Tin tức Việt

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Đừng khóc vào Vu Lan

Nguồn : Bình Minh Mua


tumblr_mm57ss17lo1qie5yfo1_500



Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ

Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời

Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói

Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười


(Trần Đức Huy)


Trong những ngày tháng bảy âm lịch, tôi có đọc một cuốn sách. Đó là Hãy chăm sóc mẹ của tác giả Shin Kyung-sook. Cuốn sách tôi đã biết tới khá lâu, nhưng không hiểu sao, hễ ra nhà sách nhìn thấy, đều cầm lên, sau đó lại đặt xuống. Lòng tôi có một sự chần chừ khó tả. Mãi sau này mới hiểu, đó là vì tôi sợ nước mắt.


Hai năm trước, tôi có dịp tham dự một khóa tu dành cho thanh thiếu niên ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Những bạn trẻ từ khắp mọi miền trên cả nước tụ hợp về đó, cùng ăn uống, sinh hoạt, niệm Phật, nghe Pháp trong vòng một tuần. Hàng ngày, chúng tôi được nghe các bài giảng về đạo lý làm người. Hiển nhiên, không thể thiếu được những bài học về chữ Hiếu. Cho tới giờ, những lời thầy giảng có lẽ tôi cũng chẳng nhớ hết. Chỉ riêng một điều đọng lại mãi trong tôi, đó là tất cả lũ chúng tôi đều khóc như mưa.


Gia đình, mẹ cha là điều gì đó hễ cứ nhắc tới là rơi lệ. Có khi khóc vì tủi cho số phận của mình không nhận được đủ đầy yêu thương. Có khi khóc vì nhận ra những lỗi lầm niên thiếu đã làm mẹ cha phiền lòng. Có khi khóc vì thấm thía nỗi vất vả của đấng sinh thành. Chúng ta thường khóc khi tới chùa nghe giảng, khi xem một cuốn truyện hay, một thước phim cảm động. Chúng ta khóc nhiều nhất vào Vu Lan. Chúng ta sau cùng đã hiểu ra bản thân bất hiếu tới mức nào, đã hối hận, đã (tự) hứa hẹn với lòng rằng sẽ yêu thương cha mẹ như thế nào.


Nhưng rồi, chúng ta đều quên đi rất mau.


Sau rằm tháng bảy, sau những ngày chay, sau lời kệ kinh sám hối, chúng ta trở về và tiếp tục cãi lại mẹ cha, tiếp tục lười nhác, mất hút vào những cuộc rong chơi cùng bè bạn. Chúng ta khóc ở Vu Lan, nhưng lại quên mất ngày sinh nhật của cha mẹ. Chúng ta khóc vào Vu Lan, nhưng đi học/đi làm xa cả năm chẳng gọi về lấy một lần. Chúng ta khóc vào Vu Lan, nhưng mẹ ốm ta không biết, cha đau cũng chẳng hay. Vậy thì tại sao chúng ta cứ hoang phí nước mắt của mình như thế?


Tôi bắt đầu sợ những giọt nước mắt của Vu Lan khi nhận ra nó mang lại một sự lầm tưởng về lòng hiếu thuận. Vu Lan bỗng trở thành một cơn hội hè đầu thu. Một dịp lý tưởng để người ta tụ tập, suy nghĩ về những lỗi lầm, sám hối, rơi lệ.. và cho rằng như thế là quá đủ yêu thương đối với cha mẹ mình.


Chị bạn của tôi, ngày còn là một sinh viên năm ba, ngồi trên giảng đường Đại học thì nhận được tin báo: Mẹ chị đã mất vì một tai nạn giao thông. Nhà chị chẳng khá giả gì. Hàng ngày, mẹ đi bán rau ngoài chợ để lo cho chị đi học trên thành phố. Khi nhận được tin, chị khóc òa giữa lớp rồi ngất xỉu. Một người bạn cùng học đã đưa chị về quê và phụ chị lo việc tang gia. Mỗi mùa Vu Lan sau đó, tôi cùng chị lên chùa tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng cho cha mẹ. Tới lúc người ta mang hoa đi phát, trên ngực chị là cành hoa trắng, bên tai chị là khúc ca “Lòng mẹ”, thì chị đã cầm lòng không đặng mà nước mắt lăn dài. Chị nói, chị hối hận biết chừng nào vì lúc mẹ còn sống chị thường hay cãi mẹ, chị cũng chưa đỡ đần chăm sóc mẹ được ngày nào. Giờ đây mẹ khuất núi rồi, bao nhiêu nước mắt đủ để bù lại cho những tháng ngày ngây dại ấy?


Tôi có cái may mắn của người vẫn được cài bông hồng đỏ trên ngực. Nhưng nước mắt cũng chẳng vơi đi mỗi tháng bảy Vu Lan, chẳng ngừng khóc khi nghe ai đó hát “Ơn nghĩa sinh thành”, chẳng thể không buồn khi đọc hết một lần cuốn sách của Shin Kyung-sook. Ước gì tôi đừng khóc vào Vu Lan. Ước gì những ngày tháng sống bên gia đình tôi biết suy nghĩ hơn, chăm sóc cho mẹ được nhiều hơn. Ước gì tôi thể mỉm cười an nhiên khi nghĩ về những điều mình đã làm được cho mẹ.


Khóc, hay không khóc vào Vu Lan. Rốt cuộc, tôi nhận ra, đó là vấn đề của riêng mỗi người mà thôi. Là cách chúng ta chuyện trò với nỗi lòng mình. Cha mẹ không vui hơn, cũng không buồn hơn. Tôi chỉ nghĩ mãi một điều, sao nước mắt đó không đổi thành chiều nay khi tan học, tan làm, ta về nhà sớm cùng mẹ và cha. Sao không giúp mẹ một lần xâu kim để nhận ra mắt mẹ đã yếu? Sao không giúp cha một lần bắc ghế thay cái bóng đèn chập chờn để biết chân cha đã run? Sao không thử bớt thời gian xem những clip nhạc, những gameshow để ngắm nhìn và chuyện trò cùng họ? Sao không tự hỏi ta đã bao lâu rồi không vòng tay ôm mẹ, không sà vào lòng cha? Sao ta nhẹ nhàng, ngọt ngào, khép nép với người ngoài nhưng lại quên bẵng yêu thương với những người gần ta nhất?


Thôi ta hãy ngưng khóc một lần mỗi năm cho những hối hận, dằng dai. Nếu như còn cài trên ngực áo một cành hồng đỏ thắm, xin hãy giữ gìn may mắn đó bằng những điều nhỏ nhặt thường ngày bên người thân. Còn những ai không may phải chọn về cho mình một nhành hồng trắng, xin cứ khóc đi nếu quá buốt lòng. Chỉ tiếc rằng, khi đó, người ta thương nhớ nhất đã không còn ở bên ôm lấy ta mà vỗ về được nữa.


Nhược Lạc




Đăng ký: Viet Blogs

Nguồn tin

Related Posts:

  • Mưa đời sau.Nguồn : Bình Minh Mua Những chiều đầu hè tôi thường ngồi một mình trong sân vắng. Lúc hoàng hôn xuống tiếng ễnh ương ran lên như giàn hợp xướng của ao… Read More
  • ĐêmNguồn : Bình Minh Mua Anh trở về im lặng với màn đêm cất chiếc áo phong sương, ước làm người bình dịđời quẩn quanh vô vịnhặt nhạnh nỗi cô đơn.Đăng ký… Read More
  • “Nghiện” MurakamiNguồn : Bình Minh Mua Vừa kết thúc xong “Biên niên ký chim vặn dây cót” – cuốn tiểu thuyết thứ 7 tôi đọc của Haruki Murakami được xuất bản tại Việt Na… Read More
  • Hương vị của du hành, và tình yêu..Nguồn : Bình Minh Mua (Đọc Đảo Tường Vy, An Ni Bảo Bối, Nguyễn Lệ Chi dịch, NXB Phụ Nữ) Một cô gái Trung Quốc làm một cuộc hành trình đơn độc qua Việ… Read More
  • Một tờ thưNguồn : Bình Minh Mua Gửi Phương,Bây giờ là năm rưỡi sáng, anh thức rất sớm còn thành phố vẫn ngủ im lìm. Trời hơi lạnh. Anh khoác thêm một chiếc áo r… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Nguồn Tin Mới