạt Hổ, mấy cô dạy bọn nó cô nào cũng nghiêm cả.

Xong bọn nó lại mò mẫm về phía gần cầu treo nơi nhà thầy Thạnh. Nhà thầy đúng chất làng quê, cây xanh mát rượi, nhìn thầy ở nhà mà chân chất, giản dị làm chúng nó càng quý thầy hơn. Giáo viên trường Chuyên có thầy Thạnh và thầy Mãn là hai người thầy dạy văn tâm huyết, cảm xúc nhất. Hai thầy đã có tuổi, những nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt trìu mến và thân thương. Mỗi lần thầy giảng bài là thầy mang cho chúng nó thấy vẻ đẹp của tác phẩm, là những lúc hát lên bài thơ Tây Tiến, là những lúc múa võ Bình Định, là những lúc khóc khi giảng về những tác phẩm xúc động, nó ghét văn, nhưng học thầy, thầy đã mang đến cho nó những cảm xúc thật nhất của một tác phẩm, mang cho nó nhiệt huyết, tình yêu văn học. Tạm biệt thầy đi về khi thầy đứng nơi cổng vẫy chào đám trẻ, hình ảnh thầy với nụ cười phúc hậu đó không bao giờ nó quên được.

Rồi lần lượt, lần lượt bọn nó ghé qua các nhà thầy cô dạy bọn nó. Tuy có lúc phải hỏi này hỏi nọ mới tìm được nhà nhưng chẳng có chút gì mệt mỏi hiện lên gương mặt mỗi người, ai cũng vui vì được đi thăm thầy cô, được trò truyện, hiểu hơn về cuộc sống giản dị những con người mà hằng ngày bọn nó vô cùng tôn trọng. Dù chỉ ghé qua thời gian ngắn ngủi, chúc thầy cô mạnh khoẻ rồi được thầy cô dặn dò lại, có lúc lại mượn cớ xin điểm cao lên, kiểm tra dễ đi hay phổ biến nhất vẫn là xin bữa học tiếp theo sẽ không dò bài hay kiểm tra 15 phút. Tất nhiên là chẳng thầy cô nào không nhận lời đám học sinh dễ thương của mình được. Ai nấy hết thảy đều vui mừng, quả thật ngày này, 20-11 thật sự là ngày tết của thầy cô, là ngày mà có cả trăm ngươi đến thăm, tiếng cười nói giòn vang từ sáng cho đến tận tối, có những lúc mà hai ba lớp cùng đến đông không chứa nổi, cảm giác ấy chắn hẳn rằng sẽ rất hạnh phúc. Bây giờ chắc chẳng còn như xưa…

Thăm đến thầy cô cuối cùng thì cũng đã tầm 7 giờ tối, năm nào cũng vậy. Đến lúc này thì ai nấy đều thở phào trong nhẹ nhõm và mìm cười vui sướng. Cả một ngày cũng lớp đi chơi đồng thời đi thăm thầy cô, được cười nói cả ngày, mọi người chào nhau rồi chia tốp về mỗi người mỗi ngã, hẹn ngày mai đi học lại là biết bao câu chuyện chờ để ôn lại.

Mệt rồi, về nhà với mẹ thôi.



Thầy cô nhiều lắm, ai cũng có cái gì đó riêng biệt, ai cũng đáng quý và đáng được kể lại nhưng biết kể khi nào cho hết và thầy cô cũng chẳng lên đây mà đọc. Thế nên chỉ kể lại những người có ấn tượng mạnh và một vài câu chuyện nhỏ thời cấp hai. Có những người ước rằng “cho tôi một vé đi tuổi thơ”, tôi chả cần. Tuổi thơ của nhiều người là một màu đen đau khổ, họ đã vượt qua và tồn tại đến ngày nay. Tuổi thơ của tôi đẹp và hạnh phúc, tuy không được hoàn hảo như mong ước, nhưng tôi đã sống hết mình, hết những gì tôi có thể nên bây giờ dù có quay lại thì vẫn chỉ thế thôi, vì tôi không hối tiếc những gì tôi đã làm, tuổi trẻ không làm thì già hối hận, sống là chính mình, yea ^^.








knight Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới